4 minute read

HỒI SINH MỘT HUYỀN THOẠI

RIMOWA JUNKERS F13

Sau Chiến Tranh Thế Giới, nhiều người cho rằng Đức đã bị cấm chế tạo máy bay. Điều này không hoàn toàn chính xác, vì các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn chỉ không cho phép quốc gia này sản xuất máy bay quân sự, nên không lâu sau đó các hãng máy bay trong nước đã cho ra đời những mẫu chuyên cơ dân dụng, trong số đó, Junkers F13 là một phiên bản vượt trội và tiêu biểu lấy cảm hứng từ lớp vỏ duralumin gợn sóng của Rimowa - thương hiệu sản xuất vali hàng đầu của đức.

Advertisement

THEO STEVE SLATER

Đối với nhiều chuyên gia hàng không, Junkers F13 được xem là dòng máy bay “hiện đại” đầu tiên trên thế giới. Đặc biệt, đây cũng là một trong những phi cơ tiên phong có cabin khép kín dành cho bốn hành khách. Trong thời đại của máy bay hai tầng phủ vải, F13 đã sở hữu cấu trúc cánh thấp hiện đại không cần trụ chống và sử dụng vật liệu chế tạo chính hoàn toàn bằng nhôm. Không dưới 322 chiếc F13 đã được bán ra từ năm 1919 đến năm 1932.

Đối với Junkers, thành công của F13 không có gì bất ngờ vì họ là một trong những hãng sản xuất máy bay và động cơ cải tiến nhất thế giới. Được thành lập bởi Hugo Junkers, thương hiệu này nổi tiếng nhờ các mẫu chuyên cơ bằng kim loại hoàn toàn, bao gồm máy bay cường kích một lớp cánh CL.1, khoác vỏ nhôm có gân và bao bọc động cơ cùng phi hành đoàn trong “bồn tắm” bọc thép. Hậu chiến tranh, Junkers ứng dụng cấu trúc này vào máy bay thương mại, mở ra sự xuất hiện của dòng F13 thời bấy giờ.

Chiếc máy bay F13 cất cánh lần đầu tiên vào ngày 25 tháng 6 năm 1919. Chính sáng tạo này đã đưa thiết kế máy bay vào kỷ nguyên mới so với các mẫu máy bay hai tầng quân sự được điều chỉnh vội vàng ở thời đó. Đằng sau động cơ đơn là khoang lái bán khép kín dành cho phi hành đoàn. Đặc biệt, cabin hành khách khép kín được trang bị lò sưởi, có cửa sổ cùng cửa ra vào bố trí ở các bên thân máy bay và dây an toàn gắn liền với ghế, đây là những chi tiết gần như chưa từng xuất hiện vào thời điểm đó. Nhưng đặc điểm nổi bật nhất của F13 là vỏ máy bay bằng duralumin gợn sóng chịu lực tốt, giúp gia tăng độ cứng, nên cấu trúc bên trong có thể giảm thiểu, qua đó giảm trọng lượng và tăng tải trọng.

Đây cũng chính là thiết kế đặc trưng của Rimowa, một thương hiệu sản xuất vali hạng sang được thành lập ở Đức năm 1898 và hiện đang nằm dưới sự điều hành của thế hệ thứ ba. Mối liên kết đặc biệt giữa Rimowa và máy bay Junkers F13 nằm ở việc sử dụng duralumin trong khâu chế tạo cho các sản phẩm của mình. 30 năm sau khi Hugo Junkers phát hiện ra chất liệu này cho ngành hàng không, ông Richard Morszeck, đã có một bước đi tiên phong và quyết định sử dụng duralumin để sản xuất những chiếc vali siêu sang nhằm giúp chống chịu hiệu quả các điều kiện khí hậu của vùng nhiệt đới. Giống như chiếc máy bay nêu trên, va ly của Rimowa cũng được thiết kế khía rãnh, đây là dấu hiệu thương mại của hãng kể từ năm 1950.

Năm 2013, Rimowa trở thành nhà bảo trợ cho việc phục chế và vận hành máy bay ba động cơ Junkers Ju52 thời những năm 1930, bước vào một dự án còn tham vọng hơn. Công ty kết hợp với Hội bằng hữu liên quan đến máy bay lịch sử JU-Air ở Thụy Sỹ và Kaelin Aero Technologies ở Black Forest để chế tạo một chiếc máy bay Junkers F13 mới toanh. Sau quá trình nghiên cứu chuyên sâu và quét laser 3D chi tiết, một chiếc F13 mới với tên gọi Rimowa Junkers F13 cất cánh lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2016.

Chiếc máy bay tin cậy này trung thành với thiết kế gốc, trừ một vài chi tiết được bọc da cao cấp, phanh trên bánh xe ở khung gầm, và các thiết bị vô tuyến thế hệ mới bên cạnh công cụ điều hướng hiện đại. Phiên bản mới này được cấu thành thành từ 2.600 bộ phận phức tạp, liên kết chặt chẽ với nhau bằng 35.000 chiếc đinh tán, và sử dụng động cơ hướng tâm 9 xilanh, công suất 450 mã lực Wasp Junior R985 do Pratt & Whitney phát triển. Sau 12.000 giờ chế tạo, chiếc máy bay Rimowa Junkers F13 hiện đang chờ cấp chứng nhận bay. Đây là một quá trình dài và gian nan, nhưng ông Morszeck tự tin rằng mọi nỗi vất vả của hãng sẽ được đền bù một cách xứng đáng khi Rimowa Junkers F13 được bay bổng trên bầu trời.

This article is from: