5 minute read
Văn hóa kiểm soát rủi ro, kinh nghiệm hay ở chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu
HươNG LAN
Tôi vẫn nhớ rất rõ những ngày đầu chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai Nghị quyết 534/NQ-BIDV của Hội đồng quản trị BIDV về Văn hóa kiểm soát rủi ro (VHKSRR). Ngay sau khi nghị quyết được công bố, Lãnh đạo BIDV Bà Rịa – Vũng Tàu, mà trực tiếp là chị Bích Thủy, Phó Giám đốc chi nhánh đã dồn tâm huyết, chỉ đạo triển khai.
Advertisement
Chị Thủy nhấn mạnh: “Nghị quyết 534 ra đời là đột phá mới về tư duy trong văn hóa ứng xử đối với rủi ro. VHKSRR do BIDV xây dựng chính là: Sự đúng đắn trong nhận thức, thái độ và hành vi đối với rủi ro, mỗi hành vi, ứng xử của cán bộ BIDV đều tuân thủ theo 8 giá trị cốt lõi và 5 nguyên tắc thực hành”.
Chị Thủy rất tâm đắc ý kiến của Ủy viên HĐQT, Chủ tịch Uỷ ban QLRR Ngô Văn Dũng về vai trò của người lãnh đạo và cán bộ nhân viên trong thực hành VHKSRR. Theo đó, 2 yếu tố cơ bản nhất trong thực hành VHKSRR là các cấp lãnh đạo (Ban Giám đốc chi nhánh, lãnh đạo các phòng) và truyền thông; xác định sự thành công của nghị quyết phụ thuộc vào yếu tố con người nên cần truyền tải nội dung nghị quyết theo cách mới để cán bộ nhân viên dễ tiếp cận.
Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, song việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả tinh thần của nghị quyết về quản lý rủi ro được lãnh đạo các phòng của chi nhánh ưu tiên hàng đầu. Phòng QLRR đã tích cực nghiên cứu toàn bộ nội dung của nghị quyết, từ đó đề xuất Ban Giám đốc ban hành kế hoạch tự học tập, đưa ra những trao đổi nhóm cần thiết để trước hết lãnh đạo tại các phòng có thể nắm bắt rõ tinh thần của nghị quyết, từ đó truyền thông nội bộ triệt để. Trong thời gian đó, bầu không khí trao đổi tại các phòng diễn ra khá sôi nổi.
Rồi ngày toàn bộ hệ thống được tham gia ý kiến đánh giá đối với bộ
tài liệu dự thảo thực hành VHKSRR cũng đã đến. Chúng tôi rất mừng vì đây thực sự là bộ tài liệu rất quý giá, tâm huyết, được xây dựng bởi sự nỗ lực của cả một tập thể lớn BIDV.
Chi nhánh chúng tôi đã có 4 tình huống về thực hành VHKSRR tham gia, đều là các tình huống phát sinh thực tế tại đơn vị. Trong đó, ấn tượng nhất là tình huống liên quan tới nghiệp vụ cung cấp thông tin mà bộ 3 gồm cán bộ Bùi Thị Hiếu (Phó Trưởng phòng QLRR), cán bộ Phạm Thị Kim Hoa và Khổng Thị Hiệp (Giao dịch viên, Kiểm soát viên Phòng Giao dịch Ba Cu). Giờ đây, mỗi lần nhớ lại sự việc, tôi vẫn thấy cách đồng nghiệp này giải quyết vấn đề đã thổi hơi thở mới, đưa các “giá trị cốt lõi” trở nên đơn giản, gần gũi hơn.
Cán bộ Khổng Thị Hiệp kể: Vào một buổi sáng tháng 6, khi vừa duyệt xong chứng từ rút tiền mặt của khách hàng, Cán bộ Phạm Thị Kim Hoa đã đứng ngay sát bàn, nói nhỏ: “Khách hàng muốn đóng tài khoản mà tài khoản đang bị phong tỏa. Hoa đã xác thực khách hàng, đã nói khách hàng chờ trong khi mình liên lạc về hội sở chi nhánh để xác định nguyên nhân, làm gấp nhé. Trường hợp này Hoa không thể gọi điện trực tiếp trước mặt khách hàng được”.
Hiệp tra cứu gấp thông tin của khách hàng thấy hiện ngay dòng chữ cảnh báo. Trao đổi với phía Phòng QLRR, Hiệp được Hiếu thông báo ngắn gọn rằng, trong hơn một tháng nay, Phòng QLRR đã xử lý hàng chục yêu cầu cung cấp thông tin liên quan tới tài khoản của khách hàng này từ Cơ quan Cảnh sát điều tra của nhiều quận tại TP.Hồ Chí Minh và Công an TP.Vũng Tàu. Là người nắm rõ nghiệp vụ, hiểu biết về luật, Hiếu nhấn mạnh với Hiệp: “Cần bình tĩnh, tìm cách trì hoãn giao dịch với khách hàng và ngay lập tức bí mật báo công an phường. Hiếu đồng thời liên hệ với công an thành phố báo cáo sự việc, phối hợp bắt đối tượng tình nghi”.
Hiệp thông báo cho khách hàng là phải lên lầu trên báo cáo lãnh đạo để khách hàng tin tưởng và tiếp tục chờ. Hiệp cầm theo chứng minh nhân dân của khách hàng và lên lầu liên lạc cho cán bộ công an phường. Sau khi nhận nội dung báo cáo, phía công an nói sẽ bố trí lực lượng đến bắt giữ nghi phạm. Phòng giao dịch chỉ cách trụ sở công an phường khoảng 500m, nên Hiệp yên tâm đi xuống lầu.
Vừa xuống lầu, ghé mắt nhìn thì không thấy khách hàng đâu, Hiệp tá hỏa hỏi Hoa thì được biết khách hàng vừa ra ngoài nghe điện thoại, chỉ một lát sau, 2 đồng chí công an đã xuất hiện. Việc bắt giữ tội phạm được tiến hành nhanh chóng ngay sát quầy giao dịch, không ảnh hưởng tới việc giao dịch của khách hàng khác bên trong.
Trong tâm khảm của Hiệp và Hoa, cảm xúc lớn nhất lúc đó là trách nhiệm của mỗi BIDVer trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ và giữ gìn tài sản của khách hàng. Đó là những hành động trách nhiệm, tuân thủ quy định cung cấp thông tin của BIDV, nó cho thấy hành vi ứng xử của các cán bộ nhân viên chi nhánh rất chuyên nghiệp.
Nhóm 3 cán bộ xử lý vụ việc trên chính là những “chiến sỹ” luôn sẵn sàng cống hiến trên mặt trận tiền tệ ngân hàng, là những người ngày ngày có thể đối mặt xử lý các tình huống khá phức tạp, thậm chí nguy hiểm, đặc biệt là đối với các đối tượng đang bị công an điều tra. Cách thức xử lý vấn đề nhuần nhuyễn, tinh tế của 3 cán bộ, nhân viên của BIDV Bà Rịa – Vũng Tàu chứa đựng những kiến thức, kinh nghiệm mà họ đã học được hỏi từ bao thế hệ đi trước.
Khả năng ứng biến của nhóm cán bộ đã được lãnh đạo chi nhánh đánh giá cao. Sau khi xem xét sự việc, Giám đốc BIDV Bà Rịa – Vũng Tàu đã khen thưởng 3 cán bộ đã góp phần làm lan tỏa nhanh hơn tinh thần Nghị quyết 534 và lựa chọn đây là hành động thực hành VHKSRR điển hình của năm.