PHẦN IV: CAPITAL STRUCTURE AND DIVIDEND POLICY P
CHƯƠNG 28 QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO (Credit and Inventory Management)
Để cập nhật các thông tin mới nhất về tài chính, hãy tham khảo www. rwjcorporatefinance. blogspot.com
Vào ngày 11 tháng 3, 2011, một cơn sóng thần đã tấn công tàn phá Nhật Bản. Bạn có thể cho rằng các vấn đề khó khăn trong kinh doanh sẽ xảy ra ở vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng thần, tuy nhiên sức ảnh hưởng của thảm họa này còn lan rộng hơn thế. Ngày 17 tháng 3, General Motors tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy ở Shreveport, Louisiana, vì thiếu phụ tùng do ảnh hưởng của sóng thần là một ví dụ. Các hãng xe khác cũng gặp những vấn đề tương tự. Ví dụ, Nissan tuyên bố sẽ đóng cửa bốn nhà máy ở Bắc Mỹ trong vài tuần vì thiếu phụ tùng, Honda tuyên bố sẽ cắt giảm các ca làm việc tại bảy nhà máy ở Bắc Mỹ từ tám giờ còn bốn giờ để duy trì hoạt động của các bộ phận. Một nhà phân tích ngành ước tính rằng, nguồn cung xe ô tô mới tại Hoa Kỳ có khả năng bị ảnh hưởng mạnh vào mùa hè. Những ví dụ này cho thấy, thiếu hụt hàng tồn kho có thể gây ra những vấn đề lớn cho các doanh nghiệp, nhưng sự dư thừa hàng tồn kho cũng là điều không mong muốn. Trong chương này, chúng ta sẽ thảo luận cách thức các công ty đạt được mức tồn kho tối ưu.
28.1 Tín Dụng Và Khoản Phải Thu Khi một công ty bán hàng hoá và dịch vụ, công ty này có thể yêu cầu khách hàng trả tiền trước hoặc vào ngày giao hàng hoặc có thể mở rộng tín dụng và cho phép khách hàng thanh toán chậm. Phần tiếp theo sẽ đưa ra ý tưởng về những vấn đề có liên quan đến quyết định cấp tín dụng cho khách hàng của công ty. Cấp tín dụng là việc đầu tư vào một khách hàng - đây là khoản đầu tư gắn liền với việc bán một sản phẩm hay dịch vụ. Tại sao các công ty lại cấp tín dụng? Không phải tất cả các công ty đều làm như vậy, nhưng thực tế điều này rất phổ biến. Lý do hiển nhiên là cấp tín dụng là một cách để gia tăng doanh số bán hàng. Các chi phí liên quan đến cấp tín dụng cũng không phải là nhỏ. Đầu tiên, có khả năng khách hàng sẽ không thanh toán. Thứ hai, công ty phải chịu các chi phí liên quan đến các khoản phải thu. Vì thế, quyết định về chính sách tín dụng liên quan đến sự đánh đổi giữa lợi ích của doanh số bán hàng tăng lên và chi phí của việc cấp tín dụng. Đứng trên góc độ kế toán, khi cấp tín dụng, một tài khoản các khoản phải thu sẽ được tạo ra. Những khoản phải thu này bao gồm tín dụng cho các công ty khác, được gọi là tín dụng thương mại (trade credit), và tín dụng cho người mua hàng, được gọi là tín dụng tiêu dùng (consumer credit). Khoảng một phần sáu tài sản của các công ty trong ngành công nghiệp Mỹ nằm dưới hình thức các khoản phải thu. Vì vậy, rõ ràng các khoản phải thu đại diện cho một khoản đầu tư lớn của các doanh nghiệp Mỹ.
CÁC THÀNH PHẦN CỦA CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG Nếu một doanh nghiệp quyết định cấp tín dụng cho khách hàng của mình, khi đó doanh nghiệp này phải thiết lập các điều khoản để mở rộng tín dụng và chính sách thu hồi nợ. Cụ thể, công ty sẽ phải xem xét các thành phần sau đây của chính sách tín dụng: 938
Chương 28 QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO
939
1. Điều khoản bán hàng (Terms of sale): Các điều khoản bán hàng thiết lập các cách thức mà công ty đặt ra để bán hàng hóa và dịch vụ của mình. Một quyết định cơ bản là công ty sẽ yêu cầu thanh toán ngay hoặc sẽ mở rộng tín dụng. Nếu công ty cấp tín dụng cho một khách hàng, các điều khoản bán hàng sẽ chỉ rõ (hoặc có thể ngầm định) thời hạn tín dụng, tỷ lệ chiết khấu và thời hạn chiết khấu, cũng như loại công cụ tín dụng. 2. Phân tích tín dụng (Credit analysis): Liên quan đến việc cấp tín dụng, công ty cần nỗ lực để phân biệt giữa các khách hàng sẽ trả tiền và các khách hàng sẽ không trả. Công ty sử dụng một số thiết bị và quy trình để xác định xác suất mà khách hàng sẽ không trả tiền rồi xâu chuỗi tất cả thông tin lại với nhau, quá trình này được gọi là phân tích tín dụng. 3. Chính sách thu hồi nợ (Collection policy): Sau khi cấp tín dụng, công ty đối mặt với các vấn đề về thu tiền, do đó họ phải thiết lập chính sách thu hồi nợ. Trong những phần tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận các thành phần trên đây của chính sách tín dụng từ đó cấu thành quyết định cấp tín dụng.
DÒNG TIỀN TỪ VIỆC CẤP TÍN DỤNG Chương trước đã mô tả kỳ thu tiền (the accounts receivable period) là khoảng thời gian cần thiết để thu tiền của một đơn hàng, kể từ khi khách hàng mua hàng đến lúc họ thanh toán tiền hàng. Xem xét một số sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian thông qua các dòng tiền liên quan đến việc cấp tín dụng và chúng có thể được minh họa bằng một sơ đồ dòng tiền: Những công ty hỗ trợ việc quản trị vốn luân chuyển: www.pnc.com và www.treasurystrat. com.
Dòng tiền từ việc cấp tín dụng Việc bán chịu được ghi nhận
Khách hàng gửi mail ngân phiếu cho công ty
Công ty ký gửi ngân phiếu vào ngân hàng
Ngân hàng ghi có vào tài khoản của công ty
Thời gian Thu hồi tiền Khoản phải thu
Trục thời gian cho thấy, dãy sự kiện điển hình khi một công ty cấp tín dụng là như sau: (1) việc bán chịu được ghi nhận, (2) khách hàng gửi ngân phiếu cho công ty, (3) công ty ký gửi ngân phiếu này vào ngân hàng và (4) số tiền ghi trên tờ ngân phiếu sẽ được ngân hàng ghi có vào tài khoản công ty. Dựa vào thảo luận trong chương trước, rõ ràng một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kỳ thu tiền là tiền trôi nổi (float). Vì vậy, một cách để giảm kỳ thu tiền là tăng tốc độ gửi thư, xử lý ngân phiếu và thanh toán bù trừ. Vấn đề này sẽ được xem xét ở phần khác, nên chúng ta sẽ không đề cập đến nó trong phần thảo luận tiếp theo. Thay vào đó, chúng ta chỉ tập trung vào yếu tố có khả năng quyết định chủ yếu đối với kỳ thu tiền, đó là: chính sách tín dụng.
ĐẦU TƯ VÀO CÁC KHOẢN PHẢI THU Để tìm hiểu thêm về quản lý khoản phải thu, hãy vào www. insidearm. com.
Việc đầu tư vào các tài khoản phải thu đối với bất kỳ công ty nào phụ thuộc vào doanh thu tín dụng (credit sales) và kỳ thu tiền bình quân. Ví dụ, nếu kỳ thu tiền bình quân của một công ty, ACP (Average Collection Period), là 30 ngày, khi đó, tại bất kỳ thời điểm nào, công ty sẽ có doanh thu của 30 ngày chưa thu tiền. Nếu doanh thu tín dụng là $1.000 mỗi ngày, khi đó tính trung bình, tài khoản phải thu của công ty sẽ bằng 30 ngày × $1.000/ngày = $30.000.
Phần VII TÀI CHÍNH NGẮN HẠN
940
Ví dụ trên cho thấy, khoản phải thu của doanh nghiệp nói chung sẽ bằng doanh thu trung bình một ngày nhân với kỳ thu tiền trung bình: Khoản phải thu =
Doanh thu trung × ACP bình ngày
(28.1)
Do đó, đầu tư của một công ty vào các khoản phải thu phụ thuộc vào các yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu tín dụng và kỳ thu tiền. Kỳ thu tiền trung bình đã được đề cập đến trong Chương 3 và Chương 26. Hãy nhớ lại rằng các thuật ngữ: Số ngày của khoản phải thu (days’ sales in receivables), kỳ thu tiền (receivables period) và kỳ thu tiền bình quân (average collection period) thay thế cho nhau nhằm chỉ độ dài thời gian cần thiết để công ty thu được tiền từ việc bán hàng.
28.2 Điều Khoản Bán Hàng Như đã mô tả trước đây, các điều khoản bán hàng được tạo thành từ ba yếu tố khác nhau: 1. Thời hạn cấp tín dụng (thời hạn tín dụng). 2. Tỷ lệ chiết khấu và thời hạn chiết khấu. 3. Loại công cụ tín dụng. Trong phạm vi một ngành, các điều khoản bán hàng thường được quy chuẩn, nhưng các điều khoản này thường khác nhau đáng kể giữa các ngành. Trong nhiều trường hợp, các điều khoản bán hàng là khá cổ xưa, từ nhiều thế kỷ trước. Các hệ thống tín dụng thương mại có tổ chức giống như các hệ thống hiện nay có nguồn gốc từ các hội chợ lớn của châu Âu thời trung cổ và chúng gần như đã tồn tại rất lâu trước đó.
CÁC DẠNG CƠ BẢN CỦA ĐIỀU KHOẢN BÁN HÀNG Cách dễ nhất để hiểu các điều khoản bán hàng là xem xét một ví dụ. Những điều khoản như 2/10, net 60 là phổ biến. Điều này có nghĩa là khách hàng phải thanh toán toàn bộ số tiền mua hàng trong 60 ngày, tính từ ngày xuất hóa đơn; tuy nhiên, nếu việc thanh toán được thực hiện trong vòng 10 ngày, khách hàng sẽ được chiết khấu 2% giá trị trên hóa đơn.
Để có thêm thông tin về quy trình tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ, hãy xem tại www. newyorkfed. org/ education/addpub/ credit. html.
Hãy xem xét trường hợp người mua đặt một đơn đặt hàng trị giá $1.000 và giả sử điều khoản bán hàng là 2/10, net 60. Người mua có thể lựa chọn trả $1.000 × (1 − 0,02) = $980 trong vòng 10 ngày, hoặc trả đầy đủ $1.000 trong vòng 60 ngày. Nếu điều khoản bán hàng là net 30, khi đó khách hàng phải thanh toán toàn bộ $1.000 trong vòng 30 ngày, kể từ ngày xuất hóa đơn và không có chiết khấu cho việc thanh toán sớm. Nói chung các điều khoản tín dụng thường được diễn giải theo cách sau: <Được chiết khấu giá trị trên hóa đơn>/<Nếu thanh toán trong vòng số ngày này>, hoặc <phải trả toàn bộ số tiền trên hóa đơn nếu thanh toán trong vòng số ngày này> Vì thế, với điều khoản 5/10, net 45, bạn sẽ được chiết khấu 5% giá trị trên hóa đơn nếu bạn thanh toán trong vòng 10 ngày, hoặc bạn sẽ phải trả toàn bộ số tiền trên hóa đơn trong vòng 45 ngày.
Chương 28 QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO
941
THỜI HẠN TÍN DỤNG Thời hạn tín dụng (credit period) là độ dài thời gian mà tín dụng được cấp. Thời hạn tín dụng khác nhau giữa các ngành, nhưng hầu hết là từ 30 đến 120 ngày. Trong trường hợp có điều khoản chiết khấu, thì thời hạn tín dụng sẽ có hai thành phần: Thời hạn tín dụng thuần (net credit period) và thời hạn chiết khấu (cash discount period). Thời hạn tín dụng thuần là độ dài thời gian khách hàng phải trả tiền. Thời hạn chiết khấu là khoảng thời gian mà việc chiết khấu có hiệu lực. Với điều khoản bán hàng 2/10, net 30 chẳng hạn, thời hạn tín dụng thuần là 30 ngày và thời hạn để người mua được hưởng chiết khấu là 10 ngày.
Ngày Xuất Hoá Đơn (Invoice Date) Ngày xuất hóa đơn là ngày đầu tiên của thời hạn tín dụng. Hóa đơn là một văn bản xác nhận hàng hóa đã được vận chuyển đến người mua. Đối với các mặt hàng riêng lẻ, theo quy ước, ngày xuất hóa đơn thường là ngày vận chuyển hàng hoặc ngày lập hối phiếu, chứ không phải là ngày mà người mua nhận được hàng hoặc nhận được hối phiếu. Có nhiều thỏa thuận khác. Chẳng hạn, các điều khoản bán hàng có thể là ROG, viết tắt của từ Receipt Of Goods (Biên nhận hàng hóa). Trong trường hợp này, thời hạn tín dụng bắt đầu khi khách hàng nhận được hàng. Điều khoản này có thể được sử dụng khi khách hàng ở nơi xa xôi hẻo lánh. Với điều khoản ngày cuối tháng (End Of Month – EOM) toàn bộ doanh số bán hàng trong suốt một tháng nào đó được giả định là thực hiện vào cuối tháng đó. Điều này tạo ra sự thuận tiện trong trường hợp khách hàng đặt mua hàng trong suốt tháng, nhưng người bán chỉ xuất hóa đơn mỗi tháng một lần. Ví dụ, điều khoản 2/10th, EOM, nghĩa là người mua được chiết khấu 2% nếu thanh toán trong vòng 10 ngày đầu tiên của tháng (kể từ ngày xuất hóa đơn vào cuối tháng trước); nếu không thì người mua phải thanh toán toàn bộ số tiền. Rắc rối là, đôi khi ngày 25 của tháng được xem là ngày cuối tháng. Điều khoản MOM, đại diện cho ngày giữa tháng (middle of month), là một biến thể khác của điều khoản bán hàng. Chiết khấu theo mùa (seasonal dating) đôi khi được sử dụng để kích thích tăng doanh thu của các sản phẩm mang tính mùa vụ trong những mùa vắng khách. Một sản phẩm được bán chủ yếu trong mùa hè (ví dụ, kem chống nắng) có thể được giao hàng trong tháng Giêng với các điều khoản tín dụng là 2/10, net 30. Tuy nhiên, hóa đơn có thể được phát hành vào ngày 1 tháng Năm, sao cho thời hạn tín dụng thực tế bắt đầu tại thời điểm đó. Thông lệ này khuyến khích người mua đặt hàng sớm.
Độ Dài Của Thời Hạn Tín Dụng (Length of the Credit Period) Một
số yếu tố ảnh hưởng đến độ dài của thời hạn tín dụng. Hai yếu tố quan trọng là thời gian tồn kho và chu kỳ hoạt động của người mua. Nếu các nhân tố khác không đổi, hai yếu tố này càng ngắn thì thời hạn tín dụng sẽ càng ngắn. Theo Chương 26, chu kỳ hoạt động có hai thành phần: Thời gian tồn kho và thời gian thu tiền. Thời gian tồn kho của người mua là thời gian để người mua có được hàng tồn kho, chế biến, và bán thành phẩm. Thời gian thu tiền của người mua là thời gian người mua thu được tiền bán hàng. Lưu ý rằng thời hạn tín dụng mà chúng ta đưa ra chính là thời hạn khoản phải trả của người mua.
942
Phần VII TÀI CHÍNH NGẮN HẠN
Thông qua việc mở rộng tín dụng, chúng ta đang tài trợ một phần cho chu kỳ hoạt động của người mua và do đó rút ngắn chu kỳ tiền mặt của họ (xem Hình 26.1). Nếu thời hạn tín dụng của chúng ta dài hơn thời gian tồn kho của người mua, lúc đó chúng ta đang tài trợ không chỉ cho việc mua hàng tồn kho của người mua, mà còn tài trợ một phần cho khoản phải thu của người đó. Hơn nữa, nếu thời hạn tín dụng của chúng ta vượt quá chu kỳ hoạt động (operating cycle) của người mua, khi đó chúng ta đang thực sự tài trợ cho các hoạt động kinh doanh của khách hàng vượt quá cả việc mua và bán hàng hóa của chúng ta ngay lập tức. Lý do là người mua đang thật sự có một khoản vay từ chúng ta, thậm chí sau khi hàng hóa đã được người mua bán lại và bên mua có thể sử dụng tín dụng đó cho các mục đích khác. Vì lý do này, độ dài của chu kỳ hoạt động của người mua thường được viện dẫn như là giới hạn trên hợp lý của thời hạn tín dụng. Có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến thời hạn tín dụng. Nhiều yếu tố trong số này cũng ảnh hưởng đến chu kỳ hoạt động của khách hàng; như vậy, một lần nữa, chúng là những đối tượng có liên quan. Những yếu tố quan trọng nhất là: 1. Tính dễ hỏng và giá trị thế chấp của hàng hóa (Perishability and collateral value): Các mặt hàng có thể hư hỏng thường quay vòng tương đối nhanh và giá trị thế chấp tương đối thấp. Do vậy, thời hạn tín dụng cho những hàng hoá này sẽ ngắn hơn. Ví dụ, một người bán buôn thực phẩm như trái cây và rau quả tươi có thể sử dụng điều khoản net 7 ngày, trong khi mặt hàng đồ trang sức có thể được bán với điều khoản là 5/30, net 4 tháng. 2. Nhu cầu của người tiêu dùng (Consumer demand): Sản phẩm có uy tín thường có vòng quay nhanh hơn. Sản phẩm bán chậm và mới thường sẽ có thời hạn tín dụng dài hơn để lôi kéo người mua. Ngoài ra, như chúng ta đã thấy, người bán hàng có thể mở rộng thời gian tín dụng dài hơn nhiều cho việc bán hàng trong những mùa vắng khách (khi đó nhu cầu của khách hàng thường là thấp). 3. Chi phí, khả năng sinh lợi, và tính chuẩn hóa của hàng hóa (Cost, profitability, and standardization): Hàng hóa tương đối rẻ tiền thường có thời hạn tín dụng ngắn hơn. Điều này cũng đúng đối với hàng hóa tương đối chuẩn hóa và nguyên liệu thô. Tất cả những hàng hóa này thường có phần tiền cộng thêm vào giá vốn (markups) thấp hơn và vòng quay cao hơn. Và cả hai khía cạnh này dẫn đến thời hạn tín dụng ngắn hơn. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ, các đại lý ô tô chẳng hạn, khách hàng thường thanh toán tiền ngay khi nhận xe. 4. Rủi ro tín dụng (Credit risk): Rủi ro tín dụng của người mua càng lớn, thời hạn tín dụng (nếu tín dụng được cấp toàn bộ) có khả năng càng ngắn. 5. Quy mô của tài khoản bán chịu (Size of the account): Nếu một tài khoản bán chịu nhỏ, thời hạn tín dụng có thể ngắn hơn, bởi vì các tài khoản nhỏ thường tốn kém chi phí quản lý hơn và tầm quan trọng của khách hàng cũng ít hơn. 6. Cạnh tranh (Competition): Khi người bán ở trong một thị trường cạnh tranh cao, việc cung cấp thời hạn tín dụng dài hơn có thể được xem là một cách để thu hút khách hàng. 7. Loại khách hàng (Customer type): Người bán có thể cung cấp các điều kiện tín dụng khác nhau cho những người mua khác nhau. Một người bán buôn thực phẩm có thể cung cấp cho các cửa hàng tạp hóa, các tiệm bánh và nhà hàng. Mỗi nhóm có thể sẽ có các điều khoản tín dụng khác nhau. Nói chung, người bán thường có cả khách hàng bán buôn lẫn khách hàng bán lẻ và họ thường thiết lập các điều khoản khác nhau đối với hai loại khách hàng này.
Chương 28 QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO
943
CHIẾT KHẤU TIỀN MẶT Như chúng ta đã thấy, chiết khấu tiền mặt (cash discounts) thường là một phần của các điều khoản bán hàng. Chiết khấu cho việc mua hàng thanh toán tiền ngay tại Mỹ đã có từ cuộc Nội chiến và phổ biến cho đến nay. Một lý do để cung cấp các khoản chiết khấu cho người mua đó là nhằm gia tăng tốc độ thu hồi các khoản phải thu. Điều này sẽ có tác dụng làm giảm lượng tín dụng và công ty phải đánh đổi giữa việc giảm lượng tín dụng so với chi phí chiết khấu. Chú ý rằng, khi cung cấp các khoản chiết khấu tiền mặt, về cơ bản việc mua chịu là không tốn phí trong thời hạn chiết khấu. Người mua phải trả phí cho việc mua chịu chỉ sau khi thời hạn chiết khấu đã hết. Với 2/10, net 30, một người mua lý trí sẽ thanh toán trong ngày thứ 10 để được sử dụng tín dụng miễn phí lớn nhất có thể, hoặc họ sẽ thanh toán trong ngày thứ 30 để sử dụng tiền lâu nhất có thể và đổi lại là việc phải từ bỏ khoản chiết khấu. Nếu từ bỏ khoản chiết khấu, người mua có được tín dụng 30 − 10 = 20 ngày. Một lý do khác để cung cấp các khoản chiết khấu tiền mặt, đó là các khoản chiết khấu là cách để tính giá cao hơn cho những khách hàng muốn mở rộng tín dụng. Về mặt này, chiết khấu là một cách thức thuận tiện để tính phí cho khoản tín dụng mà doanh nghiệp cấp cho các khách hàng.
Chi Phí Tín Dụng (Cost of Credit) Trong các ví dụ, thường thì các Hiệp hội quốc gia về quản lý tín dụng www.nacm.org
khoản chiết khấu khá là nhỏ. Với 2/10, net 30, chẳng hạn, người mua thanh toán sớm chỉ được chiết khấu 2%. Điều này có cung cấp một động cơ đáng kể cho việc thanh toán sớm hay không? Câu trả lời là có, bởi vì lãi suất ngầm định là cực kỳ cao.
Để hiểu được tại sao chiết khấu là quan trọng, chúng ta sẽ tính toán chi phí đối với người mua khi không trả tiền sớm. Để làm được điều này, chúng ta sẽ tìm lãi suất thực sự mà người mua phải trả cho tín dụng thương mại. Giả sử đơn hàng là $1.000. Người mua có thể trả $980 trong 10 ngày, hoặc chờ thêm 20 ngày nữa và phải trả $1.000. Rõ ràng là người mua đang thực sự vay $980 cho 20 ngày và phải trả $20 tiền lãi trên “khoản vay” này. Vậy lãi suất là bao nhiêu? Lãi suất này là lãi suất chiết khấu thông thường, mà chúng ta đã thảo luận trong Chương 4. Với $20 tiền lãi trên $980 tiền vay, lãi suất là $20/$980 = 2,0408%. Lãi suất này là tương đối thấp, nhưng hãy nhớ rằng đây là lãi suất cho kỳ hạn 20 ngày. Mỗi năm có 365/20 = 18,25 kỳ. Như vậy, trong trường hợp không hưởng chiết khấu, người mua đang trả một lãi suất hiệu lực hàng năm (EAR) là: EAR = 1,02040818,25 − 1 = 44,6% Từ quan điểm của người mua, đây là một nguồn tài trợ đắt đỏ! Với lãi suất cao như vậy, chưa chắc rằng người bán được hưởng lợi từ việc khách hàng thanh toán sớm. Nếu loại bỏ khả năng vỡ nợ của người mua, thì việc quyết định từ bỏ chiết khấu của họ gần như chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho người bán.
Chiết Khấu Thương Mại (Trade Discounts) Trong một số trường hợp, chiết khấu không hoàn toàn là động lực khuyến khích khách hàng thanh toán sớm, thay vào đó là một khoản chiết khấu thương mại (trade discount), đây là khoản chiết khấu thông thường dành cho một số dạng người mua. Ví dụ, với điều khoản 2/10th, EOM, người mua được chiết khấu 2% nếu hoá đơn được thanh toán trước ngày 10 của tháng, nhưng hóa đơn được coi là đến hạn vào ngày 10, và quá hạn sau đó. Như vậy, thời hạn tín dụng và thời hạn chiết khấu là có hiệu lực như nhau và không có phần thưởng nào cho việc thanh toán trước hạn.
944
Phần VII TÀI CHÍNH NGẮN HẠN
Chiết Khấu Tiền Mặt Và ACP Chiết khấu tiền mặt khuyến khích khách hàng thanh toán sớm, nó sẽ giúp rút ngắn thời gian thu tiền và nếu các yếu tố khác không đổi, điều này sẽ làm giảm bớt đầu tư của công ty vào khoản phải thu. Ví dụ, giả sử một công ty hiện đang có điều khoản bán hàng là net 30 và kỳ thu tiền bình quân (ACP - Average Collection Period) là 30 ngày. Nếu công ty đưa ra điều khoản 2/10, net 30, thì có thể 50% khách hàng (xét về khối lượng mua hàng) sẽ trả trong 10 ngày. Các khách hàng còn lại vẫn sẽ mất trung bình 30 ngày để trả tiền. ACP mới sẽ là bao nhiêu? Nếu doanh thu hàng năm của công ty là $15 triệu (trước khi chiết khấu), điều gì sẽ xảy ra đối với việc đầu tư vào các khoản phải thu của công ty? Nếu một nửa khách hàng mất 10 ngày và một nửa còn lại mất 30 ngày để thanh toán, khi đó kỳ thu tiền bình quân mới sẽ là: ACP mới = 0,50 × 10 ngày + 0,50 × 30 ngày = 20 ngày Do đó ACP giảm từ 30 ngày xuống 20 ngày. Trung bình doanh thu hàng ngày là $15 triệu/365 = $41.096 mỗi ngày. Vì vậy, khoản phải thu sẽ giảm $41.096 × 10 = $410.960.
CÔNG CỤ TÍN DỤNG Công cụ tín dụng (credit instruments) là bằng chứng cơ bản cho các khoản nợ. Hầu hết tín dụng thương mại được thực hiện thông qua tài khoản ghi sổ hay tài khoản mua bán chịu (open account). Điều này có nghĩa là công cụ tín dụng chính thức duy nhất là hoá đơn, được gửi đi cùng với việc giao hàng và chữ ký khách hàng là bằng chứng cho việc khách hàng đã nhận được hàng hóa. Sau đó, công ty và khách hàng ghi nhận giao dịch này trên sổ sách kế toán của hai bên. Đôi lúc công ty có thể yêu cầu khách hàng ký một giấy nhận nợ (promissory note). Đây là một IOU cơ bản và có thể được sử dụng trong trường hợp đơn đặt hàng có giá trị lớn, trong trường hợp không có chiết khấu tiền mặt, hoặc trong trường hợp công ty dự đoán sẽ gặp rắc rối trong quá trình thu nợ. Giấy nhận nợ không phải là phổ biến, nhưng chúng có thể giúp tránh những tranh cãi về sự hiện hữu của khoản nợ có thể xảy ra sau này. Một vấn đề với giấy nhận nợ là chúng được ký sau khi giao hàng. Một cách thức để có được cam kết tín dụng từ một khách hàng trước khi hàng được giao là thỏa thuận một hối phiếu thương mại (commercial draft). Thông thường, công ty phát hành hối phiếu thương mại sẽ yêu cầu khách hàng phải trả một số tiền cụ thể vào một ngày xác định. Hối phiếu này sau đó được gửi đến ngân hàng của khách hàng cùng với hóa đơn giao hàng. Nếu yêu cầu thanh toán ngay lập tức được thể hiện trên hối phiếu, thì hối phiếu sẽ được gọi là hối phiếu trả tiền ngay (sight draft). Nếu không đòi hỏi thanh toán ngay lập tức thì hối phiếu được gọi là hối phiếu trả chậm (time draft). Khi hối phiếu được trình ra và người mua ký “chấp nhận” lên nó, nghĩa là người mua hứa sẽ thanh toán hối phiếu trong tương lai, khi đó hối phiếu được gọi là chấp phiếu thương mại (trade acceptance) và được gửi lại cho người bán. Sau đó, người bán có thể giữ chấp phiếu thương mại này hoặc bán nó cho người khác. Nếu một ngân hàng chấp nhận hối phiếu, tức là ngân hàng đảm bảo thanh toán cho món nợ của khách hàng, khi đó hối phiếu trở thành chấp phiếu ngân hàng (banker’s acceptance). Sự thỏa thuận này khá phổ biến trong thương mại quốc tế và chấp phiếu ngân hàng được giao dịch dễ dàng trên thị trường tiền tệ. Công ty cũng có thể sử dụng một hợp đồng bán có điều kiện (a conditional sales contract) như là một công cụ tín dụng. Trong một thỏa thuận bán dạng này,
Chương 28 QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO
945
công ty sẽ giữ quyền sở hữu hợp pháp đối với các hàng hóa cho đến khi khách hàng hoàn tất việc thanh toán. Các hợp đồng bán có điều kiện thường được thanh toán làm nhiều kỳ và bao gồm cả chi phí lãi vay theo hợp đồng.
28.3 Phân Tích Chính Sách Tín Dụng Trong phần này, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định cấp tín dụng. Việc cấp tín dụng chỉ có ý nghĩa khi NPV của quyết định này là dương. Vì thế chúng ta cần phải xem xét NPV của quyết định cấp tín dụng.
HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG Khi đánh giá chính sách tín dụng, có năm yếu tố cơ bản cần xem xét: 1. Hiệu quả về doanh thu (Revenue effects): Nếu công ty cấp tín dụng, khi đó sẽ có sự chậm trễ trong việc thu tiền bán hàng, bởi vì một số khách hàng tận dụng lợi thế của việc được cấp tín dụng và thanh toán chậm. Tuy nhiên, công ty có thể tính giá cao hơn nếu họ cấp tín dụng và có thể tăng số lượng bán ra. Do đó tổng doanh thu có thể tăng. 2. Hậu quả về chi phí (Cost effects): Mặc dù công ty có các khoản doanh thu trả chậm nếu cấp tín dụng, nhưng họ cũng phải chịu các chi phí trong trường hợp bán hàng ngay lập tức. Cho dù công ty bán thu tiền ngay hay tín dụng, họ vẫn sẽ phải tốn chi phí cho việc mua hàng hoặc sản xuất hàng hóa. 3. Chi phí của nợ (The cost of debt): Khi công ty cấp tín dụng, họ phải sắp xếp để tài trợ cho các khoản phải thu. Kết quả là, chi phí vay ngắn hạn của công ty là một yếu tố trong quyết định cấp tín dụng.1 4. Xác suất không thanh toán (the probability of nonpayment): Nếu công ty cấp tín dụng, một tỷ lệ nào đó những người mua sẽ không trả tiền. Tất nhiên, điều này sẽ không xảy ra nếu công ty bán thu tiền ngay. 5. Chiết khấu: Khi công ty cung cấp các khoản chiết khấu như là một phần của điều khoản tín dụng, một số khách hàng sẽ lựa chọn trả tiền sớm để tận dụng lợi thế của chiết khấu.
ĐÁNH GIÁ CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG ĐƯỢC ĐỀ XUẤT Để minh họa cho việc phân tích chính sách tín dụng, chúng ta sẽ bắt đầu bằng một trường hợp tương đối đơn giản. Locust Software đã tồn tại được hai năm và là một trong những công ty thành công trong việc phát triển các chương trình máy tính. Hiện nay, Locust chỉ bán hàng thu tiền ngay. Locust đang xem xét một yêu cầu từ một số khách hàng lớn để thay đổi chính sách bán hàng hiện tại của mình sang net một tháng (30 ngày). Để phân tích đề xuất này, chúng ta định nghĩa các ký hiệu sau: P v Q Q’ R
= = = = =
Đơn giá mỗi đơn vị Chi phí biến đổi cho mỗi đơn vị Số lượng bán được mỗi tháng theo chính sách hiện tại Số lượng bán được theo chính sách mới Tỷ suất sinh lợi đòi hỏi tính theo tháng
Chi phí của nợ ngắn hạn không nhất thiết phải là tỷ suất sinh lợi đòi hỏi trên các khoản phải thu, mặc dù nó thường được giả định như thế. Thông thường, tỷ suất sinh lợi đòi hỏi trên một khoản đầu tư phụ thuộc vào rủi ro của khoản đầu tư đó, chứ không phụ thuộc vào nguồn tài trợ. Chi phí nợ ngắn hạn của người mua thì về bản chất rất gần với lãi suất hợp lý. Chúng ta sẽ vẫn giả định ngầm là người bán và người mua có chi phí nợ ngắn hạn như nhau. Thường thì những khoảng thời gian trong các quyết định tín dụng là tương đối ngắn, do đó, một sai lệch tương đối nhỏ trong tỷ lệ chiết khấu sẽ không ảnh hưởng lớn đến giá trị ước tính của NPV.
1
946
Phần VII TÀI CHÍNH NGẮN HẠN
Ở đây, chúng ta bỏ qua các khoản chiết khấu và khả năng vỡ nợ. Chúng ta cũng bỏ qua các loại thuế vì chúng không ảnh hưởng đến kết luận.
NPV Của Việc Chuyển Đổi Chính Sách Để minh họa NPV của các chính sách tín dụng chuyển đổi, giả sử chúng ta có các thông số sau đây cho Locust: P v Q Q’
= = = =
$49 $20 100 110
Nếu tỷ suất sinh lợi đòi hỏi, R, là 2% mỗi tháng, Locust có nên thay đổi chính sách? Hiện tại, Locust có doanh thu hàng tháng là P × Q = $4.900. Chi phí biến đổi mỗi tháng là v × Q = $2.000, do đó dòng tiền hàng tháng từ hoạt động này là: Dòng tiền với chính sách cũ = (P − v) × Q = ($49 − 20) × 100 = $2.900
(28.2)
Dĩ nhiên, đây không phải là tổng dòng tiền của Locust, nhưng đó là tất cả những gì chúng ta cần xem xét, bởi vì chi phí cố định và các thành phần khác của dòng tiền đều giống nhau, dù cho kế hoạch chuyển đổi được thực hiện hay không. Nếu Locust chuyển đổi sang net 30 ngày, khi đó số lượng bán sẽ tăng lên đến Q’ = 110. Doanh thu hàng tháng sẽ tăng đến P × Q’, và chi phí sẽ là v × Q’. Dòng tiền hàng tháng theo chính sách mới do đó sẽ là: Dòng tiền với chính sách mới = (P − v) × Q' = ($49 − 20) × 110 = $3.190
(28.3)
Trở lại với Chương 6, chúng ta thấy dòng tiền tăng thêm là chênh lệch giữa dòng tiền của chính sách mới và dòng tiền của chính sách cũ: Dòng tiền tăng thêm = (P − v) × (Q' − Q) = ($49 − 20) × (110 − 100) = $290 Điều này nói lên rằng, lợi ích hàng tháng từ việc chuyển đổi chính sách tín dụng bằng với lợi nhuận gộp trên mỗi sản phẩm bán ra, P − v = $29, nhân với phần gia tăng trong doanh số bán, Q’ − Q = 10. Do đó, giá trị hiện tại của dòng tiền tăng thêm trong tương lai là: PV = [(P − v) × (Q' − Q)]/R
(28.4)
Đối với Locust, giá trị hiện tại này sẽ là: PV = ($29 × 10)/0,02 = $14.500 Lưu ý chúng ta đã coi dòng tiền hàng tháng là một chuỗi tiền tệ đều vĩnh viễn, vì lợi ích thu được mỗi tháng sẽ không thay đổi cho đến vĩnh viễn. Lợi ích của việc chuyển đổi đã xác định được, vậy còn chi phí là bao nhiêu? Có hai thành phần cần xem xét. Đầu tiên, vì số lượng bán ra sẽ tăng từ Q đến
Chương 28 QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO
947
Q’, Locust sẽ phải sản xuất Q’ − Q đơn vị nữa với một chi phí là v(Q’ − Q) = $2 0 × (110 − 100) = $200. Thứ hai, doanh số bán mà đáng lẽ sẽ thu được tiền ngay trong tháng, theo chính sách hiện hành (P × Q = $4.900), sẽ không còn thu được theo chính sách mới. Theo chính sách mới, doanh số bán được trong tháng này sẽ không được thu cho đến 30 ngày sau đó. Chi phí của việc chuyển đổi là tổng của hai thành phần này: Chi phí của việc chuyển đổi = PQ + v (Q' − Q)
(28.5)
Với Locust, chi phí này sẽ là $4.900 + $200 = $5.100. Tính chung lại, chúng ta thấy rằng NPV của việc chuyển đổi sẽ là: NPV của việc chuyển đổi
= − [PQ + v (Q’ - Q)] + [(P - v)(Q' − Q)]/R
(28.6)
Với Locust, chi phí chuyển đổi là $5.100. Như chúng ta đã thấy trước đây, lợi ích là $290 hàng tháng, cho đến vĩnh viễn. Với tỷ suất sinh lợi đòi hỏi là 2% mỗi tháng, NPV là: NPV = − $5.100 + 290/0,02 = − $5.100 + 14.500 = $9.400 Do đó, việc chuyển đổi là rất có lợi.
VÍ DỤ 28.1
Chúng ta nên tiếp tục hơn là chuyển đổi Giả sử một công ty đang xem xét chuyển đổi từ chính sách bán hàng thu tiền ngay sang net 30, nhưng số lượng bán dự kiến sẽ không thay đổi. NPV của quyết định chuyển đổi là gì? Giải thích. Trong trường hợp này, Q’ – Q là bằng không, do đó NPV chỉ là –PQ. Điều này nói rằng hiệu quả của việc chuyển đổi chỉ đơn giản là trì hoãn việc thu tiền một tháng, cho đến vĩnh viễn, mà không có lợi ích gì từ việc làm như vậy.
Ứng Dụng Điểm Hòa Vốn Dựa vào nội dung đã trình bày cho đến giờ, biến số quan trọng đối với Locust là Q’ – Q, hay đó chính là sự gia tăng trong số lượng hàng bán. Sự gia tăng dự kiến 10 sản phẩm chỉ là ước tính, do đó có một số rủi ro dự báo. Trong tình huống này, điều cần quan tâm là sản lượng bán sẽ tăng bao nhiêu để đạt hoà vốn. Trước đó, NPV của việc chuyển đổi được xác định là: NPV = − [PQ + v (Q’ − Q)] + [(P − v)(Q' − Q)]/R Ta có thể tính điểm hòa vốn bằng cách cho NPV bằng không và giải phương trình để tìm (Q’ − Q): NPV = 0 = − [PQ + v (Q’ − Q)] + [(P − v)(Q' − Q)]/R Q’ - Q = PQ/[(P − v)/(R − v)] Với Locust, sự gia tăng trong số lượng bán để hòa vốn là: Q’ - Q = $4.900/(29/0,02 - 20) = 3,43 sản phẩm
(28.7)
Phần VII TÀI CHÍNH NGẮN HẠN
948
Điều này cho chúng ta biết rằng chuyển đổi là một ý tưởng tốt miễn là Locust tự tin rằng họ có thể bán thêm ít nhất 3,43 sản phẩm mỗi tháng.
28.4 Chính Sách Tín Dụng Tối Ưu Để tìm các báo cáo kinh doanh về tín dụng, hãy vào www.creditworthy. com.
Cho đến nay, chúng ta đã thảo luận cách tính giá trị hiện tại ròng cho một kế hoạch chuyển đổi trong chính sách tín dụng. Chúng ta chưa thảo luận về mức tín dụng tối ưu (the optimal amount of credit) hoặc chính sách tín dụng tối ưu (the optimal credit policy). Về nguyên tắc, mức tín dụng tối ưu được xác định ở điểm mà tại đó các dòng tiền tăng thêm do doanh số bán tăng đúng bằng với các chi phí tăng thêm do việc gia tăng trong đầu tư vào khoản phải thu.
ĐƯỜNG TỔNG CHI PHÍ TÍN DỤNG Sự đánh đổi giữa cấp tín dụng và không cấp tín dụng không khó để xác định, nhưng lại khó để định lượng chính xác. Kết quả là, chúng ta chỉ có thể mô tả một chính sách tín dụng tối ưu. Đầu tiên, các chi phí tồn trữ (carrying cost) của việc cấp tín dụng gồm ba loại: 1. Tỷ suất sinh lợi đòi trên khoản phải thu. 2. Các khoản lỗ từ nợ xấu. 3. Các chi phí quản lý tín dụng và thu hồi nợ. Chúng ta đã thảo luận chi phí đầu tiên và thứ hai. Chi phí thứ ba, chi phí quản lý tín dụng, bao gồm các chi phí liên quan đến vận hành bộ phận quản trị tín dụng. Các công ty không cấp tín dụng sẽ không có bộ phận này và không tốn chi phí như thế. Toàn bộ ba khoản chi phí này sẽ tăng khi chính sách tín dụng được nới lỏng. Nếu một công ty có chính sách tín dụng thắt chặt, khi đó tất cả các chi phí đi kèm sẽ thấp. Trong trường hợp này, sẽ có một sự “thiếu hụt” tín dụng và công ty sẽ phải gánh chịu một chi phí cơ hội. Chi phí cơ hội này chính là lợi nhuận tiềm năng tăng thêm từ doanh số tín dụng, nhưng bị mất do công ty từ chối cấp tín dụng. Lợi ích bị bỏ qua này xuất phát từ hai nguồn: Sự gia tăng trong số lượng bán, Q’ trừ Q, và (tiềm năng) giá cao hơn. Chi phí cơ hội sẽ giảm khi chính sách tín dụng được nới lỏng. Tổng các chi phí tồn trữ (carrying costs) và chi phí cơ hội của một chính sách tín dụng cụ thể được gọi là đường tổng chi phí tín dụng (the total credit cost curve). Chúng ta vẽ một đường cong như vậy trong Hình 28.1. Như Hình 28.1 minh họa, có một điểm mà tại đó tổng chi phí tín dụng được tối thiểu hóa. Điểm này tương ứng với khối lượng tín dụng tối ưu, hay mức đầu tư tối ưu vào các khoản phải thu. Nếu công ty mở rộng tín dụng nhiều hơn mức tối ưu này, dòng tiền ròng tăng thêm từ các khách hàng mới sẽ không đủ để bù đắp các chi phí đi kèm của việc đầu tư vào các khoản phải thu. Nếu mức độ khoản phải thu là thấp hơn số lượng này, khi đó công ty đang bỏ qua các cơ hội sinh lợi giá trị. Nói chung, các chi phí và lợi ích từ việc mở rộng tín dụng sẽ phụ thuộc vào đặc điểm của các công ty và các ngành cụ thể. Nếu cố định các nhân tố khác, có khả năng là, các công ty có (1) hoạt động vượt công suất, (2) biến phí hoạt động thấp,
Chương 28 QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO
949
Hình 28.1
Chi phí ($)
Các chi phí của việc cấp tín dụng
Khối lượng tín dụng tối ưu
Tổng chi phí Chi phí liên quan
Chi phí cơ hội Khối lượng tín dụng mở rộng ($) Các chi phí tồn trữ (carrying costs) là phần thiệt hại trong dòng tiền khi công ty cấp tín dụng. Các chi phí này tương quan cùng chiều với số lượng tín dụng mở rộng. Chi phí cơ hội (opportunity costs) là doanh thu mất đi do từ chối cấp tín dụng. Chi phí này sẽ giảm khi công ty quyết định cấp tín dụng.
và (3) khách hàng trung thành, sẽ mở rộng tín dụng hào phóng hơn các công ty khác. Liệu bạn có thể giải thích lý do tại sao các đặc điểm này lại góp phần vào một chính sách tín dụng hào phóng hơn?
TỔ CHỨC BỘ PHẬN TÍN DỤNG Các công ty cấp tín dụng phải tốn chi phí vận hành bộ phận tín dụng. Trong thực tế, các công ty thường lựa chọn hình thức giao thầu toàn bộ hoặc một phần chức năng tín dụng của mình cho một bên thứ ba (factor), một công ty bảo hiểm, hoặc tách bộ phận tín dụng thành một công ty tài chính con của chính mình (captive finance company). Chương 26 đã thảo luận về bao thanh toán, một thỏa thuận mà theo đó công ty sẽ bán các khoản phải thu của mình. Tùy thuộc vào thỏa thuận cụ thể, người đại diện có thể phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc kiểm tra, ủy quyền, và thu hồi tín dụng. Đối với các công ty nhỏ, một thỏa thuận như vậy có thể rẻ hơn so với việc vận hành một bộ phận tín dụng. Những công ty quản lý các hoạt động tín dụng nội bộ là đang tự bảo hiểm rủi ro vỡ nợ. Một cách khác là mua bảo hiểm tín dụng thông qua một công ty bảo hiểm. Công ty bảo hiểm cung cấp bảo hiểm lên đến một giới hạn thiết lập sẵn cho các tài khoản. Tài khoản có mức xếp hạng tín nhiệm càng cao thì giới hạn bảo hiểm sẽ càng cao. Đây là loại hình bảo hiểm đặc biệt quan trọng đối với các nhà xuất khẩu, và bảo hiểm chính phủ thường sẵn có đối với một số loại hàng hoá xuất khẩu. Các doanh nghiệp lớn thường mở rộng tín dụng thông qua một công ty tài chính con của chính mình (captive finance company), đơn giản là một công ty con do doanh nghiệp sở hữu toàn phần. Công ty tài chính này sẽ xử lý các chức năng tín dụng cho công ty mẹ. Ford Motor Credit (FMC) là một ví dụ được nhiều người biết đến. Ford bán xe hơi cho các đại lý, các đại lý này lại bán cho khách hàng. FMC tài trợ cho hàng tồn kho xe hơi của các đại lý và cũng tài trợ cho các khách hàng mua xe ô tô. Tại sao một công ty lựa chọn thành lập một công ty riêng biệt để xử lý chức năng tín dụng? Có một số lý do, nhưng một lý do chính là nhằm tách bạch hoạt động sản xuất và hoạt động tài trợ cho các sản phẩm của công ty cho mục đích
950
Phần VII TÀI CHÍNH NGẮN HẠN
quản lý, tài trợ và lập báo cáo. Ví dụ, công ty tài chính con này có thể đi vay bằng tên riêng của mình, sử dụng các khoản phải thu của nó làm tài sản thế chấp, và công ty tài chính con thường được có xếp hạng tín dụng tốt hơn công ty mẹ. Điều này có thể cho phép công ty đạt được chi phí của nợ trên tổng thể thấp hơn so với trường hợp gộp chung hoạt động sản xuất và tài trợ.
28.5 Phân Tích Tín Dụng Cho đến lúc này, chúng ta đã tập trung vào việc thiết lập các điều khoản tín dụng. Khi một công ty quyết định cấp tín dụng cho khách hàng của mình, nó phải thiết lập các nguyên tắc để xác định khách hàng nào sẽ được và khách hàng nào sẽ không được cấp tín dụng. Phân tích tín dụng (credit analysis) đề cập đến quy trình ra quyết định có mở rộng tín dụng cho một khách hàng cụ thể hay không. Phân tích tín dụng thường bao gồm hai bước: Thu thập thông tin liên quan và xác định mức độ tín nhiệm của khách hàng. Phân tích tín dụng rất quan trọng, đơn giản bởi vì những thiệt hại tiềm năng trên các khoản phải thu có thể khá lớn. Trên bảng cân đối của mình, các công ty báo cáo số lượng các khoản phải thu mà họ cho là không thu được. Năm 2011, IBM thông báo $676 triệu khoản phải thu thuộc diện nghi ngờ, GE đã đưa ra báo cáo gây kinh ngạc với $6 tỷ dự phòng cho các khoản thiệt hại này.
KHI NÀO NÊN CẤP TÍN DỤNG? Hãy tưởng tượng một công ty đang xem xét quyết định liệu có cấp tín dụng cho một khách hàng hay không. Quyết định này có thể trở nên phức tạp. Lưu ý rằng các câu trả lời phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra nếu công ty từ chối cấp tín dụng. Khách hàng sẽ đồng ý thanh toán ngay hay không? Hoặc khách hàng sẽ hoàn toàn không mua hàng? Để tránh bị sa lầy vào tình huống này và các khó khăn khác, chúng ta sẽ sử dụng một số trường hợp đặc biệt để minh họa cho những điểm chính.
Bán Một Lần (A One-Time Sale) Chúng ta bắt đầu bằng cách xét trường
hợp đơn giản nhất. Một khách hàng mới muốn mua một lượng hàng thông qua hình thức tín dụng tại mức giá là P trên một đơn vị. Nếu tín dụng bị từ chối, khách hàng sẽ không mua hàng. Hơn nữa, chúng ta giả định rằng, nếu tín dụng được cấp, khi đó, một tháng sau, khách hàng sẽ thanh toán hoặc sẽ vỡ nợ. Xác suất vỡ nợ là π. Trong trường hợp này, xác suất (π) có thể được hiểu là tỷ lệ mà những khách hàng mới sẽ không trả tiền. Nếu khách hàng chỉ đặt hàng một lần và không lặp lại điều đó thì trường hợp này gọi là bán một lần. Cuối cùng, tỷ suất sinh lợi yêu cầu trên khoản phải thu là R mỗi tháng và chi phí biến đổi là v trên một đơn vị. Phân tích này khá đơn giản. Nếu công ty từ chối tín dụng, khi đó dòng tiền tăng thêm sẽ bằng không. Nếu công ty cấp tín dụng, khi đó công ty sẽ tiêu tốn v (chi phí biến đổi) trong tháng này và dự kiến sẽ thu được (1 – π)P vào tháng tới. NPV của việc cấp tín dụng là: NPV = −v + (1 − π)P/(1 + R) Ví dụ, với trường hợp của Locust Software, NPV sẽ là: NPV = −$20 + (1 − π) × 49/1,02
(28.8)
Chương 28 QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO
951
Với, một xác suất vỡ nợ chẳng hạn là 20 phần trăm, ta có: NPV = −$20 + 0,08 × 49/1,02 = $18,43 Do đó, công ty nên cấp tín dụng. Lưu ý rằng, ở đây chúng ta đã chia cho (1 + R) thay vì chia cho R, vì giả định rằng đây là giao dịch một lần. Ví dụ trên minh họa một điểm quan trọng. Khi đồng ý cấp tín dụng cho một khách hàng mới, một công ty gặp rủi ro với chi phí biến đổi (v). Công ty luôn có giá bán (P). Với một khách hàng mới, lúc này, tín dụng có thể được cấp ngay cả khi xác suất vỡ nợ của khách hàng là khá cao. Chẳng hạn, xác suất hòa vốn trong trường hợp này có thể được xác định bằng cách đặt NPV bằng không và giải để tìm ra π: NPV = 0 = −$20 + (1 − π) × 49/1,02 1 − π = $20/49 × 1,02 π = 58,4% Locust nên mở rộng tín dụng khi cơ hội thu nợ là 1 – 0,584 = 41,6% hoặc cao hơn. Điều này giải thích lý do tại sao các công ty có tỷ lệ tiền cộng thêm vào giá vốn (markups) cao hơn thường có xu hướng nới lỏng các điều khoản tín dụng hơn. Tỷ lệ 58,4% là xác suất vỡ nợ tối đa mà công ty có thể chấp nhận đối với một khách hàng mới. Nếu một khách hàng đã thanh toán và đặt hàng lại, muốn chuyển sang mua hàng trên cơ sở trả chậm (credit basis), việc phân tích sẽ khác đi và xác suất vỡ nợ tối đa có thể chấp nhận sẽ thấp hơn nhiều. Sự khác biệt quan trọng là, nếu cấp tín dụng cho khách hàng cũ, công ty có thể gặp rủi ro về tổng giá bán (P), vì đây là khoản thu ngay nếu chúng ta không cấp tín dụng. Nếu chúng ta cấp tín dụng cho một khách hàng mới, công ty có thể gặp rủi ro với chi phí biến đổi.
Khách Hàng Thường Xuyên (Repeat Business) Một yếu tố thứ hai, rất quan trọng phải tính đến là khả năng khách hàng tái đặt hàng. Chúng ta có thể minh họa điều này bằng cách mở rộng ví dụ bán một lần ở trên. Chúng ta đưa vào một giả định quan trọng: Một khách hàng mới trả được nợ lần đầu tiên sẽ là khách hàng mãi mãi và không bao giờ không trả được nợ. Nếu công ty cấp tín dụng, họ tiêu tốn v trong tháng này. Tháng tiếp theo, công ty sẽ không nhận được gì nếu khách hàng không thanh toán, hoặc nhận được P nếu khách hàng trả tiền. Nếu khách hàng trả tiền, khi đó khách hàng sẽ tiếp tục mua một đơn vị sản phẩm khác theo điều khoản tín dụng tương tự và công ty lại tiếp tục tiêu tốn v. Do đó dòng tiền vào ròng trong tháng sẽ là P – v. Trong mỗi tháng tiếp theo, P – v sẽ tiếp tục xảy ra khi khách hàng thanh toán đơn hàng của tháng trước và tái tục đơn hàng mới. Từ đó có thể suy ra rằng, trong một tháng, công ty sẽ nhận được $0 với xác suất π. Tuy nhiên, với xác suất (1 − π), công ty sẽ có một khách hàng mới lâu dài. Giá trị của một khách hàng mới bằng với giá trị hiện giá của (P − v) mỗi tháng và kéo dài cho đến vĩnh viễn: PV = (P - v)/R Do đó NPV của việc mở rộng tín dụng là: NPV = −v + (1 − π)(P − v)/R
(28.9)
952
Phần VII TÀI CHÍNH NGẮN HẠN
Đối với trường hợp của Locust, NPV này là: NPV = −$20 + (1 − π) × (49 − 20)/0,02 = −$20 + (1 − π) × 1.450 Ngay cả khi xác suất không thanh toán lên tới 90% thì NPV vẫn là: NPV = −$20 + 0,10 × 1.450 = $125 Locust nên mở rộng tín dụng, trừ khi không thanh toán là thực sự chắc chắn. Lý do là công ty chỉ tốn $20 để tìm ra ai là một khách hàng tốt và ai là không. Tuy nhiên, một khách hàng tốt đáng giá $1.450, vì thế Locust có khả năng chịu đựng được một vài các đơn hàng không thanh toán. Ví dụ về khách hàng thường xuyên trên đã phóng đại xác suất không thanh toán chấp nhận được, nhưng điều này cho thấy rằng, thường thì cách tốt nhất để thực hiện phân tích tín dụng đơn giản là mở rộng tín dụng cho hầu hết bất cứ ai. Điều này cũng chỉ ra rằng khả năng của khách hàng thường xuyên là một điều quan trọng cần phải cân nhắc. Trong trường hợp này, điều quan trọng là phải kiểm soát lượng tín dụng cung cấp ban đầu cho một khách hàng bất kỳ, sao cho có thể được hạn chế tổn thất có thể xảy ra. Lượng tín dụng có thể tăng lên theo thời gian. Thông thường, yếu tố dự báo tốt nhất về việc một người nào đó có trả tiền trong tương lai hay không đó là họ đã thanh toán cho các lần mua hàng trong quá khứ hay không.
THÔNG TIN TÍN DỤNG Sinh viên nên truy cập vào trang chủ của Dun & Bradstreet. Đây là nhà cung cấp thông tin về tín dụng hàng đầu, có thể được tìm thấy tại www.dnb.com.
Nếu một công ty muốn có thông tin tín dụng của các khách hàng, công ty có thể tiếp cận những nguồn thông tin sau đây: 1. Báo cáo tài chính: Một công ty có thể yêu cầu khách hàng cung cấp các báo cáo tài chính, chẳng hạn như bảng cân đối kế toán và báo cáo thu nhập. Các tiêu chuẩn tối thiểu và các quy tắc theo kinh nghiệm dựa vào các chỉ số tài chính (đã thảo luận trong Chương 3) có thể được sử dụng làm cơ sở cho việc mở rộng hoặc từ chối tín dụng. 2. Báo cáo tín dụng về lịch sử thanh toán của khách hàng với các công ty khác: Không ít tổ chức bán thông tin về năng lực tín dụng và lịch sử tín dụng của các doanh nghiệp kinh doanh. Công ty nổi tiếng nhất và lớn nhất thuộc loại hình này là Dun & Bradstreet, chuyên cung cấp các báo tín dụng của các công ty. Experian là một công ty nổi tiếng khác chuyên cung cấp báo cáo tín dụng. Xếp hạng tín nhiệm và thông tin là có sẵn cho một số lượng lớn các công ty, bao gồm cả những công ty rất nhỏ. Equifax, TransUnion, và Experian là các nhà cung cấp chính thông tin tín dụng của người tiêu dùng. 3. Ngân hàng: Ngân hàng thường sẽ cung cấp một số hỗ trợ cho khách hàng doanh nghiệp của mình trong việc nắm bắt được những thông tin về mức độ tín nhiệm của các công ty khác. 4. Lịch sử thanh toán của khách hàng với công ty: Cách dễ nhất để có được thông tin về khả năng các khách hàng không trả tiền đó là kiểm tra xem liệu họ đã thanh toán các khoản nợ trong quá khứ hay chưa (và thanh toán nhanh đến mức nào).
ĐÁNH GIÁ VÀ CHO ĐIỂM TÍN DỤNG Chẳng có công thức kỳ diệu cho việc đánh giá xác suất một khách hàng sẽ không trả tiền. Nhìn chung, theo nguyên tắc cổ điển 5C về tín dụng thì những yếu tố cơ bản cần được đánh giá:
Chương 28 QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO
953
1. Đặc điểm (Character): Sự sẵn lòng của khách hàng đáp ứng các nghĩa vụ tín dụng. 2. Năng lực (Capacity): Khả năng của khách hàng trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tín dụng bằng dòng tiền hoạt động. 3. Vốn (Capital): Dự trữ tài chính của khách hàng. 4. Tài sản thế chấp (Collateral): Tài sản cầm cố trong trường hợp không thanh toán. 5. Điều kiện (Conditions): Điều kiện kinh tế trong lĩnh vực kinh doanh của khách hàng. Cho điểm tín dụng (credit scoring) là quá trình đánh giá bằng cách tính ra một điểm số cho một khách hàng dựa trên các thông tin thu thập được; sau đó tín dụng được cấp hoặc từ chối dựa trên kết quả này. Ví dụ, một công ty có thể đánh giá một khách hàng trên thang điểm từ 1 (rất kém) đến 10 (rất tốt) cho mỗi yếu tố trong 5C về tín dụng, sử dụng tất cả các thông tin có sẵn về khách hàng. Một điểm số tín dụng khi đó có thể được tính bằng cách lấy tổng điểm số của tất cả năm yếu tố. Dựa trên kinh nghiệm, một công ty có thể lựa chọn cấp tín dụng chỉ cho những khách hàng có một số điểm chẳng hạn như cao hơn 30. Các công ty, chẳng hạn như công ty phát hành thẻ tín dụng, đã phát triển các mô hình thống kê cho điểm tín dụng. Thông thường, tất cả các đặc điểm có liên quan về mặt pháp lý và có thể quan sát được của một tổ hợp lớn các khách hàng được nghiên cứu để tìm mối quan hệ lịch sử không thanh toán của họ. Dựa trên các kết quả này, có thể xác định các biến dự đoán tốt nhất cho việc một khách hàng sẽ trả nợ hay không và sau đó tính ra một điểm số tín dụng dựa trên các biến này. Bởi vì các mô hình và quy trình cho điểm tín dụng xác định ai có và ai không có mức độ tín nhiệm nên không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng trở thành đối tượng điều tiết của chính phủ. Cụ thể, các loại thông tin cơ bản và nhân khẩu có thể sử dụng trong quyết định tín dụng còn hạn chế.
28.6 Chính Sách Thu Hồi Nợ Chính sách thu hồi nợ (Collection policy) là yếu tố cuối cùng trong chính sách tín dụng. Chính sách thu hồi nợ liên quan đến việc giám sát các khoản phải thu để phát hiện sự cố và thu được các khoản quá hạn.
GIÁM SÁT KHOẢN PHẢI THU Để theo dõi các khoản thanh toán của khách hàng, hầu hết các công ty sẽ theo dõi các khoản phải thu. Trước hết, một công ty thường sẽ theo dõi kỳ thu tiền bình quân (ACP) theo thời gian. Nếu một công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có tính mùa vụ, ACP sẽ biến động trong suốt năm; nhưng những gia tăng đột biến trong ACP là một vấn đề đáng quan tâm. Hoặc do khách hàng đang kéo dài thời gian trả tiền, hoặc do một tỷ lệ các phải thu đang quá hạn nghiêm trọng. Quản lý các khoản phải thu có thể là một phần rất quan trọng trong các hoạt động của công ty. Ví dụ, vào tháng Giêng năm 2011, khi nhà bán lẻ Target thông báo sẽ bán $6,7 tỷ của danh mục các khoản phải thu từ thẻ tín dụng của họ, cổ phiếu của công ty đã tăng 0,6% trong ngày đó dù chỉ số bán lẻ S&P giảm 0,2%. Bảng phân loại các khoản phải thu theo độ tuổi (the aging schedule) là công cụ cơ bản thứ hai để theo dõi các khoản phải thu. Để chuẩn bị bảng phân loại
954
Phần VII TÀI CHÍNH NGẮN HẠN
này, bộ phận tín dụng phân loại tài khoản theo độ tuổi2. Giả sử một công ty có $100.000 trong khoản phải thu. Một trong số các khoản phải thu này chỉ mới một vài ngày tuổi, nhưng những tài khoản khác chưa được chi trả trong một thời gian khá dài. Sau đây là một ví dụ về một bảng phân loại khoản phải thu theo độ tuổi: Bảng Phân Loại Theo Độ Tuổi
Tuổi tài khoản
Số tiền
Tỷ lệ trên tổng giá trị khoản phải thu
0 – 10 ngày
$ 50.000
50%
11 – 60 ngày
25.000
25
61 – 80 ngày
20.000
20
Trên 80 ngày
5.000
5
$100.000
100%
Nếu công ty này có một thời hạn tín dụng là 60 ngày, khi đó 25% các khoản phải thu của công ty đang quá hạn. Điều này có nghiêm trọng hay không phụ thuộc vào bản chất của việc thu nợ của công ty và phụ thuộc vào khách hàng. Thường xảy ra trường hợp các khoản phải thu vượt quá một độ tuổi nhất định thì gần như không bao giờ thu hồi được. Giám sát tuổi của khoản phải thu là rất quan trọng trong những trường hợp như vậy. Những công ty bán hàng theo mùa vụ sẽ có tỷ lệ phần trăm trên bảng phân loại khoản phải thu theo độ tuổi thay đổi trong suốt năm. Ví dụ, nếu doanh số trong tháng hiện tại rất cao, thì tổng số các khoản phải thu cũng sẽ tăng mạnh. Điều này có nghĩa là phần trăm các khoản phải thu có độ tuổi dài hơn trở nên nhỏ hơn và có vẻ ít quan trọng hơn. Một số công ty đã cải tiến việc lập bảng phân loại theo tuổi sao cho họ có có thể thấy được các khoản phải thu theo độ tuổi thay đổi như thế nào với sự trồi sụt trong doanh số.
NỖ LỰC THU HỒI NỢ Một công ty thường tiến hành theo trình tự các thủ tục sau đối với những khách hàng thanh toán quá hạn: 1. 2. 3. 4.
Gửi một thư thông báo cho những khách hàng có nợ quá hạn. Gọi điện thoại cho khách hàng. Thuê một đại lý thu hồi nợ. Khởi kiện khách hàng.
Đôi khi, một công ty có thể từ chối cấp thêm tín dụng cho khách hàng cho đến khi khách hàng thanh toán hết khoản nợ. Điều này có thể làm cho khách hàng thường xuyên thanh toán tốt phản đối và dẫn đến nguy cơ xung đột lợi ích giữa bộ phận thu tiền và bộ phận bán hàng. Trong trường hợp xấu nhất, khách hàng đệ đơn xin phá sản. Khi điều này xảy ra, công ty cấp tín dụng chỉ là chủ nợ không có bảo đảm. Công ty chỉ có thể chờ đợi, hoặc có thể bán khoản phải thu. Ví dụ, khi nhà bán sách Borders đệ đơn xin phá sản vào năm 2011, nó còn nợ $178,8 triệu của các nhà cung cấp và $18,6 triệu của chủ cho thuê nhà. Một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Boeders là nhà xuất bản Penguin Putnam, đang bị thiếu nợ $41,1 triệu. Phân loại các khoản phải thu theo độ tuổi cũng được sử dụng đâu đó trong doanh nghiệp, chẳng hạn như theo dõi hàng tồn kho.
2
Chương 28 QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO
955
Tất nhiên, công ty có thể chỉ đơn giản từ bỏ khoản phải thu của mình. Nhà xuất bản sách Wiley đã xóa sổ $9 triệu nợ đối với những cuốn sách đã bán cho Borders.
28.7 Quản Trị Hàng Tồn Kho Giống như các khoản phải thu, hàng tồn kho đại diện cho một khoản đầu tư đáng kể của nhiều doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp sản xuất, hàng tồn kho thường chiếm trên 15% tổng tài sản. Đối với một nhà bán lẻ, hàng tồn kho có thể lên đến hơn 25% tổng tài sản. Từ thảo luận trong chương 26, chúng ta biết rằng chu kỳ hoạt động của một công ty được cấu thành bởi chu kỳ tồn kho và kỳ thu tiền. Đây là một lý do để xem xét chính sách tín dụng và chính sách tồn kho trong cùng một chương. Ngoài lý do này, cả hai chính sách tín dụng lẫn chính sách tồn kho đều được sử dụng để tăng doanh số và cả hai chính sách phải được phối hợp để đảm bảo cho quá trình mua hàng tồn kho, bán hàng, và thu hồi nợ diễn ra suôn sẻ. Ví dụ, những thay đổi trong chính sách tín dụng được thiết kế để kích thích bán hàng phải kèm theo kế hoạch tồn kho thích hợp.
NHÀ QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH VÀ CHÍNH SÁCH HÀNG TỒN KHO
Truy cập Hiệp hội quản lý hàng tồn kho phân tích điểm chuẩn tại www.simba.org.
Bất chấp quy mô đầu tư vào hàng tồn kho, nhà quản trị tài chính thường sẽ không kiểm soát chính đối với việc quản trị hàng tồn kho. Thay vào đó, các bộ phận chức năng khác như mua hàng, sản xuất, và tiếp thị thường sẽ chia xẻ quyền ra quyết định liên quan đến hàng tồn kho. Quản trị hàng tồn kho đã trở thành một ngành chuyên môn ngày càng quan trọng, và quản trị tài chính thường sẽ chỉ tham gia rất ít vào quyết định này. Vì lý do đó, chúng ta sẽ chỉ khảo sát một số vấn đề cơ bản của hàng tồn kho và chính sách hàng tồn kho.
CÁC LOẠI HÀNG TỒN KHO Đối với một nhà sản xuất, hàng tồn kho thường được xếp vào một trong ba loại. Loại thứ nhất là nguyên liệu thô (raw materials). Đây là những thứ mà công ty sử dụng làm đầu vào cho quá trình sản xuất của mình. Nguyên liệu có thể là những thứ cơ bản như quặng sắt đối với một nhà sản xuất thép hoặc những thứ phức tạp như các ổ đĩa cứng đối với một nhà sản công ty xuất máy tính. Loại hàng tồn kho thứ hai là bán thành phẩm (work–in–progress), hoặc còn được gọi là sản phẩm dở dang. Quy mô của loại hàng tồn kho này phụ thuộc phần lớn vào độ dài của quá trình sản xuất. Đối với một nhà sản xuất khung máy bay chẳng hạn, bán thành phẩm có thể là khá lớn. Loại thứ ba và là loại cuối cùng của hàng tồn kho là hàng hóa thành phẩm—có nghĩa là, các sản phẩm sẵn sàng để chuyển giao hoặc bán. Cần lưu ý ba vấn đề liên quan đến các loại hàng tồn kho. Đầu tiên, tên của các loại khác nhau có thể có một chút nhầm lẫn, bởi vì nguyên liệu thô của một công ty có thể là hàng hóa thành phẩm của công ty khác. Ví dụ, trở lại với nhà sản xuất thép của chúng ta, quặng sắt sẽ là nguyên liệu thô, và thép sẽ là sản phẩm cuối cùng. Nhưng, đối với hoạt động đóng vỏ ô tô, thì thép sẽ là nguyên liệu thô và vỏ xe ô tô là thành phẩm, và một nhà lắp ráp ô tô sẽ có vỏ xe là nguyên liệu và ô tô là thành phẩm. Điều thứ hai cần lưu ý là các loại hàng tồn kho có thể rất khác nhau về tính thanh khoản. Nguyên liệu thô tương tự như hàng hóa hoặc tương đối chuẩn hóa có thể dễ dàng chuyển thành tiền. Ngược lại, sản phẩm dở dang lại có tính thanh khoản rất kém và có giá trị cao hơn phế liệu một chút. Trong khi đó, tính thanh khoản của thành phẩm lại phụ thuộc vào bản chất của sản phẩm.
956
Phần VII TÀI CHÍNH NGẮN HẠN
Cuối cùng, một sự khác biệt rất quan trọng giữa tồn kho thành phẩm so với các loại hàng tồn kho khác, đó là nhu cầu đối với một loại hàng tồn kho, mà loại hàng tồn kho này lại trở thành một phần của một loại hàng hóa khác, thường gọi là nhu cầu dẫn xuất hoặc nhu cầu phụ thuộc (derived or dependent demand), bởi vì nhu cầu của công ty đối với các loại hàng tồn kho này phụ thuộc vào nhu cầu của công ty đối với các khoản mục thành phẩm. Ngược lại, nhu cầu của công ty đối với thành phẩm không xuất phát từ nhu cầu đối với các mục hàng tồn kho khác, vì thế đôi khi nó được gọi là độc lập (independent).
CÁC CHI PHÍ CỦA HÀNG TỒN KHO Như đã thảo luận trong Chương 26, có hai loại chi phí cơ bản có liên quan đến tài sản ngắn hạn nói chung và đến hàng tồn kho nói riêng. Loại chi phí thứ nhất là chi phí tồn trữ (carrying costs). Ở đây, chi phí tồn trữ đại diện cho tất cả các chi phí trực tiếp và chi phí cơ hội của việc nắm giữ hàng tồn kho. Các chi phí này bao gồm: 1. 2. 3. 4.
Các chi phí lưu giữ và quản lý. Bảo hiểm và thuế. Thiệt hại do lỗi thời, hư hỏng, hoặc trộm cắp. Chi phí cơ hội của vốn trên số tiền đầu tư vào hàng tồn kho.
Tổng của các chi phí này có thể là khá lớn, dao động khoảng 20 đến 40% giá trị hàng tồn kho mỗi năm. Loại chi phí khác liên quan đến hàng tồn kho là chi phí thiếu hụt hàng (shortage costs). Chi phí thiếu hụt hàng là các chi phí liên quan đến việc không có đủ hàng tồn kho. Hai thành phần của chi phí thiếu hụt là chi phí tái nhập kho (restocking costs) hoặc chi phí đặt hàng (order costs) và các chi phí liên quan đến mức dự trữ an toàn. Tùy thuộc vào ngành nghề hoạt động kinh doanh của công ty, chi phí tái nhập kho, hoặc chi phí đặt hàng, là chi phí cho việc đặt một đơn hàng với nhà cung cấp, hoặc chi phí của việc tiến hành sản xuất lại. Các chi phí liên quan đến dự trữ an toàn là những tổn thất cơ hội, như doanh số bị mất và mất uy tín của khách hàng, mà nguyên nhân là do hàng tồn kho bị thiếu hụt. Có một sự đánh đổi cơ bản trong quản trị hàng tồn kho, vì chi phí tồn trữ tăng khi lượng hàng tồn kho tăng, trong khi chi phí thiếu hụt hoặc chi phí tái nhập kho lại giảm khi lượng tồn kho tăng. Do đó mục tiêu cơ bản của quản trị hàng tồn kho là giảm thiểu tổng của hai loại chi phí này. Chúng ta sẽ xem xét những cách để đạt được mục tiêu này trong phần tiếp theo. Để cung cấp cho bạn một ý tưởng về tầm quan trọng của việc cân bằng giữa chi phí tồn trữ với chi phí thiếu hụt, hãy xem xét trường hợp của Kimberly-Clark, nhà sản xuất nổi tiếng với các sản phẩm như Kleenex và Huggies. Trong quý 4 năm 2010, công ty đã cắt giảm sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Thật không may, công ty đã ước tính thấp mức cầu và đã bỏ lỡ một khoản lợi nhuận ước tính $20 triệu trong quý này.
28.8 Kỹ Thuật Quản Trị Hàng Tồn Kho Như chúng tôi đã trình bày trước đây, mục tiêu của quản trị hàng tồn kho thường được gói gọn trong mục tiêu giảm thiểu chi phí. Ba kỹ thuật được thảo luận trong phần này, từ tương đối đơn giản đến rất phức tạp.
Chương 28 QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO
Hình 28.2 Phần trăm giá trị hàng tồn kho
100
Phần trăm khối lượng hàng tồn kho.
Phân tích hàng tồn kho ABC
957
80 60 40 20 0 20
Nhóm A 57%
Nhóm B 27%
10% 40%
Nhóm C 16% 50%
40 60 80 100
PHƯƠNG PHÁP ABC Phương pháp ABC là một phương pháp đơn giản để quản trị hàng tồn kho, trong đó ý tưởng cơ bản là phân chia hàng tồn kho thành ba nhóm (hoặc nhiều hơn). Lý do cơ bản là một số lượng nhỏ hàng tồn kho có thể đại diện cho phần lớn giá trị hàng tồn kho. Ví dụ, tình trạng này sẽ tồn tại đối với một nhà sản xuất có sử dụng một số linh kiện công nghệ cao tương đối đắt tiền và một số vật liệu cơ bản tương đối rẻ tiền để sản xuất sản phẩm của mình. Hình 28.2 minh họa một sự so sánh ABC của các mục theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị hàng tồn kho, so với tỷ lệ phần trăm trên số lượng mà các nhóm đại diện. Như hình 28.2 cho thấy, Nhóm A chỉ chiếm 10% số lượng hàng tồn kho, nhưng lại đại diện cho hơn một nửa giá trị của hàng tồn kho. Do đó các mặt hàng Nhóm A phải được giám sát chặt chẽ, và mức hàng tồn kho được giữ tương đối thấp. Ở phía còn lại, các mục hàng tồn kho cơ bản, chẳng hạn như các chi tiết cần thiết, cũng tồn tại, nhưng bởi vì những mục này khá quan trọng và không đắt tiền, nên được đặt hàng và duy trì mức tồn kho với số lượng lớn. Đây là là các mặt hàng Nhóm C. Nhóm B gồm các mục ở giữa.
MÔ HÌNH HÀNG TỒN KHO HIỆU QUẢ Mô hình hàng tồn kho hiệu quả (EOQ – economic order quantity model) là phương pháp tốt nhất được biết đến trong việc xác lập cụ thể mức tồn kho tối ưu. Ý tưởng cơ bản được minh họa trong Hình 28.3, trong đó biểu thị các chi phí khác nhau liên quan đến việc nắm giữ hàng tồn kho (trên trục tung) so với các mức tồn kho (trên trục hoành). Như đã trình bày, chi phí tồn trữ tăng và chi phí đặt hàng lại giảm khi mức tồn kho tăng. Từ thảo luận chung trong Chương 26 và thảo luận về đường tổng chi phí tín dụng trong chương này, hình dạng tổng quát của đường tổng chi phí hàng tồn kho khá là quen thuộc. Với mô hình EOQ, chúng ta sẽ cố gắng xác định rõ vị trí của mức sản lượng mà tại đó tổng chi phí tồn kho là nhỏ nhất. Điểm sản lượng này là Q*. Trong phần tiếp theo, một điểm quan trọng cần lưu ý là chi phí thực tế của chính hàng tồn kho không được tính đến. Lý do là tổng lượng hàng tồn kho công ty cần trong một năm cụ thể được quyết định bởi doanh số bán hàng. Điều mà chúng ta đang phân tích ở đây là công ty cần phải có bao nhiêu hàng tồn kho tại bất kỳ thời điểm nào. Chính xác hơn, chúng ta đang cố gắng xác định công ty nên sử dụng quy mô đặt hàng nào khi công ty tái đặt hàng.
958
Phần VII TÀI CHÍNH NGẮN HẠN
Chi phí nắm giữ hàng tồn kho
Chi phí nắm giữ hàng tồn kho ($)
Hình 28.3
Tổng chi phí nắm giữ hàng tồn kho Chi phí tồn trữ
Chi phí đặt hàng lại Q* Lượng hàng đặt tối ưu Quy mô đặt hàng tồn kho (Q)
Chi phí đặt hàng lại lớn nhất khi công ty có lượng hàng tồn kho nhỏ. Chi phí tồn trữ lớn nhất khi công ty có lượng hàng tồn trong kho lớn. Tổng chi phí là tổng của chi phí tồn trữ và chi phí đặt hàng lại.
Cạn Kiệt Hàng Tồn Kho (Inventory Depletion) Để phát triển mô
hình EOQ, chúng ta sẽ giả định rằng hàng tồn kho của công ty được bán ra với một tốc độ ổn định cho đến khi bằng không. Vào thời điểm đó, công ty tăng lượng hàng tồn kho của mình trở lại tới một mức độ tối ưu nào đó. Ví dụ, giả sử Eyssell Corporation bắt đầu với 3.600 đơn vị hàng tồn kho của một mặt hàng cụ thể. Doanh số hàng năm của mặt hàng này là 46.800 đơn vị, hay 900 đơn vị mỗi tuần. Nếu Eyssell bán 900 đơn vị mỗi tuần, thì tất cả các hàng tồn kho có sẵn sẽ được bán trong bốn tuần, và Eyssell sẽ tái nhập kho bằng cách đặt hàng (hoặc sản xuất) 3.600 đơn vị khác và bắt đầu lại. Quá trình bán hàng và tái nhập kho này tạo ra một mẫu hình răng cưa của lượng tồn kho; mẫu hình này được minh họa trong Hình 28.4. Như hình vẽ chỉ ra, Eyssell luôn luôn bắt đầu với 3.600 đơn vị hàng tồn kho và kết thúc khi hàng tồn kho bằng không. Khi đó, tính trung bình hàng tồn kho là một nửa của 3.600, tức là 1.800 đơn vị.
Chi Phí Tồn Trữ (Carrying Costs) Như Hình 28.3 minh họa, chi phí tồn trữ thường được giả định có quan hệ tỷ lệ thuận với mức hàng tồn kho. Giả sử chúng ta đặt Q là lượng hàng tồn kho mà Eyssell đặt hàng mỗi lần (3.600 đơn vị); chúng ta sẽ gọi đây là số lượng tái nhập kho (restocking quantity). Hàng tồn kho trung bình khi đó sẽ chỉ là Q/2, hoặc 1.800 đơn vị. Nếu chúng ta đặt CC là chi phí tồn trữ trên một đơn vị mỗi năm, tổng chi phí tồn trữ của Eyssell sẽ là: Tồn kho × trung bình = (Q/2) ×
Q =
Chi phí tồn trữ trên một đơn vị CC
(28.10)
Trong trường hợp của Eyssell, nếu chi phí tồn trữ là $0,75 trên một đơn vị mỗi năm, tổng chi phí tồn kho sẽ là trung bình lưu kho là 1.800 nhân với $0,75, hay $1.350 mỗi năm.
Hình 28.4 Lượng hàng tồn kho của công ty Eyssell
Chương 28 QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO
959
Hàng tồn kho đầu kỳ Q = 3,600
Hàng tồn kho trung bình
Q/2 = 1,800
Hàng tồn kho cuối kỳ Q= 0 0
1
2
3
4 Tuần
5
6
7
8
Công ty Eyssell có lượng hàng tồn kho ban đầu là 3.600 đơn vị. Lượng hàng tồn kho giảm xuống bằng 0 vào cuối tuần thứ tư. Lượng hàng tồn kho trung bình trong suốt thời kỳ là Q/2 = 3.600/2 = 1.800
Chi Phí Thiếu Hụt Hàng (Shortage Cost) Bây giờ, chúng ta sẽ chỉ tập
trung vào chi phí tái nhập kho (restockings costs). Chúng ta sẽ giả định rằng công ty không bao giờ thực sự thiếu hàng tồn kho, do đó chi phí liên quan đến dự trữ an toàn là không quan trọng. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau. Chi phí tái nhập kho thường được giả định là cố định. Nói cách khác, chi phí đặt hàng cố định cho mỗi đơn hàng (chi phí của bản thân hàng tồn kho không được xem xét ở đây). Giả sử chúng ta đặt T là tổng số đơn vị hàng công ty bán được mỗi năm. Nếu công ty đặt hàng Q đơn vị mỗi lần, thì công ty sẽ cần phải đặt một số lượng T/Q đơn đặt hàng. Đối với Eyssell, doanh số hàng năm là 46.800, và quy mô đơn đặt hàng là 3.600. Eyssell do đó sẽ đặt tổng cộng 46.800/3.600 = 13 đơn đặt hàng mỗi năm. Nếu chi phí cố định cho mỗi đơn hàng là F, tổng chi phí tái nhập kho cho năm này sẽ là: Tổng chi phí tái nhập kho
= =
Chi phí cố định trên mỗi đơn đặt hàng F
Số đơn đặt hàng × (T/Q)
×
(28.11)
Với Eyssell, chi phí đặt hàng có thể là $50 mỗi đơn đặt hàng, vì thế tổng chi phí tái nhập kho đối với 13 đơn đặt hàng sẽ là $50 × 13=$650 mỗi năm
Tổng Chi Phí (Total Costs) Tổng chi phí liên quan đến nắm giữ hàng tồn kho là tổng các chi phí tồn trữ và các chi phí tái nhập kho: Tổng chi phí
= =
Chi phí tồn trữ (Q/2) × CC
+ +
Chi phí tái nhập kho F × (T/Q)
(28.12)
Mục tiêu của chúng ta là tìm giá trị của Q, số lượng tái nhập kho, mà làm giảm thiểu chi phí này.
960
Phần VII TÀI CHÍNH NGẮN HẠN
Để đạt mục tiêu này, chúng ta có thể tính toán tổng chi phí đối với một số giá trị khác nhau của Q. Đối với Eyssell Corporation, chúng ta có chi phí tồn kho (CC) là $0,75 cho mỗi đơn vị mỗi năm, chi phí cố định (F) là $50 cho mỗi đơn đặt hàng, và tổng số hàng bán (T) là 46.800 đơn vị. Chúng ta tính được các mức tổng chi phí với các mức tái nhập kho khác nhau (việc kiểm tra một số giá trị này coi như bài tập thực hành):
Lượng hàng tái nhập kho (Q)
Chi phí tồn trữ (Q/2 × CC) +
Chi phí tái nhập kho (F × T/Q)
=
Tổng chi phí
500
$187,5
$4.680,0
$4.867,50
1.000
375,0
2.340,0
2.715,00
1.500
562,5
1.560,0
2.122,50
2.000
750,0
1.170,0
1.920,00
2.500
937,5
936,0
1.873,50
3.000
1.125,0
780,0
1.905,00
3.500
1.132,5
668,6
1.981,10
Xem xét các con số này, chúng ta thấy rằng tổng chi phí bắt đầu ở khoảng $5.000 và giảm xuống chỉ còn dưới $1.900. Sản lượng tại mức chi phí thấp nhất là 2.500 sản phẩm. Để tìm mức sản lượng giúp tối thiểu hóa chi phí, chúng ta có thể xem lại Hình 28.3. Điều đáng chú ý là điểm tối thiểu xảy ra ngay tại nơi hai đường giao nhau. Ở điểm này, chi phí tồn trữ và chi phí tái nhập kho là như nhau. Với các loại chi phí cụ thể mà chúng ta đã giả định ở đây, thì điều này sẽ luôn luôn đúng; vì vậy chúng ta có thể tìm điểm tối thiểu bằng cách cho hai loại phí này bằng nhau và giải tìm Q*: Chi phí tồn trữ = (Q*/2) × CC =
Chi phí tái nhập kho F × (T/Q*)
(28.13)
Giải bài toán tối ưu bằng cách lấy đạo hàm 2 vế và cho bằng 0 ta được: 2T × F CC
Q*2 =
(28.14)
Để giải với Q*, ta lấy căn bậc hai của cả hai vế, ta được: _______
2T × F Q* = _______ CC
√
(28.15)
Số lượng đặt hàng lại này, làm giảm thiểu tổng chi phí hàng tồn kho, được gọi là số lượng đặt hàng hiệu quả (EOQ). Đối với Eyssell Corporation, EOQ là: _______
Q* = =
2T × F _______ √_________________ CC (2 × 46.800) × $50 √________________ 0,75 _________
= √6.240.000 = 2.498 đơn vị
Như vậy, đối với Eyssell, số lượng đặt hàng hiệu quả là 2.498 đơn vị. Ở mức này, kiểm chứng lại cho thấy các chi phí tái nhập kho và chi phí tồn trữ đều là $936,75.
VÍ DỤ 28.2
Chương 28 QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO
961
Chi phí tồn trữ Thiewes Shoes bắt đầu mỗi kỳ với lượng hàng tồn kho là 100 đôi giày đi bộ. Hàng tồn kho này bị cạn kiệt mỗi kỳ và được tái đặt hàng. Nếu chi phí tồn trữ cho mỗi đôi giày mỗi năm là $3, thì tổng chi phí tồn trữ cho giày đi bộ là bao nhiêu? Hàng tồn kho luôn luôn bắt đầu với 100 đơn vị sản phẩm và kết thúc tại 0, do đó hàng tồn kho trung bình là 50 đơn vị. Với một chi phí hàng năm là $3 cho mỗi đơn vị, tổng chi phí tồn trữ là $150.
VÍ DỤ 28.3
Chi phí tái nhập kho Trong Ví dụ 28.2, giả sử Thiewes bán tổng cộng 600 đôi giày trong một năm. Thiewes tái nhập kho bao nhiêu lần mỗi năm? Giả sử chi phí tái nhập kho là $20 cho mỗi đơn hàng. Tổng chi phí tái nhập kho là gì? Thiewes đặt hàng 100 đơn vị sản phẩm mỗi lần. Tổng doanh số bán là 600 đơn vị mỗi năm, vì vậy Thiewes sẽ tái nhập kho sáu lần mỗi năm, hoặc khoảng mỗi hai tháng một lần. Các chi phí tái nhập kho sẽ là 6 đơn đặt hàng × $20 cho mỗi đơn hàng = $120.
VÍ DỤ 28.4
EOQ Dựa vào hai ví dụ trước, Thiewes sẽ đặt hàng với quy mô bao nhiêu để giảm thiểu chi phí? Thiewes sẽ tái nhập kho thường xuyên với mức nào? Tổng chi phí tồn trữ và tái nhập kho là bao nhiêu? Tổng chi phí là bao nhiêu? Chúng ta biết rằng tổng số đôi giày đặt hàng cho năm (T) là 600. Chi phí tái nhập kho (F) là $20 cho mỗi đơn hàng, và các chi phí tồn trữ (CC) là $3 cho mỗi đơn vị mỗi năm. Chúng ta có thể tính toán EOQ cho Thiewes như sau: _______
EOQ = =
2T × F √______ CC
_______________
√(2 × 600)3 × $20
_______________
_____
= √8.000
= 89,44 đơn vị
Bởi vì Thiewes bán 600 đôi mỗi năm, Thiewes sẽ tái nhập kho 600/89,44 = 6,71 lần. Tổng chi phí tái nhập kho sẽ là $20 × 6,71 = $134,16. Hàng tồn kho trung bình sẽ là 89,44/2 = 44,72 đơn vị. Chi phí tồn kho sẽ là $3 × 44,72 = $134,16, cũng bằng chi phí tái nhập kho. Vì vậy, tổng chi phí là $268,32.
MÔ HÌNH EOQ MỞ RỘNG Cho tới thời điểm này, chúng ta đã giả định rằng một công ty sẽ để cho hàng tồn kho giảm xuống bằng không và sau đó tái đặt hàng. Trong thực tế, một công ty sẽ muốn tái đặt hàng trước khi hàng tồn kho bằng không vì hai lý do. Thứ nhất, bằng cách luôn có ít nhất một số hàng tồn kho trong tay, công ty giảm thiểu rủi ro do thiếu hàng và dẫn đến các tổn thất về doanh số và mất khách hàng. Thứ hai, khi một công ty tái đặt hàng, sẽ có một độ trễ thời gian nào đó trước khi hàng về đến kho. Vì vậy, để kết thúc thảo luận về EOQ, chúng ta sẽ xét hai trường hợp mở rộng: Tồn kho an toàn và các điểm tái đặt hàng.
Tồn Kho An Toàn (Safety Stocks) Tồn kho an toàn là mức tồn kho tối
thiểu mà một công ty nắm giữ. Công ty sẽ tái đặt hàng bất cứ khi nào mức hàng
962
Phần VII TÀI CHÍNH NGẮN HẠN
tồn kho giảm xuống đến mức tồn kho an toàn này. Phần phía trên của Hình 28.5 cho thấy, tồn kho an toàn có thể được kết hợp vào mô hình EOQ như thế nào. Chú ý rằng việc bổ sung tồn kho an toàn vào trong mô hình chỉ đơn giản có nghĩa là công ty không để cho hàng tồn kho của nó xuống đến không. Ngoài điều đó ra, tình huống ở đây giống hệt tình huống đã được mô tả trong thảo luận trước đây của chúng ta về EOQ.
Các Điểm Tái Đặt Hàng (Reorder Points) Để có thời gian cho việc
giao hàng, một công ty sẽ đặt hàng trước khi hàng tồn kho đạt mức tới hạn. Các điểm tái đặt hàng là những thời điểm mà công ty sẽ thực sự đặt mua hàng tồn kho. Những điểm này được minh họa ở phần giữa của Hình 28.5. Như đã trình bày, các điểm tái đặt hàng đơn giản xảy ra ở một số ngày cố định (hoặc tuần hoặc tháng) nào đó, trước khi hàng tồn kho được dự báo sẽ bằng không. Một trong những lý do khiến một công ty duy trì lượng tồn kho an toàn là để tính đến những bất trắc trong các lần giao hàng. Do đó, chúng ta có thể kết hợp điểm tái đặt hàng và những thảo luận tồn kho an toàn trong phần dưới cùng của Hình 28.5. Kết quả là một mô hình EOQ tổng quát, trong đó công ty đặt hàng trước cho các nhu cầu dự đoán và đồng thời duy trì một mức hàng tồn kho an toàn.
QUẢN TRỊ HÀNG TỒN KHO THEO NHU CẦU Loại kỹ thuật thứ ba của quản trị hàng tồn kho được sử dụng để quản lý hàng tồn kho theo nhu cầu. Như đã trình bày trước đó, nhu cầu đối với một số loại hàng tồn kho được bắt nguồn hoặc phụ thuộc vào nhu cầu hàng tồn kho khác. Ví dụ như trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, nhu cầu về thành phẩm phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng, các chương trình tiếp thị và các yếu tố khác liên quan đến việc bán hàng. Nhu cầu đối với các mặt hàng tồn kho như lốp, ắc quy, đèn pha, và các thành phần khác được quyết định bởi số lượng xe ô tô theo kế hoạch. Việc lập kế hoạch yêu cầu vật tư và quản lý hàng tồn kho tức thời (just-intime) là hai phương pháp quản lý hàng tồn kho phụ thuộc vào nhu cầu.
Lập Kế Hoạch Yêu Cầu Vật Tư Các chuyên gia sản xuất sản phẩm và hàng tồn kho đã phát triển các hệ thống dựa trên máy tính để đặt hàng và/hoặc lập kế hoạch sản xuất các loại hàng tồn kho phụ thuộc vào nhu cầu. Những hệ thống này được gọi chung là lập kế hoạch yêu cầu vật tư (MRP-materials requirements planning). Ý tưởng cơ bản đằng sau MRP là, một khi mức tồn kho thành phẩm được thiết lập, công ty sẽ xác định được các mức hàng tồn kho bán thành phẩm phải có để đáp ứng nhu cầu hàng hóa thành phẩm. Từ đó, có thể tính toán khối lượng nguyên liệu phải dự trữ. Khả năng lập kế hoạch đi từ hàng tồn kho thành phẩm này xuất phát từ bản chất phụ thuộc của hàng tồn kho bán thành phẩm và nguyên liệu. MRP là đặc biệt quan trọng đối với các sản phẩm phức tạp đòi hỏi một loạt các thành phần để tạo ra các sản phẩm hoàn thiện. Hàng Tồn Kho Tức Thời (JIT- Just-in-time) là một phương pháp hiện đại để quản lý hàng tồn kho phụ thuộc. Mục tiêu của JIT là giảm thiểu những hàng tồn kho như vậy, nhờ đó tối đa hóa vòng quay hàng tồn kho. Phương pháp này đã bắt đầu tại Nhật Bản, và là một phần cơ bản của triết lý sản xuất của người Nhật. Như tên gọi cho thấy, mục tiêu cơ bản của JIT là chỉ có đủ hàng tồn kho trong tay để đáp ứng nhu cầu sản xuất tức thời. Kết quả của hệ thống JIT là hàng tồn kho được tái đặt hàng và tái nhập kho thường xuyên. Để một hệ thống như vậy hoạt động và tránh được tình trạng thiếu hụt hàng, đòi hỏi một mức độ hợp tác cao giữa các nhà cung cấp. Các nhà sản xuất Nhật Bản thường có một nhóm các nhà cung cấp tương đối nhỏ, kết hợp chặt chẽ và họ làm việc cẩn thận với các nhà cung cấp này để đạt được sự
Chương 28 QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO
Hình 28.5
963
A. Tồn kho an toàn
Tồn kho (đơn vị)
Tồn kho an toàn và Điểm tái đặt hàng
Mức tồn kho tối thiểu
Tồn kho an toàn Thời gian
Với lượng tồn kho an toàn, doanh nghiệp tái đặt hàng khi mức hàng tồn kho chạm mức . thấp nhất.
Tồn kho (đơn vị)
B. Điểm tái đặt hàng
Điểm tái đặt hàng
Thời gian giao hàng
Thời gian giao hàng
Thời gian Khi có độ trễ về thời gian giao hàng và thời gian sản xuất, doanh nghiệp sẽ tái đặt hàng khi mức hàng tồn kho chạm mức tái đặt hàng.
Tồn kho (đơn vị)
C. Kết hợp giữa điểm tái đặt hàng và tồn kho an toàn
Thời gian giao hàng
Tồn kho an toàn
Thời gian giao hàng
Điểm tái đặt hàng Mức tồn kho tối thiểu
Thời gian Bằng việc kết hợp tồn kho an toàn và điểm tái đặt hàng, doanh nghiệp sẽ duy trì một tấm đệm an toàn để tránh những sự kiện không lường trước được.
Phần VII TÀI CHÍNH NGẮN HẠN
964
phối hợp cần thiết. Những nhà cung cấp này là một phần của một tập đoàn công nghiệp, hay keiretsu, của nhà sản xuất lớn (như của Toyota). Mỗi nhà sản xuất lớn có xu hướng có keiretsu của riêng mình. Điều này cũng giúp hình thành các nhà cung cấp ở gần đó, và đây là một tình huống phổ biến ở Nhật Bản. Kanban là một phần không thể thiếu của một hệ thống tồn kho JIT và các hệ thống JIT đôi khi được gọi là các hệ thống kanban. Nghĩa đen của kanban là “thẻ” hoặc “ký hiệu”; nhưng, nói rộng ra, một kanban là một tín hiệu gởi đến một nhà cung cấp để nhà cung cấp gửi thêm hàng tồn kho. Ví dụ, một kanban có thể theo nghĩa đen là một tấm thẻ gắn vào một giỏ phụ tùng. Khi một công nhân kéo giỏ đó đi, thẻ được tách ra và chuyển trở lại cho nhà cung cấp và nhà cung cấp sẽ cung cấp một giỏ thay thế. Để kiểm tra sự hiểu biết của bạn đối với các chương này, hãy làm bài kiểm tra nhanh tại mhhe.com/rwj
Một hệ thống tồn kho JIT là một phần quan trọng của quá trình lập kế hoạch sản xuất lớn hơn. Một thảo luận đầy đủ về hệ thống này tất yếu sẽ chuyển sự tập trung của chúng ta từ tài chính sang sản xuất và quản lý hoạt động, vì vậy chúng ta sẽ tạm dừng bàn luận về hệ thống này ở đây.
Tóm Lược Và Kết Luận
www.mhhe.com/rwj
Chương này đã xem xét các vấn đề cơ bản của chính sách tín dụng và chính sách hàng tồn kho. Các chủ đề chính mà chúng ta đã thảo luận bao gồm: 1. Các thành phần của chính sách tín dụng: Chúng ta đã thảo luận các điều khoản bán hàng, phân tích tín dụng và chính sách thu hồi nợ. Các công cụ tín dụng như điều khoản bán hàng, thời hạn tín dụng, chiết khấu tiền mặt và thời gian chiết khấu cũng đã được mô tả. 2. Phân tích chính sách tín dụng: Chúng ta phát triển các dòng tiền từ quyết định cấp tín dụng và đã cho thấy quyết định tín dụng có thể được phân tích thông qua kỹ thuật NPV. NPV của cấp tín dụng phụ thuộc vào năm yếu tố: Hiệu quả về doanh thu, hậu quả về chi phí, chi phí của nợ, xác suất không thanh toán, và chiết khấu tiền mặt. 3. Chính sách tín dụng tối ưu: Mức tín dụng tối ưu mà công ty sẽ cung cấp phụ thuộc vào các điều kiện cạnh tranh trong lĩnh vực hoạt động của công ty. Những điều kiện này sẽ xác định chi phí tồn trữ liên quan đến việc cấp tín dụng và chi phí cơ hội của việc mất doanh số do từ chối cung cấp tín dụng. Chính sách tín dụng tối ưu tối thiểu hóa tổng của hai chi phí này. 4. Phân tích tín dụng: Chúng ta đã xem xét quyết định cấp tín dụng cho một khách hàng cụ thể. Có hai vấn đề rất quan trọng cần phải cân nhắc: Chi phí liên quan đến giá bán và khả năng khách hàng trở thành khách hàng thường xuyên. 5. Chính sách thu hồi nợ: Chính sách thu hồi nợ xác định các phương pháp giám sát độ tuổi của các khoản phải thu và giải quyết các tài khoản quá hạn. Chúng ta đã mô tả cách thức chuẩn bị phân loại khoản phải thu theo tuổi và các thủ tục mà một công ty có thể sử dụng để thu hồi các tài khoản quá hạn. 6. Các loại hàng tồn kho: Chúng ta đã mô tả các loại hàng tồn kho khác nhau và chúng khác biệt nhau như thế nào về tính thanh khoản và nhu cầu.
Chương 28
QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO
965
7. Chi phí hàng tồn kho: Hai chi phí hàng tồn kho cơ bản là chi phí tồn trữ và chi phí tái nhập kho; chúng ta đã thảo luận việc quản lý hàng tồn kho liên quan như thế nào đến một sự thỏa hiệp giữa hai chi phí này. 8. Kỹ thuật quản trị hàng tồn kho: Chúng ta đã mô tả phương pháp ABC và mô hình EOQ để quản trị hàng tồn kho. Chúng ta cũng đề cập ngắn gọn về việc lập kế hoạch yêu cầu vật tư (MRP) và quản lý hàng tồn kho tức thời (JIT).
Câu Hỏi Lý Thuyết 1. Công Cụ Tín Dụng Mô tả từng công cụ sau đây: a. Hối phiếu trả ngay (Sight draft). b. Hối phiếu trả chậm (Time draft). c. Chấp phiếu ngân hàng (Banker’s acceptance). d. Giấy nhận nợ (Promissory note). 2. 3.
5. 6.
a. Công ty A bán thuốc đặc hiệu chữa bệnh cho chứng hói đầu; Công ty B bán tóc giả. b. Công ty A chuyên về sản phẩm cho chủ nhà cho thuê; Công ty B chuyên về sản phẩm cho người thuê nhà. c. Công ty A bán cho khách hàng với số vòng quay hàng tồn kho là 10 lần; Công ty B bán cho khách hàng với số vòng quay hàng tồn kho là 20 lần. d. Công ty A bán hoa quả tươi; Công ty B bán hoa quả đóng hộp. e. Công ty A bán và lắp đặt thảm lớn; Công ty B bán thảm nhỏ. 7. Các Loại Hàng Tồn Kho Các loại hàng tồn kho khác nhau là gì? Chúng khác nhau thế nào? Tại sao một số loại được cho là có nhu cầu phụ thuộc, trong khi các loại khác được cho là có nhu cầu độc lập? 8. Hàng Tồn Kho Tức Thời Nếu một công ty chuyển sang một hệ thống quản lý hàng tồn kho JIT, điều gì sẽ xảy ra với vòng quay hàng tồn kho? Điều gì sẽ xảy ra với số vòng quay tổng tài sản? Điều gì sẽ xảy ra với lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)? (Gợi ý: Xem lại phương trình Du-Pont ở Chương 3.) 9. Chi Phí Tồn Kho Nếu chi phí tồn trữ hàng tồn kho của một công ty là $5 triệu mỗi năm và chi phí đặt hàng cố định là $8 triệu mỗi năm, bạn nghĩ là công ty giữ quá nhiều hay quá ít hàng tồn kho? Tại sao?
www.mhhe.com/rwj
4.
e. Chấp phiếu thương mại (Trade acceptance). Các Hình Thức Tín Dụng Thương Mại Tín dụng thương mại được cung cấp phổ biến nhất ở dạng nào? Trong trường hợp này công cụ tín dụng là gì? Chi Phí Các Khoản Phải Thu Chi phí nào có liên quan đến các khoản phải thu? Chi phí nào có liên quan đến việc không cấp tín dụng? Chúng ta gọi tổng các chi phí đối với các mức khác nhau của khoản phải thu là gì? Năm C Của Tín Dụng Năm C của tín dụng là gì? Giải thích lý do tại sao mỗi yếu tố là quan trọng. Độ Dài Thời Hạn Tín Dụng Một số yếu tố quyết định độ dài của thời hạn tín dụng là gì? Tại sao độ dài của chu kỳ hoạt động của người mua thường được coi là một cận trên của độ dài thời hạn tín dụng? Độ Dài Thời Hạn Tín Dụng Trong mỗi cặp công ty sau đây, hãy chỉ rõ công ty nào sẽ có thể có thời hạn tín dụng dài hơn và giải thích lý do của bạn.
Phần VII TÀI CHÍNH NGẮN HẠN
966
10. Chu Kỳ Hàng Tồn Kho Một phần lợi nhuận của Dell có thể được bắt nguồn từ quản lý hàng tồn kho. Sử dụng phương thức quản lý hàng tồn kho tức thời (JIT), Dell thường duy trì một lượng hàng tồn kho để bán trong 3-4 ngày. Các đối thủ cạnh tranh như Hewlett-Packard và IBM đã cố gắng đối chọi với các chính sách tồn kho của Dell, nhưng tụt xa phía sau. Trong một ngành công nghiệp mà giá của các linh kiện máy tính liên tục giảm, Dell rõ ràng có một lợi thế cạnh tranh. Tại sao bạn cho rằng lợi thế của Dell là có một chu kỳ hàng tồn kho ngắn? Nếu điều này là có giá trị, thì tại sao tất cả các nhà sản xuất PC khác không chuyển đổi sang phương pháp của Dell?
Câu Hỏi Và Bài Tập ®
FINANCE
BÀI TẬP CƠ BẢN
www.mhhe.com/rwj
(Bài 1 – 12)
1. Chiết Khấu Tiền Mặt Bạn đặt một đơn hàng với 500 đơn vị hàng tồn kho, giá là $135 một đơn vị. Nhà cung cấp đề nghị các điều khoản là 1/10, net 30. a. Trong bao lâu bạn phải thanh toán trước khi tài khoản quá hạn? Nếu bạn để đến hạn, bạn phải trả bao nhiêu? b. Chiết khấu được cung cấp là gì? Bạn phải thanh toán nhanh thế nào để có được hưởng chiết khấu? Nếu được hưởng chiết khấu, bạn phải trả bao nhiêu? c. Nếu không được hưởng chiết khấu, bạn phải trả lãi suất ngầm (lãi suất hiệu lực) là bao nhiêu? Thời hạn tín dụng mà bạn đang được hưởng là bao nhiêu ngày? 2. Quy Mô Các Khoản Phải Thu The Paden Corporation có doanh thu hàng năm là $34 triệu. Kỳ thu tiền bình quân là 33 ngày. Đầu tư trung bình vào các khoản phải thu được thể hiện trên bảng cân đối là bao nhiêu? 3. ACP Và Khoản Phải Thu Kyoto Joe, Inc., bán các dự báo thu nhập đối với các chứng khoán Nhật Bản. Điều khoản tín dụng của nó là 2/15, net 30. Dựa vào kinh nghiệm, 65% tất cả các khách hàng sẽ được hưởng chiết khấu. a. Thời gian thu hồi trung bình đối với Kyoto Joe là gì? b. Nếu Kyoto Joe bán 1.300 dự báo hàng tháng với giá $1.700 mỗi dự báo, số tiền trung bình của công ty trong tài khoản phải thu trên bảng cân đối là bao nhiêu? 4. Quy Mô Của Các Khoản Phải Thu Tidwell, Inc., có doanh thu tín dụng hàng tuần là $27.500, và thời gian thu hồi trung bình là 27 ngày. Chi phí sản xuất là 75% giá bán. Khoản phải thu bình quân là bao nhiêu? 5. Điều Khoản Bán Hàng Một công ty cung cấp điều khoản 1/10, net 30. Công ty kiếm được lãi suất hiệu lực hàng năm là bao nhiêu khi một khách hàng không nhận chiết khấu này? Không thực hiện bất cứ tính toán nào, hãy giải thích điều gì sẽ xảy ra với lãi suất hiệu lực này nếu: a. Chiết khấu được thay đổi thành 2%. b. Thời hạn tín dụng được tăng lên đến 60 ngày. c. Thời hạn chiết khấu được tăng lên đến 15 ngày. 6. ACP Và Vòng Quay Khoản Phải Thu Bell Tolls, Inc., có kỳ thu tiền bình quân là 36 ngày. Đầu tư trung bình hàng ngày vào các khoản phải thu là $58.300. Doanh thu tín dụng hàng năm là bao nhiêu? Vòng quay các khoản phải thu là bao nhiêu?
Chương 28
QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO
967
7. Quy Mô Các Khoản Phải Thu Essence of Skunk Fragrances, Ltd. bán 4.900 đơn vị của bộ sưu tập nước hoa của mình mỗi năm với giá $495 một đơn vị. Toàn bộ là bán thông qua hình thức tín dụng với điều khoản là 1/10, net 40. 40% khách hàng được hưởng chiết khấu. Tổng khoản phải thu của công ty là bao nhiêu? Phản ứng với doanh số bán hàng của đối thủ cạnh tranh chính, Sewage Spray, Essence of Skunk đang xem xét một sự thay đổi trong chính sách tín dụng của mình thành điều khoản 2/10, net 30 để giữ vững thị phần của mình. Thay đổi chính sách này sẽ ảnh hưởng thế nào đến khoản phải thu của công ty? 8. Quy Mô Các Khoản Phải Thu The Arizona Bay Corporation bán hàng theo điều khoản tín dụng net 30. Tính trung bình, các khoản phải thu có thời gian quá hạn là 6 ngày. Nếu doanh thu tín dụng tín dụng hàng năm là $9,3 triệu, tài khoản phải thu trên bảng cân đối kế toán của công ty là bao nhiêu? 9. Đánh Giá Chính Sách Tín Dụng Air Spares là một người bán buôn lưu kho các thành phần động cơ và thiết bị kiểm tra cho ngành công nghiệp máy bay thương mại. Một khách hàng mới đã đặt hàng 8 động cơ turbine high-bypass để tiết kiệm nhiên liệu. Chi phí biến đổi là $2,4 triệu cho mỗi đơn vị, và giá bán tín dụng là $2,625 triệu mỗi đơn vị. Tín dụng được cấp cho một kỳ, và dựa trên kinh nghiệm lịch sử, khoảng 1/200 đơn đặt hàng không bao giờ thu được tiền. Tỷ suất sinh lợi đòi hỏi là 2,9% mỗi kỳ. a. Giả sử rằng đây là đơn đặt hàng một lần, công ty có nên thực hiện nó hay không? Khách hàng sẽ không mua nếu công ty không cấp tín dụng. c. Giả sử khách hàng không vỡ nợ và trở thành khách hàng thường xuyên và đặt một đơn hàng tương tự ở mỗi kỳ cho đến vĩnh viễn. Tiếp tục giả định rằng khách hàng thường xuyên không bao giờ vỡ nợ. Có nên thực hiện đơn hàng này hay không? Xác suất hòa vốn là bao nhiêu? d. Mô tả một cách tổng quát lý do các điều khoản tín dụng sẽ nới lỏng hơn khi người mua có khả năng đặt hàng lại. 10. Đánh Giá Chính Sách Tín Dụng Lealos, Inc., đang xem xét một sự thay đổi trong chính sách bán hàng thu tiền ngay của công ty. Các điều khoản bán hàng mới sẽ có thời hạn tín dụng một tháng (net one month). Dựa trên những thông tin sau đây, xác định xem Lealos nên tiến hành thay đổi hay không. Mô tả sự hình thành của các khoản phải thu trong trường hợp này. Tỷ suất sinh lợi đòi hỏi là 0,95% mỗi tháng
Chính sách hiện tại Chính sách mới Giá/đơn vị
$720
$720
Chi phí/đơn vị
$495
$495
Doanh thu/tháng
1.100
1.140
11. EOQ Redan Manufacturing sử dụng 1.700 bộ chuyển mạch mỗi tuần và sau đó tái đặt hàng 1.700 bộ khác. Nếu chi phí tồn trữ có liên quan với mỗi bộ chuyển mạch là $7, và chi phí cố định là $725, chính sách hàng tồn kho của Redan có tối ưu hay không? Tại sao có hoặc tại sao không? 12. EOQ The Trektronics lưu giữ bắt đầu mỗi tuần 750 đơn vị thiết bị điện trong kho. Hàng tồn kho này sẽ bị cạn kiệt vào cuối tuần và được tái đặt hàng. Nếu chi phí tồn trữ mỗi đơn vị là $65 mỗi năm và chi phí cố định là $395, tổng chi phí tồn trữ là bao nhiêu? Chi phí tái nhập kho là bao nhiêu? Trektronics nên tăng hay giảm quy mô đơn đặt hàng? Mô tả một chính sách tồn kho tối ưu cho Trektronics về quy mô và tần số đặt hàng.
www.mhhe.com/rwj
b. Xác suất hòa vốn trong phần (a) là bao nhiêu?
968
BÀI TẬP TRUNG BÌNH
(Bài 13 – 16)
Phần VII TÀI CHÍNH NGẮN HẠN
13. Nguồn Gốc EOQ Chứng minh rằng với chi phí tồn trữ và chi phí tái nhập kho được mô tả trong chương, EOQ xảy ra tại điểm mà ở đó chi phí tồn trữ bằng với chi phí tái nhập kho? 14. Đánh Giá Chính Sách Tín Dụng The Harrington Corporation đang xem xét một sự thay đổi trong chính sách bán hàng thu tiền ngay. Các điều khoản mới sẽ là net một kỳ. Dựa trên thông tin sau đây, xác định xem Harrington có nên tiến hành hay không. Tỷ suất sinh lợi yêu cầu là 2,5% mỗi kỳ.
Chính sách hiện tại Giá/đơn vị Chi phí/đơn vị Doanh thu/tháng
Chính sách mới
$104
$108
$47
$47
3.240
3.295
15. Đánh Giá Chính Sách Tín Dụng Happy Times hiện đang có một chính sách bán hàng hoàn toàn bằng tiền mặt. Công ty đang xem xét thực hiện một sự thay đổi trong chính sách tín dụng, bằng cách đổi sang điều khoản là net 30 ngày. Dựa trên thông tin sau đây, bạn sẽ đề nghị điều gì? Tỷ suất sinh lợi yêu cầu 0,95% mỗi tháng.
www.mhhe.com/rwj
Chính sách hiện tại
BÀI TẬP THÁCH THỨC
(Bài 17 – 22)
Chính sách mới
Giá/đơn vị
$295
$302
Chi phí/đơn vị
$230
$234
Doanh thu/tháng
1.105
1.125
16. Chính Sách Tín Dụng The Silver Spokes Bicycle Shop đã quyết định cung cấp tín dụng cho các khách hàng của mình trong thời vụ bán hàng mùa xuân. Doanh thu dự kiến là 600 xe đạp. Chi phí trung bình của một chiếc xe đạp là $525. Chủ cửa hàng biết rằng chỉ có 96% khách hàng có khả năng thanh toán. Để xác định được 4% còn lại, công ty đang xem xét thuê một cơ quan tín dụng. Các khoản phí ban đầu cho dịch vụ này là $750, với một khoản trả thêm $10 cho mỗi báo cáo riêng lẻ. Chủ cửa hàng có nên thuê cơ quan này không 17. Sản Lượng Hòa Vốn Trong bài tập 14, sản lượng hòa vốn cho chính sách tín dụng mới là bao nhiêu? 18. Phần Bù Trong Giá Bán Do Chi Phí Cấp Tín Dụng (Credit Markup) Trong bài tập 14, giá hòa vốn mà công ty sẽ tính cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chính sách tín dụng mới là bao nhiêu? Giả sử rằng doanh số theo chính sách mới là 3.400 đơn vị và tất cả các giá trị khác vẫn giữ như cũ. 19. Tăng Giá Tín Dụng Trong bài tập 15, giá hòa vốn cho mỗi đơn vị theo chính sách tín dụng mới là bao nhiêu? Giả định tất cả các giá trị khác vẫn giữ như cũ. 20. Tồn Kho An Toàn Và Điểm Đặt Hàng Saché, Inc., dự kiến mỗi tuần sẽ bán được 700 bộ quần áo do công ty thiết kế. Các cửa hàng mở cửa bảy ngày một tuần và kỳ vọng sẽ bán cùng số lượng quần áo mỗi ngày. Công ty có một mức tồn kho theo EOQ là 500 bộ quần áo và mức tồn kho an toàn là 100 bộ quần áo. Khi một đơn hàng được đặt, phải mất ba ngày để Saché nhận được lô hàng. Công ty đặt bao nhiêu đơn đặt hàng mỗi năm? Giả sử rằng sáng thứ Hai trước khi cửa hàng mở cửa, một lô hàng quần áo vừa về đến. Khi nào Saché sẽ đặt đơn hàng tiếp theo? 21. Đánh Giá Chính Sách Tín Dụng Solar Engines sản xuất các động cơ năng lượng mặt trời cho rơ moóc máy kéo. Chính vì có thể tiết kiệm nhiên liệu, các đơn đặt hàng mới, với mỗi đơn hàng là 125 đơn vị, đã được thực hiện
Chương 28
QUẢN TRỊ TÍN DỤNG VÀ HÀNG TỒN KHO
969
Tình huống
CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG TẠI BRAAM INDUSTRIES Tricia Haltiwinger, chủ tịch của Braam Industries, đang tìm kiếm những biện pháp cải thiện hiệu quả tài chính của công ty. Braam Industries sản xuất và bán thiết bị văn phòng cho các nhà bán lẻ. Tăng trưởng của công ty đã tương đối chậm trong những năm gần đây, nhưng với sự mở rộng của nền kinh tế, có vẻ như doanh số bán có thể tăng nhanh hơn trong tương lai. Tricia đã yêu cầu Andrew Preston, giám đốc vốn của công ty, kiểm tra chính sách tín dụng của Braam để xem liệu một chính sách tín dụng khác có thể giúp tăng khả năng sinh lợi hay không. Công ty hiện đang có một chính sách là net 30. Như với bất kỳ hoạt động bán hàng tín dụng nào, tỷ lệ vỡ nợ luôn là vấn đề đáng quan tâm. Do quy trình sàng lọc và thu tiền của Braam, tỷ lệ vỡ nợ tín dụng hiện hành chỉ là 2,1%. Andrew đã kiểm tra chính sách tín dụng của công ty so với các nhà cung cấp khác, và xác định rằng có thể sử dụng được ba lựa chọn. Lựa chọn đầu tiên là nới lỏng quyết định của công ty khi cấp tín dụng. Lựa chọn thứ hai là tăng thời hạn tín dụng đến net 45, và lựa chọn thứ ba là sự kết hợp của chính sách tín dụng được nới lỏng và mở rộng thời hạn tín dụng đến net 45. Về mặt tích cực, cả ba chính sách được xem sẽ giúp gia tăng doanh số bán hàng. Ba chính sách có những hạn chế đó là tỷ lệ vỡ nợ sẽ tăng lên, chi phí hành chính trong việc quản lý các khoản phải thu của công ty sẽ tăng lên và thời gian thu tiền cũng sẽ tăng. Sự thay đổi chính sách tín dụng sẽ tác động đến tất cả bốn biến này ở những mức độ khác nhau. Andrew đã chuẩn bị bảng dưới đây để phác thảo các ảnh hưởng lên mỗi biến số này:
Doanh thu Xác suất Chi phí hàng năm vỡ nợ quản lý Kỳ thu tiền (triệu) (% doanh thu) (% doanh thu) bình quân Hiện tại
$116
1,90%
1,60%
38 ngày
Lựa chọn 1
130
2,60
2,40
41
Lựa chọn 2
129
2,20
1,90
51
Lựa chọn 3
132
2,50
2,10
49
Biến phí sản xuất của Braam bằng 45% của doanh thu bán hàng và lãi suất hiệu lực hàng năm là 6%. Công ty nên sử dụng chính sách tín dụng nào? Ngoài ra, lưu ý rằng trong lựa chọn 2, tỷ lệ vỡ nợ và chi phí hành chính thấp hơn so với lựa chọn 3. Điều này có hợp lý không? Tại sao có hoặc tại sao không?
www.mhhe.com/rwj
cho các khách hàng yêu cầu tín dụng. Chi phí biến đổi là $11.400 cho mỗi đơn vị, và giá tín dụng là $13.000 mỗi đơn vị. Tín dụng được cấp cho một kỳ. Tỷ suất sinh lợi đòi hỏi là 1,9% mỗi kỳ. Nếu Solar Engines mở rộng tín dụng, công ty dự kiến rằng 30% khách hàng sẽ là khách hàng thường xuyên và đặt hàng lại một đơn hàng tương tự mỗi kỳ cho đến vĩnh viễn. Các khách hàng còn lại sẽ đặt hàng một lần. Có nên mở rộng tín dụng hay không? 22. Đánh Giá Chính Sách Tín Dụng Trong bài tập trước, giả sử xác suất vỡ nợ là 15%. Công ty có nên thực hiện các đơn đặt hàng không? Giả sử nhiều khách hàng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi sự vỡ nợ. Hay 30% trong số những khách hàng không vỡ nợ được dự kiến sẽ là khách hàng thường xuyên.
Phụ lục 28A
Thông tin thêm về phân tích chính sách tín dụng
www.mhhe.com/rwj
Để tiếp cận phụ lục của chương này, vui lòng vào www.mhhe.com/rwj.
970