Dich alan kirby

Page 1

CÁI CHẾT CỦA CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI VÀ XA HƠN Alan Kirby

Alan Kirby nói chủ nghĩa hậu hiện đại đã chết và đã được chôn. Tới thế chỗ của nó là một hệ hình mới của thẩm quyền và kiến thức được hình thành dưới áp lực của những công nghệ mới và các lực lượng xã hội đương đại. Tựa đề bài tiểu luận, lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Philosophy Now (Triết học Bây giờ) ở Anh, số 58, năm 2006, và sau đó được in trong cuốn “Digimodernism: How New Technologies Dismantle the Postmodern and Reconfigure Our Culture”, được Continuum xuất bản vào năm 2009. Trước mặt tôi là bản mô tả một đơn vị giáo trình tải từ trang web của phân khoa tiếng Anh thuộc một trường đại học của nước Anh. Nó bao gồm những chi tiết về những bài vở phải làm và một danh mục sách đọc hàng tuần dành cho đơn vị giáo trình tùy chọn “Tiểu thuyết Hư cấu Hậu hiện đại", và nếu danh xưng của trường đại học không được nêu tên ở đây, thì không phải vì đơn vị giáo trình này là đáng xấu hổ, mà vì nó tiện dụng để tiêu biểu cho những đơn vị giáo trình khác hoặc những phần của giáo trình sẽ được giảng dạy trong hầu hết các phân khoa tiếng Anh trong năm học tới trên khắp nước Anh. Nó mặc định rằng chủ nghĩa hậu hiện đại vẫn còn sống, vẫn đang phát triển và hoạt động tích cực: nó cho biết sẽ giới thiệu “những chủ đề chung của ‘chủ nghĩa hậu hiện đại’ và của ‘tính hậu hiện đại’, bằng cách khảo sát mối liên hệ giữa chúng với văn phong đương đại của tiểu thuyết hư cấu”. Điều này có thể có ý ám chỉ rằng chủ nghĩa hậu hiện đại là đương đại, nhưng thực ra sự so sánh lại cho thấy chủ nghĩa đó đã chết và đã được chôn. Triết học hậu hiện đại nhấn mạnh vào tính khó nắm bắt của ý nghĩa và kiến thức. Điều này thường được biểu thị trong nghệ thuật hậu hiện đại như mối quan tâm về sự miêu tả và sự tự thức có tính châm biếm. Và luận cứ rằng chủ nghĩa hậu hiện đại là cái đã qua rồi, luận cứ đó đã được thực hiện một cách triết lí. Có người đã khẳng định về cơ bản rằng có một khoảng thời gian chúng ta đã tin vào những ý tưởng hậu hiện đại, nhưng nay không còn tin nữa, và từ nay trở đi chúng ta sẽ tin vào chủ nghĩa hiện thực phê phán. Sự yếu kém trong phân tích này là nó tập trung vào học viện, vào thực tiễn và giả định của các triết gia hoặc có thể hoặc không thể hoặc sắp sửa chuyển đổi lập trường – và nhiều học giả chỉ đơn giản là quyết định rằng, cuối cùng, họ thích tiếp tục nghe theo Foucault [một nhà hậu hiện đại thuộc loại chủ chốt] hơn là chuyển sang bất cứ điều gì khác. Tuy nhiên, có một luận cứ thuyết phục hơn nhiều buộc người ta phải chấp nhận rằng chủ nghĩa hậu hiện đại đã chết: chỉ cần nhìn ra ngoài học viện để nhìn vào những sản phẩm văn hóa hiện hành. Hầu hết các sinh viên [hệ cử nhân] theo lớp ‘Tiểu thuyết Hư cấu Hậu hiện đại' năm nay, đều sinh ra vào năm 1985 hoặc sau đó, và hầu hết những văn bản chính ghi trong đơn vị giáo trình đều được viết ra trước khi những sinh viên đó ra đời. Không hề là ‘đương đại’ chút nào, những văn bản này đã được xuất bản trong một thế giới khác, trước khi các sinh viên đó chào đời: The French Lieutenant’s Woman, Nights at the Circus, If on a Winter’s Night a Traveller, Do Androids Dream of Electric Sheep? (and Blade Runner), White Noise: đây là văn hóa của Mẹ và Cha. Một số văn bản (‘The Library of Babel’) thậm chí còn được viết ra trước khi cha mẹ của họ chào đời. Thay thế kho văn bản này bằng những văn bản ưa thích của những người ủng hộ trung thành của chủ nghĩa hậu hiện đại – Beloved, Flaubert’s Parrot, Waterland, The Crying of Lot 49, Pale Fire, Slaughterhouse 5, Lanark, Neuromancer, cũng như bất kì tác phẩm nào của B.S. Johnson – và sự thể diễn ra vẫn hệt như vậy. Nghĩa là cũng đương đại như The Smiths [ban nhạc rock Anh, 1982], cũng hợp thời trang như những miếng độn vai áo [những năm 1930’s], cũng đang xảy ra như máy ghi hình Betamax [1975]. Đó là những văn bản nhằm đáp trả sự thách đố của nhạc rock và truyền hình; trong hầu hết những văn bản đó thậm chí không có nổi cái mơ ước về tính khả hữu của nền công nghệ và các phương tiện truyền thông đại 1


chúng – điện thoại di động, email, Internet, máy tính trong mỗi ngôi nhà đủ mạnh để đưa một người lên mặt trăng – mà sinh viên [hệ cử nhân] ngày nay cho là chuyện đương nhiên. Lí do tại sao danh mục những sách đọc chính ghi trong những đơn vị giáo trình của những lớp ‘Tiểu thuyết Hư cấu Hậu hiện đại’ ở nước Anh lại gồm những sách quá cũ, nói một cách tương đối, là bởi nó không được trẻ hóa. Hãy thử nhìn vào thương trường văn hóa: mua những tiểu thuyết được xuất bản trong vòng năm năm qua, xem một bộ phim thế kỷ XXI, nghe loại nhạc mới nhất – đặc biệt là ngồi xem truyền hình trong vòng một tuần lễ – và hầu như bạn chẳng hề bắt gặp, dù chỉ thoáng qua, chút gì là của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tương tự như vậy, ta có thể đến tham dự các hội nghị văn học (như tôi đã tới dự vào tháng Bảy) và ngồi nghe một tá bài tham luận, không thấy ai đề cập đến vấn đề Lí thuyết [văn học], tới Derrida, Foucault, Baudrillard. Cảm nhận của các nhà hàn lâm về sự phế thải do quá già nua, về sự bất lực và sự không thích hợp của rất nhiều lí thuyết cũng minh chứng cho sự qua đi của chủ nghĩa hậu hiện đại. Những người sản xuất những sản phẩm văn hóa mà những nhà hàn lâm và không hàn lâm đọc, xem và nghe, đã hoàn toàn từ bỏ chủ nghĩa hậu hiện đại. Những văn bản siêu hư cấu hoặc tự ý thức chỉ họa hoằn xuất hiện, lại phải chịu sự tiếp nhận rất đỗi thờ ơ – như cuốn Lunar Park của Bret Easton Ellis – nhưng rồi những cuốn tiểu thuyết thuộc trường phái hiện đại, dù bị lãng quên từ lâu, vẫn còn được viết vào những năm 1950 và thập niên 60. Nơi duy nhất mà chủ nghĩa hậu hiện đại còn tồn tại, là trong các phim hoạt hình như Shrek và The Incredibles dành cho trẻ em, mà các bậc cha mẹ có nghĩa vụ phải ngồi xem với những đứa trẻ mới biết đi của họ, để dỗ dành chúng. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã bị đánh chìm tới mức như vậy; một nguồn cung cấp những sản phẩm bị mắc nghẹn ngoài lề trong nền văn hóa đại chúng nhắm vào trẻ em dưới 8 tuổi. Chủ nghĩa Hậu Hậu-hiện-đại là gì? Tôi tin rằng đây không phải chỉ là sự chuyển đổi đơn giản trong thời trang văn hóa. Các thuật ngữ mà thông qua chúng, những khái niệm về quyền lực, kiến thức, tính cách của bản ngã, thực tại và thời gian được quan niệm ra sao, thì nay đã đổi khác một cách đột ngột và mãi mãi. Giờ đây có một hố sâu ngăn cách giữa hầu hết những giảng viên và sinh viên của họ, giống như hố ngăn cách đã xuất hiện vào cuối những năm 1960, nhưng không cùng một loại lí do. Sự chuyển đổi từ chủ nghĩa hiện đại sang chủ nghĩa hậu hiện đại không xuất phát từ bất kì sự diễn-đạt-lại một cách sâu xa nào trong những điều kiện của sự sản xuất và tiếp nhận văn hóa; nói cường điệu một cách tu từ, thì tất cả những gì đã xảy ra là loại người từng viết những tác phẩm như Ulysses và To the Lighthouse lại đổi sang viết những tác phẩm như Pale Fire và The Bloody Chamber. Nhưng đâu đó vào cuối những năm 1990 hoặc đầu những năm 2000, sự nổi lên của những công nghệ mới đã tái cấu trúc, một cách dữ dội và mãi mãi, cái bản chất của tác giả, của người đọc và của văn bản, cùng những mối quan hệ giữa chúng với nhau. Chủ nghĩa hậu hiện đại, giống như chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa lãng mạn trước đó, tôn thờ tác giả [nghĩa là đặt tầm quan trọng lớn nhất nơi tác giả], ngay cả khi tác giả đã chọn lựa sự tự buộc tội hoặc giả bộ xóa bỏ chính mình. Nhưng nền văn hóa ngày nay của chúng ta lại tôn thờ người tiếp nhận văn bản đến mức độ khiến họ trở thành một phần hoặc toàn bộ tác giả của văn bản đó. Những người lạc quan có thể thấy điều này là sự dân chủ hóa của nền văn hóa; những người bi quan sẽ chỉ rõ cho thấy sự tầm thường và sự trống rỗng gây nhức nhối của những sản phẩm văn hóa được tạo ra bằng cách ấy (ít nhất là cho tới nay). Để tôi giải thích. Chủ nghĩa hậu hiện đại hình dung nền văn hóa đương đại như một cảnh tượng mà con người cá nhân ngồi bất lực nhìn ngắm nó, và trong vòng quang cảnh đó, thì mọi câu hỏi về cái thực đều bị đặt thành vấn đề. Do vậy, nó nhấn mạnh đến truyền hình hoặc màn ảnh. Kế thừa của nó, tôi xin gọi là chủ nghĩa giả-hiện-đại, biến hành động của cá nhân trở thành điều kiện cần thiết của sản phẩm văn hóa. Chủ nghĩa giả-hiện-đại bao gồm tất cả các chương trình truyền hình hoặc truyền thanh hoặc những phần của chương trình, tất cả các "văn bản" có nội dung và động lực được hư cấu hoặc hướng dẫn bởi người tham dự, tức là người xem hoặc người nghe (mặc dù các thuật ngữ sau, do tính thụ động và sự nhấn mạnh của chúng vào sự tiếp nhận, đều là lỗi thời: bất cứ điều gì mà người tham dự bỏ phiếu gọi vào chương trình Big Brother 2


hoặc người hâm mộ gọi vào chương trình bóng đá 6-0-6, đều khiến họ không đơn giản chỉ là đang xem hoặc đang nghe). Theo định nghĩa, những sản phẩm văn hóa giả-hiện-đại không thể và không từng tồn tại trừ khi có sự can thiệp của con người cá nhân bằng xương bằng thịt. Cuốn tiểu thuyết Great Expectations tồn tại một cách cụ thể, dù có ai đọc nó hay không. Một khi Dickens viết xong và nhà xuất bản phát hành nó, đưa nó vào thế giới, thì “nội dung văn bản mang tính vật thể” của nó [its ‘material textuality’] – sự tuyển chọn những từ của nó – đã được tác tạo và hoàn tất, cho dù ý nghĩa của nó, tức là người ta sẽ diễn giải nó ra sao, là cái mà phần lớn vẫn còn đủ để dành cho mọi người. Riêng về sản lượng vật chất và kết cấu của nó thì đã được quyết định bởi những nhà cung cấp, đó là tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành chương trình nhiều tập, vân vân – chỉ có ý nghĩa của nó là thuộc địa hạt của người đọc. Mặt khác, lấy một văn bản điển hình của văn hóa giả-hiện-đại làm ví dụ, là Big Brother, ta thấy văn bản này sẽ không tồn tại một cách cụ thể nếu chẳng có ai gọi điện thọai bỏ phiếu chống những đối thủ của nó. Do đó, quyền bỏ phiếu là một phần của “nội dung văn bản mang tính vật thể” – nghĩa là chính khán giả gọi điện thoại tự viết ra chương trình. Nếu khán giả không thể viết ra các phần của Big Brother, nó sẽ giống một bộ phim của Andy Warhol một cách kì lạ: một cách trơ lì, những người trẻ tuổi thích phô bày cơ quan sinh dục nhưng mắc chứng loạn thần kinh, luôn miệng dè bỉu và nói năng vu vơ trong phòng hết giờ này sang giờ khác. Nói thế, là để nói rằng những gì làm cho Big Brother là chính nó, đó chính là hành động gọi điện thoại vào của người xem. Chủ nghĩa giả-hiện-đại cũng bao gồm các chương trình tin tức hiện đại, có nội dung ngày càng gia tăng, bao gồm những emails hoặc tin nhắn gửi tới để bình phẩm những mẩu tin tức. Cả thuật ngữ 'tương tác' cũng không phù hợp ở đây, vì không hề có sự trao đổi: thay vào đó, người xem hoặc người nghe tham dự vào – viết một phân đoạn của chương trình – sau đó đi khỏi, trở lại vai trò thụ động. Chủ nghĩa giả-hiện-đại cũng bao gồm các trò chơi sử dụng máy tính, cũng theo cách tương tự là đặt cá nhân trong một bối cảnh mà họ phải bịa đặt ra cái nội dung văn hóa, trong những giới hạn đã được phác họa trước. Nội dung của từng hành vi cá nhân chơi các trò chơi thay đổi tùy theo mỗi cá nhân tham dự trò chơi. Hiện tượng văn hóa giả-hiện-đại tuyệt hảo là internet. Thao tác chủ yếu của nó là thao tác của một cá nhân nhấn ‘chuột’ để di chuyển qua các trang theo cách không thể lặp lại giống hệt, hư cấu nên một đường dẫn xuyên qua các sản phẩm văn hóa, một đường dẫn chưa từng tồn tại trước đó và cũng sẽ không bao giờ có trở lại. Đây là một cuộc dấn mình vào quá trình văn hóa cuồng nhiệt hơn bất cứ điều gì mà văn học có thể cung cấp, và đem lại thứ cảm nhận (hoặc ảo tưởng ) không thể phủ nhận rằng chính cá nhân đó kiểm soát, quản lý, tổ chức, tạo dựng mối quan hệ của chính mình với các sản phẩm văn hóa. Những trang internet là không có ‘tác giả’ hiểu theo nghĩa không ai biết ai là người đã viết ra chúng, hoặc quan tâm tới chúng. Số đông thì hoặc đòi hỏi cá nhân hãy làm cho những trang đó hoạt động, như Streetmap hay Route Planner; hoặc cho phép họ bổ sung vào, như Wikipedia; hoặc qua phản hồi gửi tới các trang web truyền thông, tỉ dụ vậy. Trong mọi trường hợp, thì bản chất nội tại nơi internet là như sau: bạn có thể dễ dàng tự mình tạo dựng nên những trang đó (tỉ dụ như viết các blogs). Nếu internet và sự sử dụng nó xác định và thống trị chủ nghĩa giả-hiện-đại, thì kỉ nguyên mới cũng chứng kiến sự tân trang các hình thức cũ trong lãnh vực của nó. Phim ảnh trong thời giả-hiện-đại trông ngày càng giống một trò chơi trên máy tính. Những hình ảnh của nó, từng một thời là đến từ thế giới ‘thực’ – được cắt xén, soi sáng, chỉnh âm và biên tập lại bởi những đạo diễn tài ba, nhằm hướng dẫn những suy nghĩ hay những cảm xúc của người xem – thì nay được tạo ra ngày càng nhiều thông qua máy tính. Và họ nhìn nó. Trước đây có những thứ từng là những hiệu ứng đặc biệt vốn được trông chờ là làm cho cái bất khả trông như cái đáng tin, thì ngày nay CGI [Computer-Generated Imagery, hình ảnh tạo bằng máy tính; hoặc Computer Graphics Interface, giao diện đồ họa máy tính] lại thường xuyên [vô tình] hoạt động để làm cho cái khả hữu trông như cái giả tạo, như nhiều cảnh trong phim Lord of the Rings hay Gladiator. Những trận chiến từng có hàng ngàn người tham dự đã thực sự xảy ra; trong khi đó phim ảnh giả-hiện-đại lại làm cho chúng trông như chỉ có thể xảy ra trong không gian mạng [không gian điều khiển học / môi trường truyền thông điện tử / thực tại ảo]. Và 3


như thế phim ảnh đã tạo cơ sở văn hóa không chỉ cho máy tính xét như một cái máy phát ra các hình ảnh, mà cho cả các trò chơi trên máy tính xét như mô hình của mối quan hệ giữa phim ảnh với người xem. Tương tự như vậy, truyền hình trong thời giả-hiện-đại ủng hộ không chỉ truyền hình thu trực tiếp (lại thêm một thuật ngữ không thích hợp), mà còn ủng hộ các kênh truyền hình mua sắm, các sô câu đố trong đó người xem gọi điện thoại đến để đoán ra giải đáp đúng cho những câu đố đó, với hy vọng thắng tiền thưởng. Nó cũng ủng hộ những hiện tượng như Ceefax và Teletext. Nhưng thay vì phàn nàn về tình trạng mới, sẽ là hữu ích hơn nếu tìm những phương cách làm cho những điều kiện mới này thành những đường dẫn tới những thành tựu văn hóa thay vì cảnh trống rỗng rõ rệt như hiện nay. Điều quan trọng ở đây là phải thấy được rằng trong khi hình thức có thể thay đổi (Big Brother có thể khô héo trên cành nho), nhưng các thuật ngữ qua đó những cá nhân gắn liền với màn hình TV – và do đó gắn liền với những gì mà các phát thanh viên trình ra – các thuật ngữ đó đã thay đổi một cách không thể chối cãi. Chức năng cung cấp những gì thuần túy có tính 'ngoạn mục' của truyền hình, cũng như với tất cả những ngành nghệ thuật, đã trở thành một chức năng bên lề [thứ yếu]: giờ đây những gì là trọng tâm chính là công việc bận rộn, năng động, tiến về phía trước của con người cá nhân vốn từng được gọi là người tiếp nhận. Trong tất cả các điều này, 'người xem’ cảm thấy mình đầy quyền lực và thực sự cần thiết; còn ‘tác giả’ theo cách hiểu truyền thống, thì hoặc bị giáng cấp thành người đặt để các thông số trong đó những người khác vận hành, hoặc trở nên hoàn toàn không thích hợp, không được biết tới, đứng bên lề; và 'văn bản' được đặc trưng bởi cả tính siêu phù du lẫn tính bất ổn định của nó. Nó được tạo thành bởi ‘người xem’, nếu không phải là trong nội dung của nó, thì sẽ là trong chuỗi liên kết của nó – bạn sẽ không đọc Middlemarch bằng cách nhảy từ trang 118 tới 316 tới 401 tới 501, nhưng bạn có thể đọc Ceefax một cách hay ho và chính đáng theo kiểu đó. Một văn bản giả-hiện-đại kéo dài một thời gian ngắn rất khác thường. Không giống như Fawlty Towers, tỉ dụ vậy, các chương trình truyền hình thu trực tiếp không thể được lặp lại trong hình thức ban đầu của chúng, bởi lẽ những cuộc điện-thoại-gọi-vào không thể được sao chép, và nếu không thể có những cuộc điện-thoại-gọivào thì các chương trình đó trở thành một thực thể khác hẳn và rất kém hấp dẫn. Văn bản Ceefax chết chỉ sau vài giờ. Nếu các học giả ghi lại cái ngày họ tham chiếu trang internet nào đó, là bởi các trang đó sẽ biến mất hoặc được viết lại khác hẳn một cách rất nhanh chóng. Cực kì khó để giữ lại hình thức ban đầu của những tin nhắn và những emails; in những emails ra quả là chuyển đổi chúng thành một thứ gì đó ổn định hơn, giống như một bức thư, nhưng lại là hủy diệt trạng thái cơ bản, điện tử của chúng. Thời hạn sử dụng – của những cuộc điện-thoại-gọi-vào các đài phát thanh, của những trò chơi trên máy tính – là ngắn ngủi, chúng rất mau chóng trở thành lỗi thời. Một nền văn hóa dựa trên những thứ như vậy thì không thể có ký ức – chắc chắn đó không phải là cảm giác nặng nề về một di sản văn hóa trước đó vốn thấm nhuần vào cả chủ nghĩa hiện đại lẫn hậu hiện đại. Không có khả năng sinh sản và lại mau phai mờ, chủ nghĩa giả-hiện-đại do vậy cũng mắc chứng mất trí nhớ: đó là những hoạt động văn hóa [chỉ diễn ra] trong thời điểm hiện tại, chẳng hề có cảm nhận về cả quá khứ lẫn tương lai. Các sản phẩm văn hóa của chủ nghĩa giả-hiện-đại cũng tầm thường một cách rất khác thường, như tôi đã từng gợi ý như vậy. Nội dung của những bộ phim giả-hiện-đại có xu hướng là chỉ để trở thành các hành vi gây ra và kết thúc cuộc sống. Tình trạng sơ khai ấu trĩ này của kịch bản hoàn toàn trái ngược với sự tinh xảo của những hiệu ứng kĩ thuật điện ảnh đương đại. Nhiều tin nhắn và emails thật nhạt nhẽo khi so với những gì mọi người ở mọi trình độ học vấn cao thấp khác nhau vẫn thường đưa vào những lá thư của họ. Một sự nhàm chán, một sự nông cạn thống trị tất cả. Thời giả-hiện-đại, ít nhất là cho đến nay, là một sa mạc văn hóa. Mặc dù chúng ta có thể trở nên quen với các thuật ngữ mới, làm chúng thích ứng được với sự biểu đạt nghệ thuật có ý nghĩa (và như vậy nhãn hiệu có nghĩa xấu mà tôi đã gán cho chủ nghĩa giả-hiện-đại có thể sẽ không còn phù hợp), nhưng vào lúc này thì chúng ta đang phải đối mặt với cơn bão của hoạt động con người hầu như không sản xuất được bất kì cái gì có giá trị văn hóa nếu không là lâu dài thì ít nhất cũng phải là có khả năng sinh sôi nảy nở – bất kì cái gì mà con người có thể nhìn vào một lần nữa và đánh giá cao trong vòng năm mươi hoặc hai trăm năm tới. 4


Những gốc rễ của chủ nghĩa giả-hiện-đại có thể được truy nguyên ngược trở lại nhiều năm trước dưới sự thống trị của chủ nghĩa hậu hiện đại. Ca múa nhạc và kỹ nghệ khiêu dâm, tỉ dụ vậy, những sản phẩm vào cuối những năm 70 và 80, thảy đều có xu hướng chỉ là nhất thời, là ngây ngô về ý nghĩa, và là không có tác giả (nhảy nhiều hơn là nhạc pop hoặc nhạc rock). Tất cả những thứ vừa kể còn làm nổi bật hoạt động của chủ thể ‘tiếp nhận’ chúng: nhạc khiêu vũ là để được nhảy [theo tiếng nhạc], khiêu dâm không phải để đọc hoặc xem nhưng để dùng, theo cách tạo ra cái ảo tưởng giả-hiện-đại của sự tham gia. Trong âm nhạc, một album là sản phẩm mà nghệ sĩ là người thống trị, nó như một văn bản bền vững, thì nay phải chịu sự thế chỗ giả-hiện-đại như sau: người nghe chọn lựa những bản nhạc trong album đó để tải về chứa trong iPod của mình đồng thời sử dụng những kĩ thuật pha trộn, làm cho các thành tố của những tracks nhạc đó tương thích với nhau [“biên tập” lại], thực ra thì rõ rệt là sự thế chỗ này đã được báo trước qua sự sáng tạo của những người hâm mộ âm nhạc khi họ sưu tập những băng nhạc, là điều mà thế hệ thanh thiếu niên trước đây đã từng thực hiện. Nhưng có một sự chuyển đổi đã xảy ra: điều mà trước đây chỉ là trò tiêu khiển bên lề, không đáng kể của những người hâm mộ, thì nay trở thành phương cách áp đảo và có tính quyết định trong việc tiêu thụ các sản phẩm âm nhạc, khiến cho ý tưởng về cuốn album như một tác phẩm nghệ thuật mạch lạc, một vật thể có ý nghĩa hợp nhất trở thành một ý tưởng lỗi thời. Đến một mức độ nào đó thì chủ nghĩa giả-hiện-đại chẳng khác nào một sự chuyển đổi được thúc đẩy bởi động cơ là công nghệ để dịch chuyển vào trung tâm văn hóa của một cái gì đó luôn luôn tồn tại (tương tự, siêu tiểu thuyết hư cấu luôn luôn tồn tại, nhưng chưa từng được tôn trọng tới mức mà chủ nghĩa hậu hiện đại đã dành cho nó). Truyền hình luôn luôn sử dụng khán giả đóng vai trò người tham gia, cũng như sân khấu và những loại hình nghệ thuật biểu diễn khác đã làm trước đó; nhưng sự sử dụng đó chỉ là một tùy chọn, không phải là điều cần thiết: còn với những chương trình truyền hình giả-hiện-đại thì sự tham gia của khán giả là yếu tố được cơ cấu hóa từ trước trong cấu trúc của chương trình. Đã có từ lâu rồi, những dạng văn hóa ‘tích cực’, từ lễ hội đến kịch câm. Nhưng không một dạng nào trong số đó lại bao hàm một văn bản viết hoặc một văn bản vật chất nào khác, do vậy chúng chỉ đứng bên lề của một nền văn hóa vốn tôn thờ những văn bản như vậy -- trong khi văn bản giả-hiện-đại, với tất cả những tính chất kì quặc của nó, lại có vị trí của dạng trung tâm, áp đảo, mẫu mực của sản phẩm văn hóa ngày hôm nay, mặc dù ở bên lề nền văn hóa vẫn còn có những dạng khác. Cũng không phải là những dạng khác này bị bêu xấu là 'thụ động' so với ‘sự hoạt động’ của chủ nghĩa giả-hiện-đại. Các việc đọc, nghe, xem luôn luôn có những kiểu loại hoạt động riêng của chúng; nhưng có một thuộc tính thể chất gắn liền với những hành động của các nhà sản xuất văn bản giả-hiện-đại, và có một điều cần thiết cho những hành động của họ liên quan đến kết cấu của văn bản, cũng như có một sự thống trị đã làm thay đổi cán cân quyền lực về mặt văn hóa (hãy lưu ý để thấy điện ảnh và truyền hình, hai gã khổng lồ của ngày hôm qua, đã phải cúi đầu trước hoạt động của chủ nghĩa giả-hiện-đại như thế nào). Nó thiết lập ra bá quyền về các mặt xã hội, lịch sử và văn hóa của thế kỷ hai mươi mốt. Hơn nữa, hoạt động của chủ nghĩa giả-hiện-đại có nét đặc thù của riêng nó: đó là điện tử, và văn bản, nhưng phù du. Nhấn vào để thay đổi Trong chủ nghĩa hậu hiện đại, người ta đọc, xem, nghe, như trước đây. Trong chủ nghĩa giả-hiện-đại người ta gọi điện thoại, nhấp chuột, nhấn phím, lướt mạng, lựa chọn, di chuyển, tải dữ kiện về. Có một khoảng cách với bề rộng là một thế hệ ở đây, chia cách người sinh trước và sau năm 1980, một con số phỏng chừng. Những người sinh ra sau năm 1980 có thể coi những người cùng tuổi với họ là những con người có tự do, tự chủ, sáng tạo, biểu cảm, năng động, quyền hành, độc lập, tiếng nói của họ độc đáo, cất cao và được lắng nghe: còn chủ nghĩa hậu hiện đại và tất cả mọi thứ trước đó thì ngược lại ra cái vẻ mình là tinh tuyển, [nhưng] đần độn, một thứ độc thoại xa cách và có giọng đều đều, áp chế và bưng bít thế hệ sinh sau 1980. Những người sinh trước năm 1980 có thể thấy những người sinh sau không phải là người mà biến thành các văn bản đương đại, luân phiên phô diễn những tính chất sau đây: bạo lực, khiêu dâm, không thật, nhàm chán, nhạt nhẽo, luôn tuân thủ, chỉ biết tiêu thụ, vô nghĩa và không có đầu óc (hãy thử đọc đôi ba điều ngớ ngẩn trên một số trang Wikipedia tỉ dụ vậy, hoặc là thứ không đầu không đuôi vì thiếu ngữ cảnh trên Ceefax). Đối với họ, những gì đến trước chủ nghĩa giả-hiện-đại sẽ ngày càng có vẻ là một thời kỳ vàng son của trí thông 5


minh, sức sáng tạo, tính nổi loạn và tính trung thực. Do vậy tên gọi ‘chủ nghĩa giả-hiện-đại' cũng bao hàm sự giằng co giữa sự tinh xảo của phương tiện do công nghệ học mang lại, với sự nhạt nhẽo hoặc ngu dốt của nội dung mà phương tiện đó chuyển tải – một thời điểm văn hóa có thể được tóm gọn bằng sự đần độn của người sử dụng điện thoại di động, "Tôi đang ở trên xe buýt ". Trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại bày tỏ sự nghi ngờ đối với 'thực tại', thì chủ nghĩa giả-hiện-đại minh xác không chút nghi ngờ rằng cái thực là chính tôi đây, bây giờ, ‘đang tương tác' với các văn bản của nó. Như vậy, chủ nghĩa giả-hiện-đại gợi ý rằng bất cứ điều gì nó thực hiện hoặc làm ra thì đều là thực tại, và một văn bản giả-hiện-đại có thể làm triển nở cái hình-như-là-thực trong một hình thức không phức tạp: các chương trình truyền hình lồng tư liệu vào các hoạt cảnh đời thường [docu-soap], với máy ảnh cầm tay (trong đó, bằng cách hiển thị những cá nhân ý thức rằng họ được chú ý tới, tạo cho người xem cái ảo tưởng của sự tham gia); The Office và The Blair Witch Project, nội dung khiêu dâm tương tác với truyền hình thu trực tiếp; phim tư liệu mang tính tiểu luận của Michael Moore hay Morgan Spurlock. Cùng với quan điểm mới này về thực tại, rõ ràng là khuôn khổ trí tuệ chiếm ưu thế đã thay đổi. Trong khi các sản phẩm văn hóa của chủ nghĩa hậu hiện đại đã có được một địa vị trong lịch sử ngang tầm với những sản phẩm của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa lãng mạn, thì những khuynh hướng trí tuệ của chủ nghĩa đó [hậu hiện đại] (như thuyết nữ quyền, chủ nghĩa hậu thuộc địa, vân vân) lại tự thấy bị cô lập trong môi trường triết học mới. Học viện ngày nay, có lẽ đặc biệt ở Anh, bị tràn ngập bởi các giả định và thực tiễn của kinh tế thị trường, khiến rất không hợp lí để các giảng viên nói với sinh viên rằng họ đang sống trong một thế giới hậu hiện đại, nơi mà vô số các hệ tư tưởng, vô số quan điểm về thế giới và vô số tiếng nói đều có thể được lắng nghe. Mỗi bước đi của họ đều bị săn đuổi bởi kinh tế thị trường, khiến các giảng viên không thể rao giảng tính đa nguyên khi cuộc sống của họ bị chế ngự bởi điều mà trong thực tiễn rốt cuộc lại là sự cuồng tín của người tiêu dùng. Thế giới đã bị thu hẹp về mặt trí tuệ, chứ không phải là được mở rộng ra, trong vòng mười năm vừa qua. Ở nơi mà Lyotard nhìn thấy sự lu mờ đi của Những Đại Tự sự, thì chủ nghĩa giả-hiện-đại lại nhìn ra cái hệ tư tưởng của nền kinh tế thị trường đã toàn cầu hóa được nâng cấp lên thành một bộ điều chỉnh duy nhất và là siêu quyền lực, chi phối tất cả các hoạt động xã hội – độc quyền, nuốt chửng mọi thứ, giải thích mọi thứ, cơ cấu hóa mọi thứ; mỗi nhà hàn lâm đều phải thừa nhận sự thật đó, một cách khó chịu. Chủ nghĩa giả-hiện-đại tất nhiên là có tính tiêu dùng và tính tuân thủ, là vấn đề của sự di chuyển khắp thế giới theo cách mà nó [thế giới] là được trao hoặc bị bán. Điểm thứ hai, là trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại tán thành cái châm biếm, cái biết và cái vui chơi, với những ám chỉ của ba thứ này về kiến thức, lịch sử và thái độ nước đôi, thì các trạng thái trí tuệ điển hình của chủ nghĩa giả-hiện-đại lại là sự ngu dốt, cuồng tín và âu lo: Bush, Blair, Bin Laden, Le Pen và những người giống như họ ở một bên, và bên kia là đám quần chúng đông đúc hơn nhiều nhưng kém mạnh mẽ. Chủ nghĩa giảhiện-đại thuộc về một thế giới bị chìm đắm trong cuộc đối đầu giữa một bên là một bộ phận tôn giáo cuồng tín ở Hoa Kỳ, [và] một nước Israel chủ yếu là thế tục nhưng rõ ràng là siêu tôn giáo, với bên kia là một phân nhóm cuồng tín Hồi giáo ở rải rác trên khắp hành tinh: chủ nghĩa giả-hiện-đại không được sinh ra ngày 11 Tháng chín năm 2001, nhưng chủ nghĩa hậu hiện đại đã được an táng trong đống đổ nát của sự cố đó. Trong bối cảnh này chủ nghĩa giả-hiện-đại kích động một cách cuồng tín nền công nghệ tinh xảo ngõ hầu đeo đuổi thứ chủ nghĩa man rợ thời trung cổ – như trong việc tải lên mạng Internet những băng videos quay cảnh chặt đầu người, hoặc sử dụng điện thoại di động để quay cảnh tra tấn trong các nhà tù. Hơn thế nữa, số phận của mọi người khác là phải chịu đựng nỗi lo lắng vì bị kẹt giữa hai lằn đạn của hai bên kình chống nhau. Nhưng nỗi lo lắng có tính định mệnh này vượt xa tầm địa-chính-trị, nó len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống đương đại; từ nỗi lo sợ chung về sự sụp đổ của xã hội và sự mất bản sắc, tới nỗi bất an ray rứt về chế độ ăn uống và sức khỏe; từ sự khổ não về sự tàn phá do biến đổi khí hậu, tới những tác động của việc mới nhận ra rằng mình không có khả năng thích hợp và lại không được giúp đỡ, [hiện tượng khá phổ biến và nghiêm trọng] khiến làm phát sinh các chương trình truyền hình về việc làm thế nào để làm sạch căn nhà của bạn, để nuôi dạy trẻ em hoặc làm thế nào để lúc nào cũng ở trong tình trạng không mắc nợ nần. Tình trạng không-cónăng-lực-do-nền-công-nghệ-gây-ra này dứt khoát là sản phẩm của thời hiện đại: các nhà giả-hiện-đại giao 6


tiếp thường xuyên với phía bên kia của hành tinh, nhưng lại cần được chỉ bảo là phải ăn rau để được khỏe mạnh, một thực tế hiển nhiên ở Thời đại đồ Đồng. Nhà giả-hiện-đại đó có thể chỉ đạo phương hướng của những chương trình truyền hình cấp độ nhà nước, nhưng lại không biết làm một món ăn nào đó cho chính mình -- một sự tan hòa, tổng hợp đặc trưng của cái non nớt và cái tiên tiến, của cái mạnh mẽ và cái bất lực. Vì những lý do khác nhau, đây là những người không có khả năng “hoài nghi những Đại Tự sự" mà Lyotard đã biện giải rằng những người như vậy chính là những nhà hậu hiện đại điển hình. Thế giới giả-hiện-đại này, thật đáng sợ và dường như không thể kiểm soát được, nên tất yếu là nó sẽ cung cấp nỗi ham muốn quay trở lại với cuộc chơi thời thơ dại với những đồ chơi của trẻ con, điều này cũng đặc trưng cho thế giới văn hóa giả-hiện-đại. Ở đây, trạng thái cảm xúc điển hình, thay thế một cách triệt để cho siêu ý thức của sự châm biếm, chính là sự hôn mê – trạng thái bị nuốt chửng bởi hoạt động của bạn. Thế chỗ cho chứng loạn thần kinh chức năng của chủ nghĩa hiện đại và tật thích tự ngắm vuốt của chủ nghĩa hậu hiện đại, là chứng tật này của chủ nghĩa giả-hiện-đại: nó làm mất thế giới đi, bằng cách tạo ra một nơi không-cóđâu mới mẻ và không trọng lượng của bệnh tự kỉ lặng lẽ. Bạn nhấp chuột, nhấn phím, bạn được 'tham gia', bạn được/bị nuốt chửng, bạn đang quyết định. Bạn là văn bản, không có ai khác, không 'tác giả'; không nơi nào khác nữa, không thời gian hoặc nơi chốn khác. Bạn được tự do: bạn là văn bản: văn bản được thay thế. Phạm Kiều Tùng chuyển dịch Nguyên tác “The Death of Postmodernism And Beyond”, 2006, của Dr. Alan Kirby, phân khoa Văn học Anh ngữ, thuộc trường đại học Exeter. Ông hiện sống tại Oxford.

7


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.