18 minute read

GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH MỚI CHO GIỚI THƯỢNG LƯU

PRIVATE BANKING

Trong bối cảnh giới siêu giàu Việt Nam đang tăng trưởng ngày một ấn tượng cả về số lượng lẫn khối lượng tài sản và chưa có dấu hiệu dừng lại, ngành tài chính - ngân hàng trong nước cần dịch vụ toàn diện, mang tính cá nhân hóa cao nhằm đáp ứng nhu cầu khắt khe của tầng lớp thượng lưu. Private Banking ra đời như một đáp án hoàn hảo dành cho những ai đang tìm kiếm một giải pháp tài chính chuyên biệt vượt mọi kỳ vọng của những triệu phú.

Advertisement

HIGH NET WORTH INDIVIDUAL NHỮNG TRIỆU PHÚ ĐÔ LA

Là khái niệm quen thuộc trong giới tài chính thế giới, High Net Worth Individual (HNWI) là cá nhân có tài sản lưu động cao hơn một con số nhất định, được đo lường bởi tài sản có giá trị ròng và thanh khoản cao thuộc sở hữu của cá nhân hoặc gia đình người đó. Theo một số thông tin, con số được “đồn thổi” để được tham gia câu lạc bộ số 1 thế giới này ước tính khoảng 1 triệu đô la cho tổng giá trị tài sản. Và hơn thế nữa, các cá nhân có giá trị tài sản ròng ít nhất là 5 triệu đô la sẽ được phân loại vào nhóm Very-High Net-Worth Individual (VHNWI) – Cá nhân có giá trị ròng rất cao và những người có tài sản đầu tư ít nhất 30 triệu USD, thường không bao gồm tài sản cá nhân và tài sản như nhà ở, đồ sưu tập và đồ dùng tiêu dùng, sẽ là nhóm Ultra-high net-worth individual (UHNWI) - Cá nhân có giá trị ròng cực cao.

Với khối tài sản khổng lồ có thể lên đến hàng chục triệu USD và thậm chí là nhiều hơn thế nữa, những cá nhân này thường yêu cầu ngân hàng cung cấp các dịch vụ tài chính riêng để quản lý các khoản đầu tư, lập kế hoạch mua bán bất động sản hay lập kế hoạch báo cáo thuế cũng như giải pháp để duy trì và bảo vệ tài sản của mình. High Net Worth Individual (HNWI) không sử dụng ngân hàng thông thường để quản lý tài sản, đầu tư vào các quỹ tương hỗ cũng chỉ là một phần nhỏ. Họ thường được phục vụ bởi những dịch vụ ngân hàng cá nhân bí mật để giữ và quản lý giúp họ trong việc nắm giữ khối tài sản hiện hữu.

Theo “Báo cáo Thịnh vượng” mới nhất của CapGemini and RBC Wealth Management thì giới triệu phú thế giới phân bố tài sản theo tỉ lệ như sau: 26,8% dưới dạng vốn sở hữu (equity) – là dạng cổ phần, cổ phiếu trong các công ty, đơn vị kinh doanh; 25,6% tiền mặt hoặc tương đương; 17,6% là bất động sản (không tính bất động sản đang ở); 16,9% là thu nhập cố định (lương, lợi tức…) và 13,0% là các đầu tư khác (như các quỹ tương hỗ, ngoại tệ, chứng khoán phái sinh, hàng hóa hay vốn sở hữu tư nhân). Đối với từng danh mục lại có sự phân bố tương đối khác biệt, ví dụ như các triệu phú Nhật Bản lại thích giữ tiền mặt hơn hẳn so với các khu vực khác, họ giữ 37,1% tài sản dưới dạng tiền mặt trong khi chỉ bỏ 11,9% vào bất động sản. Các HNWI ở Bắc Mỹ thì lại đầu tư nhiều vào kinh doanh dưới dạng sở hữu cổ phần trong các công ty, trong khi đó các triệu phú ở Châu Á Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) thì chia các nguồn đầu tư, tài sản tương đối đồng đều.

Theo báo cáo của CapGemini World Wealth Report, tính đến năm 2017, Hoa Kỳ có nhiều HNWI nhất trên thế giới, với hơn 5,28 triệu người và tăng 10% từ năm 2016. 61,2% dân số HNWI toàn cầu cư trú tại bốn quốc gia: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức và Trung Quốc. Quốc gia chính có mức tăng lớn nhất trong dân số HNWI năm 2017 là Ấn Độ, tăng 20% so với năm 2016. Hàn Quốc có mức tăng trưởng tốt thứ hai, với mức tăng 17%. Bắc Mỹ có 31,3% dân số thuôc diện HNWI và châu Á-Thái Bình Dương có 34,1%. Trong dân số HNWI ở Bắc Mỹ, Hoa Kỳ chiếm 96% dân số HNWI của lục địa này.

Châu Âu tăng 7,3% trong dân số HNWI năm 2017, Đức tăng 7,6%. Ireland có mức tăng dân số HNWI cao nhất châu Âu, đạt 15,3%. Trong khi đó, dân số HNWI ở Anh chỉ là 1,2%.

Sở hữu dân số trẻ và lượng người siêu giàu không ngừng tăng theo thời gian, Việt Nam hứa hẹn góp mặt trong top 5 quốc gia phát triển nhanh nhất trong năm năm tới đây. Theo Wealth Report, Báo cáo Thịnh Vượng năm 2019 của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, với tốc độ gia tăng số lượng người siêu giàu là 31% ngang bằng Malaysia, Việt Nam chỉ kém Ấn Độ (39%), Phillipines (38%), Trung Quốc (35%) và Indonesia (32%). Dự báo đến năm 2023, số lượng triệu phú USD của nước ta sẽ chạm mốc 15.776 người.

PRIVATE BANKING GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN

Không còn quá xa lạ, Private Banking xuất hiện như một dịch vụ ngân hàng cá nhân dành cho tầng lớp thượng lưu, nhằm phục vụ các cá nhân có tài sản lớn (High Net Worth Individual - HNWI). Với những cá nhân có tài sản lớn và giá trị cao, họ thường quan tâm nhiều đến việc quản lý khối tài sản và đầu tư đúng cách. Xuất phát từ thực tế đó, các Private Banking được ra đời để đáp ứng nhu cầu này một cách tốt nhất. Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư độc quyền và quản lý khối tài sản của từng khách hàng, những ngân hàng tư nhân này còn thay mặt khách hàng đầu tư sinh lợi nhuận. Ngoài ra, dịch vụ này còn cung cấp các giải pháp tài chính chuyên ngành, báo cáo theo tháng, cơ hội đầu tư, lập kế hoạch nghỉ hưu cũng như chuyển giao tài sản cho các thế hệ tương lai.

Private Banking cũng có nhiều cấp độ phân tầng, có những ngân hàng chấp nhận khoản tiền gửi chỉ khoảng 50.000 USD đã có thể trở thành khách hàng thượng lưu. Một số Private Banking khác chỉ nhận khoản ký gửi từ 500.000 USD trở lên. Và tùy vào mức độ tiền gửi, các cá nhân sẽ được cung cấp các cơ hội đầu tư khác nhau, chẳng hạn như đầu tư vào các quỹ phòng hộ và bất động sản hoặc mua cổ phần của các công ty lớn. Một vài cái tên Private Banking trên thế giới có thể nhắc đến đó là UBS, Merrill Lynch, Morgan Stanley và Credit Suisse.

Ngay từ tên gọi của dịch vụ, có thể thấy quyền riêng tư là một trong những vấn đề được đề cao nhất của Private Banking. Tại đây, các giao dịch và dịch vụ khách hàng thường được ẩn danh. Dịch vụ và giải pháp cũng không cố định theo luật lệ mà được tùy biến theo mỗi trường hợp khách hàng khác nhau, làm sao để bảo mật, thỏa mãn được nhu cầu khách hàng là điều quan trọng nhất.

NƠI CÓ PRIVATE BANKING NỔI TIẾNG NHẤT THẾ GIỚI

Bất chấp hiện tượng toàn cầu hóa, thuật ngữ Private Banking không phải là một khái niệm hoàn toàn tổng quan mà được diễn giải theo nhiều cách, tùy thuộc nền văn hóa nơi nó hiện diện cũng như được quy định bởi sự khác biệt trong quá trình phát triển của những thị trường tài chính và các nền tảng pháp lý của các quốc gia khác nhau.

Thụy Sỹ: Hoạt động ngân hàng là nền tảng kinh tế giúp quốc gia nhỏ bé bên dãy Alps trường tồn, đồng thời cũng là một phần không thể tách rời trong sự nhận diện về văn hóa quốc gia của chính thể này. Như là một lĩnh vực ngấm trong máu người Thụy Sỹ, ngành ngân hàng tiếp tục phát triển thịnh vượng, ngành công nghiệp của quốc gia trải qua những thay đổi với quy mô rộng. Trong quá khứ, vào những thời kỳ bất ổn chính trị, chiến tranh và các chế độ thuế má hủy diệt, các ngân hàng tư nhân thực thi vai trò của tổ chức giữ tiền. Nhờ lịch sử lâu đời và sự ổn định của mình, hiện nay, Private Banking của Thụy Sỹ chiếm vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực quản lý đầu tư. Sự trung lập nổi tiếng, tính bảo mật của quốc gia này cùng dân số nói bằng nhiều thứ tiếng là những yếu tố tạo ra các điều kiện tốt hơn cho việc phục vụ các khách hàng giàu có trên toàn thế giới một cách chuyên nghiệp. Hoa Kỳ: Trong lịch sử phát triển, Hoa Kỳ chưa một lần phải trải qua nạn xâm lăng về quân sự từ các nước khác. Hơn thế nữa, xứ sở cờ hoa cũng không phải chịu đựng các giai đoạn trường kỳ của sự đình trệ kinh tế hay các khoản nợ thuế nặng nề. Phát triển vững vàng trong điều kiện thị trường tài chính ổn định, cũng như hệ thống chính trị ổn định và sự thịnh vượng về kinh tế, tuy nhiên, khái niệm Private Banking tại đây đã bị tác động mạnh bởi nhiều yếu tố khác như sự sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1929. Điểm đặc biệt của hệ thống Private Banking tại Mỹ là sự hiện diện của các nhóm môi giới chứng khoán – những người sẵn sàng được gọi là các ông chủ ngân hàng tư nhân hay chuyên gia quản lý tài sản và thu hút vốn từ các nhà đầu tư.

Anh: Chưa bao giờ một đế chế hùng mạnh từng chinh phục cả nửa địa cầu như nước Anh lại trở thành một quốc gia châu Âu bình thường đang phải hứng chịu phần lớn từ hậu quả của cuộc khủng hoảng. Mảng private banking của Anh đã đánh mất vinh quang của một thời vàng son khi gánh chịu thiệt hại nặng nề từ sự vỡ nợ của Argentina vào cuối thập niên 90 và khủng hoảng thế chấp của Mỹ vào năm 2008. Kết quả là các ngân hàng tư nhân như Barings, Coutts và Hoare & Co đã bị thâu tóm bởi các tập đoàn lớn, cho dù mảng ngân hàng Anh chuyên cung cấp dịch vụ cá nhân vẫn tiếp tục duy trì được mức độ thành công.

Mâu thuẫn về quyền lợi xuất hiện trong mảng phục vụ khách hàng và mong muốn cùng lúc đạt mức doanh thu chấp nhận được đối với chủ doanh nghiệp – đây là nhiệm vụ phức tạp mà các ngân hàng Anh phải đối mặt. Về nguyên tắc, mô hình Private Banking của Anh rất giống mô hình của Mỹ, trong đó các yếu tố cơ bản chính là hoạt động mua bán cổ phiếu cùng các loại hình dịch vụ khác nhau trong lĩnh vực ngân hàng.

Singapore: Tại châu Á, khái niệm này xuất hiện cùng lúc với sự hiện diện của tiền giấy và các ngoại tệ khác. Mặt khác, lịch sử lâu đời của ngành ngân hàng đã bị gián đoạn bởi sự hiện diện của chính quyền cộng sản tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Tận dụng sự chuyển đổi thành công về chính trị cũng như chủ nghĩa thế giới của mình, Singapore định vị bản thân như là thủ đô của ngành dịch vụ Private Banking tại châu Á. Nhiều ngân hàng Thụy Sỹ và ngân hàng quốc tế lớn nhắm đến vùng đất được coi là thiên đường của Đông Nam Á, dù khả năng đích đến của thành công trong dài hạn vẫn còn khá xa.

VIỆT NAM - THỊ TRƯỜNG ĐẦY TIỀM NĂNG VỚI PRIVATE BANKING

Ở các thị trường mới nổi của Châu Á, nơi có những ông chủ giàu có muốn để lại tài sản cho thế hệ sau, cùng với việc các bộ luật mới có hiệu lực nhằm phân phối lại nguồn vốn khiến giới nhà giàu ngày càng quan tâm đến việc quản lý tài sản gia đình. Theo Giám đốc điều hành của Julius Baer, ông Bernhard Hodler, nhu cầu về các dịch vụ tư vấn quản lý tài sản cá nhân tại Châu Á ngày một gia tăng. Nếu trước đây, các tổ chức tài chính Âu - Mỹ chỉ tập trung vào các thị trường như Singapore, Hong Kong thì giờ cuộc chạy đua cung cấp dịch vụ Private Banking đã và đang lan sang các thị trường mới nổi như Thái Lan, Philippines và cả Việt Nam. Đứng trước tình hình các ngân hàng địa phương thống trị và có mối quan hệ chặt chẽ với những người giàu có tại Thái Lan, Ngân hàng tư nhân Thụy Sỹ Julius Baer Group công bố rằng họ sẽ thành lập một liên doanh quản lý tài sản với Siam Commercial Bank (Siam Bank), ngân hàng có tài sản lớn thứ ba và lâu đời nhất ở Thái để khai thác thị trường Private Banking. Đồng thời, ngân hàng Thuỵ Sỹ này cũng tìm kiếm khách hàng ở Việt Nam và Campuchia, nơi mà Siam Bank đang hoạt động.

Riêng về thị trường Việt Nam, trong những năm gần đây, nền kinh tế đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng những cá nhân, gia đình sở hữu lượng tài sản đủ lớn để được liệt kê vào tầng lớp HNWI thậm chí là UHNWI. Chỉ trong vòng một thập kỷ, số lượng người giàu của Việt Nam đã tăng 200%. Trước đó, vào đầu năm 2019, theo Báo cáo Global Wealth của Wealth-X đã ước tính Việt Nam đứng thứ 4 toàn cầu về tốc độ tăng trưởng số lượng người giàu ở nhóm cá nhân có khối tài sản 1-30 triệu USD trong giai đoạn 2018-2023. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng người giàu tại Việt Nam từ đây đến năm 2023 trung bình là 10,1% mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam cũng được dự báo sẽ tiếp tục thuộc top dẫn đầu trên thế giới trong vài năm tới.

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA PRIVATE BANKING VÀ QUẢN LÝ TÀI SẢN CÁ NHÂN

Quản lý ngân hàng tư nhân và quản lý tài sản tư nhân là những thuật ngữ có những điểm khá tương đồng. Tuy nhiên, các dịch vụ tài chính được cung cấp thông qua ngân hàng tư nhân và thông qua quản lý tài sản khác nhau một chút.

Quản lý tài sản cá nhân là một phạm vi rộng hơn liên quan đến việc tối ưu hóa danh mục đầu tư của khách hàng, bao gồm việc tư vấn và thực hiện các khoản đầu tư thay mặt cho khách hàng. Các cố vấn quản lý tài sản cũng giúp lập kế hoạch tài chính, đạt được mục tiêu tài chính tối đa, quản lý tài sản cá nhân và thực hiện nhiều dịch vụ khác liên quan đến các lựa chọn tài chính của khách hàng. Sử dụng một cố vấn tài chính để quản lý tài sản tư nhân cho phép khách hàng làm việc với một cá nhân được đào tạo trong việc giải quyết các vấn đề tài chính và nâng cao tình trạng tài chính chung của khách hàng. Các dịch vụ quản lý tài sản cá nhân do các tập đoàn lớn như Goldman Sachs cung cấp cũng có thể được cung cấp bởi các nhà tư vấn tài chính độc lập hoặc các nhà quản lý danh mục đầu tư được cấp phép đa dịch vụ đa dạng và tập trung vào các khách hàng có giá trị cao.

Các cố vấn quản lý tài sản không phải lúc nào cũng có thể cung cấp cho khách hàng những dịch vụ chuyên môn và trợ giúp giống như dịch vụ ngân hàng cá nhân cung cấp. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các cố vấn tài chính này dành rất nhiều thời gian với khách hàng. Những cố vấn này cũng không thể mở các tài khoản ngân hàng cho khách hàng, nhưng họ có thể giúp họ xác định đúng loại tài khoản để mở tại ngân hàng của khách hàng lựa chọn. Sự khác biệt chính giữa ngân hàng tư nhân và quản lý tài sản là các ngân hàng tư nhân không phải lúc nào cũng phải đối phó với tài sản của khách hàng đầu tư. Các nhân viên ngân hàng tư nhân có thể đưa ra hướng dẫn cho khách hàng về các lựa chọn đầu tư nhất định, nhưng không phải tất cả các ngân hàng sẽ tham gia vào quá trình đầu tư tài sản cho khách hàng của họ. Phần lớn khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng cá nhân sẽ mở tài khoản tiền gửi của một loại này hay loại khác. Các nhân viên sẽ phụ trách cố vấn cho khách hàng để giúp họ cải thiện tình trạng tài chính và hỗ trợ khách hàng trong việc đầu tư tài sản nhằm đạt được lợi nhuận cao. Nói chung, ngân hàng tư nhân có thể mở rộng bao gồm quản lý tài sản, nhưng các công ty quản lý tài sản không thể cung cấp cho khách hàng các dịch vụ cơ sở hạ tầng ngân hàng tư nhân.

Theo các điều khoản chung, dịch vụ ngân hàng tư nhân bao gồm các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ quản lý tài chính cho HNWIs. Trong một số trường hợp, cá nhân có thể tham gia các dịch vụ này với tài sản ít hơn 100.000 USD, nhưng hầu hết các ngân hàng cung cấp dịch vụ ngân hàng tư nhân không chấp nhận khách hàng có tài sản dưới 500.000 USD bao gồm tiền mặt và các tài sản khác được gửi vào tài khoản và được đầu tư.

Dịch vụ ngân hàng cá nhân sẽ tư vấn đầu tư, nhằm giải quyết toàn bộ tình hình tài chính của mỗi khách hàng cũng như giúp khách hàng bảo vệ và phát triển tài sản của họ. Nhân viên được chỉ định để hỗ trợ công việc của khách hàng để cung cấp các giải pháp tài chính cá nhân bên cạnh việc hoạch định và tiết kiệm cho kế hoạch nghỉ hưu, để chuyển tài sản tích lũy cho các thành viên trong gia đình hoặc những người thụ hưởng được chỉ định khác.

Các khách hàng ngân hàng tư nhân có tài khoản lớn thường nhận được mức giá ưu đãi cùng dịch vụ chuyên biệt giống như người trông nom, đảm bảo họ có thể liên lạc bất kỳ lúc nào với nhân viên đang phụ trách tài khoản của họ. Mọi nhu cầu của khách hàng có thể được thực hiện từ xa thông qua cố vấn viên. Những đặc quyền dành cho khách hàng đều nằm trong kế hoạch của tổ chức ngân hàng nhằm mang lại lợi ích về tài chính vì việc kinh doanh của khách hàng sẽ tạo ra một khoản tiền đáng kể trong lợi nhuận cho ngân hàng, đảm bảo kinh doanh lặp lại và đưa vào kinh doanh mới. Hơn thế nữa, việc chăm sóc chu đáo giới thượng lưu bằng những dịch vụ chuyên biệt sẽ tạo nên ấn tượng tốt nơi khách hàng và chính họ sẽ là những “sứ giả hình ảnh” giúp các ngân hàng tư nhân có thêm nhiều khách hàng tiềm năng khác. Các phòng ban tư nhân cũng tìm được khách hàng mới thông qua quá trình hoàn thành các hoạt động cho vay thông thường. Các ngân hàng có thể truy cập tờ khai thuế và các tài liệu cá nhân bổ sung và khám phá những khách hàng tiềm năng khác thông qua thông tin này. Lời mời cũng được mở rộng cho những cá nhân này và thường các phòng ban tư nhân có được khách hàng bằng cách làm như vậy.

Mặc dù tại các nước phát triển như Anh, Mỹ, Canada hay tại một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Singapore, các dịch vụ ngân hàng cao cấp chuyên biệt để phục vụ nhu cầu giới siêu giàu đã hình thành và phát triển từ lâu. Tuy nhiên tại Việt Nam, việc cung cấp một giải pháp toàn diện vẫn còn là bài toán chưa có lời giải đặt ra cho các tổ chức tài chính trong khi số liệu thống kê về tầng lớp thượng lưu lại cho thấy mức tăng trưởng không tưởng cả về số lượng lẫn khối lượng tài sản. Việc tầng lớp siêu giàu tăng nhanh không chỉ thúc đẩy chi tiêu và chất lượng cuộc sống, mà đi cùng với đó là nhu cầu về một giải pháp quản lý tài sản chất lượng. Việc Private Banking “du nhập” vào Việt Nam chính là phương án hoàn hảo cho các triệu phú đô la và những tổ chức tài chính nơi đây cũng như các chủ doanh nghiệp giàu có đang tìm kiếm lời khuyên từ các nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp về những cách thức hiệu quả để phát triển sản nghiệp cũng như có thể truyền lại tài sản cho thế hệ sau.

This article is from: