9 minute read
Cần tăng tốc hợp tác BIDV – Hana để tạo nên sức mạnh
THU HIềN (thực hiện)
Advertisement
Trước thềm năm mới, phóng viên Đầu tư Phát triển đã có dịp gặp gỡ ông Sung Ki Jung - Thành viên Ban điều hành BIDV - và được chia sẻ khá nhiều điều thú vị...
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho Đầu tư Phát triển! Trước hết, ông có thể chia sẻ đôi nét về bản thân mình cùng độc giả?
Xin chào quý độc giả! Tôi bắt đầu làm việc tại Hana Bank từ năm 1993. Trong khoảng 10 năm, luân chuyển qua 5 chi nhánh tại Hàn Quốc, tôi đã đảm nhận hầu khắp các mảng nghiệp vụ như huy động vốn, tín dụng, xuất nhập khẩu, ngoại hối… Sau đó, tôi chuyển về công tác tại Bộ phận kế hoạch/đánh giá khách hàng doanh nghiệp của Trụ sở chính và được cử sang làm việc tại nước ngoài, cụ thể là chi nhánh Singapore (3 năm) và Văn phòng đại diện Indonesia (4 năm rưỡi). Sau đó, tôi trở về Hàn Quốc và phụ trách công tác tại Bộ phận Kinh doanh và đầu tư toàn cầu của Trụ sở chính và Tập đoàn.
Có thể nói tôi đã được trải nghiệm đa dạng các vị trí công việc khác nhau tại Trụ sở chính và các chi nhánh trong, ngoài nước.
Hơn 1 năm trực tiếp tham gia vào hoạt động của BIDV, ông có thể đánh giá về những thế mạnh và những điểm BIDV cần điều chỉnh để trở nên hiệu quả hơn?
Là ngân hàng có lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam, BIDV có một nền tảng vững chắc về quy mô tài sản, lượng khách hàng, thương hiệu uy tín trên thị trường… Qua thời gian công tác thực tế tại đây, tôi thấy rằng BIDV là một tổ chức có nhân sự
Ông Sung Ki Jung
trẻ trung và nhiều tiềm năng phát triển. Ngoài ra BIDV có một lợi thế lớn khi tất cả các thành viên của hệ thống luôn suy nghĩ và gắn kết như một đại gia đình bằng các hoạt động đoàn thể và công tác an sinh xã hội.
Đối với những mặt BIDV cần cải thiện để phát triển hơn, tôi chỉ xin đề cập 3 điểm như sau:
Thứ nhất là cải thiện các kênh trao đổi trong công việc. Tôi nghĩ rằng các quy định liên quan đến nghiệp vụ, quản lý tổng hợp các thông tin chung cũng như các thủ tục và quy trình phê duyệt cần được cải thiện để thực hiện một cách hiệu quả hơn. Tôi cho rằng không chỉ riêng hệ thống công nghệ vật lý, mà việc hình thành văn hóa trao đổi phối hợp giữa các thành viên trong hệ thống về lâu dài sẽ là một yếu tố cạnh tranh rất quan trọng của ngân hàng. Qua đó, tốc độ xử lý công việc và năng suất lao động sẽ được nâng cao.
Thứ hai, tôi nghĩ rằng do đặc thù của ngành ngân hàng, công tác tiếp thị khách hàng nhất định phải thực hiện dựa trên cơ sở quản lý rủi ro. Hiện nay, tôi biết rằng BIDV đang nỗ lực rất nhiều để nâng cao hiệu quả và chuyên môn trong lĩnh vực quản lý rủi ro. Tôi hy vọng rằng văn hóa tiếp thị khách hàng gắn liền với công tác quản lý rủi ro sẽ được cải thiện hơn nữa để ăn sâu vào suy nghĩ và hành động của mỗi nhân viên.
Cuối cùng, trong thời đại 4.0 với sự phát triển của công nghệ thông tin, môi trường kinh doanh của ngân hàng đang có rất nhiều thay đổi. Vì vậy, tất cả các ngân hàng đang nỗ lực để thực hiện chuyển đổi số (Digital Transforamation).
Theo cá nhân tôi, triển khai số hóa (digitalization) là một quá trình mà người sử dụng có thể dễ dàng hiểu và vận dụng công nghệ bằng cách xây dựng hệ thống giúp tiếp cận dễ dàng và đơn giản (Easy & Simple), sử dụng nhanh chóng và thông minh (Speedy & Smart).
Như tôi đã nói trước đó, vì BIDV đã có sẵn một nền tảng vững chắc, nên nếu BIDV hoàn thành công tác chuyển đổi số (Digital Transforamation) sớm hơn so với các ngân hàng khác, BIDV sẽ còn phát triển vượt bậc, không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn khẳng
định vị thế trên thị trường quốc tế. Đây thực sự là một lĩnh vực còn rất nhiều việc phải làm.
Bên cạnh những điều đã chia sẻ, ông có thể gửi tới đội ngũ cán bộ BIDV những lời khuyên gì để phát triển hơn nữa?
Trước hết, tôi muốn gửi tới đội ngũ cán bộ nhân viên trẻ của BIDV một câu châm ngôn: “Nếu suy nghĩ và công việc của ngày hôm nay cũng lặp lại giống ngày hôm qua thì ngày mai cũng sẽ chẳng khác gì ngày hôm qua”. Thế hệ trẻ cần có tâm thế luôn sẵn sàng học hỏi và đối diện với những thử thách mới. Thông qua việc tích lũy kinh nghiệm từ việc học và đương đầu với những thử thách mới, bạn sẽ gặp được những cơ hội mới. Cho dù đó là những cơ hội nhỏ, nhưng qua đó, các bạn sẽ có được quá trình và kinh nghiệm để trưởng thành
Tôi muốn khuyên các bạn rằng hãy đầu tư thời gian và tích lũy kinh nghiệm bằng cách làm những việc bạn muốn và những việc mà bạn quan tâm, muốn thử thách bản thân. Cho dù là trong lĩnh vực nào, bản thân việc quyết tâm học hỏi và thử thách với những điều mới là điều quan trọng và tôi nghĩ rằng kết quả của quá trình này chính là sự trưởng thành của mỗi cá nhân.
Nếu tất cả những nhân viên đều cùng cố gắng vì một ngày mai tươi sáng hơn, tôi tin rằng các bạn sẽ đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của BIDV.
Ông có thể chia sẻ những kỳ vọng của ông vào mối quan hệ hợp tác BIDV - Hana trong năm 2021?
Tôi e rằng trong thời gian tới, Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác giao lưu, trao đổi nhân lực sẽ diễn ra hiệu quả nhất khi mọi người được gặp mặt, trao đổi trực tiếp với nhau. Và tôi rất lấy làm tiếc vì năm ngoái, chúng ta đã không thể thực hiện được điều này. Nếu như năm nay, Covid-19 được kiểm soát, tôi hy vọng rằng cán bộ của hai ngân hàng có thể thường xuyên thăm hỏi và giao lưu, để tăng cường cơ hội chia sẻ và trao đổi văn hóa doanh nghiệp cũng như thế mạnh của hai bên.
Có thể nói, mục đích và ý nghĩa của việc Ngân hàng Hana cử nhân sự sang làm việc tại BIDV là để cùng xúc tiến và tạo nên những thành quả hợp tác, đóng góp vào sự phát triển của BIDV. Nhìn lại năm 2020, xét trên phương diện tiến độ, có vẻ quá trình triển khai hợp tác diễn ra khá chậm. Tôi hy vọng năm nay quá trình triển khai các dự án hợp tác sẽ được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn . 41 dự án hợp tác của năm 2021 đã được Ủy ban Hợp tác chiến lược BIDV-KEB Hana thông qua. Và tôi được biết rằng, các Ban/Trung tâm của BIDV và các nhân sự phái cử của Hana Bank đã phải thảo luận và hội ý rất nhiều để thống nhất chọn ra các đề xuất này. Vì hai bên đã thảo luận kỹ càng nên tôi tin rằng việc triển khai các đề xuất hợp tác sẽ diễn ra nhanh chóng và mang lại những kết quả tốt.
Ông có cảm nhận như thế nào về văn hóa, con người Việt Nam? Ông đã gặp những khó khăn gì khi sinh sống và làm việc tại Việt Nam?
Theo dòng lịch sử, Việt Nam - Hàn Quốc có rất nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã bắt đầu công cuộc phát triển kinh tế cận đại sớm hơn Việt Nam và được đánh giá là quốc gia thực hiện thành công quá trình này, hay còn gọi là “Kỳ tích sông Hàn”. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng là một quốc gia phát triển kinh tế thành công như vậy với việc thống nhất đất nước vào năm 1975 và bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới từ năm 1986.
Đến với Việt Nam, tôi rất vui khi cảm nhận được tình cảm và sự siêng năng của người dân Việt Nam thật sự giống người Hàn Quốc.
Khó khăn lớn nhất của tôi khi sinh sống tại Việt Nam là tiếng Việt rất khó. Khi làm việc tại Indonesia, tôi đã có thể giao tiếp thông thường bằng tiếng Indonesia. Nhưng ở Việt Nam thì thật khó để làm được như vậy. Nếu biết ngôn ngữ bản địa sẽ có thể dễ dàng sinh hoạt và hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam, nhưng chưa nói đến việc giao tiếp được như người Việt, việc giao tiếp thông thường cũng đã rất khó với tôi.
Cảm nhận của ông về Tết cổ truyền Việt Nam như thế nào? Ông có thể chia sẻ đôi chút về kế hoạch đón Tết Nguyên đán Tân Sửu?
Ở Hàn Quốc, Tết Nguyên đán cũng là một trong những ngày lễ lớn nhất. Cùng với Trung thu, Tết Nguyên đán cũng là kỳ nghỉ dài (3 ngày). Và cũng giống như Việt Nam, đây là dịp để gia đình đoàn viên. Do Covid-19, Tết năm nay, tôi không thể về Hàn Quốc được và đây là lần đầu tiên tôi không đón năm mới cùng với gia đình mình.
Cá nhân tôi cũng không có kế hoạch gì đặc biệt cho dịp Tết. Năm ngoái tôi đã đi bộ 1 lần, đi xe đạp 2 lần không nghỉ quanh Hồ Tây. Dịp Tết năm nay, có nhiều thời gian rảnh hơn, tôi dự định sẽ thử đi bộ 2 vòng quanh Hồ Tây và đi chơi golf với những người bạn của mình.
Năm nay, tôi sẽ học thêm tiếng Việt nhiều hơn và hy vọng có thể giao tiếp được với nhân viên bằng tiếng Việt, nhưng tôi nghĩ việc này quả thực không dễ. Và tôi cũng hy vọng, Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát để gia đình tôi có thể sang Việt Nam và tôi sẽ được đoàn tụ với gia đình mình.
SUNG KI JUNG - Thành viên Ban điều hành BIDV
Xin cảm ơn ông!