ĐỌC BÁO VỚI
ẾCH số 10
BÍ ẨN BERMUDA
Trong nhiều thập kỷ, Tam giác quỷ Bermuda là một trong những bí ẩn lớn nhất của nhân loại, với vô số giả thuyết đặt ra để giải thích cho hiện tượng hàng loạt tàu thuyền và máy bay mất tích không để lại dấu vết ở vùng biển này. Bermuda trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn và nhà làm phim với vô số những cuốn sách và bộ phim ăn khách về đề tài này. Gần đây nhất, các nghiên cứu được tiến hành bằng máy tính về đáy biển trên khắp thế giới, đặc biệt là ở vùng biển Tam giác quỷ Bermuda cũng đã phần nào vén lên bức màn bí ẩn gây ra những nhiễu loạn khác thường ở khu vực này và gây ra một số vụ tai nạn lúc trời yên biển lặng. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng bên dưới đáy biển Tam giác quỷ Bermuda có nhiều túi khí metal khổng lồ được hình thành từ những biến động địa chất cách đây hàng triệu năm. Những túi khí metal này với sức mạnh khủng khiếp của nó chỉ chực chờ những trận động đất hoặc nứt gãy dưới đáy biển là sẽ phụt lên trên mặt nước. Khi một lượng khí metal rất lớn phụt lên trên mặt nước, nó sẽ tạo thành những bóng khí lớn và làm giảm đi đáng kể tỉ trọng của vùng nước xung quanh. Bất cứ con tàu nào nằm trong vùng nước tỉ trọng thấp này sẽ nhanh chóng mất sức nổi và rất dễ bị đắm. Ngoài ra, các nhà khoa học cho rằng nếu lượng khí metal rất dễ cháy này bốc lên cao trong không khí, nó có thể làm động cơ máy bay ngừng hoạt động, hoặc có thể phát nổ vì tia lửa điện phát ra từ máy bay, biến máy bay thành một bó đuốc sống khổng lồ. Tuy nhiên điều quan trọng là Tam giác Bermuda không phải là nơi duy nhất trên thế giới có những túi khí metal ngầm như vậy, và việc khí metal thoát ra với lượng đủ lớn để có thể đánh đắm một con tàu hoặc thiêu cháy một máy bay là khá hy hữu. trích từ bài “Phơi bày bí mật Tam giác quỷ Bermuda” Trí Dũng (Tổng hợp) (Khampha.vn)/24h.com.vn
PHIM HAY KÉN NGƯỜI XEM
Theo một số các chuyên gia về giải Oscar, nếu như “12 Years A Slave” có thắng lớn ở lễ trao giải Oscar lần thứ 86 chăng nữa (được 9 đề cử) thì không vì thế mà thu hút nhiều khán giả đến rạp, và sau này là mua DVD về nhà thưởng thức. Phim được chuyển thể từ một cuốn sách cùng tên, lần đầu xuất bản năm 1853, mà tác giả chính là nạn nhân được cho là “quá đỗi kinh hoàng” đối với những ai dễ nhạy cảm. Một nhà phê bình nọ viết trên nhật báo Los Angeles Times rằng “12 Years A Slave đã trở thành một phim hay, được nể trọng nhưng rất ít người đến rạp xem”. Những khán giả hiếu kỳ đi xem phim này và rồi đã vội vã rời khỏi rạp trong sự im lặng. Ngay cả đến Tổng thống Barack Obama cũng đã không đưa ra nhận xét nào sau khi xem phim này. Đây là chuyện lạ vì ông đã không tiếc lời khen sau khi xem Lee Daniel’s The Butler, phim về một người Mỹ da đen làm quản gia trong Nhà Trắng suốt mấy đời tổng thống, hồi tháng 5.2013 và cũng đã mời khách đến Nhà Trắng cùng xem Mandela: Long Walk To Freedom. Vì “12 Years A Slave” khiến người Mỹ ngỡ ngàng, ngượng ngùng, hổ thẹn với lịch sử quốc gia. Nước Mỹ có thể là “Home of the Brave” (Nhà Của Dũng Cảm) như được mô tả trong bài quốc ca được sáng tác từ năm 1814, nhưng không là “Land of the Free” (Đất Nước Của Tự Do). trích từ bài “Oscar lần 86: ‘12 năm làm nô lệ’, phim hay nhưng khó xem” P. Nguyễn Dũng (tổng hợp)/Thanh Niên