Dreaming #7

Page 1

issue VII - april 2017

photo: qanbi

Dreaming

summer


38

Những căn nhà không phải của chúng ta bài: hiền trang


1

Năm 6 tuổi, gia đình tôi chuyển từ nhà cũ sang nhà mới. Phải đến 18 năm sau, tức là khi nhà mới cũng đã cũ, tôi mới về thăm lại căn nhà đầu tiên của mình. Không cần phải nói, cái nhà giờ đã là một cái nhà khác, màu sơn khác, cánh cửa khác, trang trí khác, và thuộc về những người khác. Tôi nhớ trong truyện ngắn Cái kén đỏ của Kobo Abe, một người đàn ông lang thang gõ cửa một căn nhà trên phố, khi chủ nhà ra mở cửa, anh liền hỏi bà: - Thưa bà, đây có phải nhà của tôi không? - Không, anh bạn ạ, đây không phải nhà của anh. - Tại sao lại không phải là nhà của tôi chứ? - Vì nó là nhà của tôi mà. - Tại sao nó có thể là nhà của bà mà không thể là nhà của tôi? - anh hỏi. Và có lẽ hỏi cũng chỉ để mà hỏi.

Anh phải biết rằng thế gian có rất nhiều căn nhà, phần lớn đều không phải nhà của chúng ta. Một vài căn nhà ngay từ đầu đã chẳng liên quan gì tới chúng ta, một vài căn nhà đã từng là gì đó nhưng sau lại không là gì cả. Cũng như mối quan hệ giữa người với người vậy, anh không thể quen biết cả 7 tỉ người, anh sẽ chỉ quen độ vài trăm người thôi, trong độ vài trăm người ấy, anh sẽ chỉ yêu có 2 người, một người bỏ anh mà đi, một người anh bỏ họ mà đi. Cho nên, tôi mường tượng khi chủ mới của căn nhà cũ hỏi tôi rằng vì sao tôi cứ quanh quẩn ở đây, tôi là gì của căn nhà này, thì tôi cũng không biết mình nên trả lời sao mới phải. Tôi là gì? Là gì nhỉ? Tôi đã từng ở trong căn nhà này ư? Điều đó quan trọng không khi mà giờ đây nó đã không còn là nhà tôi nữa? Chà chà, những thứ trên đời, mới ngày nào còn thuộc về ta đó, đùng một cái, đối với ta đã là xa lạ.

2 hiểu được.

Nếu tôi nói, mỗi căn nhà có một tâm hồn, liệu bạn có tin không? Và chưa hết đâu, cái tâm hồn ấy, bạn còn chẳng bao giờ

Chuyện kể rằng có một anh chàng ngày ngày đi dán những tờ quảng cáo lên cửa những ngôi nhà trong thành phố. Dán xong, ngày hôm sau, anh quay lại, xem ngôi nhà nào mà tờ quảng cáo vẫn chưa được gỡ ra thì chứng tỏ chủ nhà đi vắng. Vậy là, anh liền phá khóa và ở lì trong đó cho đến khi gia chủ trở về mới trốn đi1. Bề ngoài căn nhà nào cũng đóng kín, yên bình, tĩnh tại, thế mà ai biết đâu phía sau cánh cửa có biết bao bí mật không thể nói, hệt như những con người lặng lẽ hối hả ngoài kia, họ bước vào tiệm bánh mỳ, mua một chiếc sandwich, rồi vừa đi vừa ngấu nghiến ăn, rồi họ sang đường, vào một tiệm tạp hóa, mua một

39


40

cây bút, một tập giấy ăn, một chai nước lọc, họ ăn những món giống nhau, đi những con đường giống nhau, khi mất chứng minh thư, họ đều phải vào cùng một cơ quan hành chính, vậy nhưng, có ai biết sau tất cả những thứ đó, họ là ai, họ là gì, họ đang vui hay buồn, họ hạnh phúc hay cô độc? Thật đấy, những căn nhà là con người, nơi những chậu cây xanh là trái tim, bếp là dạ dày, chiếc máy giặt là cánh tay, mái nhà là tóc, cái giường là lưng, tủ sách là bộ não, ống nước chằng chịt là mạch máu chạy dọc ngang khắp cơ thể, và cửa sổ là đôi mắt. Thế nên mới có chuyện cái nhà của anh cảnh sát 633 trong bộ phim Trùng Khánh sâm lâm biết khóc. Nước mắt nó tuôn xối xả như

một cơn mưa rào, 633 cứ lau hoài, lau hoài mà nước mắt cứ rỉ ra, từng giọt từng giọt. 633 không biết vì sao cái nhà lại khóc. Anh còn chẳng biết mỗi khi anh đi vắng đều sẽ có một cô gái ở quán ăn nhanh lẻn vào nhà anh và lục tung đồ đạc. Paul Auster trong cuốn Khởi sinh của cô độc từng viết rằng, ngôi nhà là sự ẩn dụ cho cuộc đời gia chủ, nó là “sự phơi bày chính xác và trung thành cho thế giới nội tâm” của người sống trong đó. 663, anh nghe cho kỹ đấy, cái nhà đâu chỉ là cái nhà, nào có đơn giản như vậy! Cái nhà là tâm hồn, là tâm hồn anh nghe không? Anh để người ta chui vào tâm hồn của anh, đào xới mọi ngóc ngách trong đó,

cầm lên mọi bí mật, nhìn vào mọi quá khứ, quét dọn mọi góc khuất, vậy mà anh không hề hay biết, anh không biết gì hết. Anh không biết gì về chính mình, về cuộc đời mình, về việc tại sao bỗng nhiên tâm hồn mình rơi nước mắt. Cứ như thể nó là tâm hồn của cái người quái quỷ nào ngoài kia chứ không phải tâm hồn của anh. Nếu không sao anh cứ thờ ơ mãi thế? Nếu như ước cho người đừng thờ ơ với người là một điều xa xỉ, thế thì tôi chỉ ước sao cho người ta đừng thờ ơ với chính mình thêm nữa. Bỏ rơi bản thân, xét cho cùng, có gì hay ho nào.


3

Lại có một cái nhà, lần này có ba người cùng ở. Cái nhà ấy là của một cô gái, sau đó lần lượt có hai người đàn ông đột nhập vào lúc cô đi vắng. Cô cứ ở. Họ cứ ở. Cô không hề biết đến sự tồn tại của họ2. Cùng cái giường này, một người leo lên ngủ. Rồi người thứ hai cũng leo lên. Và đến người thứ ba cũng leo lên nốt. Những người cô đơn ở đâu cũng có, thậm chí có rất nhiều, nhiều nhan nhản, vơ tay ra là vốc được một nắm. Ấy thế mà, có vứt họ vào cùng một chỗ, họ vẫn cứ cô đơn. Lỗi đâu phải tại khoảng cách xa xôi. Cùng dưới một mái nhà đấy thôi, mà những mảnh ghép đời đời không vừa khít. Trách ai?

4

Trách ai đã tạo ra chúng ta như thế.

Năm 6 tuổi, gia đình tôi chuyển từ nhà cũ sang nhà mới. Nhà mới của chúng tôi nằm sát cạnh nhà chú tôi. Con gái chú, cũng là em họ của tôi, tên là Cún. Tôi và Cún chỉ hơn kém nhau một tuổi. Rất khó nói chúng tôi có hợp nhau hay không, chúng tôi có giống nhau hay không, nhưng khi bạn đã chia sẻ một đoạn đời dài như thế với một người, việc hợp nhau hay không bỗng dưng chẳng có gì quan trọng. Bạn chỉ biết rằng, bạn và người đó được buộc lại bằng một sợi dây.

Hồi đó, trời Hà Nội còn nhìn thấy sao. Tối nào chúng tôi cũng mò lên ngắm sao, chúng tôi có cả một bản đồ các chòm sao nữa, dẫu rằng chẳng ai trong hai chúng tôi biết cách đọc tấm bản đồ. 8 tuổi, chúng tôi cùng nhau chơi búp bê. 10 tuổi, chúng tôi cùng nhau đọc sách về sinh vật học. 12 tuổi, chúng tôi đọc Lược sử thời gian, nghĩ rằng một ngày kia mình cũng sẽ nghiên cứu bầu trời, lỗ đen, vũ trụ. Tất cả đều diễn ra trên hai cái gác thượng nóng như bỏ lò của hai căn nhà sát vách. 14 tuổi, chúng tôi cùng tập đi xe đạp, ngày ngày đều đạp xe quanh khu phố, chỉ đạp suốt mấy tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ, cũng có khi nói rất nhiều chuyện, cũng có khi chẳng nói chuyện gì. 15 tuổi, chúng tôi là bạn thân nhất của nhau. 16 tuổi, chúng tôi xa nhau. Gia đình chú tôi chuyển sang Canada sống. Đó là một chuyện đã được lên kế hoạch từ lâu. Mọi chuyện sẽ luôn tốt đẹp cho đến lúc nó không còn tốt đẹp nữa. Có phải trong một bộ phim nào đó đã từng nói như vậy? Mấy năm trước, chú tôi bán đi căn nhà ở Hà Nội. Người ta đến, cái gì cho được họ đem cho, cái gì bán được họ đem bán, cái gì vứt được họ đem vứt, cái gì không cho được, không bán được, không vứt được thì họ đóng gói lại. Họ lấy mọi thứ ra, lôi chúng xuống, xếp vào từng thùng các tông màu vàng: Sách, rất nhiều sách, rất nhiều đĩa phim, đĩa nhạc, những món đồ trang trí, thú bông, những chiếc tượng sứ hình các con thú, album ảnh, khung ảnh,... Rồi họ lấy băng dính dán kín những chiếc thùng, nhốt chặt

bao nhiêu là ký ức đang giãy giụa bên trong. Bên trong thùng các tông tối đen. Bên trong thùng các tông không có không khí.

5

Bị lèn chặt như thế, ký ức, tôi sợ rằng, sẽ ngạt thở mất.

Hai căn nhà sát vách ngày nào, giờ vẫn là hai căn nhà sát vách đấy, nhưng làm sao tôi còn có thể, vào một chiều nóng đổ lửa, trèo qua lan can bên ấy, mà có trèo qua được, cũng làm gì còn có ai đợi chờ tôi để nói về chuyện của các vì sao? Đó không phải chuyện cái nhà. Đó là chuyện tâm hồn. Vẫn là một căn nhà. Không còn là tâm hồn ngày xưa. Không để làm gì cả. Hồi nào, ngồi đọc Đến ngọn hải đăng của Virginia Woolf, đoạn bà Ramsay rời khỏi buổi tiệc do chính tay bà tổ chức trong ngôi nhà của mình, bà đứng ở ngưỡng cửa, quay đầu nhìn lại những vị khách vẫn đang vui vẻ, bà biết sau vai bà, chính là quá khứ. Sẽ không còn nữa, bà chết đi và không còn bữa tiệc nào cả. Căn nhà chỉ là căn nhà như nó vốn vậy vào đêm ấy, dưới vầng Trăng ấy, dưới ngọn gió ấy, dưới tay bà Ramsay, và những con người ấy, vào thời điểm ấy. Còn sau đó ư? Không có sau đó. 1

Phim 3-iron, đạo diễn Kim Ki-duk

2

Phim Vive l’amour, đạo diễn Thái Minh

Lượng

41


42

Khi mọi điều đều không ổn... bài: thục hân

Có ai đó nói rằng hạnh phúc không phải là một cuộc sống không có vấn đề, mà là khả năng đối diện và xử lý những vấn đề đó. Hãy luôn nhìn vào những gì bạn có, thay vì những gì bạn đã bị mất. Bởi vì điều quan trọng không phải là thế giới này đã lấy đi của bạn thứ gì; mà là bạn làm gì với những thứ bạn còn lại.


43

Và đây là những ý nghĩ có thể giúp bạn khi bạn cần chúng nhất - hãy nhớ đến chúng, hoặc đọc chúng, khi bạn cảm thấy dường như tất cả mọi việc trong cuộc sống của mình đều không ổn, dường như thế giới của bạn đang vỡ vụn thành từng mảnh nhỏ…

1. Nỗi đau là một phần của quá trình lớn lên

2. Tất cả mọi điều trong cuộc sống đều là tạm thời Mỗi lần trời mưa, trời sẽ tạnh. Mỗi lần bạn bị tổn thương, bạn đều hồi phục. Sau bóng tối thì luôn là ánh sáng - bạn vẫn được nhắc nhở về điều đó mỗi sớm mai đấy thôi, chỉ là bạn hay quên đi, và đôi khi lại tin rằng bóng tối sẽ kéo dài mãi. Không, chẳng có gì là kéo dài mãi cả.

Đôi khi cuộc sống đóng một cánh cửa lại bởi đó là lúc bạn đi tiếp. Và đó là điều tốt vì thường thì chúng ta không chịu đi trừ phi bị ép buộc. Khi bạn gặp khó khăn, hãy tự nhắc mình rằng không nỗi đau nào là vô ích. Bạn hãy tìm lấy bài học của mình từ đó. Mọi thành công đều đòi hỏi một cuộc chiến vất vả nào đó để đến được đích. Hãy cứ kiên nhẫn và nghĩ tích cực. Mọi thứ sẽ ổn, có thể không phải là ngay lập tức, nhưng đến cuối cùng thì sẽ ổn.

Vậy, nếu giờ đây mọi việc đều đang ổn, hãy tận hưởng, bởi nó sẽ không kéo dài mãi như thế đâu. Còn nếu mọi việc đang rất tệ, cũng đừng lo, vì nó cũng sẽ chẳng kéo dài mãi. Mỗi khoảnh khắc đều có thể là một khởi đầu mới và một kết thúc mới. Mỗi giây phút, bạn đều có cơ hội thứ hai. Bạn chỉ cần cố gắng hết sức mà thôi.

Có hai kiểu nỗi đau: Nỗi đau khiến bạn tổn thương và nỗi đau khiến bạn thay đổi. Bạn sẽ gặp cả hai kiểu nỗi đau này trong cuộc sống, và cả hai loại đều sẽ giúp bạn trưởng thành.

Những người than phiền nhiều nhất thì đạt được ít nhất. Thà là cố làm điều gì đó thật tuyệt, rồi thất bại; còn hơn là chẳng cố làm gì cả - rồi thành công trong việc… chẳng làm gì. Nếu bạn

3. Lo lắng và than phiền chẳng giúp thay đổi được gì

tin tưởng vào một điều gì đó, hãy cứ cố gắng. Dành cả ngày hôm nay để than phiền về ngày hôm qua sẽ chẳng khiến cho ngày mai tươi sáng hơn. Thay vì thế, hãy hành động. Và dù chuyện gì xảy ra, hãy nhớ rằng hạnh phúc sẽ đến khi bạn ngừng than vãn về các vấn đề của mình và bắt đầu biết ơn vì những gì mình đang có.

4. Những vết sẹo tượng trưng cho sức mạnh Đừng bao giờ xấu hổ về những vết sẹo mà cuộc sống đã đem đến cho bạn. Một vết sẹo có nghĩa là nỗi đau đã qua và vết thương đã khép lại. Nó có nghĩa là bạn đã chiến thắng, đã học một bài học, đã mạnh mẽ hơn, và đã đi tiếp. Đừng để những vết sẹo khiến bạn sống trong lo sợ, bởi bạn không thể khiến chúng biến mất, mà chỉ có thể thay đổi cách mình nhìn chúng.

5. Mỗi nỗ lực nhỏ là một bước tiến về phía trước Trong cuộc sống, sự kiên nhẫn


44

không phải là vấn đề chờ đợi, mà là khả năng luôn giữ thái độ tích cực trong khi chăm chỉ bước về phía những mơ ước của mình. Vậy nếu bạn định cố gắng vì điều gì đó, hãy dành thời gian cho nó và hãy tập trung. Điều này có thể có nghĩa là bạn thấy mất ổn định và bất tiện trong một thời gian, thậm chí khiến suy nghĩ của bạn cũng lung lay. Từ việc không được ăn thứ gì, hay phải ngủ lúc nào, đến việc phải bước ra khỏi vùng quen thuộc ra sao, phải hy sinh cả một mối quan hệ… Nếu bạn quyết tâm vì một mục tiêu, hãy cứ cố gắng đi. Để rồi, càng bước đi, bạn sẽ thấy càng dễ dàng hơn, và đến khi nhìn lại, bạn sẽ thấy mọi nỗ lực của mình là xứng đáng.

6. Vấn đề của người khác không phải là vấn đề của bạn Hãy cứ tích cực dù sự tiêu cực ở quanh bạn. Đừng để sự cay nghiệt hoặc chua chát của người khác thay đổi con người bạn. Đừng coi cái gì cũng là lỗi tại mình. Hiếm khi người khác làm việc này việc kia bởi vì bạn. Họ làm việc này việc kia bởi vì họ. Hơn nữa, đừng bao giờ thay đổi chỉ để gây ấn tượng với người nào đó nói rằng bạn không đủ tốt. Hãy thay đổi chỉ vì bạn có thể trở thành một con người tốt hơn. Sẽ có người không hài lòng dù bạn làm gì hoặc làm tốt đến đâu. Nên hãy

quan tâm đến bản thân mình thay vì lo lắng rằng người khác nghĩ gì. Nếu bạn tin tưởng mãnh liệt vào điều gì đó, hãy dốc sức vì nó. Sức mạnh đến từ việc vượt qua những gì người khác cho rằng không thể. Và dù sao, chúng ta chỉ sống có một lần. Nên hãy làm những gì khiến bạn hạnh phúc và hãy ở bên những người nào khiến bạn mỉm cười.

7. Điều tốt nhất bạn có thể làm là cứ tiếp tục Đừng sợ làm lại - cố lần nữa, yêu thương lần nữa, sống lần nữa, ước mơ lần nữa… Đừng để một bài học khó khăn khiến trái tim bạn khô cứng. Những bài học tốt nhất của cuộc sống thường được học vào những thời điểm tệ nhất, từ những sai lầm lớn nhất. Sẽ có những lúc dường như thứ gì cũng không ổn, dường như bạn sẽ mắc kẹt mãi mãi, nhưng không phải đâu. Khi bạn muốn bỏ cuộc, hãy nhớ rằng đôi khi mọi thứ phải rất bất ổn trước khi chúng có thể ổn. Đôi khi bạn sẽ phải đi qua những nơi tệ nhất, để đến được nơi tốt nhất. Đúng, cuộc sống rất khó khăn, nhưng bạn thì rất mạnh mẽ. Hãy tìm sức mạnh để mỉm cười mỗi ngày. Đừng căng thẳng vì những gì bạn không thể thay đổi. Hãy cứ sống đơn giản. Hãy cứ yêu thương thật nhiều. Hãy cứ nói lời trung thực. Hãy cứ làm việc chăm chỉ. Và hãy cứ tiếp tục bước đi.


45

Châu Bùi Cái đẹp để chinh phục bài: fino kim

Nổi tiếng bởi những bức ảnh đẹp lung linh, gu thời trang chất lừ và đặc biệt là thần thái nổi bật giữa những gương mặt hotgirl khác. Nhưng đích đến của Châu Bùi không phải là một người mẫu, fashionista hay stylist, những con đường đã trải đầy hoa hồng với cô hiện tại. Châu Bùi có một giấc mơ khác, và cô chẳng ngại khó để thử.


46

Khó để không gọi Châu là hotgirl, thậm chí cô còn có danh xưng “hotgirl quyến rũ đình đám nhất Hà thành”, vì rõ ràng Châu đẹp. Không chỉ có một gương mặt không góc chết, điều làm Châu Bùi nổi bật là thần thái. Khác với các hotgirl có vẻ đẹp ngọt ngào, mong manh, Châu Bùi đẹp khỏe khoắn, có phần nổi loạn - một vẻ đẹp rất thời thượng. Phong cách ăn mặc của cô cũng phá cách, thú vị, không rập khuôn và nâng cấp theo từng ngày. Có một chuyện về Châu Bùi mà đa số những ai yêu mến hoặc tò mò về cô đều biết. Đó là ngày trước, Châu Bùi chỉ nặng có 39 kg. Với chiều cao 1m60, Châu Bùi khi đó chỉ là một cô nhóc hạt tiêu chứ chưa phải là một hotgirl thần thái như bây giờ. Hình ảnh Châu Bùi khỏe khoắn, quyến rũ của hiện tại là kết quả của những ngày tháng miệt mài ở phòng tập gym. Đối với Châu Bùi, nhan sắc không chỉ là món quà tự nhiên, nó còn là kết quả của nỗ lực và rèn luyện. Và dù phủ sóng khắp mạng xã hội và các trang mạng, hình ảnh Châu Bùi mỗi lần xuất hiện vẫn luôn gây ngạc nhiên. Bởi với cô, đẹp chưa bao giờ là mục tiêu. Luôn biến hóa với vẻ bề ngoài của mình, nhan sắc chỉ là công cụ để cô chinh phục những ước mơ thực sự. Có một chuyện gần đây về Châu Bùi ít ai biết. Xinh đẹp, có gu ăn mặc, con đường trở thành người mẫu ảnh, stylist đã mở ra trước mắt với khả năng thành công rất cao. Vậy mà cô không chọn. Châu đăng kí thi The Face, hai ngày trước khi vòng thi online khép lại, một quyết định đúng như cô tự nhận trên Facebook cá nhân của mình: “Điên”. Nhưng tên cô vừa xuất hiện trong danh sách thí sinh The Face Online thì

đã tạo nên một cơn bão nhỏ. Rất nhiều người tỏ ra vui mừng khi thấy tên Châu, vui như chính họ đi thi, vì đối với họ, chẳng còn gương mặt mới nào thích hợp hơn cô để xuất hiện trong The Face. Chỉ trong vài giờ cô vọt lên top đầu bình chọn. Nhưng cũng “điên” như khi đột ngột ghi danh, Châu Bùi rút khỏi cuộc thi khi mọi sự chú ý kỳ vọng đang đổ dồn về mình. Tôi đem câu hỏi rất nhiều người muốn hỏi đặt ra cho Châu, đang là một nhân tố cực kỳ tiềm năng, tại sao Châu lại quyết định xin rút lui khỏi The Face. Châu tiết lộ kỹ hơn về lý do “không thể thu xếp được thời gian và công việc cá nhân” đã chia sẻ trên trang cá nhân. “Trước mắt, Châu phải tham gia vào các hoạt động quảng bá phim Em chưa 18 kéo dài đến cuối tháng Tư và có thể là một dự án điện ảnh khác nữa. Mà Châu thì không muốn mình quá tham lam để rồi không hoàn thành tốt việc nào cả.” Nếu so sánh giữa The Face và một dự án điện ảnh thì The Face rõ ràng là một đòn bẩy tốt hơn cho cả danh tiếng và sự nghiệp người mẫu của Châu chứ nhỉ? “Thực ra Châu chưa bao giờ định hướng mình sẽ trở thành một người mẫu/fashionista hay stylist mà chỉ đơn giản là Châu thích mặc đẹp, thích chụp hình thôi. Đến khi tham gia Em chưa 18, được trải nghiệm cảm giác hóa thân thành một nhân vật khác và làm những điều mà từ trước đến giờ Châu chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm được thì Châu mới biết đam mê thực sự của mình chính là diễn xuất. Chính vì thế Châu muốn tập trung cho vai trò diễn viên, bất kể phim lớn hay phim nhỏ.” Tôi bắt đầu tò mò, về điều gì đã

đánh thức “đam mê diễn xuất” trong Châu Bùi. Và khi được hỏi, cô đã trả lời rất hào hứng. “Khi đóng phim, Châu được sống cuộc đời của một người khác, cụ thể ở đây là Yến, một cô nàng “mean girl” trường học. Trước giờ trong cuộc sống của Châu, chuyện đau lòng nhất chắc là bị bạn trai chê béo, nên Châu lúc nào cũng vui vẻ, tưng tửng và đặc biệt là không-thể-khóc. Tuy nhiên, để trở thành Yến, Châu phải vẽ ra cả cuộc đời của cô nàng này từ bé đến lớn, phải tự đặt ra những tình huống Yến bị cha mẹ bỏ, bị bạn bè tẩy chay, bị xã hội ruồng rẫy… đến mức Châu tự bật khóc cho nhân vật. Cảm giác được hóa thân vào nhân vật là cảm giác cực kỳ sung sướng. Thứ hai, nhờ đóng phim, Châu nhận thấy mình có thể vượt qua được những giới hạn của bản thân. Ban đầu đạo diễn Lê Thanh Sơn dự kiến sẽ có diễn viên đóng thế Châu trong cảnh nhảy cổ động. Tuy nhiên, gần sát ngày quay, chú Sơn bỗng nhiên đổi ý, yêu cầu Châu tự thực hiện. Châu cũng đánh liều chơi luôn. Tuy chỉ có đúng nửa ngày để học nhào lộn trên không, học cách đứng tấn trên tay của hai vũ công nam nhưng Châu lại thực hiện cảnh quay này khá tốt.” Trải nghiệm mới mẻ này làm cô rất hứng khởi. Châu kể lại chuyện do nhào lộn mà bị bật móng chân cái với nụ cười hóm hỉnh, như đó là chuyện chẳng đáng gì. Hotgirl đóng phim như Châu Bùi không phải là hiếm. Thế hệ hotgirl trước đã có biết bao người lấn sân nghệ thuật thứ bảy, nhưng số nhan sắc thành công được ở “lãnh địa” này thì không nhiều. Nếu không muốn nói danh xưng hotgirl đóng phim còn khiến khán giả không mấy mặn mà, tin


47

tưởng - không chỉ là về diễn xuất của hotgirl mà còn về chất lượng của bộ phim mà hotgirl tham gia. Điều này Châu cũng biết. Nhưng không có nghĩa những hoài nghi đó làm cô sợ. Giả sử nếu nhận bị gắn những cái mác tiêu cực như “hotgirl đóng phim đơ”, Châu sẽ phản ứng như thế nào? “Châu nghĩ mình đã cố gắng hết 100% sức lực của mình. Còn về phản ứng của khán giả, tốt - xấu gì Châu vẫn sẽ tôn trọng. Thậm chí có bị ném đá Châu thì cũng thấy bình thường. Lần này mình làm chưa tốt thì lần sau sẽ cố gắng hơn để làm tốt hơn. Điều đáng sợ nhất là bản thân mình nản và không chịu cố gắng chứ không phải sự công kích đến từ phía người ngoài.” Để toàn tâm toàn ý cho bộ phim, Châu đã từ Hà Nội vào Sài Gòn

sống gần 3 tháng, một mình. Cô tự nhận trước giờ chưa bao giờ xa nhà quá lâu. Đây cũng không phải lần đầu Châu đến Sài Gòn, nhưng những lần trước đều có người yêu đi cùng, và cũng chỉ ở lại rất ngắn ngày. Đây là lần đầu Châu xa nhà, tự tìm nhà thuê, mua sắm đồ đạc và tự mình cân đối chi phí. Nhìn hành trình mà Châu Bùi đã đi, từ một cô nhóc hạt tiêu đến một hotgirl quyến rũ, và có thể là một diễn viên về sau, ít ai nhớ Châu chỉ vừa tròn 19 tuổi chưa lâu. Cách Châu quyết đoán và tự lập với cuộc đời mình cũng khiến người ta có chút giật mình khi nhận ra cô còn rất trẻ. Có lẽ vì cá tính đó mà bố mẹ Châu, từ không ủng hộ Châu theo đuổi nghệ thuật, đã chuyển sang làm hậu phương vững chắc cho cô. Trước một cá tính quyết liệt như vậy, người khác cũng khó để

không bị hút vào, khó mà không dõi theo. Trong một cuộc trò chuyện ngắn giữa những ngày Châu vô cùng bận rộn, tôi nhận ra sở dĩ người ta yêu thích Châu không hẳn vì Châu đẹp, vì Châu trẻ, mà vì ở cô toát ra nguồn năng lượng mạnh mẽ truyền cảm hứng đến người khác. Châu như một hình ảnh biểu tượng đẹp đẽ cho những người trẻ Việt Nam khác với tư duy mới về cái tôi cá nhân, nhãn quan cuộc đời rộng mở và cồn cào khao khát. Người ta dõi theo Châu như dõi theo một cô gái trẻ dám nghĩ, dám làm, dám từ bỏ những cơ hội vàng được trao vào tay để dấn thân cho ước mơ thực sự, dám thách thức những mục tiêu chưa có tiền lệ. Như dõi theo một người đồng hành, một đại diện rực rỡ của thế hệ mình.


48

Sống giấc mơ đời mình bài: dương thùy


Đừng nghĩ rằng trưởng thành là điều tất yếu sẽ đến theo năm tháng. Thời gian làm cho cơ thể vật lý lão hóa, cho chúng ta thêm nhiều trải nghiệm, nhưng nếu không học hỏi được gì từ những điều đã qua và kém thích nghi với hoàn cảnh thì có nghĩa bạn chỉ đang già đi mà thôi.

Đ

ã rất nhiều lần tôi nghĩ về khoảnh khắc Ethan Whitaker1 quyết định dứt bỏ người bạn lâu năm Jimmy và cô vợ sắp cưới Marisa khi băng qua đường ở Quảng trường Thời đại. Cuộc đời của Ethan ngay từ nhỏ đã gắn với nghèo khó, lúc trưởng thành anh làm việc ở công trường, sống trong một khu hỗn tạp, giải trí chỉ là những vại bia sau giờ làm, đi đánh bowling và đưa người yêu đi siêu thị. Số phận dường như đã định sẵn Ethan sẽ mãi chung thân với cuộc sống tẻ nhạt như thế, trong một vòng lặp quẩn quanh của nghèo khó và vô vị. Thế nhưng khi nhìn thấy trang nhất của tờ Thời báo New York trên một sạp báo ở Quảng trường Thời đại trong ngày sinh nhật 23 tuổi, trong lòng Ethan đã trỗi dậy một mong muốn mãnh liệt: Mười lăm năm nữa, anh sẽ lên trang nhất của tờ báo này. Nhưng anh sẽ khó làm được điều đó nếu không đoạn tuyệt với cuộc đời cũ, những thói quen nhàm chán và tư tưởng cam chịu của những người xung quanh. Và thế là Ethan hành động, anh nắm lấy

quyền định đoạt cuộc đời mình trong khoảnh khắc ngắn ngủi chưa đầy 30 giây khi tín hiệu giao thông chuyển màu, chìm nghỉm trong đám đông và biến mất khỏi tầm mắt của hai người cùng đi. Vào khoảnh khắc định đoạt ấy, Ethan chẳng có gì trong tay, ngoài một mong ước mãnh liệt và điên rồ, chớp nhoáng hiện lên. Ethan liều lĩnh vì mong mỏi của anh quá lớn, muốn được sống một cuộc đời khác vượt qua ngưỡng an toàn, tự quyết định sẽ đi đến đâu và đi bao xa bằng nỗ lực tự thân. Mặc dù sống với thói quen sẵn có, lựa chọn làm theo cách cũ, thói thường, các chuẩn mực đã có sẵn dường như sẽ dễ dàng và đơn giản hơn nhưng nếu không có quyết tâm thay đổi, bạn sẽ không thể biết mình có thể làm những gì và mạnh đến nhường nào. Tôi cũng nhớ mãi hình ảnh Siddhartha trong tác phẩm cùng tên đoạt giải Nobel văn chương năm 1946 của Hermann Hesse, một chàng trai trẻ tuổi cùng người bạn thân Govinda trên

đường tìm đạo đã gặp Phật Gotama. Trong khi người người kéo đến xin đi theo Tăng đoàn, ngay cả Govinda cũng vậy thì Siddhartha lại quyết quay đầu bỏ đi. Vì anh không muốn theo đuổi những giáo lý, những lời dạy có sẵn mà muốn tự thân mình trải nghiệm, tự vùng vẫy để rồi tìm ra đáp án cho bản thân thay vì học lại bài học rút ra từ kinh nghiệm trong cuộc đời người khác. Điều đó cũng giống như việc bạn được cảnh báo đừng chạm tay vào một ấm nước sôi để tránh bị phỏng. Có ai đó đưa cho bạn một chiếc găng tay, bạn cầm lấy và dùng. Như vậy bạn không bị phỏng, nhưng cũng không biết ấm nước sôi đó nóng đến thế nào, dù vậy bạn vẫn lưu giữ trong đầu sự cảnh báo nguy hiểm khi thấy một ấm nước sôi. Cảnh báo này có thể bị phóng đại hoặc ít nghiêm trọng hơn so với thực tế, bạn chẳng biết được thực hư điều đó cho đến khi có được cảm giác thực tế. Lúc đó, hoặc là bạn sẽ thốt lên: “À, không nóng như mình nghĩ”, hoặc là sẽ nói “Ôi, nóng quá đi, nóng hơn mình

49


50

nghĩ”. Phụ thuộc vào cảm giác dễ chịu hay không, nó sẽ quyết định hành động trong những lần kế tiếp của bạn sẽ thế nào. Khi chưa từng có cảm giác thực tế thì bạn chỉ đang hấp thụ trải nghiệm gián tiếp từ cảm xúc của người khác và đó là điều thường thấy khi chúng ta nghe người khác kể chuyện, xem phim hay trong các tác phẩm thi ca. Hấp thụ trải nghiệm của người khác, cũng giống như khi soi gương, thấy trong gương xuất hiện một lẵng hoa đẹp ngay cạnh bạn, nhưng thực tế nó đang ở sau lưng, và có khi còn cách xa bạn một quãng. Như thế, bạn không thực sự chạm vào cuộc sống, mà chỉ nhìn đang nhìn cuộc sống qua một bức màn ảo tưởng, dệt nên từ cảm xúc của người khác, cách nhìn của người khác và những quyết định hành động của họ. Tuy động lực khác nhau nhưng cả Ethan và Siddhartha đều đã dứt khoát lựa chọn cho mình một con đường riêng, chấp nhận khó khăn để được sống bằng tất cả con người mình, để được cố gắng và trải nghiệm thay vì chỉ trông vào người khác và ao ước mình sẽ được như người ta. Chúng ta có thể học hỏi ở người

khác kiến thức, kĩ năng, thậm chí có thể bị ảnh hưởng ở mặt cảm xúc, nhưng người khác thành công không có nghĩa là bạn cũng sẽ như vậy. Yếu tố phẩm chất nằm trong mỗi con người, môi trường sống và quyết định phản ứng trước tác động của cuộc sống sẽ đem đến những con người khác biệt, cho dù họ có giống nhau về ngoại hình, kiến thức được truyền thụ, hấp thu. Đọc hoặc xem về những nhân vật truyền cảm hứng, những câu chuyện thành công, bạn sẽ nhận được thêm nhiều năng lượng tích cực cho cú hích mở đường và không ngừng vươn tới, nhưng chính chúng ta mới là người quyết định xem bản thân sẽ trở thành người như thế nào, cũng như chọn lựa cách thức để trưởng thành. Đừng nghĩ rằng trưởng thành là điều tất yếu sẽ đến theo năm tháng. Thời gian làm cho cơ thể vật lý lão hóa, cho chúng ta thêm nhiều trải nghiệm, nhưng nếu không học hỏi được gì từ những điều đã qua và kém thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau thì có nghĩa bạn chỉ đang già đi mà thôi. Nếu bạn cảm thấy cuộc đời mình đang ở một giai đoạn nhàm

chán, hẳn vì bạn đang đứng quá lâu trong một vùng an toàn đến nỗi không còn sự háo hức khi nhìn xung quanh. Hoặc bạn chưa tìm ra một mục đích, một mong mỏi khiến mình muốn dồn toàn bộ năng lượng để đánh cược một phen. Giấc mơ cuộc đời là thứ bạn không thể “mượn” của người khác, không thể vì thấy người ta thành công mà cũng muốn cố đua theo. Để tìm ra nó, đừng bao giờ ngừng hỏi chính mình: “Bạn làm tốt điều gì nhất?”, “Hạnh phúc nhất khi làm việc gì?”, “Đức tính nào ở bạn nổi trội nhất?” Chỉ khi bạn sống với sự chân thực, tôn trọng bản thân, những thiên hướng, sở thích sẵn có thì bạn mới thực sự nhìn thấy con đường của riêng mình. Như cách mà nhà văn Haruki Murakami chia sẻ: “Đến năm 29 tuổi tôi mới bắt đầu viết. Trước thời gian đó tôi chẳng có gì để viết. Đôi khi bạn phải sống cuộc đời của chính mình cho hết sức hết lòng, hết mực chân thành, sau đó bạn mới tìm thấy một cái gì đó của riêng mình để viết.” 1 Ethan Whitaker: Nhân vật chính trong tiểu thuyết “Trở lại tìm nhau” của nhà văn Pháp Guillaume Musso.


Thư gửi thiên thần

Nếu em có một đám mây xám trên đầu bài: cẩm tú cầu

51


52

Em ơi, Hôm nay hẹn gặp em, giữa lúc Sài Gòn đang bắt đầu vào mùa nắng nóng. Nắng vàng đến mức khi chạy xe ngoài đường phố, chị có cảm giác chúng hắt vào mắt chói sáng, làm chị phải hơi nheo mắt lại. Ngay cả ngồi trong quán cà phê quen, đợi em, trông ra ngoài vẫn thấy mọi thứ quá sáng rực. Vậy mà em xuất hiện, như lạc lõng giữa quang cảnh xung quanh. Vì em có một đám mây xám trên đầu. Em u buồn, em ủ dột, em chán nản. Chị có thể đọc được một vài điều như thế trên gương mặt em, qua cách em cất lời. Em không cười. Em cũng không nói đùa. Và em như trôi tuột đi theo thênh thang ngoài kia. Em ngồi ở đây nhưng em cũng không ở đây. Chị không biết em đang thực sự ở đâu. Những câu chuyện của chị trôi tuột qua tai em. Còn những câu chuyện của em thì cũng ủ dột như em đã giấu chúng vào đám mây xám rất nhiều đêm dài. Chuyện gì có thể làm em buồn phiền? Rất nhiều chuyện. Việc học hành của em không có gì hứng khởi. Em không muốn đến trường, vì em không thích các bài học, và cũng chẳng có nhu cầu kết bạn mới ở đó. Em cũng muốn thử một công việc làm thêm, nhưng quanh đi quẩn lại em vẫn chưa làm. Vì em chẳng biết mình thích làm gì. Em buồn vì cô bạn em quý đã

đi du học được hơn một năm rồi. Em buồn vì quán ăn em yêu thích nay đã dọn đi, và khu đất ấy thay thế bằng một cửa hàng quần áo. Những điều tươi đẹp trở thành cũ kỹ nên em chẳng thể vui được. Hoặc em buồn nhiều vì chuyện tình yêu. Người mà em yêu, và may mắn người đó cũng yêu em, thỉnh thoảng lại có cãi nhau giận dỗi. Em hay vẽ ra những viễn cảnh về tương lai, rằng cả hai sẽ chẳng có kết thúc nào tốt đẹp, có thể sẽ chia tay, như rất nhiều những đôi yêu nhau khác. Em ngồi trong rạp xem La La Land, khi Mia và Sebastian chia tay nhau, em khóc rấm rứt, như chính em và người đó ở trong bộ phim. Và tệ nhất là em còn chẳng biết em buồn vì chuyện gì. Chị muốn em biết mọi người đều rất yêu quý em, trước khi nói ra những điều này, điều mà có thể sẽ làm em giận. Mọi người yêu quý em vì em là một cô bé tử tế và chân thành. Em nhớ sinh nhật của mỗi người, cả những gì họ thích và ghét. Em nhạy cảm với tâm trạng của người khác để biết điều gì nên nói và điều gì không. Em luôn sẵn lòng ở bên cạnh mọi người nếu ai đó vào một ngày nào đó có một đám mây xám trên đầu. Ngược lại, mọi người cũng sẽ sẵn lòng ở bên cạnh em khi em có một đám mây xám trên đầu. Nhưng chị mong em hiểu, chẳng ai muốn ở cạnh nhiều và lâu với một người luôn

luôn có một đám mây xám trên đầu. Là “luôn luôn”. Đám mây xám trên đầu em trôi nặng nề từ thứ Hai cho đến cuối tuần, từ đầu tháng đến hết tháng, và hờ hững trôi cả một năm. Nghĩa là chị thấy hầu như mọi lúc em đều có chúng trên đầu. Và thực tình là em cũng chẳng hề muốn làm điều gì để thay đổi nó. Đám mây xám của em như chực chờ đổi màu luôn đám mây trên đầu chị, trên đầu mọi người, làm tất cả cảm thấy ủ dột theo. Những ngày bình thường thì chẳng sao. Nhưng vào những ngày chị cũng chẳng được tươi tắn lắm, và mọi người cũng có những trục trặc riêng trong đời mình, thì việc gặp em lại trở thành một việc mỏi mệt. Người ta hay nói, chẳng ai thích ở bên cạnh một người tiêu cực, là như vậy. Chị muốn nói với em là, chị không muốn em trở thành một người năng động, sôi nổi, hoạt bát, nếu đó không phải là bản chất của em. Em hãy cứ dịu dàng, hãy cứ mơ màng, hãy cứ chậm rãi theo cách của mình. Nhưng trở nên tích cực hơn là điều hoàn toàn có thể, và nên thế. Đến trường không hẳn để học và kết bạn, mà là em sẽ biết những điều em chưa biết, gặp những người em còn xa lạ. Rất có thể trong số đó sẽ có điều làm em tò mò, và em sẽ tự mình đào sâu hơn để hiểu. Những người lạ mang trong mình những câu chuyện mới, mà biết đâu nếu nghe, em


53

sẽ thấy thêm một điều mới mẻ. Nhiều người yêu nhau rồi chia tay nhau, thì cũng có nhiều người yêu nhau khác cùng nắm tay nhau đi khắp thế gian này. Đừng lo sợ về những điều sẽ xảy đến trong tương lai, vì chúng còn chưa đến. Đừng tiếc nuối về những điều đã có trong quá khứ, vì chúng đã qua rồi. Nếu không biết mình thích gì hãy thử thật nhiều, và hết sức, rồi em sẽ khám phá ra mình thích gì, mình giỏi gì. Nếu muốn mùa Thu có táo ăn, ngay từ bây giờ em đã

phải gieo hạt. Hãy là một dòng chảy, em sẽ học được cách trôi đi, qua suối qua sông và đến bờ biển rộng. Nếu em có một đám mây xám trên đầu, hãy để cho mình được một ngày đổ mưa. Hãy cứ bật khóc nếu em cảm thấy lòng quá nặng nề. Em vắt hết nước khỏi nó, để sau cùng nó lại là một đám mây trắng xốp bồng bềnh. Chị và mọi người, những người yêu quý em, sẽ chẳng phiền hà gì những lúc ấy. Bọn chị chỉ cần mang một chiếc ô thôi à. Hoặc

mà nếu không có, ướt một lúc cũng có sao đâu. Chỉ mong em hiểu đừng lúc nào cũng mang theo một đám mây xám. Vì như vậy em sẽ không thể tự mình cảm nhận được niềm vui, và trở thành một người lan tỏa năng lượng tích cực đến người khác. Cũng mong em biết cách tự làm sạch và khô đám mây xám của mình. Vì không phải lúc nào em cũng có chị, và mọi người ở cạnh, người xa lạ sẽ chỉ hờ hững lướt qua em mà thôi.


54

Đi tìm khu vườn bí mật của tôi bài: vân anh ảnh: kiyoshi jiro


55

“Nếu nhìn đúng cách, bạn có thể thấy cả thế giới là một khu vườn.” (trích từ Khu vườn bí mật, Frances Hodgson Burnett) Đó là tất cả những gì nằm lại trong tâm trí tôi từ cuốn sách tuổi thơ, để rồi tôi nhận ra khi lớn lên, chính mình là người đi tìm kiếm những khu vườn như vậy. Từ những ngõ ngách ngẫu nhiên của Bangkok - thành phố nơi tôi đang sống, sự thơm tho và mát mẻ của vườn tược vẫn luôn khiến tôi choáng ngợp mỗi lần lang thang khám phá ngóc ngách của thành phố vốn nổi tiếng bởi sự sôi động và nhịp sống không phút ngơi nghỉ này. Và từ một trong những “cuộc săn tìm” ấy, tôi biết đến the Commons trong một con hẻm nhỏ bao bọc bởi những tòa nhà chọc trời choáng ngợp của khu Sukhumvit. Campus nơi tôi học không phải ở khu trung tâm Bangkok. Thành phố kì lạ này có thể tiêu

tốn của bạn rất nhiều thời gian để di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Tôi sinh ra lười biếng, nghĩ đến việc di chuyển tới quán café yêu thích cũng thấy ngại, và khi đã đến rồi là không còn muốn về nữa. Nhưng ngồi hàng giờ ở một góc quán café chỉ bật mãi một playlist nhạc cũng không thể khiến tôi thỏa mãn được. Vậy nên khi lần đầu tìm đến the Commons, tôi đã hét ầm lên trong đầu mình “Đúng là chốn dành cho mình!”, cũng như chốn ấy sẽ dành cho những cô nàng vừa lười biếng vừa khó tính khác, như tôi. Ở đây có sự đối lập phóng túng không chỉ ở không gian, mà cả những vị khách, những mảng màu cuộc sống gói ghém lại trong khối bê tông lãng mạn này. Nằm lọt thỏm trong một con ngõ

ở khu Thong Lor (Sukhumvit), the Commons là một khu nhà 4 tầng được thiết kế mang màu sắc hiện đại với không gian mở tập hợp những thương hiệu uy tín và chất lượng nhất trong lĩnh vực ẩm thực như Roast, Peppina, Roots hay Egg My God và một số studio yoga cũng như nghệ thuật. Dù được chia ra thành những khu nhất định cho việc ăn uống, mua sắm hay vui chơi, the Commons vẫn được nhiều người trẻ Bangkok tìm đến chỉ để “chẳng làm gì cả”. Cũng bởi không gian mở miễn phí, ai cũng có thể chọn cho mình một chỗ ngồi trên những bậc thang rải rác dưới tán lá xanh mát, trên khu sân thượng bên cạnh nhà hàng cao cấp có tiếng như Roast, dành hàng giờ để lắng mình trong một cộng đồng


56

thu nhỏ và vẫn có không gian cho riêng mình. Nét đặc biệt ấy khiến the Commons trở thành một địa điểm được yêu thích dù mới được mở cách đây không lâu. Bởi hơn cả một khu phức hợp đơn thuần, the Commons hướng đến việc cổ vũ và định hình một phong cách sống hiện đại nơi mọi thứ đều được cân bằng, nơi bạn tìm thấy mình sống chậm lại và thiên về sự thưởng thức, dù đó là một món ăn, một trò chơi, một workshop sáng tạo hay một buổi thưởng thức nghệ thuật. Từng có giây phút ngột ngạt vì nhịp sống quá gấp gáp của Bangkok, tôi đã nghĩ mình sẽ mãi không thể thỏa hiệp được với sự rập khuôn của những chuỗi café Starbucks hay Amazon… nổi tiếng xuất hiện khắp các hang cùng ngõ hẻm của thành phố, hay những khu trung tâm phức hợp khổng lồ. Thảng hoặc, tôi thấy mình bị cuốn theo đó, nhịp điệu gấp gáp và rập khuôn rời rạc ấy, tôi nhận ra mình ít dành thời gian để đọc một cuốn sách hơn, nghe kĩ một bản nhạc hơn, hay ngồi lắc lư ngắm đụn lá xanh mượt giữa gió trời. Và rồi, tôi nhận ra chỉ trong một buổi chiều rợp nắng mùa Xuân Bangkok, tôi đã hoàn thành cuốn sách mình đem theo suốt cả tháng trời, trên một bậc thang gỗ và dưới tán tán xanh mát của cây dừa cảnh. Đó là lần đầu tiên tôi tìm thấy the Commons. Và, dường như không chỉ có tôi là kẻ duy nhất tìm thấy những khoảng lặng mất tích ở đây. Một đôi bạn trẻ say mê trong cuộc trò chuyện bất tận, thi thoảng nhìn nhau, thi thoảng ngước lên tàng cây, và cười. Một cuộc gặp gỡ tình cờ trên những bậc thang lơ lửng, để rồi nối tiếp bằng cuộc hàn huyên đầy ngẫu hứng. Một đứa bé lơ đãng chơi đùa với chính

mình, giữa những tán xanh rì rào và bản nhạc dễ thương “Có lẽ em cũng sẽ hiểu”. Một anh chàng công sở com-lê đóng bộ tập trung tuyệt đối bên chiếc máy tính. Một anh chàng khác quần bò rách, tóc búi gọn lơ đãng ngồi “chẳng làm gì cả”. Một tôi trong đó, nhẩn nha những trang sách bên cốc café lạnh thơm thơm mùi thạch dừa lá dứa. Cùng chia sẻ một không gian mở, nhưng chúng tôi có cách riêng để tận hưởng khoảng khắc của mình, mà không sợ những âm thanh của người kế bên làm lạc điệu, hay những va chạm nho nhỏ làm đứt quãng những khoảng lặng hiếm hoi của một cuộc sống thị thành. Tôi mến vô cùng những bất ngờ bé nhỏ mỗi lần có dịp ghé đến đây, dù đó là bức tường dán đầy sticker với dòng thông điệp “February is not special but you are”, những cuốn tạp chí lifestyle miễn phí, những thanh Chocolate Marou nổi tiếng của Việt Nam được bày bán ở khu Market, hay tìm thấy những bông hoa tươi trong cửa tiệm hoa nhỏ xinh màu vàng và nhoẻn cười với cô gái nhỏ ôm bó hoa vừa mới gói quá đỗi dịu dàng. Cứ thế, hết bất ngờ này đến thú vị khác, một cốc café trứ danh của the Toast, một bản nhạc Indie đầy ngẫu hứng, một lớp học yoga hay làm bánh trên tầng áp mái… Tôi thấy một ngày cuối tuần của mình bình thản trôi đi. Bangkok ngày hôm ấy với tôi, bỗng trở nên dễ thương vô cùng, bởi tôi nhận ra rằng có những sự cân bằng mình sẽ tình cờ tìm thấy, cũng như khu vườn bí mật vậy. Khu vườn của tâm hồn, khu vườn có thể vẫn rì rào xanh tươi và ngọt ngào dịu dàng với bạn, ngay ở trong lòng một khối bê tông, như the Commons.


Hành trình Fushimi Inari bài: hiro

57


58

Kyoto từng là thủ đô của nước Nhật cho tới tận năm 1869, là nơi tập trung tất cả những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật của Nhật. Nhắc tới Kyoto là nhắc tới những đền chùa miếu mạo, những khung cảnh đẹp hơn cả tranh vẽ. Chẳng quá chút nào nếu nói Kyoto là viên ngọc đẹp nhất của Nhật Bản. Không được gặp hoa anh đào rực rỡ của mùa Xuân, cũng trót lỡ hẹn với lá momiji nhuộm đỏ không gian mùa Thu, Kyoto đón tôi bằng một buổi sáng mưa rào bạc trắng trời. Tuy vậy điều đó không làm mờ nhạt đi vẻ đẹp của Kyoto, mà thậm chí còn là cơ duyên khiến tôi thấy yêu nơi này hơn.

Mưa và Mưa Dự đính bắt tàu đi đền Fushimi Inari của tôi không thành bởi sáng hôm ấy các chuyến tàu JR đều tạm ngừng hoạt động để bảo trì. Mưa rất to, chị nhân viên lễ tân của khách sạn gợi ý tôi nên mua vé xe buýt, loại cho khách du lịch. Xe đón tôi ở ga trung tâm Kyoto. Tôi lên xe, chọn một chỗ sát cửa kính để có thể quan sát bên ngoài. Chính lúc ấy tôi mới thấy lựa chọn đi xe buýt quả là đúng đắn. Khung cảnh bên ngoài hiện qua cửa kính như một bộ phim tài liệu chân thực về Kyoto. Nhịp sống thành phố yên bình giữa những con phố sạch bong, sạch tới mức đáng phải thốt lên thành tiếng. Những cửa hiệu xinh xắn

xen kẽ những toà cao ốc hiện đại. Xe lăn bánh tiến phía ven ngoại ô, tựa như chuyển cảnh sang những khung hình với hàng cỏ xanh mướt, những mái hiên nhà cổ kính lấp ló. Chừng hai mươi phút sau, xe dừng ở bến Fushimi. Mưa vẫn không có dấu hiệu ngưng nghỉ. Tôi ghé vào cửa hàng tiện dụng Law Son ở cạnh bến xe, mua một chai nước suối nhét vào ba lô. Một vài người cũng ghé vào tiệm, mua nước hoặc mua báo buổi sáng trước khi đi làm. Chưa tới tám giờ. Tôi giở ô, mở Google Map để định vị phương hướng. Đền nằm cách đó chừng nửa cây số. Tôi bắt đầu đi. Mưa, mưa và mưa. Mưa rơi xuống đường. Mưa đập vào ô. Thi thoảng tôi mới thấy bóng người: Một vài em học

sinh đang trên đường đi học, một cụ già vừa đi mua báo ở Law Son về. Lúc băng qua đường tàu hoả, Google Map của tôi bất giác hơi “đơ” một chút. Đang loay hoay không biết rẽ hướng nào tiếp thì tôi gặp một bác trung niên đi từ hướng ngược lại. Trông vẻ mặt của tôi, bác đoán ngay được vấn đề. Bác dừng lại và hỏi: “Fushimi?” “Vâng. Vâng.” Tôi mừng rỡ gật đầu và chìa Google Map ra. Bác lắc lắc ý nói không cần, rồi chỉ tay: “Ở đằng đó.”

Mười nghìn cánh cổng Đền Fushimi Inari được xây dựng từ năm 711. Nếu bạn đã có lần bắt gặp đâu đó hình ảnh những cánh cổng bằng gỗ màu đỏ rực xếp liên tiếp nhau, rất có thể bạn đã nhìn


59

tips:

• đền mở cửa 24/7. bạn có thể cân đối để chọn thăm đền sao cho phù hợp với lịch trình của mình nhất. • hãy chọn một đôi giày phù hợp, bởi bạn sẽ phải đi bộ nhiều đấy. • đừng quên mang máy ảnh bởi khung cảnh ở đây lên ảnh thì đẹp tuyệt. • ở cổng đền có bán rất nhiều đồ lưu niệm, đặc biệt là những chiếc cổng torii nhỏ mà bạn có thể mang về làm quà.

thấy ảnh chụp Đền. Cánh cổng mà bạn nhìn thấy là cổng Torii, một cánh cổng truyền thống của người Nhật thường được dựng ở lối vào hoặc trong đền thờ Thần đạo. Ở Fushimi Inari, có hơn mười nghìn cánh cổng như vậy, chúng nối tiếp với nhau tạo thành một lối đi dài chạy quanh núi. Sau mười phút đi bộ nữa, tôi đứng trước cổng đền nguy nga được sơn màu đỏ tươi. Hai vị thần cáo đứng uy nghiêm ở hai bên cổng. Đền Fushimi Inari đã hiện ra trước mắt. Có lẽ vì còn quá sớm và vì thời tiết không thuận lợi nên tôi chưa thấy bóng du khách nào. Tôi bắt đầu đặt chân vào “hành trình” mười nghìn cánh cổng. Trong văn hoá Nhật Bản, cổng Torii là cánh cổng kết nối thế giới

trần tục với thế giới linh thiêng. Cất bước dưới hàng nghìn cánh cổng thiêng, càng vào sâu tôi có cảm giác mình càng rời xa thế giới thực tại. Đường đi cũng dốc hơn, dẫn tôi dần lên trên núi. Xen qua những cánh cổng bằng gỗ màu đỏ, tôi nhìn thấy rừng lá rậm rạp xung quanh. Những cánh cổng và cả những tán cây đã che bớt ánh sáng ban ngày, tới một lúc tôi khó nhận ra giờ là tinh mơ hay lúc chiều tà. Chỉ có một mình tôi, lặng lẽ bước đi dưới hàng nghìn cánh cổng đã là nhân chứng trong suốt hơn một nghìn năm lịch sử đầy biến động của Kyoto. Chỉ có sắc đỏ rực của cổng xen kẽ màu xanh lục của cây cối tạo thành bức tranh siêu thực hai mảng màu. Chỉ còn lại một sự tinh khiết, trong trẻo và mát lành khó tả bởi không khí dường như đã được

mưa gột rửa sạch. Tôi cứ bước đi như vậy gần một tiếng đồng hồ thì mưa bắt đầu ngớt. Các cánh cổng cũng xuất hiện thưa dần. Còn đường độc đạo dẫn tôi xuống dưới núi, trở lại cổng phụ của Đền. Hành trình của tôi kết thúc cũng là lúc mưa tạnh hẳn và nắng ửng vàng. Ở cổng đền, những người bán hàng lưu niệm bắt đầu dọn hàng. Những tốp khách du lịch đầu tiên cũng vừa đặt chân tới, trầm trồ ngưỡng mộ bởi vẻ đẹp mà họ đã cảm nhận được từ cổng đền. Họ cũng như tôi sẽ bắt đầu “hành trình” của riêng mình, có thể không còn mưa, có thể không dạo bước một mình. Tuy nhiên, tôi tin bất cứ ai nếu có dịp tới Fushimi Inari cũng đều tìm được cho mình những cảm xúc trong trẻo và yên bình giống như tôi.


60

Những cơn sóng ngầm mạnh mẽ bài: hoài nam

Với Zootopia, Disney đã giành tượng vàng Oscar lần thứ 5 liên tiếp ở hạng mục Hoạt hình. Nhưng từ lâu, Oscar đã không được xem là thước đo chất lượng của thể loại này nữa. Giờ đây, muốn thưởng thức nghệ thuật hoạt hình thật sự, người ta phải tìm ở nửa kia thế giới, bên ngoài Hollywood.


61

Những chất liệu mới Tháng 12/2016, một phim hoạt hình ngắn 9 phút có tên Lovesick (Tương tư) được tung lên các mạng xã hội Trung Quốc. Chỉ trong vòng 10 ngày, tác phẩm này đã đạt được 100 triệu lượt xem, một hiện tượng chưa từng có trước đó. Khiến tất cả các nhà phê bình nước này ngỡ ngàng, bộ phim đạt đến 8.8 điểm trang Douban Movie, được xem là phiên bản IMDb của Trung Quốc, và khiến hàng ngàn người rơi lệ. Lấy ý tưởng từ một bài thơ cùng tên của Vương Duy, Lovesick kể về câu chuyện tình ngang trái

của đôi thanh mai trúc mã đời Thanh. Cô gái bị mẹ ép phải lấy một người giàu có, dẫn đến một cuộc đời bất hạnh. Sau nhiều năm, họ gặp lại và quyết định chăm sóc lẫn nhau. Đây là một phần trong dự án chuyển thể thơ thành phim hoạt hình, để quảng bá văn hóa Trung Quốc. Nội dung không có gì mới, nhưng chất liệu hình vẽ của Lovesick thật sự đáng giá: Tranh thủy mặc. Đạo diễn Bành Chính Kính đã kì công biến mỗi khung hình phim thành một bức tranh nghệ thuật. “Ngay cả cảnh mưa và tiếng mưa rơi cũng phản ánh tâm trạng nhân vật,” ông nói. Sức hút của Lovesick đang cổ vũ các nhà làm phim Trung Quốc đưa chất liệu này vào một phim

dài hoàn chỉnh trong tương lai. Nhưng nói đến sự kì công, khán giả yêu hoạt hình nói riêng, và nghệ thuật hội họa nói chung, chắc chắn không thể bỏ qua Loving Vincent (Vincent yêu dấu), sẽ ra mắt trong năm nay. Bộ phim kể về những ngày cuối cùng của danh họa Vincent Van Gogh, và để thật sự mang ý nghĩa tưởng nhớ, tất cả khung hình trong phim đều là tranh sơn dầu vẽ tay. 115 họa sĩ khắp thế giới đã tập hợp lại để vẽ hơn 65.000 khung hình, trong suốt 3 năm trời. Đây là bộ phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới được làm theo cách này, và có lẽ, sẽ rất lâu nữa mới có bộ phim thứ hai.


62

Những cơn sóng ngầm Lovesick hay Loving Vincent đại diện cho những nhánh nhỏ của phim hoạt hình, ít được biết đến, nhưng đang thật sự thúc đẩy sự phát triển thể loại. Không phủ nhận rằng hoạt hình 3D đang thống trị thế giới về mặt thương mại. Disney hay Pixar vẫn đang tuân theo những công thức cũ kĩ, ăn khách, và duy trì tốt. Nhưng về đóng góp nghệ thuật, gần như là con số 0. Từ chất liệu đến nội dung, họ đang bị các hãng phim nước ngoài vượt qua. Nếu xét trong năm 2016, có hai bộ phim trong danh sách đề cử được giới phê bình đánh giá cao hơn Zootopia, là Kubo and the Two Strings (Kubo và sứ mệnh Samurai) và The Red

Turtle (Rùa đỏ). Kubo là một thành tựu mới của thể loại stop motion, từ hãng Laika, lấy văn hóa phương Đông làm lớp nền để khai thác nỗi đau con người. Trong khi Red Turlte, bộ phim Pháp hợp tác với Studio Ghibli Nhật Bản, khiến người xem sửng sốt với chất triết lí lồng ghép khéo léo. Một phim khác từng bị bỏ quên tại Oscar là Songs of the Sea (Bài ca biển cả, 2014) của hãng phim Ireland Cartoon Saloon. Đây có lẽ là hãng phim sử dụng chất liệu 2D đẳng cấp nhất thế giới hiện tại. Mỗi khung hình của họ là một bức tranh nghệ thuật nhiều lớp lang, mang đậm chất huyền bí cổ tích Đông Âu. Năm 2017 này, họ sẽ ra mắt bộ phim mới The Breadwinner (Trụ cột gia đình), kể về một cô bé phải giả trai để nuôi gia đình, dưới chế

độ Taliban hà khắc ở Afganistan. Đây là lần đầu họ tiếp cận đề tài chính trị. Nhiều khả năng, năm nay Disney sẽ phải nhường lại ngôi vương cho các hãng phim này tại mặt trận giải thưởng. Họ chỉ có hai phim, do Pixar sản xuất, là Cars 3 (Thế giới xe hơi 3) và Coco (Cuộc đời Coco). Cả hai đều có nội dung quen thuộc về ước mơ, theo đuổi đam mê, đúng với định hướng đang có phần nhàm chán của Disney. Trong khi đó, các hãng danh tiếng một thời như DreamWorks hay Sony, đang vất vả kiếm tiền bằng các phim hài dễ dãi. Nếu không có gì đột phá, Hollywood nên lo lắng về một ngày sẽ bị những cơn sóng ngầm đang chuyển động mạnh mẽ ở hiện tại, vươn mình vượt qua.


Nỗi ám ảnh trong gió bài: hoài nam

Kinh dị chưa bao giờ là thể loại thế mạnh của điện ảnh Iran, quốc gia vừa thắng giải Oscar hạng mục Phim nước ngoài với The Salesman (Thương nhân). Nhưng với một nền điện ảnh có thể xếp vào hàng cường quốc trên thế giới, không gì làm khó được họ. Under the Shadow (Bóng ma trong gió, 2016) là một ví dụ.

63


64

Thành phố chết chóc Năm 1988, cư dân thành phố Tehran, Iran, đang phải trải qua những tháng ngày sống trong sợ hãi. Cuộc chiến tranh Iran - Iraq đã đi đến giai đoạn gọi là “chiến tranh giữa các thành phố”. Các xung đột trên bộ đã lui lại, nhường chỗ cho những đợt không kích vào các thành phố đông dân. Tehran là mục tiêu chiến lược của quân Iraq. Bất kì lúc nào một tên lửa chết chóc cũng có thể rơi xuống mái nhà người dân, bao gồm gia đình của Shideh (Narges Rashidi), sống cùng chồng và cô con gái nhỏ. Under the Shadow bắt đầu không giống phim kinh dị, mà như một tác phẩm tâm lí thông thường.

Shideh trở về từ trường đại học, nơi cô bị từ chối cho học lại. Shideh từng tham gia hoạt động chính trị khi còn là sinh viên, và đó là lí do. Cô nhanh chóng lâm vào trận cãi vã với chồng vì chuyện này. Cốt truyện hé mở rằng Shideh cũng không phải là người mẹ tận tâm với con gái Dorsa (Avin Manshadi). Cô thường bỏ mặc nó khi cần phải tập thể dục theo hướng dẫn từ các cuộn băng VHS. Chuyện kì lạ bắt đầu sau khi chồng Shideh phải rời đi vì công việc. Anh muốn đưa cả gia đình đi cùng, nhưng Shideh bướng bỉnh đòi ở lại. Rồi con búp bê yêu dấu của Dorsa biến mất, và cô bé thì thào về con quỉ Djinn đang đến trong những cơn gió.

Đó là thực thể siêu nhiên trong truyền thuyết, chiếm hữu linh hồn con người trước hết bằng cách tước đi thứ họ yêu quí. Dĩ nhiên Shideh gạt phắt đi, cho đến khi chính cô rơi vào những ảo tượng kinh hoàng.

Sợ hãi thật sự Under the Shadow có nội dung gợi đến Babadook (Sách ma), bộ phim độc lập Úc gây tiếng vang vào năm 2011. Cũng là một phụ nữ cùng con nhỏ bị con quỉ dân gian quấy nhiễu. Nhưng sự sợ hãi mang đến rất khác biệt. Shadow đáng sợ hơn, rất nhiều, không chỉ nhờ những thủ thuật gây giật mình khéo léo, mà bằng sự ám ảnh cực độ về tâm lí. Hãy tưởng tượng bạn là Shideh đang


under the shadow là phim dài đầu tay của đạo diễn babak anvari. trước đó, ông nổi tiếng với các phim ngắn được yêu thích trên mạng, như 2 + 2 (2011). dù lấy bối cảnh tehran, iran, nhưng phim được quay chủ yếu tại một thành phố của jordan.

ngủ trên giường, và chợt thức giấc giữa đêm. Không có gì lạ, chỉ là người chồng đang nằm kế bên, thì thào. Nhưng bạn chợt bạn nhận ra: Anh ta không thể ở đây được! “Sao lại không?” Người chồng cất tiếng và bạn biết rằng, nó chính là con quỉ. Đó là cách mà đạo diễn kiêm biên kịch Babak Anvari khiến ta sợ hãi. Ông khai thác những chi tiết thân thuộc, đánh vào nỗi sợ tiềm thức của chúng ta. Lí do mà Anvari làm điều đó hiệu quả là nhờ những trải nghiệm. Ông chính là đứa trẻ từng sống qua khoảng thời gian kinh hoàng đó ở Tehran. Ông bắt lấy và tái hiện bầu không khí đặc quánh nỗi sợ ấy. Không một giây phút nào bộ phim trôi qua im lặng, ngay cả khi thiếu vắng con người hiện

65

diện. Có tiếng gió rít qua khe cửa, tiếng rì rầm của bom, tiếng đồ vật, tiếng kim đồng hồ… và tiếng của tử thần hiện diện khắp nơi. Con quỉ Djinn là một biểu tượng cho cái chết đang treo trên đầu Shedih và con gái. Và điều đáng sợ nhất là Anvari thuyết phục được người xem rằng, nó có thể có thật. Shadow có được sự chân thực ở mức độ đó. Nhưng một phim kinh dị xuất sắc không chỉ khiến người xem sợ hãi. Nỗi sợ là lớp vỏ của Shadow, còn trái tim câu chuyện là tình mẫu tử. Shideh không phải là một người mẹ tốt, như bất kì phụ nữ nào từng bị vỡ mộng lí tưởng. Gia đình chỉ là thứ sót lại khi các hoài bão

qua đi, cô chưa bao giờ thật sự quan tâm và thấu hiểu con. Chỉ khi đứng trước làn ranh sống chết, bản năng người mẹ mới trỗi dậy. Hành trình của Shided không chỉ cứu thoát cô con gái, mà còn cứu lấy cuộc sống trên đà vỡ nát của chính mình, bằng tình yêu thương. Nếu muốn thưởng thức một phim đầy ắp kĩ xảo, hoặc hoành tráng kiểu Conjuring (Ám ảnh kinh hoàng, 2013), Under the Shadow sẽ không thỏa mãn bạn. Nhưng nếu muốn trải nghiệm nỗi sợ hãi thật sự, được miêu tả bởi một ngôn ngữ điện ảnh khác biệt và đáng giá, một tiếng nói trọng lượng của dòng phim độc lập, Shadow sẽ là lựa chọn đúng.


66

Những nụ hôn không nhắm mắt bài: chanh


Tôi từng nghĩ sẽ chỉ trao nụ hôn cho Bạch Mã hoàng tử đích thực của mình. Nhưng rồi tôi phải đối diện với một thực tế có phần rất phũ, có những nụ hôn chỉ trao đi một lần, rồi… thôi!

Câu chuyện 1: Nụ hôn vị trà sữa đào, và có điện chạy dọc sống lưng Đó là nụ hôn đầu tiên của tôi. 15 tuổi. Xảy ra trong một quán trà sữa vắng người. Lý do cho nụ hôn đầu tiên: Sự tò mò. Tuy nhiên, cảm giác được hôn vẫn thật thích. Nó như có luồng điện chạy dọc sống lưng, khiến tôi dựng hết cả tóc gáy lên. Nhưng cảm giác thích thú chỉ kéo dài được vài giây trước khi cô phục vụ bất ngờ thò đầu vào, buộc chúng tôi phải dứt ra. Và giây phút rơi thẳng từ trên thiên đường để về với nhận thức đời thường bắt đầu: Chàng ta không phải là một Bạch Mã hoàng tử, và nụ hôn của tôi cũng không thể biến chàng ta trở thành hoàng tử được. Nhưng đã lỡ bắn tên rồi, nàng Brave can đảm thế còn không thoát khỏi sự trừng phạt chứ huống gì tôi. Thế là đành ngoan ngoãn biến thành bạn gái của chàng, vì chàng

thích tôi đơn phương còn tôi thì không muốn bị gọi là “con quỷ” trong các cuộc nói chuyện giữa chàng ta và hội bạn thân. Tôi cố được gần hai tháng thì chia tay, vì nhiều lý do, như là: “Em cảm thấy em vẫn chưa đủ tốt để ở bên cạnh anh”, “em chưa sẵn sàng”, “em cần thời gian để học”… Nói chung là những lý do hết sức “dễ thương” để hình ảnh của tôi trong chàng còn nguyên vẹn và để chàng không nhận ra rằng “mối quan hệ nghiêm túc” này chỉ là một hành động chữa cháy cho nụ hôn “tọc mạch” của tôi. Vì tôi chưa muốn cuộc sống trung học của tôi phải khổ sở như Emma Stone trong Easy A.

Câu chuyện 2: Đi tìm nụ hôn trong mơ Câu chuyện 15 tuổi kết thúc nhạt nhòa nhưng dư vị của nụ hôn có điện chạy dọc sống lưng thì vẫn còn mãi suốt 2 năm sau đó, cho đến khi lần đầu tiên

trong đời tôi biết rung động trước một chàng trai là gì. H, học chung trường, khác lớp, da trắng, mũi cao, vai rộng, chân dài, đối tượng săn đuổi hàng đầu của các cô gái, trong đó có tôi. Tôi quyết định sẽ tấn công và cưa đổ H sau… một giấc mơ. Không hiểu tại sao, tôi lại nằm mơ thấy tôi và chàng ta cùng đi lang thang trong một ngôi đền đổ nát, kiểu như hai nhân vật duy nhất còn sống sót sau khi Trái Đất trải qua nạn diệt vong vậy. Và H bất ngờ hôn tôi trong mơ. Nụ hôn cũng có điện chạy dọc sống lưng, khiến tôi bừng tỉnh giấc. Và từ đó, tôi bắt đầu mơ mộng về chàng, về một nụ hôn chưa có thật nhưng hy vọng cảm giác sẽ rất “phê”… Và sau một khoảng thời gian âm thầm theo dõi (rất may mắn là thời điểm đó, người người đã chuyển nhà 360 để sang Facebook khiến việc theo dõi mọi hoạt động sở thích của nhau dễ dàng hơn bao giờ hết), làm quen bắt chuyện, chàng dính câu và thích tôi. Tất nhiên, tôi sẽ vùng vẫy để H tìm cách

67


68

chinh phục mình, theo kiểu người ta ngồi trong nhà hàng chờ phục vụ món tráng miệng vậy. Ba tháng sau, nụ hôn thứ hai của tôi, xảy ra, với H, dưới mưa, trước cửa nhà tôi, sau khi chàng chở tôi về nhà an toàn sau buổi học thêm. Khung cảnh lãng mạn vô cùng. Nhưng tôi đã không nhảy dựng lên múa hát “It’s the first kiss. It’s flawless” như Taylor Swift. Mà sự thật, tôi đứng khựng dưới mưa, chào tạm biệt H, nhìn bóng anh chàng chạy khuất cuối hẻm và ngẩn người: “Trời ơi, sao mà nó khác biệt quá vậy.” Nụ hôn với H, nhạt thếch, y như nước mưa. Và, cũng chẳng hiểu sao, tôi chẳng còn thấy thích chàng nữa. Có thể vì tôi luôn nuôi hy vọng một thứ gì đó hoành tráng như nụ hôn đầu để rồi hụt hẫng nhận ra nó quá bình thường. Hay là, tôi không hề có tình cảm với H. Cái mà tôi mơ tưởng tới chính là nụ hôn trong giấc mơ kia, và khi tôi nhận ra thực tế chẳng được như vậy, tôi chới với và hụt hẫng. Dẫu sao đi nữa, sau hôm đó, tôi và H chẳng còn gặp nhau. Tôi nói hết mọi việc với H, dẫu biết có phần bất công cho chàng, nhưng rút kinh nghiệm từ lần trước, phải chấm dứt mọi việc trước khi quá muộn. May mắn, H hiểu và chấp nhận sự thật: Chàng không phải là chàng trai hôn kém nhất thế giới, nhưng anh chàng

không phải là một người phù hợp, và thế cho nên, nụ hôn trở nên vô vị, mất đi cảm giác hứng thú của nó.

Câu chuyện 3: Nụ hôn thật ướt, tình tay ba cũng thật sướt mướt Một quãng thời gian dài sau đó, tôi cũng có quen thêm một vài chàng trai khác. Tất nhiên, cũng có… hôn. Một vài nụ hôn thoảng qua chẳng để lại ấn tượng. Một vài nụ hôn nồng nàn hương vị… đồ ăn (do anh ta quá nhanh nên tôi chẳng kịp phản ứng). Một vài nụ hôn khác, rất sâu, cần nhiều thời gian và nước mắt để quên đi. Nhưng rồi, tất cả đều đi vào dĩ vãng khi tôi quen Q. Cũng có hôn đấy, nhưng chẳng quá đặc biệt, ngoại trừ một chuyện, khi hôn tôi, Q mở mắt. Điều đó chẳng quan trọng, vì tôi nhận ra rằng nụ hôn yếu tố quyết định của một mối quan hệ. Thế nhưng, tình yêu lần này lại qua đời sớm hơn tôi nghĩ: Vỏn vẹn trong vòng 6 ngày và 3 buổi hẹn. Tất cả xảy ra sau khi tôi phát hiện ra anh đã… có người yêu. L, bạn gái anh, cũng là một trong những người bạn của tôi trên Facebook. Còn Q lại chẳng có Facebook, nên tất nhiên chẳng biết tôi và L là bạn của

nhau. Hóa ra là L biết tôi và Q hẹn hò nhau qua trung gian bạn của chàng nhưng chẳng nói tiếng nào, cứ âm thầm theo dõi những status tình cảm của tôi. Cho đến sau buổi hẹn thứ hai, tôi ngu ngơ vào hỏi: “Chuyện gì vậy?” sau khi cô nàng đăng lên một status sặc mùi cổ tích: “Bống bống bang bang, Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người!” Tất nhiên, sẵn như thế rồi, L bay vào “giáo huấn” cho tôi một trận để tôi nhận thức rằng thực chất tôi chính là thứ “cơm hẩm cháo hoa”, còn cô nàng mới là “cơm vàng cơm bạc”. Tôi hẹn Q, nói chuyện cho ra lẽ. Q cũng bất ngờ. Chúng tôi chia tay, nhanh gọn lẹ. Q thú nhận rằng, L là người anh yêu, còn tôi như một cơn say nắng bất ngờ, một cô em gái dễ thương mà anh ta cảm thấy cần thiết ở bên cạnh. Tất nhiên, tôi và L sau đợt đó không còn là bạn, L và Q sau đợt đó cũng chẳng còn là tình. Chúng tôi trở thành ba con người độc lập, rẽ ba hướng khác nhau trong cuộc đời và có lẽ sẽ chẳng bao giờ phải giao nhau nữa.

Những nụ hôn không nhắm mắt Mất một quãng thời gian, tôi


69

tự hỏi tại sao tôi có thể lại có những kẻ bắt cá hai tay như Q. Và rồi tôi nhận ra một điều, khi hôn tôi, Q không nhắm mắt - điều tôi cũng làm khi hôn chàng ếch trong câu chuyện số 1. Lý trí của tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để mở mắt ra và nhìn, thì có nghĩa cảm xúc trong tôi vẫn chưa đủ lớn để tôi thả trôi bản thân mình theo một nụ hôn. Nụ hôn không nhắm mắt, đó là một bài kiểm tra giữa tình cảm và lý trí. Bạn chẳng phải là tội phạm, nhưng nụ hôn không nhắm mắt chính là bằng chứng thuyết phục nhất chống

lại bạn tại tòa án con tim: Bạn chẳng có tình cảm gì đặc biệt với người ta. Suy cho cùng, Q cũng cần phải xác định lại tình cảm với tôi, và, nhờ hôn tôi, anh ta biết rằng người mình yêu vẫn là L. Chẳng ai quy định rằng, chỉ khi nào bạn thật sự yêu một ai đó, bạn mới được quyền hôn họ. Tôi hôn họ bởi vì cần biết tôi có tình cảm với họ hay không. Tôi cần câu trả lời, rằng đây có phải là một nụ hôn mà tôi muốn đón nhận mỗi sáng sau khi thức dậy hay không? Nụ hôn đôi khi là một bước thăm

dò trước khi con tim sa ngã. Q hôn tôi, mở mắt, anh chàng chẳng hề yêu tôi. Như tôi hôn những người trước. Lý trí còn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng mình chưa yêu. Thế cho nên, khi tôi phân vân muốn quen một ai đó, tôi sẽ hôn họ, thật lâu và thật sâu! Nếu mắt tôi mở, tức là trái tim tôi vẫn còn đóng. Logic đơn giản 1 + 1 này giúp tôi vượt qua được vài ba câu chuyện tình cảm tẻ nhạt vài ngày quên luôn khác. Mãi cho đến sau này, khi tôi gặp K. Nhưng tất nhiên, đó sẽ lại là một câu chuyện khác nhé!


70

Dọn dẹp và mướt xanh bài: lynh miêu

Cứ tháng Tư và tháng Mười một, tôi lại dọn lại phòng mình một lần. Căn phòng gần ba mươi mét vuông, thế mà bao nhiêu thứ có thể khiến chân tay tôi không ngơi nghỉ: Nào dọn lại tủ quần áo, xếp lại giá sách, nào góc bàn làm việc cần chỉnh trang, và còn rất nhiều món đồ cần vứt bỏ... Mỗi năm hai lần, tôi dọn dẹp lại căn phòng như một cách để dọn dẹp lại tim mình. Không cố giữ những thứ không còn phù hợp, bỏ đi được một thứ, là thêm một thênh thang…


71

1.Lối sống tối giản Tôi bắt đầu nghĩ về lối sống tối giản hơn một năm trước. Khi trong đầu cứ thi thoảng lại thấp thoáng suy nghĩ: Ừ, hay là mình đi đâu đó nhỉ? Đi lâu lâu một chút, chưa biết bao giờ sẽ về. Lúc đó, tôi nhìn căn phòng của mình và tự nhủ: Tôi sẽ mang hết những món đồ này đi gửi ai đây? Là một người yêu thích việc trang trí nhà cửa, tôi đã từng bỏ không biết bao nhiêu tiền cho những món đồ “xa xỉ” - nói thế nào nhỉ, chúng thực sự khá vô thưởng vô phạt, chỉ là chúng quá đẹp cho một ngày loanh quanh shopping, ngắm nhìn, nhấc lên rồi thì không thể đặt xuống. Tôi có cả một

giá để những món đồ thủy tinh, với những lọ to lọ nhỏ đủ các hình dáng có thể phục vụ cho cả một sự kiện nhỏ. Tôi cũng có không biết bao nhiêu món đồ gốm sứ, trang trí, bảng vẽ to kềnh càng… Những vật dụng ấy đẹp xinh thật đấy, nhưng mỗi lần lau chùi hay vận chuyển là mỗi lần… phát mệt, dù không thể phủ nhận, nó sẽ rất tuyệt và hữu dụng cho những dịp tụ tập cần trang trí nào đó - nhưng rất tiếc số lần chúng được sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi nhận ra, đã từ bao giờ, đồ đạc đã trở thành vật bó buộc mình đến thế? Nó ngăn cản việc chúng ta - ngay lập tức thay đổi nơi sống, lộ trình cuộc sống. Hoặc đơn giản hơn, dù trong trường hợp bạn không thay đổi nơi sống, khi bạn càng sở hữu

nhiều tài sản, thì sự lo sợ việc chúng bị mất đi lại càng cao. Ví như, bạn không thể thực sự thoải mái nếu mang theo người quá nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh, và cứ luôn phải tự nhủ trong đầu, mình có vô tình để quên món đồ nào ở đâu không. Trong những chuyến đi xa, việc đó lại càng gây ám ảnh - một chuyến đi đã trở nên thật sự tròn trịa, nếu bạn không trở về và phát hiện ra mình đã để quên chiếc kính yêu thích ở một khách sạn nào đó bạn đã đi qua… Tôi từng đọc một cuốn sách rất thú vị của nhà sư nổi tiếng Nhật Bản Ryunosuke Koike, ông có chia sẻ những quan điểm rất thú vị về hạnh phúc, về sự sở hữu, và về vật chất. Sự thật là mỗi ngày con người ta thường dành quá nhiều thời gian suy nghĩ đến


72 những điều mà chúng-ta-có. Mỗi khi được khởi động, tâm trí chúng ta liên tục hoạt động như những con sóng, với hàng nghìn những suy nghĩ nhỏ nhặt hiện lên và đan xen vào nhau. Chúng ta có thể nghĩ về món đồ này trong vòng 0,01 giây, rồi lại nghĩ về một món đồ khác trong vòng 0,01 giây khác,… Cứ như vậy, trong một ngày, chúng ta dành quá nhiều những 0,01 giây để nghĩ về những món đồ mà chúng ta sở hữu hoặc không sở hữu. Và như vậy tức là, chúng ta dành rất-nhiều-năm trong cuộc đời, để nghĩ về những những món-đồ, trong khi đó, nếu loại bỏ được việc sở hữu đồ đạc khỏi đầu óc, hẳn chúng ta sẽ dành được nhiều chỗ ở trái tim và trí óc, cho những điều tốt đẹp hơn. Khi ý nghĩ về một cuộc sống tự do càng lớn lên trong tôi, thì ý tưởng về một lối sống tối giản càng thôi thúc. Tôi muốn dọn dẹp lại hết những món đồ trong phòng, trong nhà mình. Không hẳn mọi thứ sẽ xảy ra chỉ trong một sớm một chiều, nhưng điều quan trọng tôi học được qua mỗi lần dọn dẹp là học cách bỏ đi những món đồ không cần thiết, và cao hơn nữa, là sự tự ý thức về việc lựa chọn mua chỉ những vật dụng cần thiết cho cuộc sống mà thôi.

2. Bài học về dọn dẹp Từ ngày sống riêng, tôi đã luôn duy trì thói quen dọn dẹp một năm hai lần, khi Hè chuẩn bị sang và Đông sắp về. Nhưng khi tìm hiểu nhiều hơn về lối

sống tối giản, công việc dọn dẹp mới diễn ra thật sự triệt để. Bình thường, tôi luôn vừa dọn dẹp, vừa tiếc rẻ, thêm vào đó, việc mua sắm quá nhiều đồ đạc một cách không tính toán khiến căn phòng chỉ có phình to ra chứ chưa bao giờ vơi bớt đi. Lần dọn dẹp gần đây nhất, tôi bắt đầu nhận thức rõ ràng về việc mình cần làm, và việc dọn dẹp cũng vì thế trở nên rất thoải mái. Hãy bắt đầu dọn dẹp bằng một cái đầu thông thoáng: Thú nhận cùng tôi nhé, bạn đã từng nhìn vào một chiếc váy nào đó trong tủ quần áo của mình và nghĩ: “Năm nay mình chưa mặc chiếc váy này lần nào, nhưng mình vẫn giữ lại, vì biết đâu năm sau sẽ mặc?” Hoặc bạn đã từng bao giờ nhìn vào một chú gấu bông cũ và thốt lên: “Mình đã hết tuổi chơi gấu bông rồi, nhưng đây là món quà đầu tiên bố đã mua tặng mình khi mình còn bé.” Tôi đã từng nghĩ như bạn rất rất nhiều lần, với những món đồ mặc trong tủ, với những kỷ vật ấu thơ, hoặc cả với những cuốn sách… Nhưng có một sự thật mà tôi chắc chắn muốn chia sẻ với bạn: - Nếu một bộ quần áo bạn không mặc năm nay, đến 90% bạn sẽ không mặc nó vào năm tới. - RẤT ÍT cuốn sách bạn có thể đọc lại hai lần. Và hãy chỉ giữ lại những cuốn sách bạn đã THẬT SỰ đọc đi đọc lại nhiều lần thôi. Còn lại, hãy tặng số sách bạn đã

đọc cho ai đó/cho một tủ sách từ thiện nào đó, hoặc tham gia một chương trình trao đổi sách hay cũng thú vị phải không? - Hãy chia sẻ chú gấu bông của bạn cho một em bé khác, thay vì vứt nó trong xó tủ, cả chú gấu bông và em bé sẽ đều vui hơn đấy. Và quan trọng, nếu nó là ký ức của bạn, bạn chỉ cần giữ nó trong ký ức là đủ rồi. Những gạch đầu dòng ít ỏi này để bạn thấy, luôn có giải pháp cho những món đồ của bạn. Và rõ ràng, bạn chỉ có thể dọn dẹp được triệt để khi bạn thật sự thông thoáng đầu óc. Đừng tiếc rẻ, đừng bám chấp, và đừng để những điều mang danh kỷ niệm làm mình ngổn ngang. Bắt đầu dọn dẹp thật sự: Tôi luôn bắt đầu dọn dẹp vào những ngày đầu mùa và kéo dài nó trong một đến hai tuần (thậm chí lâu hơn, tùy theo tình hình công việc của tôi lúc đó). Tức là, tôi sẽ dọn dẹp vào thời gian rảnh, rải rác trong nhiều ngày, để không khiến mình cảm thấy quá mệt mỏi, đồng thời, khi bạn không gây áp lực rằng mình phải-dọn-dẹp, việc dọn dẹp sẽ diễn ra rất cảm hứng. Ví dụ, tôi sẽ dành một buổi tối cho việc dọn dẹp tủ quần áo, một buổi tối khác cho việc sắp xếp lại giá sách hay bàn làm việc, một ngày cuối tuần cho việc đi mua vải may rèm cửa, ga giường… Tôi phân loại các món đồ mình dọn: Món đồ nào có thể mang bán online “cũ người mới ta”; món đồ nào có thể trở thành


73


74

món quà nhỏ cho ai đó; món đồ nào thì dành cho việc làm từ thiện; và món đồ nào là những món đồ hỏng, để bán đồng nát… Vừa dọn dẹp, tôi vừa tâm niệm: Đồ đạc là để sử dụng, thay vì vứt xó một cách phí phạm, hãy mang món đồ đó đến cho người cần. Hình thành ý thức mua đồ cho những lần tiếp theo: Cùng với việc dọn dẹp, tôi hiểu, tôi sẽ không thể sống tối giản, nếu như cứ luôn mong muốn sở hữu tất cả những điều mình “chỉ nhìn thôi đã thích”: - Tôi đã dần học được cách kiềm chế khi đứng trước một món đồ xinh đẹp. Thay vì sở hữu, tôi học cách ngắm nhìn nó thật lâu, rồi ra về. Vì tôi biết, có những món đồ tôi sẽ chỉ sử dụng rất ít lần trong năm, thậm chí rất ít lần trong nhiều năm.

Tôi không muốn một điều xinh đẹp bị bỏ quên quá lâu trong góc nhà. - Tôi chọn những vật dụng có thể sử dụng lại nhiều lần. Những bộ quần áo tối giản hợp dáng người mà tôi có thể mặc nhiều năm không lỗi mốt. Vì tôi nhận ra, trong rất nhiều chuyến đi gần đây, va li của tôi luôn chỉ có từng ấy món đồ cơ bản. - Thay vì mua quá nhiều đồ bình dân, hãy chọn những món đồ bền, đẹp và đắt tiền một chút cũng được - dù đó là quần áo hay đồ gia dụng. Bạn có thể dùng những món đồ này trong nhiều năm mà không lo chúng bị cũ đi, hay hỏng hóc. - Có một sự thật “hãi hùng” khi dọn dẹp là: Tôi đã dọn được cả một bao tải túi nilon trong nhà (tôi có thói quen giữ lại túi nilon để tái sử dụng). Và từ đó, tôi quyết tâm đi đâu cũng mang theo một chiếc túi

giấy to để đựng đồ, hoặc không dùng túi nilon nếu không thực sự cần thiết. Và, bạn thân mến ơi! Tôi còn nhớ cuộc trò chuyện với một người bạn mà tôi rất yêu quý. Chị nói với tôi rằng: “Linh này, em hãy thử nhắm mắt lại và nhớ về khoảnh khắc hạnh phúc nhất của cuộc đời em xem… Lúc đó, em sẽ nhận ra, những khoảnh khắc hạnh phúc em có, không gắn với món đồ nào em đang sở hữu cả, không phải là điện thoại, iPad hay máy tính xách tay… Mà ở đó là hình ảnh của những người em yêu, của những chuyến đi, của nụ cười, của nắng…” Hành trình dọn dẹp, tối giản lối sống của tôi cũng vì thế mà tiếp tục. Buông bỏ bớt hành lý, để có thể đi xa hơn. Để không ràng buộc. Và mướt xanh vì không âu lo.


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.