ĐỌC BÁO VỚI
ẾCH số 23
Tháng 6 năm 2014
THÀNH DANH NHỜ KHỔ LUYỆN
Trong cuốn sách của mình, tác giả Geoffrey Colvin cho rằng Mozart trở nên vĩ đại như vậy nhờ quá trình tập luyện gian khổ. Ông được cha mình dạy dỗ từ bé. Sau đó là hàng loạt buổi biểu diễn cho giới quý tộc cùng những chuyến lưu diễn khắp nơi suốt thời thơ ấu. Ở tuổi 14, ông viết bản opera đầu tiên và thu được một số thành công. Tuy nhiên, cần nhớ rằng tới thời điểm này, ông đã được tập luyện với các giáo viên chuyên nghiệp, bao gồm cả cha ông, trong suốt 9 năm. Trong những chuyến lưu diễn của mình, Mozart đã có cơ hội gặp gỡ những nhà soạn nhạc nổi tiếng như Johann Christian Bach, người rất có ảnh hưởng với ông. Ông cũng được nhận vào một học viện âm nhạc rất danh tiếng năm 14 tuổi, tại đó ông đã phát triển tài năng của mình. Khi được vua xứ Salzburg (Áo) trọng dụng năm 17 tuổi, Mozart đã sống trong âm nhạc trong suốt 14 năm. Ông vẫn tiếp tục công việc của một nhạc sĩ trong suốt nhiều năm sau đó. Khi giành được thành công và danh tiếng với bản Die Entfuhrung, Mozart mới 25 tuổi. Hơn 30 tuổi ông đã bắt đầu viết lên các tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, dựa vào những kinh nghiệm tích lũy trong suốt thời gian dài. Có thể nói Mozart là một nhạc sĩ thiên tài và là một nhà soạn nhạc vĩ đại, nhưng ông đạt được điều đó nhờ làm việc và tập luyện không ngừng nghỉ trong nhiều năm. Ông không phải một thiên tài bẩm sinh, tất cả đều nhờ vào nỗ lực của bản thân ông. trích từ bài “Sự thật Mozart không phải là thiên tài âm nhạc bẩm sinh” (Dân Trí) Phan Hạnh/Theo Knowledgenut
TRUYỆN ĐỜI XƯA
Trong lòng bàn tay thằng Minh là một cục nhân thịt mà nó đã lén lấy từ cái bánh bao để trên bàn. Đây là trò “ảo thuật” có tên là “moi ruột” do thằng Ti chỉ cho tụi nó ăn ruột bánh bao không tốn tiền. Khi vào tiệm nước, gọi ly cà phê đen rồi nhân lúc phổ ky không để ý tụi nó gỡ miếng giấy phía dưới bánh bao, moi lấy cái nhân thịt ở trong ra ăn. Sau đó dán miếng giấy che kín cái lỗ thủng phía dưới bánh bao lại y như cũ. Khi phổ ky dọn bàn, thấy cái bánh bao vẫn nguyên vẹn nhưng đâu biết đó chỉ còn lại cái vỏ, còn cái nhân thịt trong ruột bánh đã đi vào bao tử tụi nó.
- Dạ, con lấy cái ruột bánh bao. - Ăn thì trả tiền đàng hoàng chứ mậy! - Tại con ghét thằng cha Quẩy. Bữa nọ con mua một đồng trà đá, thằng chả không bán. - Ghét thì đừng ăn quán của người ta, còn ăn thì phải trả tiền sòng phẳng. Lỡ tụi nó bắt được thì nó coi mấy thằng người Việt mình ra gì mậy. Đừng để ai khinh mình hết. Bị người ta ghét thì được chứ đừng để bị người ta khinh. “Dầu hèn cũng thể” chứ mậy. Bị bắt tại trận, để đỡ ngượng, nó đánh trống lảng: - Chú có xem “Chú Thòn lãnh vợ hôn?” Cái tuồng mà thằng Xuân Phát đóng vai chú Thòn người Tàu đi lãnh vợ là người Việt do con Trương Ánh Loan đóng bị bắt vô bót cảnh sát vì đi làm gái bán ba đó - nói tới đây nó hát - “Ngọ có chết li thì cũng theo chời theo Phật á… Chỉ sợ mấy lứa con khờ nhỏ dại ai nuôi...”. Vậy mà còn bị con Trương Ánh Loan đánh lên đầu một cái, máu chảy dầm dề. Tội quá chừng chừng. - Mầy nói chuyện tầm bậy quá. Có ăn có học mà cứ nói chuyện như đồ vô học. - Con nói làm sao chú? - Sao mầy cứ gọi là thằng Xuân Phát, con Trương Ánh Loan. Họ lớn tuổi bằng tao mà mầy cứ gọi là thằng này con kia. Tao nghi mầy cũng gọi tao là thằng Hai Ngon khi nói chuyện với người khác quá. Thằng Minh cười, biết lỗi: