3.1.2 Thuyết minh qui trình: 3.1.2.1 Nguyên liệu: Nguyên liệu là củ sắn tươi được nhà máy thu mua từ các hộ thu mua sắn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận trong khu vực miền trung và Tây Nguyên. Sắn nguyên liệu được xe chở đến nhà máy, xếp theo thứ tự xe đến trước xếp trước xe đến sau xếp sau. Xe vận chuyển sắn đi qua cân điện tử để xác định khối lượng trước khi vào bãi nhập liệu. Sắn được tháo xuống bãi nguyên liệu nhờ công nhân và hệ thống cào bằng động cơ. Xe chở sắn đi theo hình chữ C để tránh chà cán lên sắn gây dập nát. Tại bãi nguyên liệu, nhân viên KCS tiến hành lấy mẫu sắn của mỗi xe đi kiểm tra hàm lượng tinh bột để định giá mua, đồng thời xác định lượng tạp chất trong nguyên liệu. 3.1.2.2 Phễu nạp liệu: Mục đích: Chứa nguyên liệu, điều tiết lượng sắn cấp lên băng tải một cách vừa phải và cấp liệu một cách dễ dàng, tạo điều kiện dây chuyền hoạt động liên tục, chủ động. Thực hiện: Xe xúc đưa sắn từ bãi nguyên liệu vào phễu nạp liệu. Phễu được thiết kế dạng đáy hình côn dưới đáy có cửa thoát, có bộ phận sàng rung đặt ngay dưới cửa thoát, sàng rung chuyển động tịnh tiến nhờ động cơ, 5 giây dao động một lần giúp phân phối nguyên liệu lên băng tải nghiêng một cách đều đặn với khối lượng thích hợp. 3.1.2.3 Băng tải nghiêng 1: Mục đích: vận chuyển sắn từ phễu nạp liệu đến lồng bóc vỏ. Thực hiện: Băng tải được đặt nghiêng so với mặt đất, nối giữa phễu nạp liệu và lồng bóc vỏ, chuyển động nhờ động cơ truyền động cho tang dẫn động và tang căng giúp đưa nguyên liệu lên lồng bóc vỏ. 3.1.2.4 Lồng bóc vỏ Mục đích: Loại bỏ phần vỏ gỗ chứa chủ yếu cellulose, hemicellulose không có giá trị trong sản xuất tinh bột và phần lớn đất đá, tạp chất dính trên củ sắn, nhằm tăng hiệu quả cho công đoạn rửa và tăng chất lượng tinh bột thành phẩm. Thực hiện: Sắn được băng tải chuyển từ phễu nạp liệu đến lồng bóc vỏ, lồng bóc vỏ có thiết kế một khe hở nhỏ hơn củ sắn để loại một phần tạp chất nhỏ. Lồng bóc vỏ có dạng hình trống bên trong có cánh xoắn, trống quay được nhờ động cơ. Tại đây, một phần vỏ lụa sẽ được tách ra khỏi củ sắn nhờ lực ma sát giữa củ sắn với nhau, giữa củ với thành của lồng bóc vỏ và với các cánh xoắn bên trong lồng. Vỏ lụa và tạp chất sẽ lọt qua thành của lồng bóc vỏ và rơi xuống máng chứa tạp chất. Sau khi qua lồng bóc vỏ sắn được làm sạch 50 – 55% vỏ lụa.
SVTT: Nguyễn Mạnh Hùng
Trang 11