ĐỌC BÁO VỚI
ẾCH số 25
Tháng 9 năm 2014
CUỘC SỐNG BẮT ĐẦU Ở TUỔI 70
(Dân Trí) Những ngày ngồi trên ghế nhà trường thường được xem là những ngày hạnh phúc nhất trong đời, nhưng phân tích mới đây nhất về chỉ số “sức khỏe” quốc gia của Anh đã chỉ ra rằng con người ta cảm thấy hạnh phúc nhất khi ở độ tuổi 70. Số liệu từ Cục thống kê quốc gia (Anh) cho thấy không chỉ chuẩn bị đón nhận cuộc sống một cách chậm rãi hơn, mà khi bước sang tuổi 70 con người ta mới bắt đầu bước vào thập kỷ vàng. Những chỉ số chính được dùng để đo “sức khỏe” của quốc gia cho thấy sự mãn nguyện chung và có cảm giác về giá trị đạt mức đỉnh khi bắt đầu độ tuổi 70. Phân tích các mô hình hạnh phúc cơ bản cho thấy đỉnh này thậm chí còn dài hơn, kéo dài từ khi nghỉ hưu đến ngay trước ngày sinh nhật lần thứ 80. Khi được yêu cầu đánh giá mức độ hạnh phúc cảm nhận được trong ngày hôm qua theo thang điểm 10, số điểm trung bình của người trả lời chỉ dưới 7,4, nhưng tăng lên tới gần 7,8 ở độ tuổi từ 65-79. Đáng chú ý là 41% số người tuổi từ 70-75 đánh giá hạnh phúc của mình đạt ít nhất 9/10 điểm, so với chỉ 36% ở những người trẻ hơn 10 tuổi. Số liệu cũng cho thấy tuổi trung niên là thời gian phải lo nghĩ nhiều nhất, những người ở độ tuổi cuối 40 đầu 50 xếp hạng mức độ lo âu của mình cao hơn các nhóm tuổi khác. Điểm hạnh phúc tự đánh giá đạt điểm thấp nhất, chỉ 7/10, ở độ tuổi 50 – 54. CẨM TÚ/Dân Trí/theo Telegraph
NHÀ SƯ VÀ IPHONE 6
TTO - Mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng xôn xao với clip quay hình ảnh một nhà sư đến cửa hàng bán điện thoại di động để mua iPhone 6. Nhà sư này tiếp tục gây “bão” khi đăng tải lên trang facebook cá nhân của mình ảnh chụp cùng chiếc điện thoại Vertu có giá trên 600 triệu đồng. Nhà sư trong clip được xác định là Đại đức Thích Thanh Cường, Trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương), trụ trì chùa Cương Xá. Ông nói: “Chủ cửa hàng là người quen nên nhờ tôi đến bóc hộp một máy điện thoại lấy may. Tôi và mấy cậu nhân viên có quay lại clip để giới thiệu về máy iPhone 6 và cửa hàng. Tôi khẳng định là chỉ đến sờ máy lấy lộc cho cửa hàng chứ không mua, Khi tôi đang xem điện thoại thì có một vị khách là chủ cửa hàng nội thất gần đấy cũng vào cửa hàng xem, đây cũng là người quen của tôi. Chiếc điện thoại Vertu là của vị khách này. Lúc đó tôi có mượn máy của họ để chụp ảnh. Sau khi về thì tôi đăng clip và ảnh lên trang facebook của mình để chia sẻ với bạn bè và quảng cáo cho cửa hàng chứ giờ tôi vẫn chỉ dùng máy điện thoại Nokia thôi”. Ông nói thêm: “Không ai cấm nhà sư dùng điện thoại cả. Xã hội ngày càng phát triển, người tu hành cũng nên nắm bắt công nghệ để có thể liên lạc, dùng điện thoại để lên mạng truyền giảng phật pháp. Ai không dùng cách này cũng không sao. Chỉ cần tôi không vi phạm đạo đức xã hội, không làm ảnh hưởng đến ai là được”. Trao đổi quan điểm cá nhân về vụ việc, nhà sư Thích Thanh Vân, Phó Trưởng Ban Thường Trực Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương, nói: “Theo đạo Phật thì chuyện ăn-mặc-ngủ thì rất bình thường. Dù đời sống xã hội phát triển thế nhưng mình cũng cần làm như nào cho vừa phải để biết đủ thôi. Trong Phật giáo, biết đủ gọi là đi vào thế trung đạo thì không bị người đời phản ứng. Các vị tu hành thường xưng là bần đạo, nghĩa là nghèo về vật chất nhưng giàu về trí tuệ, đấy mới là người bậc trí. Tiền tài, vật chất của thế gian đối với nhà Phật chẳng có nghĩa lý gì cả. Nếu mình quan tâm đến vật chất thì sẽ không hay và để cho người đời hiểu khác đi”. Trích từ bài cùng tên/THÂN HOÀNG/Tuổi Trẻ