ĐỌC BÁO VỚI
ẾCH số 13
Tháng 3 năm 2014
NHỎ MÀ CÓ “VÕ”
Tưởng chừng như chỉ là cái hẻm để đi tắt từ phố Cầu Gỗ ra Bờ Hồ nhưng ít ai biết đó là một trong những phố cổ lâu đời của Hà thành. Phố có tên gọi Hồ Hoàn Kiếm, chỉ dài khoảng 45m nhưng có nhiều điều độc đáo. Con phố Hồ Hoàn Kiếm được dân gian hay gọi là phố Hàng Chè. Ở thời kỳ Pháp thuộc nó có tên là Philharmonique (nghĩa là phố Hội Nhạc). Bởi lẽ, vào thời điểm lúc ấy, con phố tập trung nhiều rạp chiếu bóng, điểm ca nhạc giải trí của Hà Nội. Sau năm 1945, phố đã được đổi tên thành Hồ Hoàn Kiếm (nay thuộc phường Hàng Bạc - quận Hoàn Kiếm). Phố Hồ Hoàn Kiếm là phố ngắn nhất Hà Nội với chiều dài khiêm tốn 45m, nhưng phố vẫn giữ được những nét xưa của mảnh đất đất Hà thành với những ngôi nhà kiến trúc cổ, gánh hàng rong ven đường - nét ẩm thực đặc trưng của Hà Nội và còn cả cái hồn người Hà Nội. Nét độc đáo ở con phố ngắn nhất Hà Nội trước hết phải kể đến việc đánh số nhà. Mặc dù phố dài 45m và có hai dãy nhà nằm sát nhau ở hai ven đường (mỗi dãy có 4 -5 nhà) nhưng chỉ duy nhất một bên dãy nhà mang số nhà của phố Hồ Hoàn Kiếm. Dãy nhà bên kia đối diện lại dùng số phụ của những ngôi nhà ở phố Cầu Gỗ hay phố Đinh Tiên Hoàng. Như vậy, chính ra con phố Hồ Hoàn Kiếm chỉ có 5 ngôi nhà nằm trên đoạn phố 45m. Tuy chỉ dài bằng khoảng cách hai cây cột điện, nhưng phố Hồ Hoàn Kiếm lại là điểm tụ tập lý tưởng cho nhiều người thích thưởng thức món ngon Hà Nội. Dọc hai bên phố là những quán ăn vỉa hè với nhiều món ăn ngon như: Nộm bò khô, phở cuốn, nem chua rán, bánh bột lọc… Có lẽ, đây sẽ là địa chỉ thú vị cho nhiều người khi một lần tản bộ phố cổ và dừng chân nghỉ ngơi trên con phố ngắn nhất này. trích từ bài “Độc đáo con phố ngắn nhất Hà Nội” Theo Hữu Tuấn/Lao Động
KHÔNG GIỐNG AI
Chánh Văn phòng phủ Thủ tướng Nepal, Basanta Gautam, cho biết: “Thủ tướng Koirala không có nhà, không có đất, không có cổ phiếu của bất cứ công ty nào. Ông ấy không có xe hơi, xe máy, thậm chí còn không có cả tài khoản ngân hàng”. Vị thủ tướng 75 tuổi của Nepal cũng không có bất cứ đồ trang sức nào bằng vàng bạc, và hiện ông không đứng tên sở hữu bất cứ tài sản nào để mà kê khai. Ông chỉ có 3 chiếc điện thoại, trong đó có một chiếc đã bị hỏng, thế nhưng điện thoại lại không nằm trong danh mục các tài sản cần phải kê khai, khiến các quan chức lại càng bối rối hơn. Ông Gautam nói: “Vì không thể đưa mấy cái điện thoại này vào danh sách kê khai tài sản nên chúng tôi đã nghĩ cách làm thế nào để điền vào bản kê khai cho đúng. Chúng tôi đã nộp bản kê khai tài sản mà không liệt kê bất cứ tài sản nào. Nó chỉ có mỗi thông tin cá nhân của ông ấy.” Trước khi đắc cử vị trí thủ tướng và chuyển tới khu nhà công vụ ở Baluwatar hồi tháng trước, ông Koirala sống tại một căn hộ được đảng Đại hội Nepal thuê cho ông tại ngoại ô thủ đô Kathmandu vì ông là chủ tịch đảng. Hiện ông Koirala vẫn đang sống độc thân, và được biết ông sẽ vẫn tiếp tục lối sống “khổ hạnh” của mình ngay cả khi trở thành thủ tướng Nepal. Lối sống giản dị của Koirala hoàn toàn trái ngược với nhiều vị thủ tướng tiền nhiệm khác. trích từ bài “Thủ tướng Nepal không nhà, không xe” Trí Dũng (Theo Time of India)
ĐẠI HOẠ NGHIỆN NGẬP
Đại diện của Liên Hợp Quốc khẳng định, ma túy đang trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến tất cả mọi người. Hàng triệu người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em đã trở thành nạn nhân với cuộc sống hoàn toàn không bình thường, mất khả năng lao động hoặc phải ngồi tù. Ma túy đang tiếp tục phá hoại xã hội, làm băng hoại đạo đức con người, sinh ra nhiều loại tội phạm khác nhau và gây ra dịch bệnh, đặc biệt là HIV/AIDS... Việc buôn bán ma túy đã làm suy yếu hệ thống bảo vệ pháp luật, phá hoại quá trình phát triển kinh tế, xã hội; gây mất an ninh, ổn định tại của không ít quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung bình mỗi năm, hoạt động buôn bán ma túy đã mang lại nguồn thu khoảng 320 tỷ USD cho các băng nhóm ma túy. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, khoảng 27 triệu người trên thế giới đang nghiện ma túy nặng. Heroine, cần sa, cocain và nhiều chất gây nghiện khác tiếp tục là nguyên nhân khiến khoảng 200.000 người chết/năm, làm tan vỡ nhiều gia đình, gây ra tình trạng mất an ninh xã hội. trích từ bài “Thế giới có 27 triệu người nghiện ma túy nặng” nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
THẦN TƯỢNG HAY TƯỞNG TƯỢNG
Theo Gustave Le Bon, sự xuất hiện các huyền thoại dễ lan truyền trong đám đông không chỉ hoàn toàn do sự cả tin mà còn do sự bóp méo khủng khiếp các sự kiện trong trí tưởng tượng của đám người tụ tập lại với nhau. Một sự kiện đơn giản, nhưng nếu đám đông chợt nhìn thấy lập tức sẽ trở thành một sự kiện bị bóp méo. Đám đông tư duy bằng các hình ảnh và khi một hình ảnh hiện lên sẽ kéo theo một chuỗi hình ảnh khác, không hề có mối liên hệ logic với hình ảnh đầu tiên. Và cũng do đám đông không có khả năng phân biệt được giữa chủ quan và khách quan nên luôn coi những hình ảnh xuất hiện trong tâm thức, cái thường chẳng giống gì với thực tại quan sát được, là sự thật. Người ta đã quen nhìn các ngôi sao của mình dưới ánh đèn sân khấu, trong những lớp phấn son dày cộp, mặc những bộ đồ sang trọng dù may bằng chất liệu rẻ tiền. Và những nhân vật ấy mới đời thường làm sao khi không còn phấn son, khi mặc đồ xoàng xĩnh ở nhà, khi khóc lóc mếu máo và bị quay hình bằng các camera rẻ tiền của phóng viên. Hơn ai hết, những ngôi sao showbiz rất hiểu cách làm chủ đám đông. Dù không được đào tạo nhưng bản năng thiên phú cộng với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề đã giúp họ thành thạo cách tạo nên ấn tượng trong trí tưởng tượng của đám đông. Đám đông không có khả năng tư duy logic, và sự kiện phải được dồn nén lại thành một hình ảnh cô đọng, một hình ảnh có thể thoả mãn và chinh phục được tâm trí. trích từ bài “Khi "thần tượng" xuống khỏi lưng voi” THIÊN LƯƠNG/tuoitre online
BẢN HỢP XƯỚNG
Nếu còn đang ở tận đầu ngõ mà bạn đã nghe mùi hương ngào ngạt mà không tài nào kể rạch ròi đó là mùi của loại gia vị, loại rau thơm nào, chỉ thấy chúng cứ xoắn xít, quấn quít lấy nhau mà “tra tấn” lỗ mũi của bạn thì hẳn là có một người Ấn đang nấu cà-ri ở đâu đây. Cà-ri, cái từ thơm phưng phức đó nói ra ở khắp các ngõ ngách trên hành tinh này đều có người hiểu, với tên gọi chỉ trại đi một chút trong cách phát âm. Người Ấn xem cà-ri là món quốc hồn quốc tuý. Người Malaysia không thể sống thiếu cà-ri. Người Thái mê cà-ri. Người Ethiopia nghiện cà-ri. Người Nhật thích cà-ri. Người Anh “phát cuồng” vì cà-ri... Nhưng đó cũng là cái từ khó hiểu nhất. Đố ai kể được hết các thành phần trong nồi cà-ri. Chỉ có một điều chắc chắn: đã là cà-ri thì không có chuyện “sô lô” mà luôn là sự chung sức của nhiều loại gia vị, nhiều loại rau mùi khác nhau cùng “hợp xướng”. Cái tài của người đầu bếp nằm ở chỗ đó. Tuỳ vào sự sẵn có của nguyên liệu và thói quen ăn uống khác nhau, các loại gia vị, rau mùi được chọn lựa, được gia giảm trăm kiểu khác nhau, cốt sao để chúng hoà quyện vào nhau thật du dương, để món cà-ri cứ thế toả mùi thơm nồng nàn, quyến rũ. trích từ bài “Trong thế giới cà-ri Ấn” Kiều Oanh/ Saigon Ẩm Thực/ Thanh Niên