
8 minute read
10 dấu ấn thị trường liên ngân hàng Việt Nam năm 2022
CĂNG THẲNG NGA-UKRAINE LÀ CHẤT XÚC TÁC CHO MỘT CHUỖI BIẾN ĐỘNG MẠNH CỦA MÔI TRƯỜNG KINH TẾ QUỐC TẾ
01Tưởng chừng xu hướng hồi phục của nền kinh tế từ năm 2021 sẽ tiếp tục được kéo dài, những “hung tin” trong năm 2022 mà tiêu biểu là cuộc xung đột chính trị Nga – Ukraine đã dội một gáo nước lạnh vào những hi vọng ấy. Có thể nói, chiến sự tại Ukraine là yếu tố khởi phát cho một dãy domino, đẩy mặt bằng giá lương thực và năng lượng đồng loạt tăng vọt, đưa lạm phát tại các nền kinh tế lớn lên mức cao nhất nhiều thập kỷ. Quan điểm lạm phát “tạm thời” theo đó đã hoàn toàn bị đập tan, kéo theo xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ với một tốc độ nhanh hiếm có trong lịch sử. Dẫn đầu xu hướng “diều hâu” là Fed với mức tăng tổng cộng 400-450 điểm lãi suất xuyên suốt năm 2022, trong khi ECB cũng lần đầu sau 11 năm tăng lãi suất điều hành và kết thúc kỷ nguyên lãi suất âm, với mức tăng tổng cộng 200 điểm lên quanh khoảng 1,5%. 02 Bối cảnh tâm lý thị trường kém tích cực kết hợp với xu hướng điều hành theo chiều hướng thắt chặt mạnh mẽ của Fed là môi trường thuận lợi đối với đồng USD. Cụ thể, chỉ số DXY ghi nhận tăng mạnh 9-10% trong năm 2022, song song với đà tăng của lợi suất trái phiếu Mỹ với mức tăng khoảng 200 điểm so với thời điểm cuối năm 2021. Ở chiều ngược lại, các đồng tiền lớn như EUR, JPY hay CNY đều tỏ ra yếu thế, với mức giảm từ 7-18% trong giai đoạn 11 tháng đầu năm 2022.
Advertisement
KINH TẾ VIỆT NAM TRÊN ĐÀ HỒI PHỤC, SONG CŨNG KHÔNG TRÁNH KHỎI NHỮNG THÁCH THỨC TỪ MÔI TRƯỜNG TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ
03 Kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận sự phục hồi khá tích cực trong năm 2022, với sức bật đến từ việc kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và tái mở cửa mạnh mẽ nền kinh tế sau đại dịch. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu
THỊ TRƯỜNG LIÊN NGÂN HÀNG VIỆT NAM NĂM 2022
BAN KINH DOANH VỐN & TIỀN TỆ
năm 2022 đạt mức 8,8%, và dự kiến cả năm đạt hơn 8%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Mặc dù vậy, bên cạnh câu chuyện tăng trưởng phục hồi, nền kinh tế vẫn tồn tại những điểm nghẽn về môi trường kinh doanh, trong đó đặc biệt là diễn biến ảm đạm trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm. 04 Dưới sức ép đến từ giá hàng hóa quốc tế tăng cao, chuỗi cung ứng căng thẳng, cộng hưởng với sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước, áp lực lạm phát trong nước đã có xu hướng gia tăng rõ rệt theo thời gian. Cụ thể, tốc độ lạm phát so với cùng kỳ năm trước đã tăng từ mức 1,9% vào tháng 1/2022 lên tới gần 4,4% vào tháng 11/2022, trong khi lạm phát cơ bản cũng tăng lên tới 4,8% - cao nhất kể từ năm 2015. Tuy nhiên xét tổng thể, áp lực lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát khi mức lạm phát bình quân của cả năm 2022 dự kiến ở mức 3,1-3,2%, dưới mức mục tiêu 4% mà Chính phủ đặt ra.
NHNN ĐỨNG TRƯỚC BÀI TOÁN CÂN NÃO, ĐÒI HỎI NHỮNG DỊCH CHUYỂN LINH HOẠT ĐỂ ĐẢM BẢO CÁC MỤC TIÊU ĐIỀU HÀNH.
05 Trước sức ép bủa vây từ môi trường vĩ mô quốc tế cũng như trong nước, NHNN Việt Nam đã có một năm điều hành vô cùng bận rộn để đảm bảo các mục tiêu điều hành của mình. Cụ thể, chính sách tiền tệ của NHNN đã dịch chuyển mạnh mẽ từ nới lỏng sang thắt chặt rõ nét hơn kể từ cuối tháng 6 với mục tiêu ưu tiên là ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát thông qua một loạt các giải pháp, bao gồm điều chỉnh tăng mạnh mặt bằng lãi suất điều hành, điều tiết cung tiền thận trọng hơn, đồng thời vẫn duy trì hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng tại những thời điểm căng thẳng qua kênh thị trường mở, tái cấp vốn. Về chính sách tỷ giá, NHNN cũng kết hợp nhiều công cụ khác nhau để bình ổn thị trường như bán ngoại tệ giao ngay/kỳ hạn cho các NHTM, tăng biên độ tỷ giá giao ngay, điều chỉnh linh hoạt tỷ giá bán ra phù hợp với điều kiện thị trường.
TỶ GIÁ USD/VND GHI NHẬN ÁP LỰC TĂNG MẠNH NHẤT TRONG HƠN 10 NĂM QUA
06 Năm 2022 là một năm đáng nhớ và đầy cam go của thị trường ngoại hối Việt Nam khi chứng kiến những biến động lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo đó, tỷ giá USD/VND đã chịu áp lực tăng rất mạnh, có thời điểm tăng tới 9% so với cùng giai đoạn 2021 trước khi đà tăng hạ nhiệt xuống còn khoảng 4-5% dần về cuối năm. Trong giai đoạn vị thế của đồng USD được củng cố mạnh mẽ, đà giảm của đồng tiền Việt Nam nhìn chung khá tương đồng với xu hướng chung của các đồng tiền trên thế giới. 07 Áp lực đến với tỷ giá bắt nguồn từ cả yếu tố bên ngoài và bên trong. Bên cạnh môi trường quốc tế kém thuận lợi như đã đề cập ở trên, cân đối cung - cầu ngoại tệ trong nước cũng chuyển sang xu hướng thâm hụt rất lớn, lên tới hơn 20 tỷ USD. Các cấu phần cơ bản của cán cân thanh toán vẫn khá tích cực như cán cân thương mại hàng hóa thặng dư hơn 10 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 22 tỷ USD; tuy nhiên một số cấu phần lại chuyển dịch tiêu cực rõ nét như kiều hối hay chuyển lợi nhuận của khối doanh nghiệp nước ngoài về nước. Hơn nữa, tâm lý thị trường cũng trở nên thận trọng hơn rõ nét, kích hoạt nhu cầu mua ngoại tệ kỳ hạn nhằm bảo hiểm rủi ro, trong khi xu hướng găm giữ ngoại tệ cũng gia tăng song song với đà tăng mạnh của đồng USD.

MẶT BẰNG LÃI SUẤT CHÍNH THỨC ĐẢO CHIỀU BẬT TĂNG TRÊN CÁC THỊ TRƯỜNG
08 Năm 2022 cũng là một năm vô cùng sóng gió trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng khi đánh dấu giai đoạn tăng mạnh nhất của mặt bằng lãi suất VNĐ trong nhiều năm gần đây. Cụ thể, sau những tháng đầu năm khá thong dong ở vùng thấp 1-2%/năm với kỳ hạn O/N – 1W, lãi suất VNĐ liên ngân hàng đã đảo chiều, bật tăng mạnh mẽ thêm 4%/năm từ cuối tháng 6 và đưa mặt bằng lãi suất lên mức cao nhất trong vòng 4 năm gần đây. Có thể thấy thanh khoản VNĐ của hệ thống ngân hàng đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ trong năm 2022 do dòng tiền liên tục bị hút về NHNN qua kênh tín phiếu và bán ngoại tệ, đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10 khi chính sách tiền tệ của NHNN chuyển dịch theo hướng thắt chặt rõ nét. Ước tính đến cuối năm 2022, tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt khoảng 7-8% - mức thấp nhất kể từ 2016 và và thấp hơn đáng kể so với mức tăng 15-16% của tín dụng. 09 Lãi suất USD trong nước cũng ghi nhận bước tăng kỷ lục khoảng hơn 400 điểm lên quanh mức 4,4-4,6%/năm tại kỳ hạn O/N-1W. Về cơ bản, diễn biến của lãi suất USD trong nước bám rất sát lộ trình tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát của Fed. Ngoài ra, tình trạng kém dồi dào của thanh khoản USD trong nước do nguồn cung ngoại tệ kém thuận lợi cũng là yếu tố cộng hưởng tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất USD trong giai đoạn này. 10 Đối với thị trường TPCP, sau hơn một thập kỷ xác lập xu hướng giảm liên tục, lãi suất TPCP đã chính thức ghi nhận sự đảo chiều mạnh mẽ với mức tăng khoảng 2,6-2,8%/năm ở kỳ hạn 10-15 năm lên quanh khoảng 4,9-5,0%/năm – mức cao nhất kể từ 2019. Nhìn chung, các yếu tố tác động có thiên hướng tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất TPCP như đà tăng mạnh của lãi suất TPCP quốc tế, sự dịch chuyển chính sách theo hướng thắt chặt rõ nét hơn và diễn biến căng thẳng của thanh khoản VNĐ. Yếu tố hỗ trợ duy nhất đối với lãi suất có lẽ đến từ phía nguồn cung với diễn biến tích cực hơn kỳ vọng của cân đối ngân sách và qua đó chưa tạo áp lực đáng kể đối với công tác điều tiết phát hành của KBNN trong năm nay. Dự tính kết thúc năm 2022, KBNN sẽ phát hành khoảng 210-220 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 54% kế hoạch đầu năm và cơ bản bám sát con số ước tính của KBNN thời điểm tháng 11/2022.