PHẦN IV: CAPITAL STRUCTURE AND DIVIDEND POLICY P
CHƯƠNG 16 CẤU TRÚC VỐN (Capital Structure)
NHỮNG KHÁI NIỆM CƠ BẢN (BASIC CONCEPTS)
Để cập nhật các thông tin mới nhất về tài chính, hãy tham khảo www. rwjcorporatefinance. blogspot.com
Ngày 27 tháng 6 năm 2011, đội bóng chày Los Angeles Dodgers đã nộp đơn xin phá sản. Việc một câu lạc bộ thể thao với thương hiệu lớn nộp đơn xin phá sản là một điều bất thường, đặc biệt khi xem qua danh sách các chủ nợ. Ví dụ, Dodgers nợ cựu cầu thủ Manny Ramirez và Andruw Jones lần lượt là $21 triệu và $11 triệu. Các chủ nợ khác gồm có Chicago White Sox ($3,5 triệu), giám đốc chuỗi nhà hàng Levy ($588.322), và bình luận viên nổi tiếng Vin Scully ($152.778), là người bình luận của đội kể từ khi đội bóng này chuyển đến Los Angeles vào năm 1958. Dĩ nhiên, trong quá trình phá sản các khách hàng cũng bị liên quan. Trong trường hợp này những người đang sở hữu vé xem mùa giải của Dodgers sẽ là một bên tham gia có quyền lợi liên quan đến vụ phá sản, bởi vì cách đội bóng phá sản như thế nào sẽ tác động đến giá vé. Thực tế, những người sở hữu vé đã tranh luận rằng giá trị tấm vé đã sụt giảm do “tình trạng thiếu cầu thủ và khán đài lộn xộn khiến họ phải bỏ lỡ một hay nhiều hiệp đấu trong khi phải đứng xếp hàng chờ đợi một cách không thể chịu đựng được để mua đồ uống”. Trong quá trình phá sản, công ty thường không phải nộp thuế bởi vì nó không có thu nhập chịu thuế. Điều này cho thấy thuế có thể đóng vai trò quan trọng trong các quyết định cấu trúc vốn như sẽ được phân tích trong chương này.
16.1 Cấu Trúc Vốn Và Lý Thuyết Chiếc Bánh (The Pie Theory) Một công ty nên lựa chọn tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần như thế nào? Chúng tôi gọi cách tiếp cận vấn đề cấu trúc vốn là vấn đề cấu trúc mô hình chiếc bánh (pie model). Nếu các bạn thắc mắc tại sao chúng tôi lại chọn cái tên này thì hãy nhìn vào Hình 16.1. Kích cỡ chiếc bánh là tổng giá trị các tài sản của công ty, trong trường hợp cấu trúc vốn của một công ty thì các thành phần này là nợ và vốn cổ phần. Do đó, giá trị của công ty (V) là: V≡B+S
(16.1)
Trong đó B là giá trị thị trường của nợ và S là giá trị thị trường của vốn cổ phần. Hình 16.1 thể hiện hai phương thức để cắt chiếc bánh này giữa cổ phần và nợ: 40%−60% hay 60%−40%. Nếu mục tiêu của nhà quản trị là tối đa hóa giá trị thị trường của công ty thì công ty nên chọn tỷ lệ nợ−vốn cổ phần sao cho kích cỡ chiếc bánh—tổng giá trị công ty—càng lớn càng tốt. Vấn đề này đặt ra hai câu hỏi quan trọng: 1. Tại sao các cổ đông lại quan tâm đến việc tối đa hóa giá trị công ty? 2. Tỷ lệ nợ-vốn cổ phần nào sẽ tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông? Chúng ta sẽ lần lượt xem xét và trả lời từng câu hỏi quan trọng này. 540