Dreaming #13

Page 1

issue XIII - october 2017

Dreaming

start of fall


38

Nỗi sợ không có thật bài: hiro


“Không có gì trong cuộc sống đáng để sợ hãi. Đó chỉ là những điều chưa được tìm hiểu và giải thích.” - Marie Curiet

Ngôi nhà hoang ở cuối ngõ Tuổi thơ của tôi gắn liền với lũ trẻ con cùng khu phố. Chúng tôi rong ruổi khắp ngõ, bày đủ mọi trò nghịch ngợm con nít khiến người lớn đôi lúc phải tức điên lên. Tuy nhiên, dù nghịch ngợm đến mấy, chúng tôi cũng có một giới hạn bất thành văn. Giới hạn ấy nằm ở ngôi nhà cuối ngõ có giàn hoa giấy hồng rực nổi bật trên những mảng tường bạc màu mỗi buổi sáng mùa Hè nắng vàng ươm. Với chúng tôi, ngôi nhà ấy mang một màu sắc đáng sợ hơn là một vẻ đẹp lãng mạn đầu Hè. Đó là một “ngôi nhà hoang” mà lũ trẻ con chúng tôi tìm cách tránh thật xa. Từ đầu ngõ, chúng tôi rỉ tai nhau: Đừng lại gần, ngôi nhà ấy có ma đấy. Sợ hãi. Đó là ranh giới ngăn cách chúng ta với những nhân tố tiềm ẩn “nguy hiểm”. Ngày bé, đó là nỗi sợ con ma rình rập khi trời tối, sợ “ông ba bị” ngoài đường, sợ hạt cam nuốt vào bụng sẽ mọc thành cái cây. Lớn lên một chút, đó là nỗi sợ những nguy hiểm có thể ập tới khi lần đầu xa nhà, con số 13 có thể mang xui xẻo... Theo

năm tháng, nỗi sợ của chúng ta bớt trẻ con và có phần thực tế hơn: Sợ những mối quan hệ xa lạ lợi bất cập hại. Sợ những thứ có thể tiềm ẩn rủi ro trong học tập và công việc…Về cơ bản, có thể coi sợ hãi như một liều thuốc bảo vệ chúng ta. Trong bộ phim hoạt hình Inside Out, Sợ hãi (Fear) được coi là một trong năm thứ cảm xúc cơ bản của mỗi người. Chẳng có gì quá bất thường nếu trong chúng ta tồn tại sự sợ hãi. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là: Nếu những nhân tố khiến chúng to lo sợ trên thực tế lại không tồn tại thì sao? Khi lớn lên, lũ trẻ chúng tôi đều biết căn nhà cuối ngõ chẳng hề có con ma nào cả. Chủ nhà của nó là một cặp vợ chồng vào Nam làm ăn. Không có ai trông coi nên họ khóa cửa bỏ mặc nó ở đó. Những lời đồn thổi ma quỷ chẳng qua chỉ là một “đòn tâm lí” mà các bậc phụ huynh bất đắc dĩ phải dùng tới để kìm hãm sự ham chơi của lũ trẻ chúng tôi. Nhiều năm về trước, lứa anh chị của tôi từng được dạy rằng đại học là con đường duy nhất để vào đời. Ngày đó, trượt đại học là một điều khủng khiếp,

39


40

gần như đồng nghĩa với việc “không có tương lai”. Thêm nữa, đó là việc phải đối diện với những ánh mắt - phán xét có, thương hại có - từ chính người thân, bạn bè và đôi lúc là cả thầy cô. Những cô tú, cậu tú tuổi mười tám đã thấm nhuần nỗi sợ hãi ấy từ khi còn ngồi dưới mái trường cấp Ba. Nỗi sợ ấy khiến họ lao đầu vào học, vào ôn thi, khiến họ quay cuồng với thời khóa biểu trên lớp và sau đó là những lò luyện thi chật kín người. Ở thời điểm hiện tại, đại học vẫn là một bước đệm quan trọng để bước vào đời. Tuy vậy, cái áp lực “phải vào đại học bằng mọi giá” không còn nặng nề như ngày trước nữa. Có nhiều bạn trẻ đã tự tin rẽ ngang học nghề, hoặc chập chững theo đuổi con đường khởi nghiệp. Rất nhiều trong số đó đã gặt hái thành công, rất nhiều những ước mơ khởi nghiệp lần đầu kết trái ngọt. Không con đường nào là sai, cũng như không con đường nào là duy nhất. Cái quan trọng là tuổi hai mươi bây giờ đã dần thoát khỏi nỗi sợ hãi vốn dai dẳng theo đuổi thế hệ anh chị của họ nhiều năm về trước. Khi nhìn lại, chúng ta bỗng giật mình tự hỏi: Phải chăng chúng ta đã quá sợ hãi việc trượt đại học? Phải chăng, trong rất nhiều thứ mà chúng ta vẫn cài chế độ “mặc định sợ sệt”, có những thứ vốn chẳng đáng phải sợ đến vậy?

Thoát khỏi căn phòng cũ Năm ấy hoa nở trăng vừa tròn là bộ phim truyền hình đang rất “hot” những ngày này. Dàn diễn viên thực lực với nhiều trai xinh gái đẹp. Kịch bản chặt chẽ cuốn hút. Bối cảnh phục trang bắt mắt. Rating tăng vùn vụt theo từng tập. Chắc chắn rồi, đó là một bộ phim hay. Nhưng điều cuốn hút hơn cả là thông điệp mà Châu Doanh (Tôn Lệ thủ vai) truyền tải qua từng tập phim. Năm ấy hoa nở trăng vừa tròn được xây dựng dựa trên cuộc đời có thật của nữ doanh nhân Châu Doanh ở đất Kinh Dương, Trung Quốc vào những năm đầu thế kỷ XX. Cô là một “gái giang hồ” chính hiệu, không biết chút nữ công gia chánh, cầm kì thi họa, càng không phải là kiểu con gái “yểu điệu thục nữ” - những tính cách cơ bản mà bất cứ nữ nhi nào thời phong kiến cũng phải thấm nhuần. Châu Doanh bước chân vào làm dâu nhà họ Ngô đúng lúc Ngô gia gặp đại nạn, chồng cha mất mạng, nhà cửa tan nát. Trước tình cảnh ấy, Châu Doanh đã quyết định từng bước kiên trì vực lại gia sản nhà họ Ngô. Đương nhiên, mọi thứ không hề dễ dàng cho cô. Châu Doanh là kiểu nữ nhi “không sợ trời, chẳng sợ đất”. Tuy vậy, những người xung quanh cô - những con người của thế hệ phong kiến cũ - lại luôn

sợ hãi thay cô. Mẹ chồng cô sợ nếu cô không tỏ ra nhu mì nết na thì người ngoài sẽ đánh giá cô. Triệu đại nhân sợ nếu cô không an phận thủ thường ở nhà mà cứ xông xáo ngoài đường thì một cô gái yếu đuối như cô ắt sẽ gặp đại nạn. Nhị Thúc và Tứ Thúc của cô sợ làm kinh doanh lớn ắt sẽ lỗ to, vậy nên tốt nhất đừng làm nếu không muốn khuynh gia bại sản. Cha ruột cô - khi biết tin con gái muốn lặn lội sang bán hàng ở tận Địch Hoa (một vùng gần Tây Tạng) sợ cô thế nào cũng bỏ mạng vì đường xá xa xôi hiểm trở, thổ phỉ hoành hành. Đôi khi, chúng ta để những nỗi sợ hãi bong bóng tồn tại như một điều hiển nhiên mà chẳng buồn kiểm chứng. Chúng ta “truyền” lại sự sợ hãi ấy cho những thế hệ kế tiếp, cho bạn bè, em út trong nhà. Nỗi sợ, theo năm tháng, sẽ tồn tại dai dẳng nếu không ai vùng lên xóa bỏ nó đi. Ở chiều ngược lại: Đôi khi, việc đối diện với nỗi sợ không khó khăn bằng việc chứng minh cho những người xung quanh thấy rằng những thứ ấy quả thực không đáng sợ. Cách đây ít lâu, cô bạn tôi kể với tôi rằng nó muốn tập gym. Tôi rất hoan nghênh, động viên nó rằng bây giờ con gái tập thể dục thể thao nhiều lắm. Vừa đẹp người lại vừa trẻ trung. Đã thế, tôi còn kì công tư vấn cho nó cách


41


42

lên lịch tập, cách xây dựng chế độ dinh dưỡng sao cho khoa học. Xong xuôi, tôi thấy hả hê lắm vì giúp được bạn mình. Ấy vậy mà, mấy tuần trôi qua tôi vẫn thấy nó nằm bẹp dí ở nhà. Hỏi ra thì nó bảo “Tao sợ lắm”. Sợ gì cơ? Sợ con gái tập mấy thứ đó thì nhìn thật là thô cứng. Sợ tập động tác này động kia có thể bị chấn thương. Nghe nó nói, tôi chỉ đáp lại đơn giản thế này: Thứ nhất là, những người có cái dáng “thô” như thế đều là vận động viên chuyên nghiệp rồi. Họ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt trong hàng năm trời mới được vậy, chứ đừng tưởng cứ bước vào phòng tập ngày một ngày hai là có thể “đắc đạo”. Nói vậy chẳng khác gì chưa vào lớp một đã lo học giỏi như giáo sư, tiến sĩ. Quan trọng là xác định mục tiêu của mình thế nào, khả năng của mình ra sao để tập cho phù hợp. Thứ hai là thể thao lúc nào cũng có thể có chấn thương. Đó là khi lơ là chểnh mảng tập mà như đi chơi. Nếu sợ như vậy ắt hẳn hàng trăm hàng ngàn vận động viên ngoài kia người ta bỏ tập hết rồi. Đứa ban ậm ừ nghe tôi nói, nhưng chắc cũng không “thấm nhuần” được là mấy.

Bất chấp tất cả Khi Cher bước sang tuổi bốn mươi (đó là vào những năm 80 của… thế kỷ trước),

bà chứng kiến bạn bè, đồng nghiệp của mình đối mặt với nỗi sợ hãi tuổi già: Sợ hãi những nếp nhăn xuất hiện trên khuôn mặt, sợ hãi những cơ hội nghề nghiệp ngày một ít đi, sợ hãi công chúng sẽ lãng quên họ... Từ trước tới nay, lão hoá là một “trọng tội” tại Hollywood. Nhưng Cher không chấp nhận định luật ngầm ấy. Trong lúc bạn bè và đồng nghiệp ngồi than thở, bà bắt tay vào hành động. Bà chăm chỉ tập thể dục hơn, điều chỉnh lối sống cho khoa học hơn. Bà cũng không quên luyện thanh mỗi ngày để giọng hát không bị mai một, chú trọng đọc sách báo để bắt kịp nhịp sống của showbiz. Đâu đó vẫn có những lời dị nghị như: Bà già quái gở, điếc không sợ súng, già còn không biết điều… Tuy vậy, Cher lặng lẽ bỏ qua những lời gièm pha ấy. Kết quả là gì? Ở tuổi ngoài bảy mươi, Cher đã trình diễn cực sung và được vinh danh tại lễ trao giải Billboard Award 2017 vừa diễn ra đầu năm nay. Bà đã chứng minh cho cả Hollywood thấy: Chẳng có gì phải sợ hãi tuổi tác. Trước lúc đưa ra quyết định tranh cử Tổng thống, Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng điều làm ông quan ngại nhất không phải là một đối thủ mạnh, mà chính là sự sợ hãi ở trong Đảng Dân chủ của ông: Nỗi sợ rằng một người da đen không có

cửa làm tổng thống. Nỗi sợ ấy xuất hiện ở ngay cả những nhân vật tầm cỡ trong Đảng bởi lịch sử hàng mấy trăm năm của nước Mỹ đã khẳng định rõ ràng rằng: Từ trước tới nay chủ nhân của Nhà Trắng luôn là một người đàn ông da trắng. Nếu giành sự hậu thuẫn cho Barack Obama, Đảng Dân chủ rất có thể bị thua đậm. Barack không chấp nhận những rụt rè, e ngại ấy. Ông đánh cược cả sự nghiệp của mình trong canh bạc chính trị lớn nhất cuộc đời. Sau hơn một năm trời tranh cử, từng bước, từng bước, Barack Obama đã khiến nội bộ Đảng Dân chủ, và sau đó là toàn bộ người dân nước Mỹ tin rằng: Giờ chính là thời điểm lịch sử sang trang. Kết quả là nước Mỹ đã có 8 năm dưới sự chèo lái của một Tổng thống da màu đầu tiên. Chẳng có gì quá bất thường nếu trong chúng ta tồn tại sự sợ hãi. Chúng ta cần sự sợ hãi để ngăn bản thân khỏi những điều dại dột, nguy hiểm. Nhưng sợ hãi nên đi kèm với quá trình khám phá, để giúp chúng ta dứt khoát từ bỏ những sự sợ hãi vô căn cứ khi cần. Đôi khi nhìn lại, chúng ta sẽ mỉm cười tự trách bản thân thật ngốc nghếch trước những nỗi sợ bong bóng ngày trước. Nếu bạn còn đang sợ hãi điều gì đó, hãy tự hỏi bản thân rằng: Điều đó có thực sự đáng sợ không?


43


44

Dương An: “Là một quả dưa hấu mùa Hè!” bài: hiro


45

Tác giả trẻ Dương An mong mình được làm một quả dưa hấu và yêu mùa Hè tha thiết. Còn những câu chuyện mà Dương An viết lại mang đến cho độc giả cảm giác như vừa đi qua một mảnh của mùa Hè rất trẻ và rất xanh, như vừa ăn một miếng dưa hấu đỏ tươi mới cắt.

D

ương An đang là một cây bút truyện ngắn trẻ được nhiều độc giả trẻ tuổi khác yêu mến. Có khá nhiều người đã ngạc nhiên khi biết Dương An hiện là sinh viên đại học Bách Khoa Hà Nội. Bởi lẽ trái với ngành học nghe tên nghĩ ngay khô cứng, thế giới được cô gái nhỏ ấy vẽ lên lại là những câu chuyện thanh xuân nhẹ nhàng dễ chịu. Kể cả nỗi buồn, nếu có, cũng trở thành một dấu lặng dịu dàng.

Dưa Hấu mọng nước Hỏi Dương An nàng thích mùa Hè nhất à, nàng gật đầu. Lại hỏi tiếp thế mùa Hè thì Dương An làm gì, nàng bảo mùa Hè phải ăn dưa hấu. “Mình yêu mùa Hè nên mình cũng yêu dưa hấu. Kể mà một

năm có bốn mùa Hè, để mình là quả dưa hấu nằm trong tủ lạnh và viết truyện nhỉ?” Đọc truyện của Dương An có cảm giác giống như ăn những miếng dưa hấu vào mùa Hè. Ấy chính là cảm giác mát lành. Những câu chuyện của nàng vẽ nên khoảng trời thanh xuân với những rung động đầu đời mà bất kỳ ai cũng đều đã trải qua, đã từng chắt chiu cảm xúc dành hết cho một người mình thương. Người mà mình có thể mặc kệ hết thế gian, chỉ muốn nắm lấy tay họ thật êm rồi bình yên trôi giữa cuộc đời vốn bộn bề. Chủ đề này chẳng có gì mới mẻ, rất nhiều tác giả khác đã khai thác rồi. Nhưng điều khiến Dương An đặc biệt chính là tình cảm ấy vừa rụt rè, lại rất mãnh liệt, vừa nữ tính, lại vừa độc lập… được thể hiện trong các câu

chuyện, trong các nhân vật của nàng.

Những ngày như nằm trong tủ lạnh và viết Việc viết truyện đến với Dương An như thế nào? “Bắt đầu từ chuyện hồi nhỏ ngô nghê thôi, lúc làm tập làm văn, bài của mình được cô giáo khen rồi đọc trước lớp. Sau này thì mình có thói quen viết nhật ký, chuyện gì cũng viết ra cả. Có lẽ thói quen viết của mình cũng được hình thành từ đấy. Lớn lên một chút, khi mình đọc báo Hoa Học Trò thì mê mục truyện ngắn quá nên cũng tập tành viết theo. Về sau càng càng thấy viết là một việc rất hay ho nên cứ thế tiếp tục viết. Đối với mình, việc viết đơn giản là sở thích, kiểu như là một


46

nhu cầu muốn trải lòng bày tỏ, nếu không được kể ra thì trong lòng cứ thấy khó chịu, không vui.” Dương An nói một chút về bút danh của mình đi. “Thật ra mình không có chủ đích nào khi đặt bút danh cả. Hồi đầu mới viết truyện, lúc để bút danh, chẳng hiểu sao tiện tay ghi hai chữ “Dương An”, chẳng hề suy nghĩ gì, rồi về sau cũng cứ để như vậy thôi. Không biết mọi người nghe hai từ “Dương An” thì cảm thấy thế nào, riêng mình thì cảm thấy giống như buổi sáng ngủ dậy và được đứng trước biển vậy.” Dương An tên thật là Hoàn. Dương An bảo tuy không lấy tên thật làm bút danh nhưng thích được mọi người bằng tên thật lắm. Nhưng những người đặc biệt trong cuộc sống của Dương An lại hiếm khi gọi em bằng tên thật. Họ gọi em bằng nhiều cái tên khác nhau, mà qua đó thể hiện được sự thân thiết trong mối quan hệ của em và họ. Như là Mắt To, như là Dưa Hấu…

Một kỉ niệm khi Dương An viết truyện. “Hồi mới vào năm nhất, đi học xa nhà, thời gian đầu ở

môi trường mới khiến mình khá khó khăn để hòa nhập. Nhiều lúc mình nhớ nhà đến phát khóc mà lịch học lại dày đặc không thể xếp được lịch về quê. Có một đêm không ngủ được, mình ngồi viết một truyện ngắn về gia đình. “Chỉ là con muốn về nhà” ra đời, là truyện ngắn duy nhất mình viết về gia đình, cho đến thời điểm này. Truyện ngắn ấy chỉ đơn giản kể về những việc gặp phải ở trường khiến mình nhớ nhà phát điên, và món ăn mà mình thèm là cơm nguội trộn nước mì tôm. Một lần về thăm nhà, mình nhét tờ báo xuống gầm giường, phải giấu kỹ, vì mấy câu chuyện mình kể gần 60% sự thật, bị phát hiện thì xấu hổ lắm. Thế mà một lần, mẹ đã “khai quật” được “kho tàng gầm giường”, rồi mẹ đọc bài báo ấy và gọi điện cho mình khóc nức nở. Kết quả là mình bị bố “mắng” cho một trận vì làm mẹ khóc…” Những khó khăn khi sáng tác thì sao? “Thỉnh thoảng đầu mình đặc lại và chẳng nghĩ được cái gì cả, cũng không biết viết gì hết, hoặc là cứ viết được một nửa lại thôi. Bạn mình nói có phải vì mình học cái ngành kĩ thuật quá khô khan nên cũng bị khô hết cả mơ mộng

hay không. Mình cũng rất sợ như vậy. Lịch học, lịch thí nghiệm kín mít, mình không có cả thời gian để ngủ nên có muốn viết cũng chỉ nghĩ để đấy, rồi lại quên mất. Nếu có viết lại thì cảm xúc lại chẳng giống như ban đầu nữa, thế là lại xóa đi.” Nguồn cảm hứng của Dương An để viết truyện là… “Từ tất cả những người bạn, những điều dễ thương vô cùng trong cuộc sống mà mình được gặp. À ngoài ra còn từ âm nhạc, từ sách, từ những câu chuyện nghe lỏm được trên thư viện, trên xe buýt, ở quán bánh mì,… nữa.” Thói quen khi viết một câu chuyện là… “Mình sẽ tìm bài hát thật hợp với câu chuyện mình muốn kể, và nghe nó cho đến khi hoàn thành câu chuyện thì thôi.” Trong những câu chuyện Dương An kể luôn bắt gặp những bạn trẻ dám yêu, dám thành thật với cảm xúc của bản thân mình, kể cả khi biết đó chỉ xuất phát từ một chiều. Vậy Dương An nghĩ thế nào về việc con gái chủ động tỏ tình? “Nếu tình cảm đó đủ lớn, và người đó đủ xứng đáng,


47

thì con gái hay con trai cũng nên chủ động tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Mọi người hãy mạnh mẽ lên.”

Những mùa Hè tiếp theo Dự định gần nhất của Dương An, cũng là một giấc mộng được nàng ấp ủ, đó là xuất bản một cuốn sách, để đánh dấu những năm tháng tuổi trẻ của mình. “Để nếu có ai nhìn vào ngành học mà cho là mình khô khan thì mình sẽ đưa sách ra để minh chứng

rằng đây này, mình mộng mơ và dễ cưng lắm đấy nhé!” Hỏi về những mục tiêu xa hơn nữa thì Dương An chưa nghĩ tới. Suy nghĩ một lúc, nàng bảo: “Điều gì đến sẽ đến, dù có thế nào thì mình vẫn cứ là một người kể chuyện, kể lại những gì dễ thương mình gặp trong cuộc sống.” Dương An hay bảo những điều dễ thương ấy là nguồn cảm hứng lớn của nàng, khiến cho đa số những ngày trôi qua của nàng đều cảm thấy vui vẻ. Nhưng tôi nghĩ, thật ra Dương An đã

vốn là một người rất lạc quan và dễ thương rồi, cho nên những thứ xung quanh em mới được “nhuộm” theo như vậy. Ở bên cạnh một người dễ thương, đọc những thứ dễ thương do người ấy viết, cũng dễ khiến người khác cảm thấy cuộc đời này cũng dễ thương, dễ mến làm sao. Cảm ơn Dương An vì cuộc trò chuyện. Chúc cho cô gái nhỏ luôn thật vui vẻ và viết nên những câu chuyện thật đẹp, thật mơ.


48

"The big sick" vượt qua rào cản bài: hoài nam

Chàng là người Pakistan. Nàng là người Mỹ. Một chuyện tình khác văn hóa. Một căn bệnh hiểm nghèo. Từ những yếu tố tưởng chừng cũ kĩ đó, The Big Sick (Bệnh lạ, 2017) lại trở thành hiện tượng lãng mạn của mùa phim năm nay.


49

“Tiểu sử” tình yêu 10 năm trước, nam diễn viên Pakistan Kumail Nanjiani, nổi tiếng với loạt truyền hình The Sillicon Valley (Thung lũng Sillicon, 2014), còn là một diễn viên vô danh. Ban ngày anh chạy Uber còn ban đêm diễn hài độc thoại tại một sân khấu nhỏ ở Chicago. Ở đó, anh gặp gỡ và ngỏ lời yêu nữ sinh viên ngành tâm lý Emily. Chuyện tình này nhanh chóng bị bố mẹ Kumail… phản đối, bởi truyền thống “hôn nhân sắp đặt” của Pakistan. Trong khi anh chàng chưa biết xử lí thế nào, Emily bỗng gặp phải

một căn bệnh lạ, rơi vào hôn mê. May mắn rằng, sau 12 ngày, cô đã tỉnh lại. Ba tháng sau, họ cưới nhau. Đó là chuyện có thật, và khá kịch tính. Nhưng có lẽ ngoài Kumail, chẳng ai khác trên đời dám biến nó thành kịch bản phim, giữ nguyên tên mình cũng như vợ, rồi mang đến chào hàng các nhà sản xuất. Bởi từ trước đến nay, phim tiểu sử thường chỉ dành cho các nhân vật vĩ đại hoặc có câu chuyện độc nhất. Cốt truyện trên thoạt trông không có hai yếu tố này. Nhưng, “tiểu sử tình yêu” của Kumail và Emily không

chỉ được chấp thuận làm phim, mà khi trình chiếu ở LHP Sundance hồi đầu năm, còn gây ra một vụ lùm xùm: Bốn ông lớn Sony, Focus Feature, Netflix và Amazon nhảy vào tranh nhau mua quyền phát hành phim, lúc đó đã có tên gọi chính thức The Big Sick. Cuối cùng, Amazon chiến thắng với 12 triệu đôla, số tiền cao kỉ lục ở LHP này. Họ đã không sai lầm. Với kinh phí chỉ 5 triệu đôla, The Big Sick đã thu về hơn 50 triệu đô doanh thu, trở thành một trong những phim thu lời nhiều nhất năm nay.


50

kumail và emily mất ba năm để hoàn thành kịch bản, với rất nhiều lần chỉnh sửa với sự góp ý của đạo diễn michael showalter. phim công chiếu ở mỹ đúng vào kỉ niệm 10 năm ngày cưới của họ.

Nhưng đó chưa phải phần thưởng lớn nhất. Bởi bộ phim còn được giới phê bình tán dương như một sự “hồi sinh” của phim hài lãng mạn (rom-com), thể loại từng nuôi sống cả Hollywood thập niên 1980 và 1990, nhưng đang sống thoi thóp ở thế kỉ 21. Trang điện ảnh quyền lực nhất hiện tại Rotten Tomatoes chọn The Big Sick đứng hạng 1 trong những phim hay nhất mùa hè 2017 với số điểm 98%, và hạng 5 mọi thời đại ở dòng hài lãng mạn. Vẫn biết các nhà phê bình đôi khi cũng lú lẫn tập thể, nhưng rất hiếm ở dòng phim lãng mạn, vốn không mấy phức tạp hay chứa đựng các mánh khóe tinh ranh để đánh lừa. Vậy, The Big Sick có gì?

Tình yêu là sức mạnh Điều The Big Sick mang đến, cũng chính là món quà mà mỗi bộ phim hài lãng mạn xuất sắc mang đến. Đó là cảm xúc trong trẻo, tươi mới, yêu đời xâm chiếm hồn

ta, khi những cảnh cuối của phim khép lại. Sử dụng lớp nền là xung đột văn hóa, bộ phim vừa khắc họa sự lạc lõng của những người trẻ khi phải lớn lên ở một đất nước lạ, vừa là bản tình ca ngọt ngào, khẳng định rằng chỉ có tình yêu mới giúp con người vượt qua các rào cản, dù lớn đến mức nào. Phần kịch bản đầy đặn của Kumail đưa người xem đi qua hai phần rõ rệt. Phần đầu tiên là chuyện tình lãng mạn giữa anh và Emily, ghi điểm bằng sự chân thật đáng yêu. Kumail và nữ diễn viên Zoe Kazan tương tác cực kì tự nhiên, như thể cặp đôi thật sự. Đồng thời, các chi tiết văn hóa được lồng ghép khéo léo. Kumail là người đứng giữa các giao thoa giữa các luồng tư tưởng. Một mặt, anh vẫn theo đuổi giấc mơ hài kịch, tự do tình dục, thoải mái trong tư tưởng. Mặt khác, anh chịu sự kìm kẹp của các truyền thống Pakistan cả về văn hóa lẫn tôn giáo. “Vì sao ba mẹ muốn con sống như ở Pakistan, mà lại đưa con đến Mỹ” - anh nói.

Phần thứ hai là khi Emily hôn mê và Kumail gặp gỡ ba mẹ cô. Đó là một cặp vợ chồng Mỹ điển hình, và nhờ vào kịch bản đủ lớp lang, làm bật lên được sự tương phản với lối sống theo truyền thống của các gia đình Paksitan. Tuy nhiên, điều giá trị nhất của The Big Sick là


51

ở sự thông cảm. Phim không rơi vào phê phán hay giễu nhại bất kì văn hóa nào, như nhiều phim hài khác, mà tỏ ra thấu hiểu. Trong thời gian ở cùng ba mẹ Emily, anh học được điều quan trọng nhất: Dù màu da có khác nhau, văn hóa khác nhau, tất cả đều là những người tốt. Khoảng thời gian khó khăn lại giúp

anh trở nên mạnh mẽ, độc lập, và biết điều gì là quan trọng nhất với mình. Anh không từ bỏ người yêu, cũng không từ bỏ gia đình. Anh chỉ từ bỏ con người yếu đuối và phân vân trước kia. The Big Sick giống như một làn gió mát của thể loại hài lãng mạn, và chứng tỏ rằng,

ở Hollywood không có gì chết đi. Các thể loại thịnh suy theo thời thế, nhưng luôn có chỗ cho các sáng tạo, sự tươi mới, chỉ cần biết cách khai thác. Thật dễ chịu biết bao khi giữa thời đại siêu anh hùng và bom tấn hành động, vẫn có những không gian dễ chịu tuyệt vời của một phim lãng mạn xuất sắc.


52


53

Felicity Jones: Tiếng gọi từ con tim bài: hoài nam

Năm 2011, khi chuẩn bị quay một cảnh đám cưới trong phim Like Crazy (Yêu dại khờ), Felicity Jones chợt nhận ra cô cần... màu sơn móng tay mới. Một màu xanh nhạt biểu hiện sự tuyệt vọng và cô độc của nhân vật. Nhưng sáng sớm hôm sau cảnh quay sẽ bắt đầu. Vậy là đêm đó, nữ diễn viên người Anh đã lái xe hàng giờ khắp thành phố, từ cửa hàng này đến cửa hàng khác, chỉ để tìm kiếm một lọ sơn móng tay nhỏ bé.


54

Khởi nghiệp năm lên 10 Mỗi diễn viên sẽ có định nghĩa khác nhau về nghề nghiệp của mình. Một số người xem đó là bàn đạp để kiếm chác tiền bạc và danh vọng. Vài người khác tập trung chinh phục khía cạnh nghệ thuật. Với Jones, nổi tiếng với vai diễn vợ nhà khoa học Stephen Hawking trong The Theory of Everything (Thuyết vạn vật, 2014), nghề diễn là một tiếng gọi. “Giống như trở thành một thầy tu hay nữ tu vậy,” cô nói với tờ Guardian. Tiếng gọi từ rất sớm vào năm 10 tuổi, khi cô thích thú thưởng thức các màn trình diễn của người chú là diễn viên Michael Hadley. Bao nhiêu đứa trẻ có quyết định nghề nghiệp ở năm 10 tuổi? Và đáng kinh ngạc hơn, thực hiện nó ngay lập tức? Trong năm đó, Jones đăng kí tham gia Central Junior Television, một khóa đào tạo diễn viên nhí uy tín. Đạo diễn Colin Edwards, giám đốc của trung tâm và sau này là thầy của Jones, nhớ lại: “Cô ấy là đứa trẻ ngọt ngào nhất, lịch thiệp nhất và tươi sáng nhất mà bạn có thể tưởng tượng.” Ở lứa tuổi ấy, tài năng còn phải rèn dũa, nhưng thái độ nghiêm túc của Jones với nghề là điều khiến Edwards ngạc nhiên. Dưới sự hướng dẫn của vị đạo

diễn, Jones bắt đầu tham gia các loạt phim truyền hình. Cô lập tức gây chú ý với vai phản diện chính trong The Worst Witch (Cô phù thủy nghịch ngợm, 1998). Gương mặt khả ái, lối diễn duyên dáng, tự nhiên của Jones nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả. Nối tiếp thành công ban đầu, nữ diễn viên tham gia liên tiếp các dự án truyền hình ăn khách, như Weirdsister College (Đại học chị em, 2001), Servants (Người hầu, 2003), Northanger Abbey (Tòa nhà Northanger Abbey, 2007)... Bên cạnh việc học diễn xuất tại Cao đẳng Wadham, Oxford. Năm 2008, cô bước chân vào điện ảnh lần đầu với Flashback of a Fool (Kí ức gã khờ), đóng cặp cùng “điệp viên 007” Daniel Craig. “Tiếng gọi” của Jones, ngoài ý nghĩa thôi thúc, còn mang tính khổ hạnh. Như một con ong chăm chỉ, cô chỉ biết miệt mài trên trường quay, cố gắng để hoàn thành tốt nhất công việc. Mỗi năm, Jones đều đặn tham gia từ ba đến năm phim điện ảnh, bên cạnh các vai diễn truyền hình. Bước ngoặt sự nghiệp đến vào năm 2014, với tác phẩm The Theory of Everything, trong đó cô vào vai một phụ nữ nhỏ nhắn nhưng kiên cường và đầy ắp tình yêu dành cho người chồng bệnh tật. Jane Hawking, người thật được cô vào vai, sửng sốt cho biết:

“Cô ấy đã đánh cắp tính cách của tôi. Quả là trải nghiệm lạ lùng thấy chính mình trên màn ảnh.”

Cân bằng mọi thứ The Theory of Everything giúp Jones có được đề cử Oscar Nữ chính, mục tiêu cao nhất cho mọi diễn viên Hollywood, một phần thưởng đáng giá cho nỗ lực không ngưng nghỉ. Cô gần như chưa từng nghỉ ngơi kể từ năm 10 tuổi. Nhưng điều đáng khen nhất ở cô là thái độ với nghề, chưa từng thay đổi từ ngày còn bé cho đến bây giờ. Chỉ cần giúp cho vai diễn tốt hơn, dù là một lọ sơn móng tay, Jones cũng sẽ tìm cho bằng được. Để vào vai Jane Hawking, cô tự động đến phòng gym để nâng cao thể lực, vì phải khiêng nam chính Eddie Redmayne nhiều lần trong phim. Năm 2016, cô không ngại tập kungfu hàng ngày để tham gia Star Wars: Rogue One (Rogue One: Star Wars ngoại truyện). Ngoài màn ảnh, Jones là nữ diễn viên có sức hút rất tự nhiên. Vẻ xinh đẹp cổ điển, phong thái tự tin và hài hước, luôn giúp cô tạo được cảm tình với người khác, dù không chủ tâm. Tại LHP Sundance 2011, nơi Jones dành giải thưởng lớn cho Like Crazy, rất nhiều đạo diễn và nhà sản xuất, có cả những tên tuổi như Woody


55

felicity jones sinh ngày 17/10/1983 tại birmingham, nước anh, có bố là nhà báo và mẹ làm trong lĩnh vực quảng cáo. tên của cô được đặt theo tiếng la tinh có nghĩa là “may mắn”. ngoài diễn xuất, niềm đam mê lớn nhất của jones là... nấu các món ý.

Allen, đã tự động đến gặp cô, bày tỏ mong muốn Jones tham gia dự án của họ. Đạo diễn Colin Edwards thường kể về những bữa tiệc mà Jones bị bao quanh bởi rất nhiều diễn viên khác, chờ đợi được chuyện trò với cô. “Tự-thu hút là từ đúng để miêu tả cô ấy”, anh nói. Danh tiếng của cô càng lên cao sau hai bộ phim A Monster’s Call (Lời thỉnh cầu quái vật) và đặc biệt là Star Wars: Rogue One năm 2016. Đây cũng là hai ví dụ tiêu biểu cho con đường cô đi sắp tới: Cân bằng giữa nghệ thuật và thương mại. Jones

không ngại đóng vai phụ trong phim độc lập, cũng như nữ chính trong phim tỉ đô. Tất cả đều là sự học hỏi trong nghề. “Các diễn viên trẻ thường có lí do để vội vàng, như sợ thời thanh xuân qua đi”, cô nói. “Nhưng tôi mong mình sẽ diễn xuất đến năm sáu mươi hay bảy mươi tuổi, nên tôi sẽ thoải mái thử nghiệm hơn.” Sắp tới, Jones sẽ có một vai diễn lớn khác trong dự án Swan Lake (Hồ thiên nga) của đạo diễn Ý Luca Guadagnino. Có lẽ là cơ hội kế tiếp để cô chinh phục tượng vàng Oscar. Nhưng,

điều quan trọng nhất với “bông hồng mới nước Anh”, như báo chí thường gọi, không phải là các giải thưởng. Đó là niềm vui được làm việc mình thích, và trên tất cả, gia đình. Năm 2016, cô chỉ nhận lời đóng cặp với Tom Hank trong Inferno (Hỏa ngục), khi đoàn làm phim cho phép cô vắng mặt vài ngày để chào đón đứa cháu trai chào đời. Món đồ quý giá nhất của cô không phải là hàng hiệu hay kim cương, mà là chiếc túi nhỏ giản dị mẹ tặng sinh nhật năm 21 tuổi. “Tôi không là gì cả nếu thiếu bạn bè và gia đình mình”, cô nói.


56

●● HI TRẦN ●●

KHÔNG ĐỀ (3) o rèm trắng Cửa sổ nhà tôi tre thấy vườn xanh Vén rèm sang sẽ lựu đỏ trên cành Đương có mấy quả em có ghé Tính để dành, lỡ quẽ tuần thường quạnh Những sáng cuối c tình ca Tôi bày vẽ, mở nhạ việc nhà Xăn tay áo làm hết i im dưới bóng lá Rồi pha trà, ngồ phai gỗ đá Tháng ngày mài mòn lũ trẻ mong manh Nói gì chúng ta, thành đếm ước mơ chưa Ngón tay không đủ n tênh cứu những ngày buồ Chén trà không đủ kềnh lên đã quá cồng Nhớ thương chất a cuộc đời vạn lối Chân đi đã mỏi giữ i n biết bên kia trờ Anh không còn muố bóng tối Là thiên đường hay một khu vườn ng g em trồ Anh chỉ muốn cùn Em ơi, đến nhanh h Khi vườn vẫn xan

cành Khi đám lựu trên Và tình anh Vẫn đỏ.


57 ●● HI TRẦN ●●

KHÔNG ĐỀ (4) Mình không biết đời nào mới giàu Không biết mươi năm nữa ra sao

Thân người này đã lớn phổng phao Mà trái tim vẫn nhỏ (và ửng đỏ) Như quả đào

Mình hay lo nghĩ mấy chuyện tào lao Ví dụ, con mèo liệu có nằm chiêm bao? Ví dụ, sẽ ra sao nếu mình có riêng một hòn đảo? Ví dụ, sẽ thế nào nếu xích đạo cũng đóng băng? Mình sống đời chắc để lăng nhăng Mới chiều qua thương đồi hoa vắng Sáng nay đã dâng tim cho đồng nắng Chắc ngày mai yêu hẳn cả thiên hà

Mình muốn là dòng sông trôi la cà Không ai mời cũng nếm hết gió thơm, cỏ ngọt Trái tim để mặc đất trời đẽo gọt Bông hoa, trái cà lộng lẫy như nhau

Mình không thèm biết khái niệm khổ đau Chỉ thuộc định nghĩa mưa ngâu, mưa rào Mình muốn sống ngày nào Cũng sáng như sao.


58


59

Tôi đã mơ gì ở Luang Prabang? bài: chíp xù

Những ngày ở Luang Prabang (Lào), tôi chẳng đi đến địa điểm nổi tiếng nào mà cứ đạp xe vòng vòng, lâu lâu sẽ dừng lại ngắm một cái nhà đẹp, chụp hình một con hẻm dễ thương, ăn một món lạ lạ, cầu nguyện một chút ở ngôi chùa gỗ giản dị vô tình đi ngang qua… Nhưng, những ngày ở Luang Prabang, tôi có cảm giác mình đang thực sự sống một phần đời mà tôi mơ ước.


60

Một Luang Prabang quá đỗi bình yên

cái chìa khóa, rồi bạn đi đâu làm gì, ai đi ra đi vô, người ta không quan tâm. Một Luang Prabang quá đỗi bình yên.

Cố đô Luang Prabang với vẻ đẹp bình yên được xem là điểm du lịch nổi tiếng bởi sự thanh bình và vẻ đẹp vừa tự nhiên vừa nguy nga. Nét quyến rũ của Luang Prabang mang đậm tinh thần Phật giáo với lối sống thong thả, thật thà, cùng sự tinh tươm của phố xá và cả sắc áo cam rực rỡ của những nhà tu hành cùng những kiến trúc thếp vàng lộng lẫy.

Bé tiếp tân xuất hiện, nói tiếng Anh không rành, đi làm cứ như đi chơi, thong thả, ung dung, tự tại. Cả ngày ẻm trốn trên gác với con mèo của ẻm, người giặt ủi đem đồ tới giao, la hét ỏm tỏi cũng không thấy ẻm xuống, chỉ đúng giờ ăn trưa, ăn chiều là ẻm bưng tô cơm ngồi vắt vẻo trên ghế, mỗi lần ăn chắc một tiếng mới xong. Cái nhà nghỉ gì mà dễ cưng. Phòng tôi ngay kế quầy tiếp tân, nên tôi thiếu điều thế ẻm làm tiếp tân luôn, ai tới kiếm không có ẻm, tôi phải nhào ra chào rồi kêu: “Bạn về dùm đi em nó đi tu luôn rồi”, để người ta khỏi đứng kêu hoài, khản cổ. Nhưng mà sao tôi mê nơi này quá, mọi thứ hiền hòa y như dòng sông Nam Khan đang chậm rãi tỉ mẩn làm công việc của nó, đó là trôi.

Tôi tới Luang Prabang sau 6 tiếng vật vờ trên xe chạy đường núi từ Vang Vieng. Xe buýt ở Lào chạy vừa mệt vừa chật, đã vậy đường đến Luang Prabang còn băng đèo vượt suối, khói bụi mịt mù. Tài xế thả tôi ở chợ trung tâm, là cửa ngõ vô Luang Prabang. Tôi đi tuk tuk tới nhà nghỉ M guest house nằm trong một con hẻm nhỏ, ngồi chờ lặc lè tới gần nửa tiếng. Tôi tự tin lấy chuối ăn, lấy nước uống rồi thiếu điều nằm ngủ ra đó luôn mà cũng không thấy tiếp tân đâu. Nhà nghỉ ở Luang Prabang nhiều chỗ chỉ giao cho bạn

Nhưng cũng hào nhoáng bậc nhất Đi một vòng Luang Phrabang kiếm đồ ăn trưa, tôi bị “sốc văn hóa” liền ngay tại chỗ.

Dù đã biết là vật giá bên Lào mắc hơn Việt Nam ba lần, nhưng tôi thật sự bất ngờ khi đi dọc con đường chính Sisavangvong, và nhận ra cái gì cũng đắt xắt ra miếng: Một ly sinh tố giá 30.000 kip là 90.000 đồng Việt Nam, là giá phổ thông đó. Chưa hết, đường chính ở Luang đẹp như kiểu miền Nam nước Pháp, hai bên đường toàn biệt thự thời Đông Dương hay nhà gỗ kiểu traditional boutique của Lào, trai Tây gái Nhật ngồi trong tiệm nước thong thả đọc sách, 100 bạn đi qua thì hết 90 bạn mang giày hiệu, mặc đồ đẹp đẽ, thanh lịch như đang ở kinh đô ánh sáng. Trong khi đó, tôi - dép kẹp, quần soóc, áo thun hai dây, đầu tóc mặt mũi đầy bụi đường, đi cà lơn cà tơn trong thị trấn, ngó vô mấy cửa tiệm lộng lẫy bên đường như cô bé bán diêm. Trong đầu tôi chợt nhớ ra trong giấy note trước khi đi, chỗ đầu tiên tôi muốn đến ăn là 3 Nagas, được review là chỗ vừa ngon vừa rẻ ở đây. Đến nơi thì biết đây là một khu biệt thự song lập có vườn, nằm đối diện nhau hai bên đường chính, một bên là nhà hàng “fine dining”, một bên là café kiểu


61

cappuchino150 ngàn một ly. Nó chỉ rẻ so với bề dày lịch sử 200 năm và danh tiếng từng làm kem cho Hoàng gia Lào suốt nhiều năm liền. Tôi tiu nghỉu lết ra đến đầu chợ thì may quá có một cái bảng nhỏ xíu bán mì gà 10.000 kip một tô. Quán vỏn vẹn với một căn bếp nhỏ, nấu củi, vách lá, có một cụ già đứng nấu trên cái bàn bếp. Ăn tô mì mà tôi có cảm giác như được trấn an, được xoa đầu, được vỗ vai “Không sao đâu, sẽ ổn thôi cô bé”. Cái tiệm đó dễ tìm lắm, nó nằm giữa núi Phousy và chợ thị trấn, bạn chỉ cần kiếm cái

bảng quán mì 10.000kip Big Bowl là được. Đến tối, đi ra chợ đêm mới thấy thiên đường cho tôi là ở đây. Chợ đêm Luang Prabang nằm trong một cái hẻm nhỏ dài chừng mấy chục mét, mà thật sự là tôi muốn bơi trong đó luôn. Tám chục quầy đồ nướng và khâu, rồi cơm bình dân kiểu Lào với toàn canh rau rừng và mấy món lạ lạ kiểu như bao tử kho tiêu, trứng cá thu xào. Giữa chợ có mấy tiệm cơm chay, bạn chỉ cần xách cái tô (mua tầm 10.000 kip) đi vào, muốn ăn gì thì lấy, miễn còn bưng được cái tô

thì cứ lấy, toàn đồ chay. Ẩm thực Lào tôi cho là xuất sắc nhất trong các nước, vì thịt nướng, cá nướng của nó quá ngon, dù không tẩm ướp gia vị gì nhiều hết.

Không thể bỏ lỡ điều nhỏ xinh Đừng bỏ qua mấy con hẻm nhỏ nha, dễ thương mà có nhiều thứ phát hiện xinh xắn lắm. Như Oc Pok Tok - một cái xưởng dệt thủ công, đồ cũng không quá mắc, nhìn ra một khu vườn dễ thương. Bạn cứ đi dọc đường chính, thấy chỗ nào có con rồng to đùng may bằng vải thì là nó


62

đó, mua quà lưu niệm ở đây được nè, còn nếu không vô coi cho biết nghề vải truyền thống của Lào cũng hay. Hãy đạp xe đi dọc bờ sông, không sợ lạc đâu vì Luang Prabang vốn là một cái mô đất hình móng ngựa nhô ra sông, cứ đạp xe hay dạo bộ đi một vòng là quay về trung tâm thị trấn. Buổi sáng nắng chiếu nghiêng nghiêng vào mấy cái khách sạn, mấy tòa nhà cũ như trong phim L’amant. Còn buổi chiều muốn chụp hình đẹp thì cứ đi ra khu chợ đêm, giờ đó là giờ người ta dọn chợ, nắng phảng phất dọc theo con đường chính đẹp mê hồn. Và… hãy một lần xem khất thực. Thông thường 5 giờ sáng, người dân sẽ cúng dường cho những vị sư đi khất thực. Nếu bạn muốn coi đúng kiểu cúng truyền thống hãy đi ra cổng sau của Wat Xieng Thong, ngôi chùa lớn

nhất của thị trấn. Cổng sau chùa dẫn ra một cái hẻm nhỏ, người dân sẽ quỳ ở đó nhìn về phía cổng chùa. Họ đến từ lúc sáng tinh mơ, khi cả thị trấn còn mơ màng trong sương, tới lúc đoàn sư khất thực đến. Nghi lễ đơn giản thôi, Phật tử thì mở cái xửng tre toàn xôi trắng, bánh kẹo, múc từng muỗng vô mấy cái tráp bạc của đoàn tăng lữ. Người tu lâu năm tước vị cao đi trước, mấy chú tiểuu nhỏ nhỏ đi sau. Đi hết đoàn người là xong. Tôi hơi thất vọng vì không nhìn thấy được nghi lễ như bạn tôi từng kể, người ta còn rưới nước lên đầu rồi đọc một bài kinh cầu may mắn gì đó. Người dân Lào ít phô trương, họ sùng đạo Phật cũng như cách họ sống hằng ngày: Lặng lẽ, không ồn ào. Mà những điều đó, muốn hiểu rõ, tôi nghĩ mình nên cần thêm thời gian. Những ngày ở Luang Prabang, tôi có cảm giác

mình đang thực sự sống một phần đời mà tôi mơ ước. Là buổi sáng dậy thong thả đi ra chợ, ăn sáng ở một cái quán nhỏ xíu, rồi đạp xe lòng vòng. Tôi mơ về một căn nhà nhỏ giản dị, hằng ngày tôi sẽ nướng bánh bán trà take away, còn anh thì mở chỗ dạy lặn nước ngọt, hoặc mở tour chạy bộ dọc sông Nam Khan. Vậy là ngày nào tôi cũng có thể ngắm hoàng hôn đẹp, ngày nào tôi cũng được ăn thịt nướng với khâu, ngày nào tôi cũng có thể đạp xe thong thả ngắm nhìn những ngôi biệt thự, chùa chiền, mà chẳng phải vướng bận điều gì. Tôi thấy mình phải lòng Luang Prabang, thật sự. Nếu nói về thành phố này ngắn gọn theo suy nghĩ của tôi, nó là một khu vườn ven sông với quá nhiều thứ đẹp dịu dàng. Tôi thấy mình không đi, mà là trôi bềnh bồng trong lòng thành phố này.


63

Chú voi Bing Bong bài: k.


64

Đó là một chú voi bằng kẹo bông màu hồng, có miệng cá heo và đuôi mèo. Mỗi khi chú khóc nhè chè thiu, thì thay vì nước mắt là kẹo rơi lả tả. Bing Bong, tên chú, là người-bạn trongtưởng-tượng từ-thời-thơ-ấu của cô bé Riley trong bộ phim Inside Out. Hồi bé ấy, Riley và Bing Bong - hai bạn cùng nhau chơi bao nhiêu trò vui, khám phá bao nhiêu điều kỳ thú. Trong trí tưởng tượng của Riley, căn nhà biến thành nham thạch, cái ghế ngoài vườn hóa ra chiếc xe-chổi-bay diệu kỳ mà mỗi khi bay để lại phía sau hai dải cầu vồng. Nhưng bây giờ, thì Bing Bong hoá thành một sinh vật (một ý-nghĩ thì đúng hơn) bơ vơ giữa những ngõ ngách của tâm trí, và sống bằng hoài vọng. Vì Riley không còn nhớ đến chú nữa, không còn cần chú nữa. Chú rơi vào vực thẳm lãng quên, và rồi tan biến như tro bụi…


T

èo nói, xem đến cảnh đó em khóc quá trời. Mình thì cứ nghĩ mãi, về những chú voi Bing Bong nào mà mình đã lãng quên, Quên đến nỗi không gì còn gợi lại được?

Như có hôm đi qua trường cấp Hai. Thực ra mình rất hay đi qua đó. Trường nằm cuối một con ngõ - thẳng từ ngoài đường vào. Nhưng mình chưa bao giờ vào lại. Chưa bao giờ nghĩ sẽ ghé qua nhìn cánh cổng - như cổng trường cấp một trước kia. Mình nhớ rõ trường cấp Hai có gì từ những dãy nhà vàng tới những cây bằng lăng, cả nhà vệ sinh, cả sân sau để xe, cả rặng cây phi lao, cả cái nhà nhỏ của cô lao công mình hay ra giặt giẻ lau, cả quầy bán văn phòng phẩm ở gầm cầu thang bé tí tẹo. Cả những lần chào cờ, cả những lần mình ngồi cuối lớp lén ăn quà vặt trong giờ, cả con búp bê bằng sứ màu xanh hồi đó một bạn mết mình tặng (mà mình cư xử tệ quá nghĩ lại thấy ân hận). Rồi những ngày cuối cấp bọn mình đem đài cát-sét đến mở nhạc tưng bừng, bàn ghế ủn vào để chỗ nhún nhảy, rồi một đứa sẽ làm “lính canh” và khi nó hô “cô lên” thì rầm rầm rầm hai giây là đâu vào đấy cả lớp ngoan như đúng rồi. Mình nhớ cả cô chủ nhiệm lớp bên cạnh rất thích chọc ngoáy để cô chủ nhiệm bọn mình cáu lên, mắng và phạt bọn mình. Có lần một bọn phải dọn nhà vệ sinh và cô ấy vẫn còn mách là “ổ ôi bọn nó dọn bẩn ghê” và cô mình lại điên lên và bọn kia thì điên nữa vì chúng nó đã dọn tử tế hết sức có thể rồi... Nhưng cho dẫu mình nhớ thậm chí cả những điều vụn vặt vậy, thì chúng chỉ gọi là gợi lên

65

cho vui. Chứ không thấy thân thương. Hình như có lẽ là tại bởi, một lần bọn mình hớn hở về trường. Và cô hiệu trưởng đi qua nói: Các anh chị này về đây làm gì? Và đó là lần cuối cùng mình ghé trường. Mình không biết cái lần đó còn làm đổ vỡ những tượng đài gì nữa, về bốn năm ô mai chanh muối, những năm mình tập toẹ viết những cuốn nhật ký đầu tiên, những năm ngồi cùng bàn bạn nào cũng thành ra thân thiết hết. Những năm đầu tiên biết mình được yêu và được ghét thế nào. * Nếu nhớ lại về thời gian ấy, điều mình cứ nhớ nhất là cảm giác buổi sáng chớm Đông. Ở nhà một đứa, nơi bọn mình học thêm, mình hay đứng nhìn mảng trời xam xám be bé lọt giữa ô nhà. Trong ánh sáng lờ mờ buổi sớm ấy, mọi thứ dường chỉ có trắng và đen. Và nếu nhớ về yêu thương, thì mình sẽ nhớ về mẩu giấy, của bạn đã tặng mình con búp bê sứ hồi xưa, viết cho mình bốn năm sau, lúc mình khóc nhè chè thiu cả buổi trong lớp. * Mình biết là trưởng thành cần nhiều “đất” hơn thơ ấu, cần cả nỗi buồn chứ không chỉ niềm vui - như bộ phim đã diễn biến rất hợp lý (đúng ý Tèo). Nhưng dù thế nào, mình vẫn muốn giữ tất cả, tất cả những chú voi Bing Bong ấu thơ mà mình có thể. Có điều là ví như bây giờ chẳng hạn, chú voi Bing Bong của mình sẽ là một cục mây bông xốp có tai màu thiên thanh, cầm cái ô là một tán cây mưa, có thể khóc ra mulled wine vào mùa Đông và mojito cho mùa Hè, chẳng hạn .


66

Lược sử về mỳ bài: hiền trang


V

ào lúc buồn gần nhất trong đời, trước mặt bạn chỉ có một chiếc hộp các tông hình vuông, màu trắng, trắng như lột da, như thể đã được tiêm một liều thuốc làm trắng, từ chiếc hộp phả ra nghi ngút khói tựa hồ hơi thở của ai đó vào một chiều Đông lạnh 15 độ, bên trong chiếc hộp là những sợi dài mảnh xoăn tít thò lò ngả vàng lấp lánh, nằm im lìm ngâm mình giữa làn nước nóng hôi hổi, nhấp nhô một vài cọng xanh bé chỉ bằng nửa đầu ngón tay, hương thơm quánh đặc như một đội quân xông lên chiếm lấy hai lỗ mũi. Vào lúc buồn gần nhất trong đời ấy, trước mặt bạn chỉ có một tô mỳ. Mỗi khi nghĩ về những năm mình đã sống, bạn cảm thấy dường như lúc nào mình cũng đang sì sụp ăn mỳ. Mày đã làm gì với cuộc đời mình vậy? Tao đã ăn mỳ, thế đấy, ăn mỳ, được không? Chẳng nhẽ không làm được điều gì hay ho hơn sao? Chắc là cũng phải làm được nhiều việc khác chứ, sống lâu thế rồi cơ mà, nhưng chẳng hiểu sao cứ nghĩ tới việc ăn mỳ thôi. Cũng như Ingmar Bergman1 bận xem phim, nghe đâu Ingmar xây hẳn một rạp chiếu bóng trong căn nhà trên đảo Faro, thi thoảng lại tổ chức chiếu phim cho bà con lối xóm tới xem cùng. Cũng như Emily Dickinson2 bận nướng bánh,

vừa làm thơ vừa nướng bánh, một mặt tờ giấy ghi chi chít công thức chế biến món bánh cốt dừa, mặt sau thì nắn nót mấy dòng thơ. Cũng như Sylvia Plath3 bận nuôi ong, rất nhiều ong, viết cả thơ về ong, tâm hồn xì xèo như một tổ ong. Vậy thì bạn bận ăn mỳ, có gì khác nhau đâu nhỉ. Cứ như bạn đã tồn tại đến ngày nay là nhờ việc sì sụp ăn mỳ. Mà kỳ lạ là người ta lúc nào cũng có thể ăn mỳ, ở đâu cũng có thể ăn mỳ: Trong cái căngtin lụp xụp của trường cấp Ba, nơi mà quanh đi quẩn lại chỉ có ba món: bánh mỳ kẹp trứng trứng được dát mỏng hơn một miếng bánh đa, xôi lạc - chỉ thấy xôi không thấy lạc, và mỳ. Trong căn bếp bừa bội của bạn, một thùng mỳ Hảo Hảo nằm chễm chệ trong góc, 50 gói mỳ cứ từng gói một đội nón ra đi. Trong một thành phố rất xa, không quen ai cả, cũng không quen món ăn nào cả, lại sục sạo nhấm nháp một gói mỳ, sao mà ngon thật là ngon, ăn xong không thèm vứt hộp vào thùng rác, leo ngay lên giường trùm chăn kín mặt ngáy khò khò; lúc nào cũng là mỳ, lúc buồn cũng như lúc vui, lúc vừa buồn vừa vui, lúc chẳng buồn chẳng vui, lúc 1/4 tâm trạng là buồn và 3/4 tâm trạng là rất buồn, lúc chẳng biết ăn gì, lúc biết phải ăn gì nhưng quá lười để thò cổ ra ngoài mua, lúc bận tối mắt tối mũi, lúc rảnh đến hết ngày nhưng không có hứng chặt chặt thái thái ướp ướp băm băm, lúc khỏe như vâm, lúc

ngọc thể bất an, cảm cúm và cần húp một cái gì đó nóng rẫy để còn xì nước mũi. * Văn hào Antole France từng để một nhân vật trong Những hung thần lên cơn khát thốt lên rằng, ối giời ơi, cứ ăn mãi hạt dẻ thế này thì có ngày biến thành người hạt dẻ mất thôi. Bạn ăn cái gì thì bạn sẽ biến thành cái đấy. Người Mexico được gọi là người ngô vì họ ăn rất nhiều ngô. Thực đơn của họ đâu đâu cũng thấy ngô. Món đặc sản của họ là bánh taco với lớp vỏ làm từ bột ngô, được rán lên vàng ươm, giòn rụm. Nếu cứ cái logic ấy mà suy thì bạn chính là người mỳ. Mà không riêng gì bạn, trên thế giới hẳn phải có rất đông người mỳ, đông đến nỗi có thể tạo nên một tập đoàn người mỳ, một thế hệ người mỳ, một thời đại người mỳ, một quốc gia mỳ, một châu lục mỳ, một tinh cầu mỳ. Nhưng người mỳ rất tham lam, một tinh cầu mỳ với họ vẫn là chưa đủ. Thế là người mỳ bay ra ngoài vũ trụ. Năm 2002, Nissan, hãng mỳ lớn nhất thế giới lên kế hoạch sản xuất ra loại mỳ có thể ăn trên tàu con thoi cho những phi hành gia nhớ nhà. Thì đấy, đến các phi hành gia còn thích món mỳ, mỳ là nhà, mỳ là cố hương, mỳ là hoài niệm, mỳ là gốc rễ, mỳ là liều thuốc định tâm, thiếu gì cũng được nhưng không thể thiếu mỳ.

67


68

Sau ba năm làm đủ mọi loại nghiên cứu, thí nghiệm, rót cái này vào cái kia, loại mỳ không trọng lực cuối cùng trở thành hiện thực. “Cup Noodle No Border” - mỳ gói không biên giới là tên chiến dịch quảng cáo mỳ trên trạm không gian quốc tế. Và bây giờ chúng ta có cả vũ trụ mỳ. Không phải thú vị lắm sau, khi ở ngoài không gian, một phi hành gia đang bay lơ lửng, lướt qua Mặt Trăng to tổ tướng, nhìn thấy cả Vạn Lý Trường Thành bé tẹo teo ngoằn ngoèo như một con giun đất, vừa ngắm vừa sùm sụp ăn mỳ, và ở đây, trên mặt đất này, bạn đang ngồi trong xó nhà, đầu bù tóc rối về một đống sin cos tang cotang gì gì có chúa mới hiểu nổi, bên cạnh cũng là một bát mỳ chan nước chưa sôi hẳn, dai nhanh nhách như cao su buna, vừa ăn bạn vừa ước giá có ai đưa mình đi thật xa thì hay biết mấy, thật xa khỏi cái Trái Đất tội nợ này và đống công thức loằng ngoằng này, thật xa khỏi cái đời sống tù túng ngột ngạt phức tạp thích làm tình làm tội con người này. Rồi bạn ước giá được lên cung trăng. Bạn đâu có hay trên cung trăng người ta cũng đang ăn mỳ gói. Đấy, cho nên là đời ở đâu cũng như nhau cả thôi, nhưng khi ở cách nhà mấy triệu triệu kilomet, bạn mới thấy trân trọng mỳ gói. Bao giờ cũng vậy, cứ đi rồi mới nhớ. *

Khi trời quá nóng hoặc quá lạnh, tâm hồn nghèo nàn như mỳ. Chẳng có tí dinh dưỡng gì, chẳng bổ béo gì, chỉ lấp đầy dạ dày rồi loáng cái trôi tuột ra ruột, không để lại vết tích nào trừ một cái mụn ngay giữa trán, trông y như cô dâu 8 tuổi. Khi trời quá nóng hoặc quá lạnh, không ai muốn nhón tay nấu nướng hết, lại ăn mỳ. Ăn mỳ thì dạ dày cằn cỗi. Dạ dày cằn cỗi thì tâm hồn héo hon, tâm hồn héo hon thì văn chương tắc tị. Tóm lại cũng chỉ vì thời tiết mà không viết được cái gì ra hồn. Ông nhà văn Márai Sándor kết luận: “Trong cái lạnh 20 độ âm này thì Goethe cũng vô nghĩa như chàng Byron nhiệt huyết hay Rostand bay bổng. Nhiệt độ của văn chương là 18 độ C. Dưới và trên nhiệt độ ấy chẳng ai thực sự cần đến nó.” Đổ lỗi cho thời tiết xong, an tâm cặm cụi bóc một gói mỳ màu hồng chóe lọe, bao bì là một cái bát xanh sứ to ngồn ngộn nào mỳ, nào tôm (hai con tôm), nào rau thơm, nào cải cúc, nào hành, nào cà chua, nào chanh, nào ớt, nhìn đã muốn no con mắt, xé được bao bì, thò tay vào lấy ra miếng mỳ vuông vức cứng đơ, bỏ vào bát, bỏ ra gói mỡ và gói gia vị, rồi róc róc cái bao xuống để lấy vụn mì cho khỏi phí, chứ sao nữa, bên châu Phi trẻ con đang chết đói kia kìa, phải biết quý trọng đồ ăn thức uống biết chưa, xong đâu đấy thì cắt gói gia vị và gói mỡ, gói gia vị

dốc ngược xuống mỳ, gói mỡ thì vứt luôn cả gói vào trong, rồi lấy phích nước sôi sùng sục rót rà nửa bát và tìm một cái đĩa úp lên. Xong, giờ chỉ còn việc thong thả ngồi đợi mỳ chín tới nơi là ăn. Làm gì trong lúc đợi? Dù sao, thời gian là vàng bạc, không nên để thời gian trôi qua vô ích. Trong 5 phút đợi mỳ, khoa học chứng minh bạn có thể làm rất nhiều thứ có ích chẳng hạn như: Uống một ly nước, hoặc trả lời tin nhắn cái đứa hôm qua bạn trót seen không rep và bây giờ bạn thấy có lỗi với nó quá chừng, hoặc có ích hơn nữa, đọc một bài viết 2.000 từ về món doner kebab ở Thổ Nhĩ Kỳ do Orhan Pamuk chắp bút trên The New Yorker, hoặc là giở tập thơ của Lang Leav ra ngâm nga rồi tự máy mó dịch sang tiếng Việt: Như thời gian ngừng trôi Vết thương không khỏi Anh và tôi Chúng ta không chia đôi Không lời tạm biệt Rồi cả cuộc đời Vẫn hỏi tại sao thôi. Hoặc là đi thay lọ hoa đi, lọ hoa để 2 tuần rồi đấy, hoa héo hết cả kia kìa, còn nước chỉ tổ nuôi muỗi chứ làm gì, hoặc đơn giản hơn cả, ngồi xuống, nhắm mắt lại, đừng nghĩ chi hết, chỉ nghe, chỉ nghe, nghe tất cả những âm thanh đang vang lên xung quanh mình.


69


70


Nào nào, nghe thấy gì đây, bên trái, cái quạt đồng nát từ đời cụ nội đang kêu vo vo, thi thoảng khực một cái. Chà, cái quạt phải 20 năm rồi mà mẹ cứ tiếc mãi không vứt, à không, không được suy nghĩ, chỉ nghe cơ mà. Bên phải, bên phải không có âm thanh nào hết. Ngoài kia, một cái xe đang đi qua, roẹt, phóng nhanh quá, ai đó đang huýt sáo, huýt sáo cái bài nghe quen lắm, chúng nó hay mở mà mình chẳng nhớ tên, chết thật, mình lạc hậu quá rồi, cứ suốt ngày mở Ella Fitzgerald mấy lại Louis Armstrong thì làm sao theo kịp thời đại. Nhưng chuyện đó để lúc khác, giờ phải tiếp tục nghe, tiếng trẻ con khóc, sợ nhất là trẻ con khóc, im cho người ta làm việc chứ, ai mua cam nàooooooo, lại cô bán cam, hôm qua lừa mình mua một cân, bảo là ngọt lắm, ngọt cái chết tiệt, chua loét loèn loẹt ra, mất 60K lận, phải ra nói chuyện phải trái thôi. Liền đó mở mắt chạy ra mở cửa đã thấy cô bán cam đi mất hút. Lẳng lặng quay lại, nhấc đĩa lên xem bát mỳ đã chín chưa, chín nẫu ra rồi, chẹp, lẽ ra không nên ngâm lâu thế, ngâm lâu thế đến người còn chín nữa là mỳ. Nhưng dẫu sao đã nấu ra cũng vẫn phải ăn. Và ăn. Húp. Ăn. Húp. Ăn. Ăn được một nửa, tự hỏi tại sao bát mỳ lõng bõng chả giống quảng cáo nhỉ, chả thấy rau đâu tôm đâu, đúng là giả dối. Thế giới giả dối, cái hãng mỳ nó cũng giả dối. Thây kệ, cứ ăn đã.

* Mankind is noodlekind, loài người là loài mỳ, ông tổ của món mỳ gói từng phát ngôn như vậy. Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, nước Nhật thua cuộc, hàng ngàn người chết vì đói. Ai đã từng xem Mộ đom đóm của đạo diễn Isao Katahata làm sao mà quên được cảnh cô em gái nhặt từng cục đất lên bỏ vào mồm. Isao cũng chẳng hề hư cấu. Hòa bình chỉ tới khi con người đủ ăn thôi, Momofuko Ando nghĩ vậy. Momofuko Ando, một người đàn ông đã gần 50 tuổi, đã từng phá sản trong thời kỳ nền kinh tế nước Nhật sụp đổ, giờ đang kinh doanh muối. Tháng 8 năm 1958, lần đầu tiên Ando cho ra mắt cái mà ngày nay gọi là “mỳ ăn liền”, hương vị gà, tuy nhiên giá thành khá cao khiến nó bị coi là loại thực phẩm xa xỉ chỉ dành cho người dư dả. Phải tới hơn 10 năm sau, năm 1971, loại mỳ ăn liền đóng hộp giá vài xu mới được Ando chế tạo. Chẳng mấy chốc, mỳ trở thành một đế chế hùng cường, đâu đâu cũng có mỳ, mỳ thống trị thế giới, ở khắp nơi người ta thấy những người cầm hộp mỳ trên tay, cầm đũa hoặc dĩa kéo lên từng sợi: trên tàu, trên ga, trong công viên, bên vỉa hè, nam ăn, nữ ăn, già ăn, trẻ ăn, học sinh ăn, công chức ăn, nghèo ăn, giàu cũng ăn. Không biết có ai thực sự

nghiện cái vị công nghiệp dây chuyền của mỳ gói hay không, nhưng mọi người vẫn ăn mỳ. Mỳ thuần hóa người. * Người ta vẫn nói, mỳ ăn liền là dầu mỏ. Tại sao ấy à? Vì mỳ trước khi đóng hộp được chiên qua những chảo dầu ngập ngụa nhây nhỡn, những chảo dầu ấy lại được tinh chế từ chính dầu mỏ. Tức, dầu chiên mỳ là anh em họ hàng của xăng đổ vào xe máy bạn vẫn phóng veo veo hằng ngày. (Ôi, chúng ta tiến hóa mấy triệu năm để tách khỏi con vượn, thế mà chỉ để tiến gần hơn đến cái xe máy! Có phải chúng ta đã tiến hóa một cách vô ích rồi chăng?) Nhưng người ta chẳng biết rằng, thực ra thì mọi thứ đều là dầu mỏ. Lợn, bò, gà công nghiệp ăn ngũ cốc. Ngũ cốc làm từ ngô. Ngô được bón bằng phân hóa học. Mà phân hóa học làm từ dầu mỏ. Ở Mỹ, tính toán cho thấy để nuôi một con bò đến tuổi trưởng thành phải tiêu hao tới 136 lít dầu, gần bằng một thùng dầu! Biết rằng số phận nó đã như thế, bạn lại lầm lũi trở về nhà, lấy ra một gói mỳ màu hồng chóe lọe, bóc ra, rót nước sôi vào, úp đĩa lên, lắng nghe âm thanh đường phố chút chút, nhấc đĩa ra, và cắm mặt ăn. Bỏ qua chuyện dầu mỏ đi, dù sao thì mỳ gói cũng ngon thật.

71


72

Bưu thiếp cũ bài: việt anh


T

rong số bưu thiếp cũ tôi còn giữ trong hộc bàn, có một tấm được mua ở Huế, do một người bạn tặng từ hồi cấp Hai. Trên đó là ảnh chụp họa tiết trang trí hình hoa trên bức tường bằng gốm thủy tinh ở lăng vua Khải Định. Chắc bạn biết tôi thích hội họa và những thứ đẹp đẽ nên đã tặng tôi tấm hình ấy. Mặt sau bưu thiếp có dòng chữ nghiêng, với nét vuông vuông không lẫn vào đâu được: “Tặng người bạn ấu thơ của tôi.” Bạn ấy đã cùng tôi lớn lên trong ngõ nhỏ, đi qua mười hai năm học đầy buồn vui của tuổi học trò. Chỉ là, giờ đây chúng tôi không còn liên lạc với nhau nữa. Chỉ là, bạn và tôi đã dừng hẳn việc nhắn tin, gọi điện và ghé nhà nhau chơi, dù chúng tôi cùng sống trong một thành phố nhỏ. Khi không còn muốn chạm mặt nhau và kể lể đủ thứ chuyện nữa thì dù chỉ là mấy bước chân cũng như đại dương không

vượt qua nổi. Không có những hiểu lầm ầm ĩ, những trận cãi vã bốc khói, chúng tôi chỉ dần lớn lên thôi, theo từng cách riêng biệt, về từng hướng khác nhau, và không còn muốn hiểu cho nhau nữa.

một mùa Hè của tuổi thơ cố chui đến tưởng bẹp cả đầu qua song cửa để sang nhà bạn chơi. Hai đứa con gái bày đủ trò từ bác sĩ, đồ hàng, cô giáo, đến chán lại lôi mấy tập truyện cũ mèm ra đọc.

Một ngày Đông, tôi nổi hứng đạp xe rong ruổi cùng chị họ. Thành phố tôi sống bé xíu vậy thôi, góc nào cũng có thể gợi lên những kỉ niệm từ thời xưa bé. “Nhà tớ từng ở trong ngõ này đấy”, tôi bảo chị, chỉ vào cái ngõ hun hút nằm cạnh Cung thiếu nhi. Sau nhiều năm kể từ khi chuyển nhà đi, tôi mới lại quay về nơi có bức tường xám xịt đầy rêu cạnh con đường ngoằn ngoèo đó. Nhà cũ của tôi vẫn chẳng khác gì ngày tôi rời đi hồi lớp một. Cánh cổng xanh với nan sắt mảnh vẫn còn nguyên ở đó. Nhà bạn tôi nằm ngay cạnh cũng vậy, không thay đổi gì. Dường như thời gian đã ngưng lại ở ngõ nhỏ này, ngưng lại cả bầu trời xanh tôi vẫn hay ngước nhìn bằng đôi mắt của đứa trẻ sáu tuổi.

Chỉ là tôi không còn đỗ xe trước cửa nhà bạn và bấm chuông gọi bạn đi học, khi chúng tôi đã vào cấp Hai, và gia đình tôi đã chuyển đi chỗ khác. Ngày Noel năm lớp Chín, giỏ xe tôi chở đầy quà tôi và bạn mang tặng mọi người và được mọi người tặng. Chiếc xe màu đỏ nghiêng ngả dưới tài lèo lái của tôi. Bầu trời nhìn từ ngõ nhỏ thật yên bình, cả một không gian im ắng phủ giữa những bức tường rêu, chỉ còn tiếng cười, tiếng nói không dứt của tôi và bạn.

Chỉ là tôi không còn

Tôi cũng không còn là con bé chạy ào qua nhà bạn sau những buổi học đầu tiên của năm lớp Mười, khi chúng tôi đã nhập học tại hai trường cấp Ba khác nhau. Áo vẫn còn thấm mồ hôi dưới nắng mùa Hè, tôi bước vào nhà bạn mát

73


74

lạnh và chợt nhận ra bạn thật khác trong mái tóc ép mượt, chiếc áo phông xanh có dải ruy băng vắt chéo. Không còn tóc xù bông nữa, bạn trông lớn và xinh đẹp hơn hẳn. Lúc ấy bạn cùng chị gái đang tất bật xếp đồ chuẩn bị cho chuyến đi du học của chị ở Đài Loan. Tôi tự hỏi, nếu một ngày nào đó bạn cũng đi du học thì sao nhỉ? Chúng tôi có tiệc chia tay không? Bạn sẽ nhớ đến tôi chứ, sẽ email cho tôi chứ? Lúc đó tôi không hề biết được rằng, dù bạn không đi du học thì cũng sẽ đến lúc chúng tôi không còn muốn gặp nhau nữa. Hóa ra người ta vẫn có thể xa nhau chẳng vì lý do nào thật sự cụ thể. Chẳng có tiệc chia tay nào cho tình

bạn của chúng tôi. Chỉ có một buổi chiều Đông nắng rực rỡ và những tin nhắn nhẹ tênh như lời kết thúc. Ngắm nghía ngôi nhà cũ một lúc, tôi và chị họ quay xe trở ra. Bác hàng xóm năm nào vẫn ở đây, đáp lại lời chào của tôi với vẻ mặt ngơ ngác. Tạm biệt kí ức, tôi quay về với thực tại của tôi. Tôi có trách bạn vì đã để lạc mất tình bạn của chúng tôi không? Tôi từng buồn và trách bạn rất nhiều vì tôi nuối tiếc năm tháng niên thiếu cùng nhau lớn lên, cùng cười vì những câu chuyện ngốc nghếch, khóc vì những nỗi buồn hồi ấy to lớn như siêu trăng. Nhưng tôi biết ở một ngôi nhà khác, bạn cũng

đang sống với thực tại của chính mình, và cũng đang cố gắng từng ngày trong vũ trụ nhỏ của riêng bạn. Chúng tôi đã có quyết định riêng, và không ai là người có lỗi. Với tôi, bạn vẫn luôn là cô gái xinh xắn, hiền lành đã từng tặng tôi bưu thiếp Huế, từng cùng tôi ăn bánh bao chiên ở cổng Cung thiếu nhi, từng xem tranh tôi vẽ và nấu cho tôi mì xào bắp cải, từng sáng sớm mùa hè qua nhà rủ tôi tôi bơi, ngụp lặn trong làn nước xanh ngắt. Những kỉ niệm đẹp cũng như tấm bưu thiếp cũ, vẫn luôn ở đó và không ai có thể tước đi khỏi tay tôi, vẫn làm tôi cười mỗi khi nhớ lại những ngày xưa cũ. Và có lẽ, như vậy là đủ rồi.


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.