12 minute read

La la land - Lời ca gửi đến những kẻ khờ mộng mơ6. Zoom In Art

La la land: Lời ca gửi tới những kẻ khờ mộng mơ

ZOOM IN ART

Advertisement

Tác giả: Trang Hoang

1. Tuổi trẻ của chúng ta trong Mia và Sebastian

La La Land được giới phê bình đánh giá như một trong những phim hay nhất của năm 2016 thuộc thể loại nhạc kịch, lãng mạn. Nếu bạn đã xem “Singing in the rain” hay “Funny face” thì ắt hẳn chúng ta đều bị cuốn hút bởi những giai điệu, những điệu nhảy uyển chuyển hay những gam màu sắc rất riêng và La La Land đây đã giữ gần như toàn bộ những tính truyền thống vốn có của dòng phim nhạc kịch như một sự tri ân cũng như tình yêu to lớn của vị đạo diễn trẻ Damien Chazelle đối với thể loại này.

Nội dung chính của La La Land xoay quanh cuộc tình tưởng chừng như hoàn hảo và lãng mạn tới tuyệt đối giữa “hai kẻ khờ” là Mia và Sebastian. Mia thì ước mơ trở thành diễn viên Hollywood, được diễn và để lại nhiều vai để đời. Còn Seb lại mang trong mình mộng tưởng to lớn khi anh muốn cứu sống một dòng nhạc tưởng chừng như đã chết: nhạc jazz. Có thể thấy, họ đều là những người trẻ nhiệt huyết, cháy hết mình vì ước mơ như bao con người trong Los Angeles khác thế nhưng tất cả lại đều chật vật trong hành trình bước trên “thảm đỏ” của chính cuộc đời mình.

Xem La La Land, ta như thấy thấp thoáng một tuổi trẻ gục ngã, tràn ngập những hỉ nộ ái ố mà mỗi “kẻ khờ” đều gặp phải. Ta thấy một “ta” ở trong Mia khi chạy theo những “công thức” mà dòng đời vẫn thường hay dặn dò là “sẽ thành công”. Những buổi audition đầy nhục nhã và đáng xấu hổ hay những bữa tiệc đầy rẫy mệt mỏi, bức bối đến bực mình nhưng cốt cũng chỉ mong rằng cô sẽ gặp một Someone in the crowd (một ai đó trong đám đông) có thể giúp mình thăng tiến hơn trong sự nghiệp. Bản thân Mia cũng như bao con người đang nuôi mộng đi trên Hollywood khác: họ đều đang đi theo số đông, đi theo những “công thức” mà người người vẫn thường dặn dò, rỉ tai nhau, mong rằng sẽ có ai đó nâng đỡ họ như cách mà mẹ tiên đỡ đầu đã nâng đỡ Lọ Lem vậy.

Còn ở Sebastian, ta lại thấy một phiên bản mộng mơ khác của chính mình khi giấc mơ mà ta mong đợi lại bị cuộc đời ném vào mặt hai chữ: “hão huyền” hoặc “không thể”. Seb hằng ngày chơi đệm cho những ban nhạc, những nhà hàng trong thành phố với mong muốn sẽ tích cóp từng đồng một để có thể thực hiện hóa ước mơ, dù có phải chơi những bản nhạc Giáng Sinh nhàm chán, hay chơi đệm cho cái dòng nhạc mà anh ghét nhất.

Chúng ta - những kẻ khờ mộng mơ tựa như Seb và Mia đều có những điểm chung nhất định. Tất cả đều chạy theo những “công thức” mà cuộc sống đã vô hình gán lên cho mình mà suy nghĩ rằng chỉ khi đi theo nó thì ta mới có cơ hội để thành công hơn, để có một cuộc sống tốt đẹp hơn và chí ít “những ước mơ hão huyền, mơ mộng kia” may ra thì sẽ thành sự thực.

Thế nhưng trên thực tế, cả hai người họ khi ấy đều không hy sinh một điều gì đó đủ lớn, họ không dám mạo hiểm để trải nghiệm mà chỉ đăm đăm đi theo đám đông vô hình, một đám đông mà chính bản thân họ cũng chẳng rõ là đang đi cùng với ai, chặng đường ấy sẽ như thế nào. Chỉ biết rằng Mia hoặc Seb nhất định phải khờ dại mà đi, bằng không mọi nỗ lực của họ đều sẽ thành mây khói.

2. Những bản nhạc tưởng chừng chẳng bao giờ dứt

Chắc chắn một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của La La Land nằm ở âm nhạc cùng những điệu nhảy đầy lạc quan, yêu đời của mỗi nhân vật xuất hiện trên màn ảnh.

Phim mở đầu với bài hát mang tên “Another day of sun” khi nó được hát và nhảy múa trên con đường quốc lộ tắc nghẽn ở Los Angeles và đây cũng là một trong những cảnh mở đầu được giới phê bình tấm tắc khen ngợi bởi tính độc đáo cũng như sự ẩn dụ đầy tinh tế đằng sau mỗi tiếng ca yêu đời ấy. Ta được giới thiệu tới những con người dường như đã bỏ hết tất cả để đến với thành phố phồn hoa như Los Angeles và dù cuộc sống của họ có khó khăn như thế nào, có vất vả ra sao thì… cũng không sao cả! Vì ngày mai sẽ là một ngày nắng nữa với hy vọng tràn trề, bỏ qua tất cả những mệt mỏi, xô bồ mà mỗi người phải chịu đựng đằng kia.

Ở nửa đầu của bộ phim, yếu tố âm nhạc cũng như vũ đạo đã được lồng ghép vô cùng khôn khéo và dồn dập tạo nên những thước phim đẹp như mơ. Chúng ta có những bản OST như “Someone in the crowd”, “A lovely night” và bản nhạc đã

thắng cử ở hạng mục Best OST (OST xuất sắc nhất) ở lễ trao giải OSCAR 2017: “City of stars”. Những ca khúc cứ thế mà cất lên, các nhân vật cứ vậy mà cất tiếng hát tựa như những xúc cảm thăng hoa trong tình yêu, những lạc quan trong ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc. Vậy mà ẩn sâu sau những giai điệu vui vẻ cùng những điệu nhảy ấy lại phảng phất những cảm xúc bối rối, lạc lõng lạ lùng khó tả, chẳng hạn như Sebastian khi đứng giữa muôn vàn ngôi sao của thành phố anh đã hát:

“City of stars…

Are you shining just for me? City of stars

There’s so much that I can’t see…”

(Thành phố đầy sao… Phải chăng đang soi sáng cho mỗi mình ta? Thành phố đầy sao Có quá nhiều điều mà ta chẳng thể thấy...)

3. Thực tại nghiệt ngã sau mỗi bản ca

Nửa đầu tươi sáng, đẹp đẽ là vậy nhưng càng về dần tới hồi kết những bản ca như càng ngày càng giảm dần, âm điệu của phim ngày càng trầm xuống như muốn thế chỗ cho những mệt mỏi, gục ngã trong cả ước mơ lẫn mối quan hệ của cả Seb và Mia.

Như người viết đã đề cập ở phía trên, La La Land gần như đã giữ toàn bộ tính truyền thống mà một bộ phim kịch thường thấy, đó là âm nhạc, là giai điệu, là những điệu nhảy lẫn màu sắc tươi sáng phảng phất suốt khắp phim nhưng đạo diễn Damien Chazelle lại tìm thấy cho phim những khai phá rất riêng, khiến La La Land nổi bật và đặc biệt hơn hẳn những bộ phim cùng thể loại.

Ngay trong cách đặt tên phim cũng đã phần nào gợi lên được cái kết của nó: La La Land. Ắt hẳn chúng ta đều biết L.A là viết tắt của tên thành phố Los Angeles - kinh đô điện ảnh Hollywood hàng đầu thế giới, nơi có thời tiết nắng quanh năm tựa như những ước mơ thắp sáng của hàng nghìn con người ở nơi đây. Và theo từ điển Merriam Webster cũng đã định nghĩa đây là trạng thái tinh thần hưng phấn, mơ màng như tách biệt hoàn toàn với thực tại nghiệt ngã của cuộc sống. Tên phim đẹp, mộng mơ là vậy nhưng khi ta thử kết hợp với biệt danh trớ trêu mà người đời vẫn thường gán cho Los Angeles: “The city of broken dreams” hay “Thành phố của những ước mơ tan vỡ” đã vẽ nên một thực tại xấu xí của những con người đang mơ ước sẽ tìm thấy một cơ hội đổi đời giữa thành phố này, do cơ hội thành công là rất nhỏ nhoi.

Vì vậy La La Land vốn dĩ không để chúng ta kì vọng vào một cái kết hạnh phúc bởi lẽ giấc mơ có đẹp như thế nào thì ai cũng sẽ phải tỉnh giấc. Phim đã vạch trần những góc khuất trớ trêu ở Hollywood hay rộng ra hơn là những tiêu cực mà mỗi kẻ khờ sẽ gặp phải trên con đường đi tới “thảm đỏ” của cuộc đời mình. Do đó La La Land đã tách bạch hoàn toàn khỏi các motif vốn thấy ở dòng phim kịch lãng mạn khi cái kết của chúng thường là hạnh phúc viên mãn, tựa như những giai điệu ở trong phim vậy.

Trong bản OST cuối cùng “The fools who dream” cũng đã nói về cuộc đời của những gã khờ mộng mơ, nhưng kỳ lạ thay dù có phải lăn lộn, chật vật nhiều như thế nào thì tới cuối cùng họ vẫn sẽ quyết định làm như vậy một lần nữa, bất chấp cả cái lạnh lẽo của dòng sông Seine hay chính xác hơn là dòng chảy của thực tại nghiệt ngã… Bởi phải chăng, giấc mơ chính là món quà “ngọt ngào” nhất mà họ có thể nhận được trong đời, vì vậy nó đáng để người trẻ đánh đổi, đáng để họ mạo hiểm, trải nghiệm bất chấp hết những đớn đau hay khổ sở? Chắc là vậy… nên họ mãi mãi luôn là những kẻ khờ cùng đi trên mảnh đất La La Land đằng kia.

4. Cái kết cho những kẻ khờ mộng mơ

Khi La La Land kết thúc thì cũng là lúc cảm xúc trong lòng mỗi người như thêm rối bời và có chút gì đó tổn thương bởi những xúc cảm mà phim đã đem lại trong suốt 2 tiếng 8 phút vừa rồi. “Tại sao họ lại không thể ở bên nhau?” “Tại sao cô ấy/anh ấy lại bỏ nhau dù cuộc tình của họ đẹp tới vậy cơ mà?” “Tại sao…?” Cái kết của La La Land đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều, một bộ phận khán thính giả cho rằng phim đã phá đi hết tất cả những gì đẹp đẽ nhất mà tình yêu có thể có được nhưng số khác lại gật gù tấm tắc khen hay bởi tính hiện thực mà phim đã thành công truyền tải tới người xem. Tựa như sự tỉnh giấc sau một giấc mơ dài vậy…

La La Land là sự kết hợp hoàn hảo giữa hai yếu tố: giấc mơ và thực tại. Phim mở đầu với thực tại mệt mỏi trong một thành phố, và xuyên suốt phim, cả giấc mơ lẫn thực tại cứ thế đan xen lẫn nhau và cao trào nhất là ở khung cảnh cuối cùng khi họ sống trong một giấc mơ mà tương lai họ có nhau nhưng sau những giấc mơ đẹp đẽ tất thảy, cả Mia, Seb cùng những con người đang theo dõi hành trình của hai người họ cũng phải tỉnh giấc, quay trở về một thực tại trớ trêu rằng cả hai đã hy sinh lẫn nhau để thực hiện hóa lấy ước mơ của người còn lại. Sự hy sinh ấy là tự nguyện, là minh chứng đẹp nhất cho tình yêu giữa hai người nên quả thực sai lầm khi nhận xét rằng: cảnh kết đã phá nát đi một câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp, bởi La La Land là nhiều hơn cả một câu

chuyện tình yêu.

5. Thông điệp tới những kẻ khờ

La La Land ngầm nhắc nhở tới những kẻ khờ rằng: để thành công, để có thể bước đi trên “thảm đỏ” của cuộc đời thì ta bắt buộc phải hy sinh một thứ gì đó thực sự lớn lao và thoát khỏi vùng an toàn của chính mình như cách mà Mia, Sebastian hoặc thậm chí cả đạo diễn Damien Chazelle đã làm để có thể hiên ngang bước trên chiếc “thảm đỏ” ấy.

Tuổi trẻ ai rồi cũng mơ mộng như Mia, như Seb và ai rồi cũng sẽ phải có những giây phút chật vật trên chính ước mơ của cuộc đời mình như lẽ hiển nhiên của cuộc sống. Hãy đừng như Mia chạy theo số đông hay những “công thức” vô hình, làm theo những gì người khác làm để rồi chán nản và muốn từ bỏ hết tất cả. Cũng đừng như Sebastian quên đi chính ước mơ thực sự của bản thân là gì mà hãy luôn nhớ tới mục tiêu của bạn và sống hết mình với nó. Chắc chắn hành trình đi tới giấc mơ vốn dĩ chẳng hề dễ dàng nhưng mong bạn đừng mất kiên nhẫn mà hãy chịu đựng đủ mọi khó khăn, gian nan vì nó.

Bởi sau tất cả, giấc mơ chính là món quà ngọt ngào và xứng đáng nhất cuộc sống có thể ban tặng tới những kẻ khờ mộng mơ như chúng ta vậy.

Do đó, Nhật Báo tin rằng La La Land có thể là chìa khóa không chỉ dành cho những người trưởng thành đang vật lộn trong giới nghệ thuật mà còn dành cho bất kì người trẻ nào đang gặp trắc trở trên con đường thực hiện hóa ước mơ của bản thân với những hoài nghi, những rắc rối cùng những cảm xúc tiêu cực thường thấy. Hãy xem La La Land để được cùng khờ dại cùng họ, cùng mơ và yêu với họ, vì chắc chắn bạn không phải là “kẻ khờ” duy nhất trên cuộc đời này, hãy lắng nghe thật kỹ những lời ca trong phim để có những trải nghiệm điện ảnh thực sự thú vị nhé!

This article is from: