12 minute read

Phía sau hàng rào là cả một bầu trời rộng lớn6. Inside HDA

Phía bên kia hàng rào là cả một bầu trời rộng lớn

Inside HDA

Advertisement

Tác giả: phydrasy & Nami

Tôi thích lang thang, thích ngắm nghía mọi ngóc ngách mà mình đi qua. Nhưng đôi khi tôi cũng chỉ muốn tìm một nơi nào đó thật yên tĩnh để ngồi xuống suy nghĩ về tất cả… như chuyện nhân sinh chẳng hạn.

Và mới đây, thật tuyệt khi tôi đã khám phá ra được một nơi trú ẩn mới mẻ, lại ngay bên trong mái trường Hoài Đức A này. Đó là dãy cầu thang từ tầng ba tòa nhà B đi lên. Ở đó, chiếc cầu thang dẫn lên, chẳng có tầng nhà nào cả, nó chỉ đơn giản là một đoạn cầu thang ngắn ngủn, không hơn không kém. Nhưng chẳng biết sao, khi nhìn thấy nó, tôi đã thầm reo lên trong lòng: “Đúng là nơi mình cần tìm đây rồi!”. Đối với người khác, có lẽ nó chỉ là đoạn cầu thang thừa thãi, vô dụng nhưng đối với tôi, nó thật đặc biệt.

Bất cứ khi nào rảnh rỗi, sau vài giờ học tan sớm hay ngày chủ nhật thảnh thơi nhất, tôi đều mò đến đoạn cầu thang nhỏ đó, ngồi xuống, đeo tai nghe mở đoạn nhạc yêu thích hay đọc một cuốn sách. Thật thoải mái! Ắt hẳn, mọi người sẽ nghĩ tôi thật dở hơi khi lại mò mẫm đến chốn này chỉ để đọc sách, nghe nhạc nhưng tôi yêu chốn này đến kì lạ, giống như việc phải lòng một địa điểm không tên như bao thi sĩ thời xưa vậy.

Khoảng cầu thang ấy yên tĩnh lắm, kì lạ lắm, dù tôi có ngắm nghía bao nhiêu lần đi chăng nữa vẫn thấy nơi đây quá đỗi kì diệu khi mà ở ngay phía bên kia rào chắn rỉ sắt kia, chính là một khoảng trời xanh bao la: khoảng trời của ước mơ, của khát khao và hi vọng.

Tôi từng đọc được ở đâu đó rằng: “Nếu bầu trời tượng trưng cho những ước mơ, những kế hoạch lớn và những cái nhìn bao quát nhưng toàn diện về bản thân, thì phải chăng những nỗi lo thường nhật đã kéo tầm mắt của ta xuống dưới mặt đất, để chìm trong một dòng người hối hả, để đối phó với những chướng ngại vật ngay trước mắt và rồi ta chẳng còn lúc nào để phóng tầm mắt lên thật xa trên bầu trời, để thấy những ước mơ của ta lớn đến chừng nào...” Quả vậy, nhìn lên khung cảnh xanh biếc ấy của bầu trời, tôi như tìm lại được chính tôi, tìm lại được những ước mơ mình hằng theo đuổi.

Tôi bâng khuâng nhớ về nhỏ bạn thân của mình, nó giỏi vẽ lắm, từ hồi cấp II đã thấy nó ôm cuốn sổ miệt mài vẽ lên vô vàn những điều tuyệt diệu. Tôi vẫn thường tấm tắc khen rồi nói rằng chắc chắn trong tương lai, nó sẽ là một họa sĩ tài năng.

Cũng giống như tôi, mỗi khi rảnh rỗi nó hay ra góc cầu thang này để vẽ bởi nơi này “nghệ” lắm khiến nó có cảm hứng để vẽ lên nhiều thứ. Và chủ nhật nào cũng vậy, cũng là tôi với nó ngồi bên góc cầu thang ấy, tôi đọc sách, nó miệt mài ngồi vẽ quả thực cảnh tượng lúc ấy giống như trong phim vậy, giống như chốn “hẹn hò” nhỏ giữa hai đứa, một chốn bí mật mà nên thơ đến lạ người.

Có một khoảng, nó không còn ngồi cầu thang cùng với tôi nữa, tôi nhắn tin cũng không trả lời, gọi cũng không nghe khiến tôi lo đến phát khóc. Ngày hôm ấy, tôi thẫn thờ ngồi nhìn bầu trời sau thanh sắt kia đang dần chuyển sang màu xám xịt, bầu

trời hôm ấy buồn đến xé lòng, nhưng ai biết khóc thay cho bầu trời ấy đây?

Sau một khoảng dài đằng đẵng vắng bóng… cuối cùng tôi gặp nó ở lớp học thêm trong dáng vẻ mệt mỏi và có gì đấy chán nản nữa. Bỏ qua những điều ấy, tôi vội vàng hỏi nó: “Sao lần trước mày không tới?” Nó ngước lên nhìn tôi xong lại cúi xuống, tiếp tục viết những công thức toán dài ngoằng lên tập vở khàn khàn đáp:

“Tao bỏ vẽ rồi nên đến đấy thì cũng có để làm gì đâu”.

Khoảnh khắc nghe được câu trả lời nhẹ như không ấy, tôi tưởng chừng như tai mình bị lãng chăng? Hoặc là bạn tôi hôm nay thật vui tính quá đi, nên chắc nó đùa vậy thôi. “Đùa như vậy không vui đâu…” “Tao không đùa! Thay vì quan tâm đến tao sao không học đi nhỉ? Thầy vào lớp rồi kìa!” Tôi lặng thinh trước lời nói dữ dội ấy, còn nó thì tiếp tục cắm cúi bấm máy tính, chăm chú nghe giảng rồi hí hoáy viết như thể sự tồn tại của tôi vốn dĩ chẳng ở đấy vậy.

Tan học, tôi níu tay nó lại, kiên quyết tra khảo tới cùng: “Mày với tao chơi với nhau bao nhiêu lâu rồi… tao biết mày yêu nghệ thuật đến mức nào mà, nói tao nghe... tại sao mày lại bỏ vẽ chứ, mày thích vẽ từ hồi cấp 2 rồi cơ mà?” Nó nghe vậy đành bẽn lẽn trả lời cùng với khuôn mặt đờ đẫn và những giọt nước mắt như đang chực trào tuôn ra. Khuôn mặt luôn tươi cười rạng rỡ thường ngày bỗng chốc biến đâu mất để rồi chỉ còn thấy một biểu cảm buồn bã làm người ta phải đau lòng. Nó vừa khóc nấc lên vừa kể bố mẹ nó không ủng hộ việc sau này nó theo nghiệp vẽ và nếu theo nghề đó thì tương lai vừa khó kiếm việc mà lương “bèo bọt” lắm, thậm chí trong lúc tức giận, bố… đã xé nát cuốn sổ vẽ yêu quý của nó khiến mọi thứ trước mắt nó như sụp đổ vậy. Nghe xong những lời tâm sự ấy tôi vừa thương cảm vừa bực mình. Vì sao ư? Đương nhiên chính là việc nó thỏa hiệp với việc cứ vẽ tranh là sẽ không có tương lai rồi sau này cũng sẽ sống một cuộc đời bấp bênh. Ngay lúc đó, tôi chẳng rõ có một thế lực vô hình nào ngăn bạn tôi tiếp tục vẽ mà cớ gì lại từ bỏ đi ước mơ, từ bỏ những điều mình đam mê nhất?

Buổi chiều hôm ấy, tôi cứ suy nghĩ mãi… về cách con người ta dễ dàng từ bỏ mọi thứ như vậy. Ắt hẳn con bé cũng đau đớn lắm chứ, tổn thương nhiều lắm nhưng nó vẫn quyết định vì gia đình, vì những người… “máu mủ ruột thịt” đó mà vùi dập ước mơ, đam mê cháy bỏng nhất của bản thân. Bỗng dưng… tôi thấy đôi lúc một vài người lớn thật buồn cười quá, tương lai của con cái quả thực rất quan trọng, tôi hiểu phần nào đấy những nỗi lo lắng ở đằng sau những lời trách mắng kia hay sự lo âu đằng sau ánh mắt của bố mẹ, nhưng đến mức ngăn cấm những đứa con của chính mình bằng cách thổi bay ước mơ chúng như việc xé cuốn sổ vẽ của nó thì liệu có đáng để họ làm không, có đáng cho những giọt nước mắt, cho những tổn thương mà đứa con ấy phải chịu đựng hay không? Suy nghĩ cứ chồng chất lên thành đống bỗng chốc tôi cảm thấy rối bời bởi… tôi chẳng biết làm gì hết cả.

Suy cho cùng… theo đuổi ước mơ hay đam mê của chính mình vốn dĩ chẳng bao giờ là sai hết. Tôi đã ở bên cạnh nó đủ lâu, đủ để hiểu việc nghệ thuật hay hội họa với nó giống như hơi thở, thiếu đi oxy nó sẽ chẳng thể sống nổi được mất, nên nhất định… tôi phải làm gì đó, cứu lấy bạn tôi, cứu lấy những ước mơ thanh thuần từ thuở sơ khai của con bé.

“Chủ nhật này gặp nhau ở cầu thang mày nhé! Mày không đến thì tao cũng chẳng về đâu, nhớ đấy!” - lặng lẽ ấn nút “gửi”, tôi cầu mong nó sẽ không trốn chạy thêm một lần nào nữa.

Vẫn là chủ nhật như mọi khi, vẫn là dãy cầu thang ấy nhưng chỉ có một mình tôi cô đơn, trống trải ngồi một mình. Tôi cứ nhìn chằm chằm về phía cổng trường nhưng đáp lại thì chỉ là sự tĩnh lặng của cảnh vật xung quanh, đôi lúc lại là cái ngáp dài của bác bảo vệ hoặc tiếng lá rơi xào xạc trên sân.

Bỗng từ phía xa xa, tôi thấy một bóng dáng quen thuộc chạy thật nhanh băng qua từng hàng cây, từng dãy nhà giống như sợ sẽ bỏ lỡ cái gì vậy. Và đúng như dự đoán, cô bạn của tôi đã đến, nó vừa thấy tôi ngồi ở bên góc liền ôm lấy tôi lẩm bẩm: “Tao xin lỗi… tao không có ý khiến mày suy nghĩ nhiều như vậy…”.

Đến bây giờ nhớ lại quả thực đó là một khoảnh khắc xúc động, chúng tôi hôm ấy đã nói rất nhiều và tôi cũng thử khuyên nhủ vài thứ như cách hai đứa từng làm hồi Trung học. Nói chung, bây giờ tôi chẳng tài nào nhớ nổi trong lúc ấy mình đã nói những gì, sau tất cả, đọng lại trong đầu tôi vẫn là câu nói ấy:

“Nếu bây giờ mày thỏa hiệp với ước mơ của mày bằng việc mày bỏ nó thì mày đã thỏa hiệp với cả cuộc đời sau này của mày đấy”.

Hôm đó là một ngày chủ nhật đầy nắng, tôi vẫn ngồi ở bậc cầu thang ấy dù chẳng rõ bố mẹ nó đã thay đổi quyết định chưa nhưng tôi vẫn đợi với hy vọng sẽ lại nhìn thấy bóng dáng bên cuốn sổ vẽ quen thuộc kia. Và may mắn thay, hôm nay nó đã đến. Lần này nó không chạy nữa mà lặng lẽ đi thong thả trên sân trường với những tia nắng gay gắt của mùa hè đang trải dài trên mặt sân…

Tôi không giấu nổi sự vui sướng và tò mò, ánh mắt tôi sáng rực lên tràn đầy hy vọng như thể một đứa nhóc vui vẻ đang chờ đợi kẹo vậy, tôi hồi hộp cất lời: “Tình hình thế nào rồi mày?”. Nó bỗng dưng không giữ nổi sự bình tĩnh như lúc nãy nữa mà bật khóc. Tôi bối rối không biết phải làm gì và lờ mờ hiểu ra điều gì đó… nhìn nó khóc thôi cũng đủ đoán được kết cục như thế nào.... tôi khẽ thở dài ngao ngán, tính vỗ về an ủi con bé…

“Bố mẹ đồng ý cho tao học mỹ thuật rồi”.

Đến khi nó nói câu ấy lên, bỗng dưng nước mắt tôi trào ra, tôi ôm chầm lấy nó sung sướng mà khóc, hy vọng chẳng ai chứng kiến lấy cảnh tượng ấy nhưng đối với tôi nó lại đặc biệt quá đỗi.

Sau niềm hạnh phúc của cả hai đứa, nó thủ thỉ kể tôi nghe chuyện, lặng lẽ mở cuốn sổ vẽ khung cảnh bầu trời phía sau hàng rào rỉ sét kia. Nó đã nói chuyện và thuyết phục họ bằng bức tranh này:

“Tao nói rằng… có một người bạn đã mắng con nói nếu bây giờ con thỏa hiệp với ước mơ của chính mình thì tức là con đã thỏa hiệp với cả cuộc đời này, tao… không muốn làm những gì khiến bản thân mình hối hận!”

Có lẽ chứng kiến trước sự trưởng thành của con gái, hẳn… bố mẹ nó cũng đã cảm nhận được một niềm khát khao, một ước mơ cháy bỏng đang chờ đợi sẵn con họ phía sau hàng rào… người lớn đúng thật kì lạ nhưng sau tất cả người họ yêu nhất vẫn là con cái của chính mình mà thôi.

Bầu trời đầy nắng và gió đằng sau khung sắt hôm đó… tôi ước có một từ hay hơn cả từ “xinh đẹp” để miêu tả lấy khoảng trời ấy, khoảng trời của ước mơ, của tình bạn và của tương lai nữa. Mỗi lần ngồi trên đoạn cầu thang đó, bên cạnh hàng rào sắt gai góc ấy, tôi lại nghĩ về những ước mơ, những hoài bão bên trong mình mà tôi vẫn cứ hoài, cứ mãi chưa thực hiện được. Đời mà, ai mà chả có ước mơ. Ước mơ hay hoài bão đều là những xuất phát điểm quan trọng trong mỗi chúng ta dù lớn hay nhỏ. Nhưng đôi lúc tôi lại thấy hoang mang, lạc lối bởi chính vô vàn

những ngã rẽ ấy, thấy tuyệt vọng bởi sự ăn hại của chính mình khi chẳng thể làm gì nên hồn hay thấy mơ hồ hơn nữa khi tôi cứ vậy mà đắm chìm trong những hoài nghi của tuổi trẻ. Chính những khoảnh khắc như vậy thì bầu trời rộng lớn kia đã thành la bàn định hướng và đem lại cho tôi những hy vọng mãnh liệt.

Giống như nữ nhà văn nổi tiếng Helen Keller đã từng nói: “Bạn chẳng thể làm gì mà thiếu đi hy vọng”. Hi vọng, dù chỉ một chút cũng sẽ làm sáng bừng lên con đường hầm tối tăm trong cuộc đời của mỗi người. Chỉ cần một tia sáng, có thể nhỏ bé cũng cũng có thể to lớn, chúng đều sẽ giúp ta soi sáng, tìm được lối thoát ra khỏi sự ảm đạm, u tối của những góc khuất trong cuộc đời này. Và “hy vọng” lẫn “tia sáng” mà tôi tìm thấy được đây lại chính là khu cầu thang này, là bầu trời rộng lớn kia, là chìa khóa mở ra biết bao những hỗn độn, xô bồ của tuổi trẻ, là la bàn chỉ hướng cho biết bao những lần lạc lối vô định.

Qua hàng rào sắt cùng đoạn cầu thang thừa vốn dĩ chẳng ai để ý tới, tôi đã có thể tìm lại cho mình những xúc cảm, những khao khát tuổi trẻ tôi vốn dĩ đánh mất đã từ lâu. Chính vì vậy, tôi như thêm yêu Hoài Đức A bởi những nơi vụn vặt mà “thơ” đến vậy. Cho nên, nếu như bạn đang hoài nghi, bối rối hay lạc lõng giữa những cung đường tuổi trẻ hãy thử đến đây ngắm nhìn bầu trời sau hàng rào kia xem bởi biết đâu đấy… chìa khóa bạn vẫn hằng kiếm tìm lại ở ngay đây thì sao?

This article is from: