ĐỌC BÁO VỚI
ẾCH số 5
ĐÔNG VÀ TÂY
Ở các nước Á Đông, dù nụ hôn có được phản ánh trong nhiều bức tranh xuân tình cổ xưa, là bằng chứng cho thấy cộng đồng cư dân ở đây đã biết tới nụ hôn từ lâu nhưng người Á Đông không bao giờ hôn một cách công khai. Thậm chí, ngay cả tới hôm nay, ở nhiều quốc gia Á Đông, hôn nhau ở nơi công cộng vẫn bị coi là một hành động gây phản cảm đối với những người xung quanh. Ở các nước phương Tây, nụ hôn từ lâu đã là một hành động đẹp, mang đầy tính văn hoá, nhưng đối với người phương Đông, khi sự kín đáo, ý nhị được đề cao, nụ hôn thường được dành cho những giây phút riêng tư. Có một câu chuyện thú vị là ở Nhật Bản, vào đầu thế kỷ 20, khi bức tượng “Nụ hôn” của nhà điêu khắc người Pháp Auguste Rodin được đem trưng bày tại một triển lãm, nó đã bị đặt sau một... bức trướng. Trích từ bài "Tại sao chúng ta lại... hôn môi? Bích Ngọc tổng hợp/Dân Trí
LUỘC TRỨNG THEO Ý THÍCH
Đặt trứng vào nồi nước vừa ngập trứng để lên bếp. Bật bếp, không nên đậy nắp để trứng đỡ bị vỡ. Khi sôi bớt lửa và tuỳ theo ý thích canh thêm khoảng: + 3-4 phút: trứng la-cót + 6-7 phút: lòng đỏ vừa chín, lòng trắng chín + trên 10 phút: chín kỷ Thỉnh thoảng dùng đũa khuấy nhẹ xoay trứng (để lòng đỏ ở vị trí trung tâm trứng). 4 phút 7 phút 9 phút Tắt bếp, vớt trứng ra. Làm nguội trứng nhanh bằng cách đổ nước lạnh lên, trứng sẽ co lại 1 chút khiến việc bóc vỏ dễ dàng hơn, cách này cũng khiến lớp ngoài lòng đỏ không bị đổi màu xám gây mất thẩm mỹ khi bóc ra. Cũng theo các chuyên gia y tế, bạn không nên ngâm nước lạnh sau khi luộc vì khi đó lớp màng bảo vệ lúc trứng còn sống không còn nữa, khi ngâm nước lạnh, vỏ trứng cũng sẽ bị co lại kéo theo nước lạnh và vi khuẩn xâm nhập trứng. Theo Wikipedia
CÂY NHÀ LÁ VƯỜN
Tối 11/02/2014, tiệc chiêu đãi mà Tổng thống Mỹ Barack Obama dành cho người đồng cấp của Pháp diễn ra ở Bãi cỏ phía nam Nhà Trắng với khoảng 350 khách mời. Đây là tiệc chiêu đãi cấp nhà nước đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Obama. Thực đơn của bữa tiệc vừa được tiết lộ hôm qua cho thấy trứng cá muối được lấy từ những loại cá nuôi ở các cửa sông của bang Illinois, trứng chim cút bang Pennsylvania và hơn chục giống khoai tây khác nhau của Mỹ. Sau món "Sa lát trong khu vườn mùa đông", được lấy cảm hứng từ vườn rau sạch của Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama, ông Hollande sẽ được nếm món sườn bò lấy từ một trang trại gia đình ở bang Colorado.
Món tráng miệng sẽ bao gồm bánh chocolate mạch nha được chế biến từ chocolate ngọt đắng ở quê hương Hawaii của ông Obama. Phía trên bánh phủ loại kem va-ni của bang Pennsylvania. Các đầu bếp Nhà Trắng cũng đãi ông Hollande và các quan khách những loại rượu từ bang California và bang Washington, cùng một chai Chardonnay trắng từ bang Virginia. Sau tiệc tối, các vị khách mời sẽ nhâm nhi kẹo đường Vermont, bánh quy hoa oải hương và kẹo bông rắc vỏ cam. Ca sĩ Mary J. Blige, người 9 lần chiến thắng giải thưởng âm nhạc danh giá Grammy, sẽ biểu diễn phục vụ các quan khách tại bữa tiệc. Anh Ngọc/VnExpress/Ảnh: AP
XƯA VÀ NAY
Trong tâm thức của người Việt, Đức Thánh Trần rất oai linh song cũng rất gần ... Tới cửa ngài, người xưa chỉ có mấy việc: kêu oan, thề bồi và xin trừ tà, khỏi bệnh. Việc kêu oan, thề bồi là do trong tâm thức của người Việt, ngài là người hiển linh thấu suốt. Cũng trong tâm thức của người Việt, ngài là người đạo đức cao cả vả nghiêm khắc. Cho nên người ta tin rằng chẳng ai dám lường gạt, gian trá trước cửa ngài, còn những người có oan khuất thì ngài sẽ thần thông hoá giải giúp cho. Một việc khác khiến người xưa năng tới cửa ngài là: họ tin rằng ngài có phép trị bệnh và trừ tà ma. Nguồn gốc của niềm tin này cũng khá ly kỳ. Tương truyền, khi còn sống, ngài có lần chém đầu tên Việt gian Phạm Nhan - kẻ có nhiều phép thuật. Tên này chết, thây xác hoá ra ruồi muỗi, đỉa và vắt, chuyên truyền nhiễm những bệnh ôn dịch. Linh hồn y lại hay lởn vởn ám người và trêu phụ nữ. Vì thế, hễ cứ mắc các chứng ôn dịch hay bị “ma ám” thì đến cầu xin cửa ngài, ngài sẽ trấn áp được linh hồn Phạm Nhan và người dân khỏi bệnh. Vậy đấy, nội dung cầu xin của người xưa khi đến cửa ngài chỉ có thế. Nó cho ta thấy cái tâm thức hồn hậu mà giản đơn của người Việt xưa. Họ phần lớn chỉ cầu xin khi có sự oan khuất, sự bất bình hay khi gặp vận rủi. Và họ rất thành khẩn. ...dường như người Việt bây giờ tham lam hơn các cụ xưa ít nhiều. trích từ bài "Khai Ấn đền Trần, nghĩ về sự dịch chuyển tâm thế người Việt" Bích Hạnh/Thanh Niên Online
TRIẾT LÝ TRONG MÓN ĂN VIỆT
Triết lý "âm dương – ngũ hành" đã in sâu vào truyền thống văn hóa người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung. Đó là triết lý của sự cân bằng, đủ đầy, hài hòa, tượng trưng cho tính cách nghề nông chất phác thích yên bình, ổn định. Trong ẩm thực cũng thế, người Việt chuộng tính hài hòa giữa các vị, mỗi vị một tí, tạo nên sự đậm đà và dễ chịu hơn là quá nồng ở một vị riêng... Một món ăn ngon, với người Việt, còn phải chú ý đến sự cân bằng âm dương, gia vị phải được nêm nếm để bù trừ, cân bằng lẫn nhau. Người xưa cho rằng, mọi thứ bệnh tật đều là do sự mất cân bằng âm dương gây ra, và thức ăn chính là vị thuốc để điều chỉnh, giúp cơ thể khỏi bệnh. Chính vì thế, ngũ vị hương càng được ưa chuộng trong ẩm thực truyền thống, với các gia vị tự thân đã là vị thuốc quí, khi kết hợp lại luôn tuân theo nguyên tắc quân bình. Ngũ vị còn tượng trưng cho năm cung bậc cảm xúc của con người: ngọt ngào, mặn nồng, chua chát, đắng cay trong cuộc đời. Phàm đã sống trên đời, ai cũng phải trải qua năm cảm xúc đó, không thể tránh khỏi. Thưởng thức một món ăn có đủ ngũ vị còn là một sự chiêm nghiệm, mỗi vị lại khơi gợi những ký ức, vừa nhâm nhi vừa nghĩ về những điều đã xảy ra trong đời. Sự hài hòa này chính là tấm gương phản chiếu chính xác hình ảnh con người theo quan niệm xưa. trích từ bài "Âm Dương – Ngũ Hành Trong Ngũ Vị Hương” Theo Món Ngon Việt Nam
Đọc để thư giản, hiểu biết thêm một chút và nghiệm. Nằm dưới đáy giếng mà ngẫm nghỉ chuyện đời cũng là một cái thú. Cứ tóm cho đầy là chia nhau đọc thôi!
Số 5 năm 2014