7 minute read
Tích cực góp phần chống biến đổi khí hậu
TÍCH CỰC GÓP PHẦN
CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Advertisement
PHƯƠNG ANH – NGỌC ANH Tiếp nối các nội dung hợp tác giữa BIDV và Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Bản Ghi nhớ hợp tác thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đầu tháng 11/2022 vừa qua, Đoàn công tác BIDV do Phó Tổng Giám đốc Trần Long làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập với tư cách là thành viên của Đoàn công tác của Việt Nam tại sự kiện.
Đoàn công tác BIDV chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu Đoàn công tác Việt Nam tại COP27
COP 27 VÀ THÔNG ĐIỆP CÙNG NHAU HÀNH ĐỘNG
Nếu như dấu ấn của Hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow – Vương quốc Anh là những cam kết của các quốc gia và tổ chức, thì Hội nghị COP27 có thông điệp xuyên suốt: “Cùng nhau hành động”, tập trung vào các thảo luận, trao đổi song phương, đa phương nhằm hướng đến mục tiêu chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể. Trên cơ sở đó, đến với Hội nghị COP27, Đoàn công tác Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu có 3 nhiệm vụ chính: Một là: cùng các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu bàn thảo đưa các cam kết và cơ chế đã được thỏa thuận đi vào thực hiện; Hai là thể hiện vai trò tiên phong của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số; và ba là xúc tiến các trao đổi để Việt Nam huy động các nguồn lực và học hỏi kinh nghiệp các đối tác phát triển, đồng thời tham gia vào các sáng kiến như huy động nguồn lực tài chính và quá trình chuyển đổi năng lượng.
Là Ngân hàng Việt Nam tiên phong đồng hành cùng Bộ Tài nguyên & Môi trường thúc đẩy tài chính bền vững thông qua Bản Ghi nhớ hợp tác đã ký giữa hai bên, BIDV đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, tham dự các buổi họp do Bộ Tài nguyên & Môi trường chủ trì, đồng thời thực hiện các cuộc họp song phương với các đối tác Cơ quan
Tiền tệ Singapore (Ngân hàng trung ương – MAS), Tập đoàn Citigroup, Ngân hàng Standard Chartered Bank, Sàn giao dịch Climate Impact X, đại diện Chính phủ Vương quốc Anh, và các đối tác khác. Qua đó, BIDV đã có cơ hội giới thiệu tới các đối tác, nhà tài trợ nước ngoài năng lực và kinh nghiệm triển khai nguồn tài trợ quốc tế của BIDV, chủ động khai thác và đề xuất các cơ hội triển khai các cơ chế hợp tác tài chính với các bên liên quan nhằm giúp Việt Nam thực hiện các cam kết về khí hậu, hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và thúc đẩy hình thành thị trường các-bon trong nước. Đoàn công tác cũng có cơ hội lắng nghe các chia sẻ kinh nghiệm từ đối tác quốc tế về cơ cấu quản trị và cơ cấu tổ chức để triển khai ESG, chuẩn hóa quy trình, chính sách và hệ thống để triển khai các sản phẩm tài chính bền vững.
BIDV- TÌM KIẾM CƠ HỘI HỢP TÁC TRIỂN KHAI TÀI CHÍNH XANH
Đặc biệt trong khuôn khổ các cuộc họp đa phương, BIDV vinh dự được cùng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà tham dự Hội nghị Bàn tròn về thu hút tài chính hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu, do Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Glasgow Financial Alliance for Net Zero, GFANZ) tổ chức. GFANZ hiện là liên minh các tổ chức tài chính lớn nhất trên thế giới về hỗ trợ quá trình trung hòa các-bon, ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia trên thế giới, gồm 450 tập đoàn và ngân hàng từ 45 quốc gia, quản lý khối tài sản trị giá hơn 130 nghìn tỷ đô la. Hội nghị GFANZ tại COP27 có sự tham gia ông Alok Shama, Chủ tịch COP26; ông Rick Duke, phó đặc phái viên Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu; ông Mark Carney, Chủ tịch Liên minh GFANZ; ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu; đại diện các ngân hàng phát triển đa phương (Ngân hàng Thế giới; Ngân hàng Phát triển Châu Á) và các định chế tài chính quốc tế như Citi Group, HSBC, SCB,.... Các bên đã cùng thảo luận với Đoàn công tác của Việt Nam về những lĩnh vực chính có thể hợp tác trong tương lai cũng như tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai tài chính xanh, bền vững tại Việt Nam.
Thông qua Hội nghị GFANZ, BIDV đã có cơ hội nắm bắt thông tin về Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership, JETP) giữa Chính phủ Việt Nam với nhóm Đối tác quốc tế. Đóng góp ban đầu cho JETP của Việt Nam bao gồm cam kết 7,75 tỷ USD từ IPG, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC). Nhóm các tổ chức tài chính tư nhân do GFANZ điều phối cam kết nỗ lực huy động và tạo điều kiện bổ sung một khoản đối ứng 7,75 tỷ USD, trong đó có Bank of America, Citi, Deutche Bank, HSBC, Macquarie Group, Mizuho, MUFG, Prudential PLC, Shinhan, SMBC, Standard Chartered. Nhân sự kiện của Hội nghị, BIDV cũng tái khẳng định mong muốn được đóng vai trò là Ngân hàng trung gian trong nước đồng hành và phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường và các cơ quan Bộ ngành liên quan để triển khai các nguồn tài trợ theo cam kết của JETP tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, BIDV cũng đã có buổi làm việc song phương với Quỹ Khí hậu xanh (Global Climate Fund, GCF), là Quỹ tài chính khí hậu lớn nhất thế giới, được thành lập vào năm 2010 trong Khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu với mục tiêu tạo lập một quỹ trị giá 100 tỷ USD để hỗ trợ cho những hoạt động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Trong khuôn khổ cuộc họp, hai bên đã có những trao đổi tích cực về các đề xuất của BIDV trong việc hợp tác với GCF, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trung dài hạn từ GCF cho các dự án xanh.
Bên lề Hội nghị COP27, Đoàn công tác BIDV cũng đã tham gia chứng kiến Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về triển khai giảm phát thải các-bon và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và phục hồi sau đại dịch COVID-19, những nỗ lực của Việt Nam nhằm triển khai cam kết sau Hội nghị COP26 thông qua việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia thực hiện cam kết của Việt Nam về COP 26, phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, cập nhật Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) là điểm sáng tại Hội nghị COP27 lần này. Chính vì vậy, tại COP27, chương trình làm việc với các đối tác phát triển và tổ chức quốc tế đã giúp Đoàn Việt Nam nói chung và BIDV nói riêng có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với các tổ chức quốc tế và định chế tài chính hàng đầu để bàn về cơ chế chính sách tài chính và cách thức huy động nguồn lực cho tài chính xanh, phát triển bền vững của Việt Nam.