CÁNH PHƯỢNG HOÀNG? NỔI LOẠN VÀ CẢI TỬ HOÀN SINH TRONG THƠ HẬU HIỆN ĐẠI MỸ Daniel Hoffman
Ba mươi năm trước, khi tôi xuất bản thi tập, American Poetry and Poetics, Ben Shahn sáng họa cho hình bìa một con chim oai nghi đầy ấn tượng, nửa ó nửa phượng hoàng, với tấm khiên nơi ngực và một điểm sáng nơi mắt. Kể từ đó, tôi luôn nghĩ đến thơ Mỹ như cả hai, vừa là ó đang soải cánh vừa là phượng hoàng đang trỗi dậy lần nữa từ đống tro tàn. Ừ thì, con chim già nua đó, dòng thơ Mỹ, tuy đã thêm một lần nữa bị tuyên cáo là hấp hối, sa sút, và đã chết, bởi ít nhất là hai phe đối nghịch ngầm: nhà thơ thực hành – nhà thơ chẩn mạch, mỗi nhóm rồi sẽ trỗi dậy với cặp cánh của riêng mình từ đống tro tàn văn phong cạn kiệt của thơ tự do tự thú (confessional free verse), để đầu thai cái tinh thần đúng của nguồn hứng thơ trong những trạng thái đó. Như vậy họ phục hồi được lớp độc giả đã đánh mất của thơ. Nhưng, làm thế nào để con phượng hoàng có thể bay được với hai cánh quạt gió ngược chiều? Một phong trào, lập thành từ việc dứt bỏ qui tắc và không hình thể hỗn mang của thơ tự do, muốn trở về với thể luật quen thuộc, hình thái, và cách kể truyện. Nếu những nhà thơ này có vẻ như muốn xoay ngược kim đồng hồ thì nhóm kia, tụ tập dưới biểu ngữ Những nhà thơ NGÔN NGỮ, bẻ phắt kim giờ kim phút khỏi mặt đồng hồ, như họ vẫn tưởng, vọt đi trước chủ nghĩa hiện đại đã hết sinh khí đến thơ hậu hiện đại, cho Mỹ, dựa trên những lý thuyết hứa hẹn nhập cảng, phần lớn từ Pháp. Điều gì trong trường hợp gần đây và hiện nay đã tạo hứng cho những đáp ứng mãnh liệt như thế? Dana Gioia, người nổi nhất trong nhóm thứ nhất tôi vừa tả ở trên, nói như thế này: “Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Anh ngữ, vào năm 1980 ở Mỹ đã có một quyết định dứt khoát với quá khứ văn chương, hầu hết các nhà thơ đã xuất bản không thể nào làm thơ theo thể luật tối thiểu gọi là tạm được... hầu hết tay nghề làm thơ đã bị quên lãng... Những nhà thơ trẻ này lớn lên trong một văn hóa văn chương cách biệt hẳn với truyền thống ngôn từ và vần luật đã từng chiếm ưu thế trước đó, nên họ không còn nghe một cách chính xác được nữa... Đối với họ, bài thơ hiện hữu như chữ viết trên trang giấy hơn là âm thanh từ miệng đến tai. Trong lúc phân tích thơ, họ lại hiếm khi nào thuộc lòng và đọc ra miệng... Sự thiếu thực tập này khiến họ biến thành điếc với sự đần độn của chính mình. “