8 minute read

Kiểm tra sức chịu đựng đối với rủi ro lãi suất sổ ngân hàng và rủi ro thanh khoản

K IỂM TRA S ức c H ịu đự N g

đối với rủi ro lãi suất sổ ngân hàng và rủi ro thanh khoản tại Bidv

Advertisement

THANH TâM

(kỳ 2)

Nhận thức được tầm quan trọng của kiểm tra sức chịu đựng (KTSCĐ) đối với công tác quản lý rủi ro, Ban Lãnh đạo BIDV luôn dành sự quan tâm đặc biệt với công cụ này. Tiếp theo Phần 1 (Đầu tư Phát triển số 292) về KTSCĐ đối với công tác quản lý rủi ro thị trường, Đầu tư Phát triển kỳ này tiếp tục nói về KTSCĐ đối với hoạt động quản lý rủi ro lãi suất sổ ngân hàng (RRLSSNH) và rủi ro thanh khoản.

tiên phong triển khai ktscđ đối Với rrlssnh

Tại BIDV, để quản lý rủi ro lãi suất sổ ngân hàng (RRLSSNH), bên cạnh các công cụ như biến động thu nhập ròng từ lãi và biến động giá trị kinh tế vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, KTSCĐ là một nội dung được ưu tiên nghiên cứu triển khai. Ngay từ khi khái niệm về RRLSSNH còn khá mới mẻ tại Việt Nam, BIDV đã tiến hành nghiên cứu và áp dụng KTSCĐ. Báo cáo đầu tiên về KTSCĐ RRLSSNH đã hoàn thành vào tháng 6/2016, giúp BIDV trở thành một trong những ngân hàng tiên phong triển khai công cụ này. Đến nay, BIDV đã hoàn thành 10 kỳ KTSCĐ riêng lẻ đối với RRLSSNH. Ngoài ra, BIDV còn thực hiện KTSCĐ đối với RRLSSNH khi thực hiện quy trình ICAAP từ năm 2020.

Phương pháp luận chính là điểm mấu chốt khi triển khai công cụ này. Việc chủ động nghiên cứu những nội dung mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam không phải là một con đường dễ. Bên cạnh tự nghiên cứu, BIDV tích cực tìm kiếm tư vấn từ chuyên gia. Phương pháp luận của BIDV dần được hoàn thiện và đầy đủ theo thông lệ. Cụ thể, kịch bản KTSCĐ được xây dựng bao gồm đầy đủ 6 kịch bản theo khuyến nghị của Uỷ Ban Basel bao gồm: (1) Kịch bản đường cong lãi suất dịch chuyển song song tăng (lãi suất tăng bằng nhau tại tất cả các dải kỳ hạn); (2) Kịch bản đường cong lãi suất dịch chuyển song song giảm (lãi suất giảm bằng nhau ở tất cả các dải kỳ hạn); (3) Kịch bản đường cong lãi suất tăng độ dốc (lãi suất tăng dần ở các dải kỳ hạn, kỳ hạn càng dài, mức tăng lãi suất càng cao); (4) Kịch bản đường cong lãi suất giảm độ dốc (lãi suất giảm dần ở các dải kỳ hạn, kỳ hạn càng dài, mức giảm lãi suất càng cao); (5) Kịch bản lãi suất ngắn hạn tăng (lãi suất tăng với mức biến động lớn nhất tại dải kỳ hạn ngắn nhất, mức tăng lãi suất tại các dải kỳ hạn dài hơn giảm dần cho tới khi mức biến động tiến gần về 0 tại dải kỳ hạn dài nhất); (6) Kịch bản lãi suất ngắn hạn giảm (lãi suất giảm với mức biến động lớn nhất tại dải kỳ hạn ngắn nhất, mức giảm lãi suất tại các dải kỳ hạn dài hơn giảm dần cho tới khi mức biến động tiến gần về 0 tại dải kỳ hạn dài nhất).

Để xác định cú sốc thay đổi lãi suất trong điều kiện căng thẳng, BIDV sử dụng dữ liệu lịch sử của lãi suất thị trường liên ngân hàng và trái phiếu Chính phủ trong thời gian tối thiểu 5 năm. Tiếp đó, căn cứ khuyến nghị của Basel, lãi suất bình quân xác định từ dữ liệu lịch sử sẽ được nhân với các hệ số để xác định các cú sốc lãi suất ngắn hạn, dài hạn và song song. Đồng thời áp mức trần, sàn cho cú sốc lãi suất với mức trần cao nhất là 5% và sàn là 1%. Sau khi có cú sốc lãi suất, xác định lãi suất ngắn hạn và dài hạn theo công thức chuẩn của Basel.

Từ các kịch bản biến động lãi suất, BIDV đánh giá tác động của RRLSSNH đến thu nhập trong ngắn hạn (thông qua chỉ tiêu biến động

thu nhập ròng từ lãi - ΔNII) và đến vốn trong dài hạn (thông qua chỉ tiêu biến động giá trị kinh tế vốn - ΔEVE). BIDV cũng tích hợp kết quả phân tích mô hình hành vi khách hàng khi thực hiện KTSCĐ đối với RRLSSNH, giúp đưa ra các dự báo đáng tin cậy hơn về dòng tiền trong tương lai. Việc tích hợp mô hình hành vi giúp ngân hàng đánh giá chính xác hơn mức độ rủi ro có thể phải đối mặt.

Kết quả KTSCĐ riêng đối với RRLSSNH được ứng dụng trong quản trị điều hành để đưa ra các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro và xây dựng cơ cấu bảng tổng kết tài sản hiệu quả. Kết quả KTSCĐ đối với RRLSSNH khi thực hiện ICAAP là căn cứ để xác định vốn yêu cầu và tài sản có RRLSSNH.

Mặc dù hữu ích trong công tác quản lý rủi ro, nhưng triển khai KTSCĐ đối với RRLSSNH tại BIDV vẫn gặp không ít khó khăn: (i) Chưa có nguồn dữ liệu lịch sử chính thống, đầy đủ về lãi suất huy động, cho vay trên thị trường. (ii) Ngân hàng Nhà nước không có hướng dẫn cụ thể đối với đo lường RRLSSNH nói chung và KTSCĐ RRLSSNH nói riêng.

hoàn thành 12 kỳ ktscđ thanh khoản

Khả năng thanh khoản là nhân tố quan trọng trong việc thiết lập cũng như duy trì vị thế trên thị trường của các ngân hàng. Việc có thể chủ động dự báo, lượng hoá tác động của các tình huống căng thẳng bất thường lên khả năng thanh khoản sẽ giúp ngân hàng nhận biết sớm các sự kiện bất lợi cũng như xây dựng Kế hoạch vốn dự phòng (CFP) cho các sự kiện này.

Tại BIDV, công tác KTSCĐ thanh khoản (hay còn gọi là thử nghiệm khả năng chi trả, thanh khoản) đã được triển khai định kỳ từ năm 2015, trên toàn bộ danh mục tài sản Nợ-Có và các cam kết ngoại bảng của BIDV, với các kịch bản biến động tại thị trường Việt Nam. Đến nay, BIDV đã hoàn thành 12 kỳ KTSCĐ thanh khoản. Việc này nhằm đánh giá khả năng chịu đựng rủi ro, đáp ứng các nghĩa vụ, cam kết với khách hàng và khả năng đáp ứng các tỷ lệ an toàn thanh khoản của BIDV. KTSCĐ giúp nhận diện và định lượng các nguồn gây ra căng thẳng thanh khoản, đồng thời phân tích mức độ ảnh hưởng tác động lên dòng tiền, trạng thái thanh khoản và khả năng chi trả của BIDV, cũng như hỗ trợ dự báo mức chi phí cần thiết để giảm thiểu rủi ro thanh khoản trong điều kiện căng thẳng.

Quy trình KTSCĐ thanh khoản được thực hiện như sau: (i) Xây dựng kịch bản kinh doanh bình thường và kịch bản căng thẳng thanh khoản; (ii) Phân tích tác động lên bảng dòng tiền, và các tỷ lệ báo cáo Ngân hàng Nhà nước trong mỗi kịch bản; (iii) Đánh giá tuân thủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ, cam kết; (iv) Xác định kế hoạch hành động và chi phí giảm thiểu.

Hiện nay, BIDV kiểm tra sức chịu đựng trên 3 loại kịch bản bao gồm Kịch bản căng thẳng riêng BIDV, Kịch bản căng thẳng thị trường, Kịch bản căng thẳng kết hợp. Các kịch bản được xây dựng trên cơ sở các tình huống giả định, trong đó thể hiện sự tác động của các loại rủi ro khác lên rủi ro thanh khoản và ước lượng tác động đến các khoản mục của BIDV. Các giả định tình huống bao gồm: Khách hàng tăng rút tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn; Kho bạc Nhà nước rút toàn bộ tiền gửi tại BIDV; Khách hàng gia tăng sử dụng thẻ tín dụng, thấu chi; Nhiều khách hàng mất khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi đến hạn, dẫn đến BIDV phải cho vay bắt buộc; Nhiều khách hàng chậm trả nợ; TCTD không quay vòng tiền gửi có kỳ hạn, không tái tục các khoản cho BIDV vay; BIDV sẽ phải bán/cầm cố giấy tờ có giá, vay liên ngân hàng với chi phí cao; BIDV phải thực hiện các khoản nợ khác khi đến hạn. Trong đó, các kịch bản KTSCĐ đã được ứng dụng kết quả nghiên cứu dự báo hành vi khách hàng.

Trên cơ sở kết quả KTSCĐ thanh khoản, trường hợp không đáp ứng nghĩa vụ chi trả và các tỷ lệ an toàn thanh khoản, BIDV sẽ phải xây dựng kế hoạch dự phòng (CFP) tương ứng với từng kịch bản. CFP bao gồm nội dung dự kiến các biện pháp xử lý về nguồn vốn huy động, sử dụng vốn, dòng tiền tương lai đảm bảo đáp ứng các nghĩa vụ, cam kết với khách hàng, cũng như đáp ứng quy định của NHNN đối với các tỷ lệ an toàn thanh khoản.

BIDV kỳ vọng công cụ KTSCĐ đối với hoạt động quản lý rủi ro sẽ tiếp tục được cải tiến, đảm bảo luôn đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và bắt kịp các chuẩn mực quản lý rủi ro tiên tiến, góp phần nâng cao vị thế của BIDV trên thị trường.

Dưới sự chỉ đạo của Phó Tổng giám đốc Trần Phương, Ban Quản lý rủi ro hoạt động và thị trường đang tiếp tục nghiên cứu và đề xuất cải tiến công tác KTSCĐ đối với rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất sổ ngân hàng và rủi ro thanh khoản theo các nội dung sau: phát triển các phương pháp xây dựng mô hình; làm giàu, làm sạch nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ KTSCĐ; tăng cường phân tích, ứng dụng trong quản trị điều hành; đào tạo cán bộ kiến thức về thống kê, mô hình toán; nâng cấp chương trình phần mềm CNTT hỗ trợ KTSCĐ.

This article is from: