11 minute read

Bộ lọc nào cho Đà Lạt của bạn5. Tấm vé bay

Bộ lọc nào cho Đà Lạt của bạn

Tác giả: Khánh Ly

Advertisement

Đối với tôi, cuộc gặp gỡ với thành phố ngàn hoa này vẫn mãi là cuộc gặp gỡ tình cờ đẹp đẽ nhất. Có lẽ sau này, cho dù có đặt chân tới bao nhiêu vùng đất mới đi chăng nữa, tôi cũng không thể nào quên được trải nghiệm của mình tại Đà Lạt.

Quay trở lại thời điểm năm 2018, khi mà ‘Tháng năm rực rỡ’, bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lấy bối cảnh tại Đà Lạt, đang làm mưa làm gió tại Hà Nội. Ai ai cũng rủ chúng bạn ra rạp thưởng thức và tôi cũng không phải ngoại lệ. Đó là lúc mối nhân duyên của tôi với Đạt Lạt bắt đầu chớm nở, và cứ thế tôi đã đem lòng yêu thành phố cách mình 1500km này.

Khi ấy, trong mắt một cô bé lớp Tám đang đứng giữa cái tuổi mộng mơ nhất của cuộc đời, thì Đà Lạt hiện lên như chiếc bánh Baumkuchen trong các cửa hàng sang trọng mà bắt buộc phải nếm thử một lần trong đời, như vùng đất thần tiên thơ mộng, đẹp đẽ và cũng đầy bí ẩn của Alice. Ngay lúc vẫn còn đang chìm đắm trong dư vị ấy, mẹ tôi đem về 2 chiếc vé máy bay với lí do ‘đặt thừa cho khách’ (mẹ tôi làm trong ngành du lịch) và bạn đoán xem, điểm đến trên hai chiếc vé ấy là ở đâu?

Đúng thế, tình cờ như vậy, tôi đã có cơ hội tới thăm Đà Lạt.

Tuy nhiên, sau khi đặt chân xuống sân bay Liên Khương, trải qua ba ngày hai đêm ngắn ngủi ở nơi này, tôi hoàn toàn bị choáng ngợp, ‘choáng’ theo đúng nghĩa đen. Thì ra, Đà Lạt thực chất không chỉ có vẻ thơ mộng và êm đềm như trong tưởng tượng của tôi, như trong phim của đạo diễn Quang Dũng mà Đà Lạt thật sự còn rất nhiều dáng vẻ khác để bạn thưởng thức. Giống như một chiếc máy film với

rất nhiều bộ lọc khác nhau, mỗi lần đổi bộ lọc, bạn lại nhìn thấy một màu sắc khác!

Bộ lọc thứ nhất: Đà Lạt thơ mộng

Có lẽ trong tất cả các bộ lọc, thì đây chính là ‘favourite’ (yêu thích) và cũng là ấn tượng đầu tiên của rất nhiều người tới thăm chốn đây. Gần như tất cả những người bạn đã đừng tới thăm Đà Lạt của tôi đều bày tỏ: “Đà Lạt thơ quá! Quả nhiên là thành phố mộng mơ!”. Những yếu tố tạo nên chất thơ này của Đà Lạt là cỏ hoa, đồi thông, hoặc dáng vẻ kiểu Âu của kiến trúc nơi đây chăng? Chắc vậy.

Sau khi di chuyển khoảng 30km từ sân bay về hướng trung tâm, dạo quanh đường phố nơi đây tôi nhận ra rằng, đến với xứ sở Đà Lạt, cho dù bạn chui vào nơi ngóc ngách ngõ hẻm nào cũng sẽ thấy hiện hữu dáng vẻ của một thứ, đó chính là hoa. Có vẻ như thiên nhiên ưu ái nơi đây cái thời tiết và khí hậu ôn hòa, nên quanh năm suốt tháng Đà Lạt đều được bao bọc bởi muôn hoa nở rộ. Những cánh đồng hoa cẩm tú cầu tôi gặp trên cung đường lộng gió, lọ mimosa đặt trước quầy tiếp tân của khách sạn hay bó lavender của một du khách nào đó đang tản bộ quanh hồ Xuân Hương đều cho tôi cảm nhận của một vùng cao nguyên lãng mạn. Chính cái chất thơ hoang sơ, lãng mạn đó đã làm cho biết bao tâm hồn thi nhân rung động và không cưỡng lại được cơn lốc xoáy cảm xúc đang tuôn tràn trong huyết quản:

“Dù một lần chẳng thể quên Đà Lạt

Ngày bốn mùa dào dạt những say mê Cứ theo nhau chỉ một lối đi về

Mà tràn trề muôn tứ thơ bay bổng.”

(Đà Lạt mộng mơ - Cẩm Đỗ) Nếu bạn muốn thêm bộ lọc Đà Lạt thơ mộng vào chiếc máy ảnh của mình hãy đến thăm: Vườn hoa thành phố, Đồi cỏ hồng, Lạc Tiên Giới, Dalaland, Tiệm Cafe Túi Mơ To, Still Cafe,....

Bộ lọc thứ hai: Đà Lạt huyền ảo và bí ẩn

Đối với lữ khách mà nói, thời tiết buổi sớm ở Đà Lạt quả thực lý tưởng để vùi mình trong chiếc chăn ấm ở khách sạn mà lắng nghe tiếng thành phố thức dậy. Tuy nhiên, nếu có thể chống lại sự cám dỗ ấm áp đó mà ra ngoài lang thang trên những cung đường đầy tiếng thông reo và sương mù, thiên nhiên sẽ tặng bạn một món quà vô cùng xứng đáng. Từ con dốc trước nhà khách, phóng tầm mắt ra xa, tôi thấy một Đà Lạt hoàn toàn khác. Cả thành phố ẩn hiện trong lớp sương mù mờ ảo, khoác lên một vẻ bí ẩn và cuốn hút hơn bao giờ hết. Thời điểm ấy, tôi có cảm giác chỉ cần mình vươn tay lên cao hơn một chút là có thể cảm nhận từng áng sương sớm luồn qua kẽ tay. Đường phố và những căn biệt thự

hoàn toàn bị sương sớm nuốt chửng, chỉ có Nhà thờ Con Gà với chiều cao ‘vượt trội’ hơn một chút thẹn thùng lấp ló phía đằng xa.

Thật ra thành phố hơn 100 năm tuổi này có rất nhiều những căn biệt thự kiểu Anh, kiểu Pháp đã tồn tại hơn một thế kỷ, là nguồn gốc của những câu chuyện kỳ bí mà người dân nơi đây truyền tai với nhau, với khách du lịch, trở thành một trong những ‘đặc sản’ của Đà Lạt. Trong đó chắc chắn phải kể đến căn biệt thự đèo Prenn nổi tiếng. Tọa lạc trên những quả đồi trọc riêng biệt đối diện nhau ngay đầu đèo Prenn, do bị bỏ hoang lâu ngày, không có bàn tay con người chăm sóc, theo thời gian, gió sương khoác lên cho ngôi biệt thự ấy một dáng vẻ hoang vu, lạnh lẽo đến rợn ngợp. Không những vậy, các hiện tượng kỳ lạ xảy ra xung quanh đó cũng càng cho con người ta thêm tin “nhà này có ma đấy”. Trong chuyến đi, bác tài xế luống tuổi tiết lộ với gia đình tôi rằng, căn biệt thự nguyên là sở hữu của một viên quan Ba người Pháp. Thủa đó, sáng nào cũng có một cô gái dân tộc đến đưa rau cho gia đình ông. Sớm đã để ý, một ngày nọ, viên quan ấy đã dụ cô gái lên phòng riêng rồi hãm hiếp, để lại một vết nhơ, nỗi xấu hổ không thể xóa bỏ cho cô gái trẻ. Vì quá đau đớn, cô gái quyết định treo cổ tự tử, tên viên quan kia sợ hãi đã đem giấu thi thể xuống giếng nước để phi tang. Kể từ đó, người ta hay thấy bóng dáng một cô gái váy trắng vật vờ xung quanh khu vực ấy cùng tiếng than khóc xé lòng vì không được giải thoát.

Dẫu vậy, có thể như lời của nhiếp ảnh gia nghệ sĩ MPK, người đã dành phần lớn tuổi trẻ rong ruổi khắp thành phố để bắt lấy những dáng vẻ duyên dáng nhất của chốn anh yêu này, bày tỏ: “Đã là nhà cổ thì ký ức của nó dày lắm. Và bản thân ký ức đó cũng chất chứa những bóng ma mờ ảo”. Vậy nên, cho dù có ma thật hay không thì cũng giống như bác tài xế thở dài, mắt vẫn hướng thẳng cung đường phá trước mà nói: “Cơ mà sợ ma nữ làm gì cơ chứ, người ta chỉ nên sợ ma tóc đen* thôi!”.

Nếu bạn muốn thêm bộ lọc Đà Lạt bí ẩn

vào chiếc máy ảnh của mình hãy đến thăm: Nhà ma đèo Prenn, ‘săn mây’ tại

Cầu Gỗ Đà Lạt, Đường hầm hỏa xa, Rừng thông, Lăng Nguyễn Hữu Hào,...

Bộ lọc thứ ba: Đà Lạt của thanh xuân rực rỡ

Đọc qua hai bộ lọc phía trên, chắc hẳn khá nhiều độc giả của tôi đang thầm nghĩ rằng: “Ôiii, khu nghỉ dưỡng cho người già à, chả có gì vui vẻ cả, mình sẽ không tới đây đâu!”. Thật ra thì tôi có thể hiểu suy nghĩ ấy của bạn, vì chính tôi cũng đã từng có suy nghĩ như vậy trước khi tới đây. Nhưng hãy tin tôi đi, tôi dám chắc với bạn Đà Lạt chính là điểm đến của thanh xuân. Cũng rực rỡ lắm chứ chỉ là tinh tế và kín đáo hơn một chút thôi!

Trong chuyến đi của mình, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp một vài tốp học sinh, sinh viên vai đeo balo, guitar để đằng trước, đèo nhau trên những chiếc xe máy qua cung đường đồi của Đà Lạt. Tiếng hát ngân vang cả một vùng, như đang đáp lại thanh âm xào xạc của rừng thông bên cạnh. Họ rải trên đường những nụ cười, những câu chuyện và cả những nỗi niềm, băn khoăn của tuổi trẻ để Đà Lạt có thể lưu hết vào lòng và giúp họ giữ lại những xúc cảm ấy.

Không chỉ tôi, mà có lẽ những quán cafe vừa có cái vẻ cũ kỹ của phong cách vintage lại vừa pha chút hơi thở hiện đại ở Đà Lạt còn là điểm đến của rất nhiều những người trẻ khác. Trong số họ có không ít người mang theo đam mê và ước mơ của mình. Ngồi ở những nơi này, bạn sẽ có dịp bắt gặp những nghệ sĩ indie đang ôm cây đàn mà ngân nga, mà sáng tạo ra một giai điệu mới. Hoặc những nhiếp ảnh đường phố đang bắt chọn những chuyển động của vạn vật. Họ lựa chọn Đà Lạt là điểm đến của thanh xuân, họ đến để tặng xứ sở này cái rực rỡ cháy bỏng của đam mê đang chảy trong tim.

Khi đèn đường thắp lên cũng là thời điểm thành phố này náo nhiệt hơn một chút, cất đi cái lặng lẽ, e ấp của ban ngày mà cởi mở hơn. Đến Đà Lạt, bạn tuyệt đối đừng bỏ lỡ chợ đêm - một trong những nét rực rỡ hiếm hoi của vùng cao nguyên này. Những

ki ốt san san nhau với đủ loại mặt hàng từ quần áo, đồ lưu niệm, đồ ăn, đặc sản,... tạo nên một khung cảnh đông đúc, nhộn nhịp rất khó quên trong lòng du khách. Hòa mình vào dòng người, trên tay là một bắp ngô nướng thơm phức, và lắng nghe sự ồn ào cũng không phải là một ý kiến tồi.

Nếu bạn muốn thêm bộ lọc Đà Lạt rực rỡ vào chiếc máy ảnh của mình hãy đến thăm: Chợ đêm Đà Lạt, Quảng trường

Lâm Viên, Kombi Land, Đại học Đà Lạt, Chợ Đà Lạt,...

Bộ lọc thứ tư: Đà Lạt buồn

Đã từng có vị nhạc sĩ viết về Đà Lạt như thế này: “Thành phố buồn nhớ không em, nơi chúng mình tìm phút êm đềm? Thành phố nào vừa đi đã mỏi, đường quanh co quyện gốc thông già…”. Đà Lạt vốn dĩ đã buồn, buồn trong từng nhành cây, ngọn cỏ, trong từng con phố, lối đi như thể nỗi buồn đã ăn sâu vào cốt tủy của nơi này, trở thành linh hồn của thành phố. Trong suốt hơn một thế kỷ tồn tại, mảnh đất này đã chứng kiến biết bao nhiêu chuyện bi thương đẫm lệ. Những mối tình đau đớn nhất của vùng cao nguyên Langbiang đều được Đà Lạt ghi dấu bằng những địa danh nổi tiếng chốn đây: Hồ Than Thở, Hồ Xuân Hương, Đồi thông Hai Mộ, Đỉnh LangBiang,... Gắn với quá nhiều những nét duyên lỡ, người ta thậm chí còn hay đùa vui rằng: “Yêu nhau thì đừng lên Đà Lạt kẻo đi hai về một đấy!”.

Cho tới tận khi trở về Hà Nội, tôi vẫn thỉnh thoảng nhớ về những căn biệt thự lẻ loi, cô quạnh giữa rừng thông bạt ngàn, nhớ về nhịp sống chậm rãi chốn đây. Nếu bạn đang tìm một nơi để cất những nỗi cô đơn, cất những tâm tư nặng trĩu, hãy đến Đà Lạt để thành phố này đồng cảm với bạn.

Nếu bạn muốn thêm bộ lọc Đà Lạt buồn vào chiếc máy ảnh của mình hãy đến thăm: Đồi thông hai mộ, Secret Garden,

Cầu Chữ Y, Tuyệt Tình Cốc,...

Bởi vì cuộc đời là những chuyến đi nên nếu có thời gian và điều kiện, tôi mong bạn cũng sẽ thử trải nghiệm Đà Lạt một lần và tìm cho chiếc máy ảnh của mình một bộ lọc yêu thích chốn đây - Một người say Đà Lạt từ những phút đầu tiên.

This article is from: