9 minute read
1.2.2. Các nghiên cứu ở trong nước
from DẠY HỌC MỘT SỐ CHỦ ĐỀ PHẦN “ĐỘNG HỌC VÀ ĐỘNG LỰC HỌC” VẬT LÍ LỚP 10 THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC
1984 và kể từ đó ông tiếp tục xây dựng mô hình này. Kolb nói rằng việc học tập liên quan đến sự nhận thức các khái niệm trừu tượng có thể được áp dụng linh hoạt trong một loạt các tình huống. Theo lý thuyết của Kolb, động lực cho sự phát triển các khái niệm mới đó là những kinh nghiệm mới [104]. Theo Hiệp hội Giáo dục trải nghiệm quốc tế thì Giáo dục trải nghiệm là một phạm trù bao hàm nhiều phương pháp trong đó người dạy khuyến khích người học tham gia trải nghiệm thực tế, sau đó phản ánh, tổng kết lại để tăng cường hiểu biết, phát triển kỹ năng, định hình các giá trị sống và phát triển tiềm năng bản thân, tiến tới đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
1.2.2. Các nghiên cứu ở trong nước
Advertisement
Theo Nguyễn Minh Thuyết, Trải nghiệm là hoạt động mang tính tích hợp, trong đó học sinh dựa trên sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực và nhóm kỹ năng khác nhau để trải nghiệm thực tế đời sống, cũng như tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của giáo viên [105]. Trong hoạt động trải nghiệm, học sinh được hoạt động thực hành trải nghiệm những kiến thức, kĩ năng đã học trong các môn học, đồng thời qua đó tiếp tục tìm tòi, mở rộng kiến thức và ứng dụng vào thực tiễn. Vì vậy, chúng tôi cho rằng: Hoạt động trải nghiệm gần giống với học thông qua làm, qua thực hành nhưng học qua làm là nhấn mạnh về thao tác kỹ thuật còn học qua trải nghiệm giúp người học không những có được năng lực thực hiện mà còn có những trải nghiệm về cảm xúc, ý chí và nhiều trạng thái tâm lý khác đó là cơ sở rất cần thiết trong việc phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh. Tưởng Duy Hải với bài viết: “Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học vật lí ở trường phổ thông” đã trình bày kết quả nghiên cứu cơ sở lí luận và đề xuất tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học bộ môn Vật lí ở trường phổ thông theo mục tiêu phát triển năng lực học sinh. Theo tác giả hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể tiến hành theo năm bước: 1. Đề xuất
nhiệm vụ cho hoạt động, 2. Học sinh tự trải nghiệm trong thực tiễn, 3. Học sinh làm báo cáo kết quả hoạt động, 4. Học sinh báo cáo kết quả hoạt động trước công chúng, 5. Giáo viên cùng học sinh tổng kết quá trình hoạt động, thể chế hóa kiến thức, đánh giá kiến thức, kỹ năng và năng lực HS [36]. Trần Thị Gái (2017) với bài viết: “Xây dựng mô hình hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong môn học theo định hướng phát triển năng lực học sinh” đã đề cập đến một số vấn đề về định nghĩa, đặc điểm của hoạt động trải nghiệm sáng tạo, làm cơ sở cho việc xây dựng mô hình hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong môn học theo định hướng phát triển năng lực HS [31], [5]. Tác giả Lê Thị Dung, Nguyễn Hoàng Đoan Huy trong bài viết: “Kinh nghiệm quốc tế về tổ chức dạy học các môn khoa học tự nhiên theo phương thức trải nghiệm ở trường trung học cơ sở” đăng trên Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế phát triển năng lực sư phạm đội ngũ giáo viên khoa học tự nhiên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông - Hà Nội, tháng 12 năm 2017 đã đề cập đến những phương thức trải nghiệm trong dạy học lĩnh vực khoa học tự nhiên ở các quốc gia trên thế giới bao gồm: Phương thức trải nghiệm được xác định trong mục tiêu và chuẩn năng lực của chương trình giảng dạy khoa học tự nhiên; Phương thức trải nghiệm thể hiện qua các hoạt động học tập cụ thể được tổ chức cho học sinh trong các môn khoa học tự nhiên; Phương thức trải nghiệm thể hiện qua hoạt động hợp tác, tương tác của học sinh trong các lớp học về khoa học tự nhiên; Phương thức trải nghiệm thể hiện qua nội dung bài học khoa học gắn liền với thực tiễn cuộc sống; Phương thức trải nghiệm thể hiện qua công tác tổ chức các hoạt động ngoại khoá và tiếp cận với các lực lượng giáo dục bên ngoài nhà trường để giúp học sinh tìm hiểu về khoa học [21], [78], [108]. Nhóm tác giả Nguyễn Mậu Đức, Nguyễn Thị Phương Thuý với bài “Bồi dưỡng giáo viên tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong nhà trường phổ thông” đăng trên Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông - NXB Đại học Thái Nguyên tháng 11/2017” đã đề cập đến vai trò của hoạt động trải nghiệm trong
việc hình thành phẩm chất và năng lực học sinh và đề xuất quy trình bồi dưỡng giáo viên, quy trình xây dựng và tổ chức hoạt động trải nghiệm trong nhà trường phổ thông theo từng Môdun phù hợp với từng đối tượng giáo viên [29]. Các tác giả Dương Xuân Quý và Trần Thị Huyền trong bài viết: “Xây dựng các hoạt động trải nghiệm trong dạy học Vật lí ở trường phổ thông” (2018) cho rằng: “việc lựa chọn và xây dựng chủ đề trải nghiệm cần tuân thủ những nguyên tắc sau: -Nội dung hoạt động có sự gắn kết nổi bật, cơ bản giữa thực tiễn với kiến thức vật lí. -Bối cảnh hoạt động phù hợp với vùng miền. -Mức độ yêu cầu trong mỗi chủ đề cần phù hợp với khả năng, trình độ của học sinh, thời gian thực hiện và điều kiện tổ chức ở trường hay địa phương. -Đảm bảo được sự an toàn hoặc giám sát được sự an toàn khi học sinh thực hiện các hoạt động trải nghiệm. -Có ý nghĩa, lợi ích với gia đình, nhà trường và cộng đồng. Điều này sẽ tạo ra sự quan tâm và hứng thú ở học sinh” [74]. Phùng Việt Hải cùng nhóm tác giả Trần Kim Thảnh, Nguyễn Bảo Hoàng Thanh, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Quý Tuấn, Nguyễn Thị Xuân Hoài với bài viết: “Tổ chức hoạt động trải nghiệm vận dụng kiến thức dòng điện xoay chiều, Vật lí 12 cho học sinh” trên: “Tạp chí khoa học trường Đại học sư phạm - Đại học Đà Nẵng - năm 2018” có đề xuất quy trình thiết kế một hoạt động trải nghiệm trong dạy học Vật lí ở trường phổ thông gồm 6 bước: Đặt tên cho hoạt động; Xác định mục tiêu của hoạt động; Chuẩn bị về phương tiện, thiết bị; Xác định nội dung, hình thức tổ chức/phương pháp thực hiện, thời điểm thực hiện; Thiết kế kế hoạch thực hiện cụ thể; Thiết kế công cụ đánh giá hoạt động [37], tr.19]. Lê Công Triêm, Nguyễn Thị Nhị cùng các tác giả trong bài viết: “Giải pháp giảng dạy “Hoạt động trải nghiệm” trong đào tạo sinh viên ngành sư phạm Vật lí đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông” trên: “Tạp chí khoa học trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng - năm 2018” cho rằng: “Để
đảm bảo tính hiệu quả mà hoạt động trải nghiệm mang lại, người giáo viên trong quá trình tổ chức cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản như sau: -Xác định rõ về trình độ, năng lực của đối tượng học sinh; -Nội dung trải nghiệm phù hợp với kiến thức mà học sinh được học; -Lựa chọn quy trình tổ chức, thực hiện cho từng hình thức trải nghiệm khác nhau; -Nội dung hoạt động trải nghiệm phải đảm bảo thực hiện tối đa sự trải nghiệm của học sinh; -Hiểu rõ mục tiêu mà hoạt động trải nghiệm mang lại; -Lên kế hoạch chi tiết cho từng hoạt động đơn lẻ trong tổng thể hoạt động được tổ chức; -Có hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp với hình thức trải nghiệm được lựa chọn, xây dựng được tiêu chí rõ ràng, công bằng cho sự trải nghiệm và đóng góp của học sinh trong hoạt động” [96], [93]. Nhóm tác giả Nguyễn Quang Linh, cùng nhóm tác giả Đặng Thị Yến, Đặng Thị Thuỷ, Đỗ Thị Hậu với bài viết: “Thiết kế hoạt động trải nghiệm chủ đề “Robot đơn giản” cho học sinh lớp 7” trên: “Tạp chí khoa học trường Đại học sư phạm - Đại học Đà Nẵng - năm 2018” đã trình bày khá cụ thể chi tiết các bước hoạt động trải nghiệm với một nội dung cụ thể nhằm hình thành và phát triển năng lực học sinh [48], tr.50-51]. Nhóm tác giả Quách Nguyễn Bảo Nguyên, Ngô Tấn Minh, Đỗ Hùng Dũng, Phan Nhật Khánh với bài viết: “Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học vật lí” đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ của trường Đại học Phạm Văn Đồng phát hành tháng 12/2019 [56], tr.74-80]. Bài viết đã đề cập đến vai trò của hoạt động trải nghiệm và định hướng một số hoạt động trải nghiệm trong việc hình thành năng lực đặc thù cho học sinh trong dạy học môn Vật lí, nhưng vấn đề dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm phát triển năng lực nói chung và năng lực sáng tạo nói riêng cần cụ thể hơn nữa. Như vậy, theo chúng tôi làm, thực hành, trải nghiệm đều là những phương
thức học hiệu quả, gắn với vận động, với thao tác vật chất, với đời sống thực. Việc học thông qua làm, học đi đôi với hành và học từ trải nghiệm đều giúp người học đạt được tri thức và kinh nghiệm nhưng tuỳ theo mục tiêu giáo dục mà có các phương pháp tiếp cận khác nhau, trong đó trải nghiệm có ý nghĩa giáo dục toàn diện hơn. Trải nghiệm gắn liền với thực tiễn đời sống, do đó, Hoạt động trải nghiệm có ý nghĩa và tầm quan trọng, gắn liền với đổi mới chương trình giáo dục hiện nay. Để phát triển năng lực sáng tạo của học sinh cần phải có môi trường, có hoàn cảnh làm cho học sinh có điều kiện khơi dậy và bộc lộ tiềm năng sáng tạo của mình. Muốn vậy phải tổ chức các hoạt động trải nghiệm và các hoạt động trải nghiệm đó phải có yếu tố phát triển năng lực sáng tạo của học sinh. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu: - Những biện pháp tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh trong môn Vật lí lớp 10 THPT. - Tổ chức hoạt động trải nghiệm một số nội dung trong dạy học môn Vật lí thông qua các chủ đề phần động học, động lực học vật lí lớp 10 hướng đến phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh. - Xây dựng các tiêu chí đánh giá năng lực sáng tạo của học sinh trong quá trình dạy học phù hợp với nội dung dạy học và trình độ học sinh.