ĐỌC BÁO VỚI
ẾCH số 9
MỘT CÁCH CAI BIA RƯỢU
Ron Carter đã không đụng vào một giọt bia, rượu nào trong suốt 20 năm qua nhờ vào một phương pháp khá độc đáo, đó là sưu tập ly uống bia, rượu. Theo Metro, Ron Carter, người Anh 51 tuổi, đã sưu tập rất nhiều loại ly uống bia, rượu của nhiều hãng khác nhau trên thế giới. Ron Carter cho biết: "Hai mươi năm trước, tôi cảm thấy mình cần phải có một lối sống lành mạnh hơn, nhưng tình yêu dành cho bia, rượu vẫn chưa thể mất nên thay vì uống chúng, tôi chuyển sang sưu tập thật nhiều loại ly". Hiện tại, bộ sưu tập ly uống bia, rượu của Ron Carter đã hơn 1.600 cái, với rất nhiều kích thước và hình dạng khác nhau. Thành Luân/24.10.2011/Thanh Niên
LÀM GƯƠNG
Hành động thường xuyên mỗi ngày quan trọng hơn bất kỳ điều gì đao to búa lớn. "Hãy thể hiện lòng biết ơn với vợ/chồng của bạn. Hãy nói lời cảm ơn con bạn", tiến sĩ Froh gợi ý. "Các bậc cha mẹ thường than phiền 'Tại sao tôi phải cảm ơn con cái khi chúng làm việc đáng phải làm, như dọn dẹp phòng của chúng?' Lý do là thế này: khi nghe được lời cảm ơn, trẻ em sẽ tiếp thu và sau đó làm mọi việc một cách tự giác". Tuy nhiên, tiến sĩ Watkins cảnh báo việc ép buộc con trẻ, ông nói: "Đừng nhồi nhét bắt ép chúng". Các thành viên gia đình ông thường nói lời cảm ơn trong Lễ Tạ ơn hàng năm, nhưng thủ tục đó không phải là bắt buộc. Ông khuyến cáo: "Đừng có nói với trẻ thế này: Đến lượt con rồi đấy, nói đi, dù
con có thấy biết ơn hay không". Tiến sĩ Emmons cho rằng trên thực tế, lòng biết ơn thực sự dễ xây dựng ở trẻ em. "Khi chúng ta ngày một lớn lên, ta thấy cuộc sống được điều khiển bởi luật bất thành văn, rằng đời là phải có đi có lại. Trẻ em thường tỏ lòng biết ơn một cách tự nhiên. Và con cái có khi lại dạy ta về lòng biết ơn nhiều hơn là ta dạy chúng". Trích từ bài "Làm thế nào dạy trẻ biết ơn"/Diana Kapp (Wall Street Journal)/(ảnh: WSJ)
ĂN THỊT CHÓ (tham khảo)
Thực ra, lâu nay ông bà ta vẫn xem chó như các loài gia súc khác như trâu bò ngựa... Tức là ngoài làm công cụ lao động thì còn là nguồn cung thực phẩm bổ dưỡng. Nhiều người đặc biệt thấy khoái khẩu với thịt chó, không loại thịt nào hơn được. Đó là khẩu vị, là sở thích. Và chẳng ảnh hưởng tí gì đến hoà bình thế giới, đến tồn vong nhân loại. Nghĩa là yêu vẫn yêu mà ăn vẫn ăn. Cho đến khi người phương Tây đến “khai hoá”, các bạn bắt chước yêu động vật và quyến luyến tình cảm hơn với chó mèo. Các bạn bắt đầu nhìn thấy hình ảnh ghê sợ của cái đầu lâu con chó qua máy ảnh của các bạn Tây ba lô. Các bạn bắt đâu ghê sợ mùi riềng, mùi mắm tôm, những thứ mà trước đây nếu không thích các bạn cũng chẳng ghét. Và phim ảnh sách báo phương Tây càng tô đậm thêm nhãn quan đó. Tất nhiên, cái gì tốt đẹp thì nên học. Nhưng, đem chuẩn mực của người Tây mà bảo rằng ăn thịt chó là dã man, là bản năng thấp kém thì quả là đi ngược với tinh thần văn minh của họ. Vì họ luôn tôn trọng sự khác biệt. Chúng ta bị người phương Tây kỳ thị vì nhiều thói hư tật xấu khác chứ không hẳn vì ăn thịt chó. Tuy nhiên, tôi nghĩ các bạn thích thịt chó nếu có đối tác là người phương Tây thì cũng nên kín đáo cất giữ sở thích của mình, nhất là khi nó lại đi liền với những gia vị nặng mùi. Bạn kín đáo vì bạn tôn trọng họ chứ không phải vì sợ họ đánh giá.