10 minute read
Con Người & Thi Ca Hồ Bảo Thanh
Tản mạn về xà bông
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Advertisement
Từ khi bắt đầu nạn dịch COVID 2019, việc rửa tay bằng xà bông (xà phòng) hoặc thuốc sát trùng được luôn luôn nhắc tới. Thế nhưng xà phòng là gì, các loại đặc, lỏng ra sao? Hôm nay trong khi rửa tay, mời bạn cùng chúng tôi tản mạn đôi chút về xà phòng nhé. Xà phòng hay xà bông là chữ được phiên âm từ tiếng Pháp: Savon, là chất tẩy rửa các vết bẩn, đặc biệt khi có dầu mỡ và để diệt vi khuẩn. Ngày xưa, người ta chỉ biết dùng nước để giặt rửa, nhưng nếu tay chân, quần áo có dính chất béo, vết bẩn sẽ không tan trong nước. Vì thế nhu cầu tìm ra chất nào có thể tẩy rửa được những chất dơ chứa dầu mỡ này lên thật cao. Từ từ, xà bông được khám phá và xử dụng, rồi trở thành sản phẩm không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Thành phần chính của xà phòng là muối natri hoặc kali của acid béo. Xà phòng được dùng dưới dạng đặc thường gọi là bánh (bánh xà phòng đẹp, thơm, nhưng đừng ăn bánh này nhé!) Xà phòng cũng có dạng bột như loại bột giặt quần áo, hoặc chất lỏng như loại để rửa chén, rửa tay hoặc cũng để giặt giũ. Ngoài ra, xà phòng cũng có dạng bọt, tức là loại foam mềm xịt ra từ các lọ nhờ chất ga. Xà phòng trước kia được làm bằng cách cho chất béo tác dụng với kiềm bằng phản ứng “xà phòng hóa”. Sau này, xà phòng được sản xuất từ dầu mỏ rồi pha trộn với nhiều hóa chất cho có nhiều bọt hơn, thơm hơn, nhiều hình thức nhìn bắt mắt hơn. Lịch sử xà bông bắt đầu từ trước công nguyên, khi người tiền sử dọc bờ sông Nile nướng thịt thú rừng trên lửa, vô tình thấy những giọt mỡ rơi xuống đống tro tàn, sau khi nguội lại vón thành cục cứng có màu xám của tro. Các cục này kết hợp với nước lại tạo ra bọt, nếu dùng để tẩy rửa vết bẩn thì rất hiệu nghiệm. Từ đó người ta chủ động để chế tạo ra sản phẩm tẩy rửa đầu tiên của loài người. Cũng có giả thiết cho rằng người cổ đại từ lâu đã biết tẩy rửa vệt bẩn trên cơ thể bằng cách bôi dầu tràm lên da, sau đó dùng nước hoa quả trộn với tro, rửa lại cho sạch. Nhưng giả thiết có độ tin cậy cao nhất vẫn là câu chuyện 600 năm trước công nguyên, ở La Mã cổ đại, có nhóm phụ nữ tình cờ phát hiện rằng giặt quần áo trên sông Tiber - dưới chân thành Sapo - lại sạch sẽ hơn so với các dòng sông khác. Họ cũng tìm ra sự khác biệt là do lớp tro và mỡ động vật đổ ra từ các miếu thờ Thần Linh nằm trên đỉnh đồi. Cũng có sách viết rằng những người đi biển từ Tây Ban Nha ngày xưa đã làm ra loại “đặc sản” tương tự như xà phòng hiện nay. Họ xử dụng tro của thân cây hòa với mỡ dê và đun sôi. Hỗn hợp này trở thành một chất rắn giống như sáp, đó chính là xà phòng nguyên thủy rồi đem bán cho người Hy Lạp và người La Mã. Người Celt ở nước Anh thời cổ xưa cũng biết làm ra xà phòng. Họ gọi sản phẩm này là ‘Saipo”, đó chính là nguồn gốc của chữ ‘soap’ trong tiếng Anh ngày nay. Sách vở cũng ghi lại rằng mãi đến năm 300 sau Công nguyên, Zosimos - một nhà hóa học người Ai Cập - mới chính thức viết về quy trình nấu xà phòng. Từ đó tại Naples vào thế kỷ VI và ở Tây Ban Nha vào thế kỷ VIII, mới bắt đầu có nhóm sản xuất xà phòng quy mô. Cũng vào thế kỷ VIII, ông Jabir Hayyan, một trí thức người Ả Rập, mới chính thức viết về việc xử dụng xà phòng để tắm rửa. Trong cuốn sách “Home Life in Colonial Days”, tạm dịch là “Cuộc sống gia đình trong những ngày thuộc địa” - xuất bản năm 1893, tác giả Alice Morse Earle cho biết phụ nữ thời đó tích trữ chất béo từ việc giết mổ động vật, dầu mỡ nấu ăn và tro củi trong những tháng mùa đông. Đến mùa xuân, họ tạo ra dung dịch kiềm từ tro, sau đó đun nấu dung dịch này
với mỡ trong một cái ấm khổng lồ. Sản phẩm cuối cùng là một loại xà phòng mềm mà phụ nữ thường dùng để giặt những chiếc áo lạnh mùa đông. Nablus là một trong những thành phố cổ nhất ở Palestine, và cũng là quê hương của những bánh xà phòng đầu tiên trên thế giới. Xà phòng làm tại đây chỉ gồm 3 nguyên liệu: dầu olive, baking soda và nước. Nó không chứa hương liệu nhân tạo, nên chỉ để lại mùi hương olive thoang thoảng trên da rất tinh tuyền. Ngày nay, mình có thể tự làm xà phòng “handmade” tại nhà để tăng cường sức khỏe, tránh bớt hóa chất, có hương thơm theo ý mình muốn mà lại tiết kiệm được tiền và thân thiện với môi trường hơn. Bạn chỉ cần mua phôi xà phòng, rồi nấu và pha chế theo ý mình muốn. Để chắc ăn bạn cứ hỏi ông Google, vào Youtube thì sẽ tìm thấy đầy đủ các hướng dẫn. Tuy thế, tôi cũng xin “thành thật khai báo” là chưa hề tự làm xà bông bao giờ và cũng chưa có ý định đó. Sách báo nói có thể tự làm chứ tôi không dám xúi đâu nhé! Riêng tại Việt Nam, nói về lịch sử của xà bông thì phải kể tới hãng xà bông Trương Văn Bền, thành lập năm 1932. Lúc bấy giờ, trên thị trường cũng có nhiều loại xà bông của Pháp làm nhưng giá thành quá mắc, rồi cũng có loại rẻ do các lò nấu nhỏ ở Chợ Lớn sản xuất nhưng chất lượng kém. Ông Bền khéo léo làm được sản phẩm tốt nhưng giá thành phải chăng. Ban đầu ông chỉ cho ra loại xà bông đá để thăm dò thị trường, sau đó xà bông thơm hiệu Cô Ba ra đời. Không lâu sau, xà bông thơm Cô Ba nhanh chóng được biết tới trên toàn Đông Dương, thậm chí còn xuất cảng sang Hương Cảng, châu Phi và Tân Đảo. Ngoài biết sáng chế, ông Bền còn biết cách làm quảng cáo, có chiến dịch phổ biến xà bông rất tốt đẹp. Chẳng hạn ông cho người hàng ngày đi hết các tiệm tạp hóa thời đó hỏi có bán xà bông Việt Nam không. Nếu có thì mua chút chút chiếu lệ, vì không lẽ hỏi rồi lại đi ra tay không! Còn nếu tiệm không có bán thì người của ông Bền sẽ hỏi chủ tiệm sao không mua xà bông Việt Nam về bán. Nhờ thế mỗi tháng, hãng của ông Bền đã cho ra 600 tấn xà bông, điều này chứng minh thành công không phải là do ngẫu nhiên, mà là do trí tuệ, sức lực và sự siêng năng mới đạt được. Thời đó cũng có một vị kỹ sư hóa học khác tên là Nguyễn Thành Nam, tức là ông Đạo Dừa khi chưa đi tu. Ông Nam khi du học ở Pháp về Bến Tre cũng mở hãng xà bông Thiên Nam để cạnh tranh với xà bông Cô Ba của ông Bền, nhưng sau cùng phải chịu thua. Trong chuyện Kiều của cố thi hào Nguyễn Du, chắc chắn không có nói tới xà-bông, nhưng cũng có vài câu nói về việc rửa, đó là các câu: Tấm son gột rửa bao giờ cho phai. Hoặc: Quét sân, đặt trác, rửa bình, thắp nhang Hay: Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi! Trong văn chương Việt Nam, có một câu chuyện về xà bông của tác giả Sơn Nam mà tôi đã đọc từ lúc bé và suy nghĩ mãi về câu chuyện này. Sơn Nam sinh năm 1926 và mất năm 2008, hưởng thọ 82 tuổi. Ông là một nhà văn, nhà báo và cũng là người nghiên cứu văn hóa Việt Nam nổi tiếng. Truyện ngắn Bác Vật Xà Bông, trích trong tập chuyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam nói về một nhân vật giỏi về khoa học, kiến thức uyên bác mà chữ thời đó gọi là “bác vật”. Bác vật tức là kỹ sư, nhà thông thái kỹ thuật. Chuyện xảy ra vào năm 1945, ông Hai được cả xóm Xẽo Bần vùng U Minh Hạ quý trọng, vì ông Hai học ở bên Pháp về, chọn xây nhà lập nghiệp tại khu Xẽo Bần. Tuy thế ông Hai cũng không tránh được việc bị dân làng dè bỉu, nghi ngờ vì sự hiểu biết của người dân quê lúc đó khá thấp. Một hôm ông biểu diễn cho dân xem cách ông nấu xà bông bằng dầu dừa và tro, dự định sẽ mở một xưởng sản xuất xà bông lớn tại đây. Bà con sau hôm đó học lóm được cách nấu xà bông, nghĩ là mình tự làm được rồi, đâu cần phải làm công cho ông Hai nữa. Bác vật xà bông là ông Hai phải thất bại vì người dân làm ngang, thiếu suy nghĩ. Việc “bản quyền” ngày ấy chưa có, nhưng ngày nay việc bản quyền cũng thường bị vi phạm. Hàng giả, hàng nhái khắp mọi nơi, đặc biệt từ phía Tàu Cộng. Biết bao “bác vật” đã phải thất bại, chịu mất mát thành quả do công trình sáng tác từ tim óc của mình bị bắt chước. Hằng ngày, nhiều người vô tình chuyển bài viết, nhạc phẩm thiếu tên tác giả, cũng là một thiếu sót trong việc tôn trọng bản quyền. Thậm chí có người cố ý sao chép, sửa nhạc, đánh cắp bản quyền rất đáng trách. Bây giờ xin nói về “Cô Ba xà bông”, là người đăng quang hoa hậu trong cuộc thi người đẹp đầu tiên ở SàiGòn vào năm 1865, có tên gọi Miss SàiGòn, gồm nhiều mỹ nhân từ khắp các vùng Đông Nam Á tham dự. Cô Ba đã chiến thắng gần 100 cô gái, sau đó cô được làm người mẫu có hình in trên cục xà bông. Nói về tiểu sử, “Cô Ba Bà bông” là con gái của thầy Thông Chánh, quê gốc Trà Vinh, đẹp người đẹp nết nhưng số phận không may mắn. Người Pháp lúc đó đã trả tiền cao đề nghị cô chụp ảnh mặc áo tắm, nhưng cô không đồng ý vì nghĩ là không thích hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Cô Ba cũng là phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện trên con tem của Bưu Điện và là đại diện cho một hãng mỹ phẩm nổi tiếng lúc đó. Nhưng hồng nhan bạc phận, theo một câu chuyện ghi lại thì mẹ của cô Ba bị tên biện lý người Pháp tên là Jaboin ỷ thế làm càn, thường xuyên tán tỉnh, trêu ghẹo. Thầy Thông Chánh cha của cô Ba không chịu được cảnh đó, nên trong lúc nóng giận đã rút súng bắn chết Jaboin. Cô Ba Thiệu bị họa lây, bị bắt giam rồi tự tử chết trong tù. Nghĩ thật buồn cho thân phận nhược tiểu, bị đô hộ, hà hiếp và thương cho cô Ba vắn số. Tôi đã kể trước đây mấy lần chuyện ông Đồ Nguyễn Đình Chiểu, bây giờ cũng xin nhắc lại là ông Đồ đã rất khẳng khái bài chống Pháp, không chịu xài các sản phẩm của Pháp. Biết xà bông là tốt, có ích lợi thực dụng nhưng ông Đồ Chiểu nhất định không thèm xài. Điều này làm chúng ta suy nghĩ về lòng ái quốc, về việc ủng hộ các sản phẩm nội hóa, không nên đua đòi theo ngoại quốc một cách mù quáng. Bây giờ mời bạn cùng tôi đọc lại một câu chuyện cười thời bao cấp. Ngày ấy, có loại xà bông Liên Xô được đóng thành từng bánh, ở miền Bắc hay gọi là “bánh xà phòng”. Có một anh người thiểu số vùng cao nguyên lần đầu xuống thành phố, thấy bảng đề là bánh, nhìn lại đẹp nên tò mò mua ăn thử. Ăn xong có người hỏi “Sao lại ăn xà bông, thấy thế nào?” Anh trả lời “Đắng lắm, nhưng xếp hàng chen lấn mãi mới mua được 1 bánh, bằng giá tiền bán một thúng bắp, bỏ thì tiếc, nên phải ráng ăn hết thôi”! Nghe chuyện thì