Dreaming #9

Page 1

issue IX - june 2017

isaac - photo: trĂ­ nghÄŠa

Dreaming

sunny


38

Dưới chân đỉnh Titlis bài: ngô ly kha


39


40

Với 80 euro (chừng 2 triệu đồng), tôi có thể mua cho mình một chú mèo thủy tinh “handmade” tuyệt đẹp ở Praha hay đổi ghế hạng A trong Nhà hát Opera Vienna lộng lẫy. Nhưng tôi đã chọn mua vé cáp treo dẫn lên đỉnh Titlis vì muốn được chạm vào đỉnh núi băng vĩnh cửu. Thế mà cuối cùng tôi lại bắt nhầm một chuyến cáp treo và tuột lại dưới chân núi. Một nửa sự mong đợi của tôi trong chuyến rong ruổi châu Âu đã tan trong vài phút, nhưng bù lại tôi đã có một buổi chiều đáng nhớ hơn cả mười nghìn buổi chiều tôi đã đi qua.


41

T

rước khi đến với một phần đẹp nhất của dãy Apls trên đất Thụy Sĩ, tôi đã có gần hai tuần rong chơi ở Paris, Frankfut rồi đến Praha, Budapest, Vienna… Đỉnh Titlis và Lucerne là hai địa điểm dừng chân tôi rất mong đợi ở Thụy Sĩ trước khi bước vào lãnh thổ của nước Ý và kết thúc hành trình. Lẽ ra tôi đã được chạm vào lớp băng vĩnh cửu lần đầu tiên trong đời. Tôi đã mơ về giây phút đó biết bao kể từ lúc lên kế hoạch cho chuyến đi này. Nhưng rồi, vì quá vui thích lẫn háo hức,

tôi đã bỏ lỡ lần cáp treo thứ 4 để lên tới đỉnh núi và bắt nhầm một buồng cáp trở về. Tôi chỉ nhận ra điều này khi thấy những du khách ngồi cùng buồng không còn quan tâm đến cảnh sắc bên ngoài ô kính. Khi cố xin đường để có một tầm nhìn tốt hơn, tôi đau khổ nhận ra cáp đang đi xuống và tất cả du khách đều đã mãn nhãn với đỉnh băng giá rồi. Chỉ có tôi lạc đàn… Không thể xin đi chuyến khác vì cáp lên đã hết giờ hoạt động. Tôi chưa hết bàng hoàng nên cứ tha thẩn mãi dưới chân trạm, vừa tiếc nuối vừa tự cười cho sự hậu đậu

của mình. Một lúc lâu sau, tôi mới nhận ra rằng mình còn cả một buổi chiều và khung cảnh dưới chân núi thì thơ mộng như một bức tranh. Thế là tôi đi loanh quanh giữa những ngôi nhà có vườn cỏ xanh rì. Ngay từ khi xe di chuyển vào địa phận Thụy Sĩ, tôi đã mê mẩn những đồi cỏ xanh ngút ngát, thỉnh thoảng mọc lên những mái nhà lơ thơ với một hai bóng cây cổ thụ. Lắm khi tôi còn được khuyến mãi thêm khung cảnh yên bình với một đàn bò ung dung gặm cỏ. Không gian đẹp như một miền cổ tích mà giờ đây tôi là một phần của câu chuyện.


về đỉnh titlis

42

titlis là một đỉnh núi thuộc dãy uri alps, nằm trên biên giới giữa các bang của obwalden và berne, thụy sĩ. ở độ cao trên mực nước biển là 3.238 mét (10.623 ft), đây là đỉnh cao nhất của dải phía bắc susten pass. đường lên đỉnh phổ biến nhất đặt ở engelberg (obwalden) ở phía bắc và đây cũng là địa điểm nổi tiếng khi có chiếc cáp treo quay đầu tiên trên thế giới. hệ thống cáp treo kết nối engelberg (996 m) tới đỉnh klein titlis (3.028 m). tại đỉnh klein titlis, bạn có thể uống cà phê hay ăn trưa ở nhà hàng trên đỉnh núi hay ngắm tìn toàn cảnh dãy apls từ the titlis cliff walk - cây cầu treo cao nhất ở châu âu, khai trương vào tháng 12/2012.

Một nếp nhà gỗ gần con suối đang phát ra tiếng động cơ rì rầm. Khi đến gần, tôi ngửi được mùi bột cám, có lẽ họ đang xay ngũ cốc bên trong. Thị trấn dưới chân núi chuyển động một cách lặng lẽ và chậm chạp. Hiếm lắm tôi mới trông thấy một cụ già nằm phơi nắng bên hiên hay một người đàn ông đang cắt cỏ. Phía bên trái trạm cáp treo có một đường mòn nhỏ vắt ngang lưng đồi, có vẻ như là con đường trekking (leo núi) dẫn lên đỉnh núi. Tôi đi được vài trăm mét thì tìm thấy một gốc cây to nằm chơ vơ giữa đồi, bên dưới có chiếc ghế được kê từ ba viên đá. Ngồi ở đây có thể ngắm nhìn toàn bộ thung lũng với mặt hồ, những nếp nhà và đỉnh núi phủ tuyết trắng. Tôi ngủ thiếp đi dưới bóng cây, trong những làn gió lành lạnh, tinh khiết mang hơi băng và thơm mùi cỏ vừa mới cắt. Một giấc trưa ngon lành như trẻ nhỏ. Tỉnh dậy, tôi tự dọn bữa trưa muộn cho mình. Hôm nay tôi có bánh táo nướng (vừa mua từ cửa hàng bên dưới), hai cây xúc xích, một trái lê và một hộp sữa

tươi. Ngoài những suất ăn đặc sản được đặt trước ở các nhà hàng trên đường đi, tôi thường chuẩn bị sẵn bữa trưa cho mình trong chiếc ba lô nhỏ, phòng khi mải chơi mà không kịp ghé một hàng quán nào, như bữa trưa kỳ diệu giữa lưng trời này. Người ở thị trấn này ngăn chia ranh giới mỗi nhà bằng những cây cọc nhỏ ở các mép đất. Cỏ xanh trải dài bao phủ nên nhìn từ xa xóm làng trông như một đồi cỏ thênh thang. Tôi đi tiếp con đường trekking, dẫn đến những ngôi nhà thưa hơn, cũ hơn với những mảng tường gỗ rêu phong đã trải qua bao mùa sương tuyết. Thị trấn vẫn chưa tỉnh giấc trưa phía sau những khung cửa im lìm. Thật lòng, tôi sẽ chẳng hề ngạc nhiên nếu có một Chú Lùn bước ra từ mái hiên sau hay một Bạch Mã Hoàng tử dừng ngựa ở lưng đồi. Khung cảnh mộc mạc, yên tĩnh và nên thơ khác hẳn với thế giới ồn ã bên ngoài khiến tôi tưởng như chúng không hề tồn tại. Vẫn chưa tỉnh cơn mơ, tôi đi theo tiếng chuông nhỏ lanh canh dội về trong làn gió.

Tiếng chuông dẫn tôi đến một ngôi nhà có lối vào phủ hoa nằm trên rìa dốc nhìn xuống thung lũng. Chủ nhân đeo chiếc lạc lanh canh là một cô bò sữa đang ung dung gặm cỏ phía sân sau. Bất giác, tôi đi vào khu nhà, gõ nhẹ trên cánh cửa gỗ mà chẳng hề biết rằng mình sẽ trả lời như thế nào với chủ nhà về sự mạo muội này. Nhưng có hề chi, tôi tin vào những linh cảm tốt lành. Tôi tin rằng, khi tôi bỏ lỡ một chuyến đi kỳ diệu này thì tôi sẽ lập tức tìm được một hành trình kỳ diệu khác, nếu tôi biết nắm bắt cơ hội. Như lần này, tôi đã vô tình tìm thấy một thiên đường ngay ở dưới chân núi. Thử nghĩ mà xem, có bao nhiêu buổi chiều trong đời bạn được nằm trên cỏ, dưới bóng một gốc cây, phía trước là mặt hồ phẳng lặng, những nếp nhà lưa thưa và những đỉnh núi tuyết mờ xa đẹp như tranh vẽ? Tôi chỉ có một buổi chiều như vậy! Một buổi chiều đáng nhớ hơn cả mười nghìn buổi chiều tôi đã từng đi qua.


43


44

Người câu gió bài: vân anh


45

1

Mấy ngày nay thành phố nhiệt đới nơi tôi ở có những cơn gió ngào ngạt, tôi hay cùng anh bạn trai khệ nệ bê chiếc bàn gỗ ra ban công ngồi. Hai chiếc ghế xíu xiu, hai cốc cà phê Arabica hẳn hoi pha bằng phin cà phê tồi tàn tôi mang từ Việt Nam sang…Và cứ thế, chúng tôi ngồi chăm chú nhìn thành phố chấp chới màu xanh đỏ trên tấm phông nền xám kì quặc của những đêm không rõ là mùa Hè hay mùa Xuân nữa. Thành phố này rất kì quặc, nhìn kĩ thế nào, cũng không gợi lại cho tôi về Hà Nội,

thành phố tôi sống cả một quãng thời gian dài, chà, không phải là rất dài để cho rằng bộn bề tuổi trẻ của tôi gói gọn trong nó, nhưng đủ dài để tôi đã kịp có những căn phòng số 1, số 2, số 3… chiếc xe máy số 1, số 2… những việc làm thêm, những quán cà phê yêu thích không được đánh số nhưng được định hình bằng cái tên của những người bạn thân. Chỉ có những cơn gió, những cơn gió thì thật là giống. Tôi còn nhớ cơn gió đầu tiên khiến tôi xúc động đến thế, là ở ô cửa sổ ngôi nhà số 1. Cánh cửa gỗ được trưng dụng làm cửa sổ, chênh vênh giữa không trung một ô cửa kích cỡ khổng lồ, những cơn gió của mùa Thu Hà Nội tràn cả vào căn phòng nhỏ của tôi, ngào ngạt một cách thái quá mùi hoa sữa từ những tán cây trường Báo phía đối diện. Đối với

một đứa trẻ sống từ bé đến lớn trong một căn hộ tập thể hiếm hoi những ô cửa sổ như tôi, những đêm đầy gió ấy thật là nỗi kì diệu, tôi nhớ mình hay ngồi vắt vẻo trên bệ cửa, nhìn ngõ nhỏ loang loáng ánh đèn điện, nghe tiếng cây xào xạc, xào xạc… Rồi tôi chuyển đến căn hộ thứ hai, nơi tôi hay loạng choạng mỗi sớm tinh mơ lên tầng thượng để nhìn con đường Láng ngây ngất trong những cơn gió chợt lạnh của ngày chớm Đông. Tôi tìm thấy niềm thân thương quá đỗi với sân thượng ấy đến nỗi, bạn đến nhà chơi, tôi cũng kéo lên ngồi ở đó, cùng uống cái gì đó với nhau, cùng chia sẻ an lành mát mẻ của cơn gió Hà Nội. Cứ theo cái cách ấy, theo dòng chảy ấy, mỗi căn hộ từng dọn đến, tôi không sao tránh khỏi việc tìm kiếm một góc để ngồi đón gió.


46

Không có gió trong phòng, tôi trèo lên tầng thượng. Không có gió vào cửa sổ, tôi lúi húi kéo xe máy ra đường. Nếu đếm tổng cộng tất cả những ngọn gió có tôi trong đó, có lẽ đã gom cả bầu trời thế giới trong một ngày.

2

Những tối mùa Hạ năm ấy, tôi hay ngồi ở một quán cà phê trên con phố Lê Lợi ở Hội An, chờ cơn mưa rào tắt để đạp xe dọc Cửa Đại về khách sạn, ven theo bờ sông Thu Bồn tĩnh lặng, sóng sánh bất chợt những ánh đèn điện nhỏ xíu thôi. Tôi hoảng, phần vì đèn điện không đủ sáng, phần vì dù không muộn quá nhưng hình như chỉ có tôi là hì hục đạp xe. Thế rồi, khi iPod bên tai tôi hát khe khẽ bản nhạc Ordinary Human của One Republic, đại ý là “Dù tôi chỉ là một người bình thường, nhưng tôi không cảm thấy bình thường chút nào ngày hôm nay”, và bạn biết không, tôi nghe thấy cơn gió đêm mát lành thổi đến, mang theo mùi hương trầm, mang theo thứ âm nhạc tôi đang nghe để cùng chuyển động về một chiều nơi bánh xe vẫn quay đều. Tôi rạng rỡ với chính dư âm tinh thần ấy, sự tự do

bao la giữa vũ trụ nhỏ bé của tôi, cho tôi mải miết đuổi theo, theo mãi một cơn gió thoảng hương trầm. Rồi cứ độ ấy, mỗi lần tìm thấy một cơn gió sau mưa rào mùa Hạ, dù chỉ ngồi cùng cô bạn thân ở góc ban công Đinh để nhìn ra phố, thảng hoặc tôi tìm thấy mình ngẩn ngơ tưởng ngửi thấy mùi trầm và tiếng nhạc về những ngày “bất thường” đêm mùa Hạ Hội An. Bạn có bao giờ từng đếm những cơn gió đến với mình không? Tôi sợ rằng, gió cũng như mưa, nắng, hoàng hôn, bình minh, như cái nắm tay của bạn với người yêu, như mấy buổi chiều hứng lên hẹn cô bạn thân ở quán cà phê quen… những lẽ giản đơn để đủ sức đánh dấu trong chuỗi ngày tươi trẻ của chúng ta. Nhưng bạn có đồng ý với tôi không? Rằng có khi, đó là căn nguyên, là dấu ấn, là màu sắc của vũ trụ bé nhỏ chỉ bao bọc lấy chúng ta mà thôi. Rằng đó có khi là tầng kí ức chúng ta không phải mất công lưu giữ trong não bộ bé nhỏ. Kho tàng gió ấy, sẽ chờ lúc bạn cảm thấy bất ổn, lúc bạn tạm quên một kỉ niệm đẹp, một tháng ngày đẹp để bất chợt gợi nhớ bạn, bằng cái cách bình yên nhất và giản dị nhất. Tôi gọi đó là sự thần kì của những cơn gió.

3

Tôi nhớ đến Frances Ha, cô gái đang ở giai đoạn khủng hoảng tuổi 20 trong bộ phim cùng tên, không được nhận vào công việc mơ ước, không có tiền, vừa chia tay bạn trai trong khi người bạn thân duy nhất cũng không còn nói chuyện với cô, nhưng mỗi giờ nghỉ trưa, Frances luôn đều đặn tập múa ở công viên. Cô gái say sưa với điệu nhảy đương đại, đôi mắt nhắm hờ, cô không còn bận tâm xung quanh. Bộ phim trắng đen đã kết thúc mà tôi vẫn thấy mát lành tràn qua, từ khoảnh khắc khi đam mê còn ở trong cô gái trẻ với sự lạc quan vụng về mà thu hút vô cùng ấy. Như câu nói của một nhà văn Monique Duval mà tôi tình cờ đọc được: “Cô ấy quyết định rằng cô ấy sẽ tự do để nhảy múa trong cơn gió… Và chim chóc sẽ dao động xung quanh cô, để cùng vẽ nên chữ “Có” trên bầu trời.” Frances hẳn đã giải phóng chính mình để có điệu nhảy không chút vướng bận ấy, hẳn cô đã hòa vào làn gió tình cờ nào đó, làn gió trong lòng, làn gió tự do hoang dại nhưng đầy ắp. Tôi tin rằng những ngột ngạt trong lòng rất cần một cơn gió như vậy thổi qua. Dù đó


47

là một mối tình cũ vẫn đâu đó trong lòng bạn, dù đó là những công việc, bài vở, dù đó chẳng là gì cụ thể cả. Chỉ là bạn không thấy vui, chỉ là bạn có thể cũng giống như tôi một sớm tinh mơ đi đến trường đại học, nhìn căn nhà cao tầng đang xây dở và choáng váng khi thấy đó là núi đồi bên cạnh bờ biển gần nơi gia đình tôi sống. Tôi tin rằng cơ chế cảm giác của chúng ta hoạt động hiệu quả lắm, đó là điều báo hiệu bạn cần một khoảng không gian rộng rãi hơn, những núi đồi, sông biển thực sự. Cần những cơn gió thổi trong một không gian thơm mùi thông reo thực sự. Cần những cơn gió biển từ khơi thổi vào thực sự, để bạn hít hà cho đã luồng không khí ấy của đất trời, để bạn thở

phào và quay trở lại với cuộc sống với nguồn năng lượng tự do ấy.

4

Những ngày cuối tháng Mười trước khi đi du học, ngày nào tôi cũng lặp lại những cuộc hẹn với những người bạn thân. Tôi sẽ đi đến Đinh rất nhiều lần để ngồi ở ban công chật nhuốm màu mùa lá rụng với người bạn này, tôi sẽ đi bộ vòng qua hết con phố này đến con phố khác để tìm thấy mình ngồi trò chuyện giữa một quảng trường nhỏ với người bạn

khác, rồi tôi cũng thường xuyên nhảy tót lên ban công căn hộ tập thể cổ kính của một cô gái dịu dàng nọ, hai đứa chúng tôi sẽ ngồi ngắm mãi chậu tỉ muội âm ỉ đung đưa trong ánh đèn của thành phố. Những ngày tháng Mười ấy với tôi sao mà có nhiều cơn gió đến thế. Như cậu bé đi câu mặt trăng trong bộ phim hoạt hình Luna, tôi nghĩ mình là một kẻ câu gió. Rồi trong những chuyến hành trình nho nhỏ ấy, tôi có những người bạn đồng hành, để cùng câu những cơn gió, để đắm mình trong đó. Để khi một cơn gió quen thổi qua, tôi sẽ được sống lại những tháng ngày trẻ hơn cả tuổi trẻ bây giờ.


48

Elle Fanning Đóa hồng trong xuân sớm bài: hoài nam

Không có hình ảnh nào chính xác hơn để miêu tả Elle Fanning trên trang bìa tạp chí Vogue số tháng 6/2017. Cô gái 19 tuổi, với vẻ đẹp trong sáng như bước ra từ cổ tích, đội chiếc mũ đan bằng những đóa hồng mùa Xuân. Kế bên là lời đề: “Một ngôi sao đang khoe sắc.”


49


50

Chinh phục biển lớn Nếu là cách đây 10 năm, những người trên đường tình cờ gặp Elle sẽ giật mình và hỏi: “Cháu có phải làm em gái của Dakota Fanning không?”. Đó là lúc cô chị, lớn hơn Elle 4 tuổi, đang là ngôi sao nhí sáng nhất Hollywood, với War of the Worlds (Chiến tranh giữa các thế giới, 2005), Man on Fire (Trong cuồng nộ, 2004), I am Sam (Tôi là Sam, 2001)... Còn Elle Fanning, có cùng niềm đam mê diễn xuất, chỉ lẽo đẽo theo chị để đóng các phiên bản nhỏ hơn của

Dakota, như trong mini series Taken (Cưỡng đoạt, 2002). Nhưng giờ đây, nếu phải chọn ra nữ diễn viên nào thành công nhất dưới 20 tuổi, Elle Fanning phải nằm ở tốp đầu. Nếu không muốn nói là đứng đầu. Ông trời dường như ưu đãi hai chị em nhà Fanning theo hai cách khác nhau. Dakota là bông hoa nở sớm, với vẻ dễ thương láu lỉnh cùng diễn xuất thông minh, thống trị thế hệ diễn viên nhí. Còn Elle, ở tuổi thiếu niên, ngày càng cho thấy bóng dáng của một siêu sao tương lai, từng bước một chinh phục biển lớn Hollywood.

Ở một nơi khắc nghiệt như Kinh đô ánh sáng, thước đo thành công của một người phải là cả hai bên cánh: Thương mại và nghệ thuật. Elle Fanning đang bước đi trên đôi cánh đó, một cách vững chắc. Cô kiếm bộn tiền với Maleficent (2014) đóng cùng Angelina Jolie hay “bom tấn” Super 8 (Quái vật vũ trụ, 2011). Cùng lúc đó ngày càng phát triển tài năng diễn xuất với các đạo diễn hàng đầu như Sophia Coppola, Mike Mills và Nicolas Winding Refn. Với gương mặt góc cạnh đậm chất điện ảnh, đôi mắt


elle fanning sinh ngày 9/4/1998, ở tiểu bang georgia, mỹ. cha cô từng chơi bóng bàn bán chuyên, trước khi trở thành thợ điện. còn mẹ cô là vận động viên tennis chuyên nghiệp. thần tượng của elle là huyền thoại marilyn monroe. cô rất thích hóa trang thành thần tượng trong các kì halloween.

xanh hút hồn, Elle Fanning liên tục “biến hình” và chinh phục tất cả. “Tôi không chắc từng làm việc với ai có bản năng diễn viên sâu sắc như Elle,” tài tử Colin Farrel ngạc nhiên nhận xét về bạn diễn, trên phim trường The Beguiled (Những kẻ khát tình), bộ phim hứa hẹn làm nên chuyện tại Cannes 2017. Elle vào vai con gái trong một gia đình toàn nữ, bỗng rơi vào xung đột tình cảm với một người lính bị thương lạc đến. Trước đó, cô trở thành một người chuyển giới trong 3 Generations (3 thế hệ, 2015) và cô con gái đau khổ của biên kịch danh tiếng trong Trumbo (2015). Nhưng đặc biệt nhất, phải là vai diễn cực khó trong The Neon Demon (Ác quỷ sàn Catwalk, 2016), khi Elle phải thay đổi giữa hai thái cực “thiên thần” và “ác quỷ”.

Năng lượng tuyệt vời Những dự án tuyệt vời cứ thế đến với Elle Fanning, như một lẽ tự nhiên. Trong năm 2017, ngoài The Beguiled, cô sẽ đóng cặp với Logan

Lerman trong bộ phim tâm lí rất được kì vọng Sidney Hall. Tiếp đó, Elle sẽ được thử sức với thể loại nhạc kịch trong Teen Spirit (Tinh thần tuổi teen), được sản xuất bởi đội ngũ đã thực hiện La La Land (Những kẻ khờ mộng mơ, 2016). Ở tuổi 19, Fanning còn chuẩn bị cho sự nghiệp đạo diễn. “Tôi rất, rất muốn thử sức,” cô hào hứng nói. Có điều gì mà cô gái trẻ này không làm được? Có lẽ là không gì cả, như lời Coppola từng nhận xét. “Đôi lúc, bỗng nhiên tôi thấy cô ấy còn cao hơn cả tôi.” Đó là dự cảm của nữ đạo diễn thành công nhất Hollywood, nhưng tại sao không? Thành công luôn dành cho những người nỗ lực nhất, và Elle chắc chắn là một trong số đó. “Tôi đóng phim giống như những đứa trẻ khác tập tennis hay piano,” cô nói. “Chỉ cố gắng hết mình để giỏi hơn.” Tinh thần này có lẽ đến từ truyền thống gia đình, khi bố mẹ cô đều là vận động viên. Nhưng sự cạnh tranh đó không dành cho gia đình, nhất là với người chị Dakota.

Trong khi Elle đang tỏa hương khoe sắc, cô chị chỉ còn tham gia những vai nhỏ lẻ, ít được biết đến. “Mọi người thường muốn giữa chúng tôi có hiềm khích hay mâu thuẫn,” Elle trả lời trong một chương trình truyền hình. “Nhưng nó không bao giờ xảy ra cả. Chúng tôi chỉ là chị em bình thường trong một gia đình bình thường.” Như một đóa hồng trong xuân sớm, Elle mang đến nguồn năng lượng tuyệt vời cho bất kì ai gặp gỡ. Như lời nhà báo Nathan Heller của Vogue miêu tả: “Điều tỏa ra lập tức là sự tự tin của cô ấy, cách Elle biết mình là ai, phải làm gì, và như thể truyền lấy sự tự tin ấy đến cho bạn.” Có lẽ vì thế mà mọi đạo diễn đều muốn có cô trong phim của mình. Sáu bộ phim chỉ trong năm 2017 là một con số đáng nể. Nhưng Elle vẫn chỉ là một cô gái 19 tuổi, “siêu lãng mạn” như lời cô tự miêu tả, vẫn mơ mộng “tìm kiếm một ai đó” ở nơi nào đó trên thế giới. Đó hẳn phải là chàng trai may mắn nhất trên đời.

51


52


53

Ban nhạc của những kẻ lạc lõng bài: hoài nam

“Vì sao em thích cô ấy?”. Người anh trai hỏi Conor, chàng trai tuổi teen tự lập ban nhạc trong Sing Street (Ban nhạc Phố Hát, 2016) chỉ để làm quen với một cô gái. “Em không biết”, Conor ngập ngừng rồi trả lời. “Có gì đó ở cô ấy mà mỗi lần nhìn vào, em lại muốn khóc.”


Câu chuyện trưởng thành 54

Chỉ một câu thoại, đạo diễn kiêm biên kịch Ireland - Jonh Carney, đã tóm gọn được sự chân thật, sáng trong và cả ngọt ngào của tuổi thiếu niên. Ta chưa đủ trưởng thành để biết vì sao yêu một người. Ta chỉ có thể cảm nhận. Điều Conor (Ferdia Walsh-Peelo) cảm thấy ở cô bé Ann (Kelly Thornton), ngay ở lần đầu gặp gỡ, là sự cô độc. Ann ngồi một mình trên sân trường, với điếu thuốc phì phèo trên miệng, ra vẻ gai góc và bất cần. Mọi người đều nghĩ Ann là dân chơi. Chỉ có Conor nhìn thấy sự yếu đuối trong tâm hồn cô bé, và cả sự nhỏ nhoi, như thể đang bị cả bầu trời sau lưng đè lên. Dù lúc ấy, cậu không hề biết Ann mồ côi cha mẹ. Ngay lập tức, cậu muốn làm quen với Ann. Chẳng có tài cán gì ngoài việc nghêu ngao hát cùng cây đàn guitar, chủ yếu để trốn tránh những trận cãi vã không dứt của bố mẹ, Conor nảy ra ý thành lập ban nhạc và mời Anna đóng chung clip. Cô bé đồng ý. Thế là anh chàng phải lật đật đi tìm các thành viên khác, gồm toàn những kẻ hơi lập dị: “Nhà sản xuất” Darren (Ben Corolan), anh bạn mê thỏ đa tài Eamon (Mark McKenna), tay trống da đen Ngig (Percy Chamburuka)… Chúng lấy tên ban nhạc là Sing Street, chơi chữ từ Synge Street, tên ngôi trường hà khắc mà bọn trẻ theo học. Từ đó, Sing Street đưa người xem vào một câu chuyện trưởng thành sáng trong và đẹp đẽ.

Như bất kì cô gái quê nghèo nào ở Ireland, Ann mơ ước về Luân Đôn xa hoa. Vùng đất mà cả cô và Conor chỉ nhìn thấy ở bên kia mặt biển xa, ở những ngày đẹp trời, không khác gì tia sáng xanh của Gatsby. Ở đó có tương lai và hi vọng, khác hẳn sự ảm đạm nhàm chán của con phố hằng ngày. Trong khi đó, Conor phải đối mặt với bi kịch gia đình lớn nhất: Cha mẹ li dị. Liệu những lời hát và tiếng đàn có giúp chúng vượt qua khoảng thời gian khó khăn và quan trọng nhất trong đời?

Giá trị của đam mê

Ở bộ phim âm nhạc thứ ba này, đạo diễn John Carney lại mang đến thứ ma thuật đã chinh phục tất cả trong phim đầu tiên Once (Một lần, 2006). Đó là hơi thở nồng nàn của cuộc sống, được khắc họa bằng âm nhạc lãng mạn và sự chân thật giản dị, khiến tim ta rung động. Giống như câu chuyện của cô nàng bán hoa và chàng hát rong trong Once, chuyện tình giữa Connor và Ann gần như không có kịch tính đáng kể, nhưng lại thật đến mức như có thể bắt gặp ở bất kì đâu. Sử dụng những bài hát mang âm hưởng Pop hoài niệm của thập niên 80 của thế kỷ trước, John Carney đưa người xem về lại với những kỉ niệm sáng trong đầu đời, trong một câu chuyện đầy đặn về lớp nền và trọn vẹn về xúc cảm. Thông điệp chính của phim là về cách mà niềm đam mê và ước mơ cứu vớt mỗi chúng ta. Đam mê âm nhạc đã giúp Connor thoát

khỏi số phận ảm đạm của mẹ và anh trai, vốn bị chôn chặt ở quê nhà. Đam mê cũng giúp cậu thay đổi, từ nhút nhát trở nên mạnh dạn, bộc lộ tài năng và tính cách nghệ sĩ. Như cảnh phim ngọt ngào với bản To Find You (Tìm kiếm em) ở cuối phim, người nghệ sĩ thật sự sẽ hát cho chính mình. Và đam mê còn mang đến cho Connor dũng khí để che chở cho người mình yêu. Sau một Begin Again (Bắt đầu lần nữa, 2014) lấy bối cảnh Mỹ, và có phần hụt hơi, John Carney trở lại là chính mình với Sing Street. Dường như chỉ khi trở về với quê hương Ireland, ông mới có thể thăng hoa trong cả tư duy điện ảnh lẫn âm nhạc. Chuyện phim được dẫn dắt tự nhiên, không có một phút giây nào quá đà hay ngượng ngùng. Ngoài ra, ta như cảm thấy thứ “tình quê” trong mỗi khung hình nâng niu của ông. Như tất cả những phim trưởng thành xuất sắc khác, Carney còn bắt được sự mong manh quí giá của tuổi thiếu niên, trong cảnh phim trên biển cuối cùng. Điều không dễ tìm thấy trong điện ảnh hiện đại. Sing Street là một viên ngọc quý đến từ điện ảnh Ireland, cũng như của thể loại nhạc kịch, trong năm 2016. Ít được biết đến hơn La La Land (Những kẻ khờ mộng mơ) vốn làm mưa làm gió tại các giải thưởng, nhưng đây sẽ là bộ phim sẽ ở lại rất lâu trong trái tim ta. Sing Street mang đến cảm giác như khi ta tình cờ bắt gặp một bản nhạc nhạc tuyệt hay vang ở đâu đó, và nhận ra đó là một phần tâm hồn mình.


55


56

H ●● ●● Thơ VIỆT AN

GIẤC MƠ Tớ từng mơ ên dãy Himalaya Chạy một mình tr Trắng xóa thích cậu hai lần rằng tớ Hét to lên mười Và cậu ứ mười ba. Hiện ra ở lần th Tớ từng mơ ôi nhà nhau trong một ng Bọn mình ở cùng c Kề ngay miệng vự n như chú mèo oa ng ủ ng , tớ Cậu rúc vào ngực Và cả nỗi buồn eo. Cũng tuột trôi th ần ông có cây đậu th Trong giấc mơ kh o le ch đá cheo Cũng không có vá Chỉ có tớ mây Nấp sau một đám Nhìn cậu đầu… Che bớt nắng trên m qua Trong giấc mơ đê một cây cầu y xâ ng đa Tớ thấy mình thời quá khứ Đưa bọn mình về chứ? Cậu thích điều đó ời cư ỉ ch u Cậ ay đi. Rồi lẳng lặng qu g muốn mơ Hình như tớ chẳn Về sự chia ly… mơ ngây ngô nhất Dù chỉ trong giấc Và nỗi buồn Đất Thì cũng như Trái ồn bu ng đa lẽ Có hiêng đi… Nên cũng muốn ng


●● Thơ VIỆT ANH ●●

57

TỚ SẼ LÀ Nếu bây giờ mà được chọn lại Cậu muốn vẫn là người hay sẽ sống kiếp chim? Tự do với bầu trời Không cần suy nghĩ Và nương náu nơi nao chẳng thể kiếm tìm. Tớ muốn mình là một cây bao báp Ở Châu Phi xa xôi Chẳng phải vì nó sống lâu Và chẳng lo mưa gió dập vùi Mà vì mấy chục người ôm thôi hãy còn chưa đủ Tớ nghĩ khi bọn mình ủ rũ Rất cần được ôm. Rồi tớ ước mình bước chân tới nơi tận cùng thế giới vào một sớm hôm Thấy rất nhiều người đã ở đó Có người hài lòng Có người nhăn nhó Hóa ra mới được nửa đường. Tớ ước bọn mình đối xứng nhau qua một tấm gương Tay tớ là tay cậu Và mặt tớ là khuôn mặt cậu Chẳng thể tách rời.

Mọi điều có vẻ hão huyền và có vẻ xa xôi Tớ chỉ ước mình là một niềm yêu thương nho nhỏ Mà cậu nhớ tới đầu tiên khi thấy đời gian khó Để nhớ về nhau một xíu xíu bình yên. Hoặc có lẽ tớ là một tổng đài viên Để khi cần, cậu sẽ nhấc máy lên…


58


59

Bạn đi đâu mất rồi? bài: komorebi

T

hật buồn biết bao khi ngoảnh lại mà chẳng thấy ai sau lưng mình. Cơm ăn một mình, vui một mình, buồn cũng một mình. Mỗi phút giây trôi qua đều chỉ là một kẻ đơn độc. Nỗi buồn ấy, niềm vui này, chẳng chia cho ai, cũng chẳng có ai để chia cùng. Có lẽ yêu thương dành cho người chưa đủ, nên kết quả vẫn về không. Ta không còn là những đứa trẻ ngày đó, vừa chia xa

mà đã nhớ đến mức lấy cớ “khám phá hết ngõ ngách đến trường”, cùng nhau đi bộ một quãng đường dàinhất-có-thể từ trường về nhà chỉ để thong dong mà trò chuyện. Những câu chuyện của trường học, của những biệt danh buồn cười và khó hiểu, của bộ phim hoạt hình đang chiếu mỗi chiều trên ti vi, của bộ truyện mới dành cả đống tiền tích góp,… và cả những câu chuyện của tương lai. Chúng ta nói với nhau bằng tâm hồn của những đứa trẻ, đầy ngây thơ và mơ mộng. Chúng ta đã ngoắc tay sẽ vui vẻ bên

nhau mãi. Mấy đứa học trò của ngày đó chỉ thôi cười khi thấy thấp thoáng ngã rẽ để về nhà. Sự chia ly thoáng chốc lại làm ta nóng lòng chờ đợi đến ngày mai. “Bạn đi đâu mất rồi?”. Lên cấp Hai, cấp Ba, chúng ta thay đổi. Khoảng cách địa lý gần thành xa, bạn học trường này, tôi học trường khác, cùng với mạng xã hội chăng kín cuộc sống của ta. Vòng tròn bè bạn nới rộng bằng cả quả địa cầu, ngã ba năm nào ngày càng vắng bóng những bước chân, những vết rạn âm thầm hiện lên trên chiếc cốc bạn tặng đã cũ, rồi cũng đến


60

Hơn hai mươi năm trời ròng rã, những người tưởng có thể ở lại, rồi cũng dần đi mất. Cứ thế cứ thế, dù là hai mươi năm hay nhiều hơn nữa, cứ ngỡ là thân, nhưng lại không phải. Có tình thân nào đến từ một phía. Hóa ra khi ta lớn, ta chẳng còn biết gì về nhau.

ngày vỡ đôi. Chúng ta gắn nó lại, nhưng không còn như trước. Có cái gương nào vỡ rồi mà lành lại được đâu. Hơn hai mươi năm trời ròng rã, những người tưởng có thể ở lại, rồi cũng dần đi mất. Cứ thế cứ thế, dù là hai mươi năm hay nhiều hơn nữa, cứ ngỡ là thân, nhưng lại không phải. Có tình thân nào đến từ một phía. Hóa ra khi ta lớn, ta chẳng còn biết gì về nhau. Ta đều thay đổi và cần sự thay đổi. Rồi vì này vì kia, ta đều bận. Một cuộc hẹn vỉa hè mà cũng mất đến cả nửa năm. Và mình cứ bận mãi như thế, đến lúc đã lạc nhau một quãng thật xa. Bạn có bạn mới, tôi cũng tìm được những người mới thấu hiểu mình. Những người bạn với cái ngoắc tay mãi mãi cuối cùng chỉ đi với ta một đoạn đường. Chúng ta ngừng liên lạc, chỉ giữ cùng nhau một mối quan hệ trống rỗng và

“bạc phếch”. Mối quan hệ mà mỏng manh hơn cả sợi chỉ, trực đứt lúc nào không hay. Để khi gặp nhau ta toàn nói về những chuyện xưa cũ, vì chỉ ngày cũ ta mới biết về nhau. Thật kì lạ, sao ta của lúc đó, chẳng buồn luyến tiếc mà cứ thế chia xa. Ta từng tự dằn vặt bản thân, ta cứ hỏi bạn đi đâu mất rồi, cũng hỏi ngàn lần câu hỏi tại sao, cùng những lời xin lỗi vì nghĩ mình sai, câu giả định “Giá như” không bao giờ có hồi kết. Tất cả chỉ nhằm vớt vát một tình bạn đã phai mà quên mất bên mình còn bao người bạn tốt…. Nhưng đó đã trở thành chuyện của ngày xưa. Chúng ta hiện giờ ai cũng ổn. Ngày ta cùng nhìn lại, ta cười vì ngày xưa mình thật trẻ con, chẳng vì lí do gì cũng có thể ngừng làm bạn. Ta cũng thôi tiếc cho một tình bạn đã phôi

pha. Ta đã sống một cuộc sống quá nhiều nuối tiếc rồi. Thay vào đó, ta từng chút một học cách trân trọng thời gian hiện tại, những người bạn đang kề bên, những người ta tin và tin ta, có thể cho ta trộm một ít thời gian để nghe ta kể về mớ bòng bong của đời mình, giúp phân chúng ra, gom phiền toái lại và vứt vào thùng rác. Hơn nữa bản thân cũng nhận ra mình cần lắng nghe buồn phiền của lòng bạn, giúp bạn vượt qua khó khăn mà có thể một ngày nào đó chính ta cũng sẽ gặp phải. Ta cũng là bạn. Bạn bè không chỉ là bờ vai cho ta mà còn cần một bờ vai của ta. Bạn bè chính là nơi ta thấy mình bình yên mà không đơn độc. Bạn của ta hay người ta thấu hiểu, thật sự sẽ chẳng đi đâu hết. Khi ta của ngày hôm nay biết tình bạn là những điều đơn giản như thế, đó chính là lúc ta đã trưởng thành.


61


62

Như những toa tàu bài: hiro


1 Tôi còn nhớ ngày cuối cùng của cấp Ba, đứa nào cũng bịn rịn khi phải chia tay nhau. Bọn con gái có đứa khóc thành tiếng. Bọn con trai dường như cũng trầm hơn mọi ngày. Chúng tôi hẹn nhau mỗi năm sẽ họp lớp một lần. Dù thế nào

63

cũng phải về họp lớp thật đầy đủ đấy. Tháng Sáu qua rồi tháng Bảy tới. Đứa vào đại học. Đứa đi du học. Có đứa rẽ ngang học nghề, hoặc làm việc này việc kia. Cuộc sống cuốn chúng tôi đi và lời hứa “mỗi năm một lần” chẳng bao giờ thành hiện thực. May mắn lắm chừng đôi ba năm một lần chúng tôi mới có dịp gặp lại, quân số thì được một phần ba đã là nhiều. Trong những buổi họp lớp hiếm hoi ấy,

là những câu hỏi đã thành nhàm: Cái A dạo này ra sao rồi nhỉ? Thằng B giờ ở đâu có ai biết không? Ngày xưa tao thân với C lắm, nhưng từ hồi ra trường…

2

Đứa bạn tôi xin vào làm ở một công ty nhỏ, chỉ có chừng chục người - đa số trạc tuổi nhau, dễ bắt chuyện và


64

hòa đồng. Nó kể mọi người hay tụ tập ăn trưa, thi thoảng hứng lên lại hẹn hò đi xem phim, đi hát karaoke sau giờ làm. Theo nghĩa ấy, nó bảo mỗi ngày đi làm đúng là một ngày vui. Rồi tìm được cơ hội ở một công ty lớn hơn, nó chuyển việc. Ngày cuối cùng đi làm ở công ty cũ, mọi người nhắn nó bao giờ rảnh về chơi. Nó miệng dạ vâng mà cũng chẳng biết bao giờ là đến bao giờ. Những người gắn bó với nó suốt thời gian qua giờ trở thành “đồng nghiệp cũ”.

3 Ai trong đời chẳng có những lời “tạm biệt” kiểu ấy: Tạm biệt một người từng rất thân thiết, để rồi sau này nhìn lại, chỉ còn là kỉ niệm của nhau. Cuộc sống cứ lặng lẽ tách chúng ta theo những dòng chảy khác nhau. Chúng ta như những hành khách đi tàu, lên cùng toa nhưng xuống khác bến dọc theo trục đường ray tưởng như bất tận.

4 Nếu trời không mưa, tôi đã không vô tình rẽ vào một

đường tắt - đường qua nhà em. Ngày ấy tôi thường đèo em về trên con đường bé xíu, vừa đi vừa tào lao đủ thứ chuyện không tên. Tôi những tưởng hai chúng tôi sẽ mãi cùng nhau đi trên một chuyến tàu. Thực tế thì tôi vẫn đang ở trên chuyến tàu ấy, nhưng em thì đã xuống ở một ga trước đó. Con đường hôm nay vẫn vậy, nhưng tôi không biết em giờ ra sao. Chúng tôi từ lâu đã trở thành một phần kí ức của nhau.

dằn vặt, hoài nghi. Tuổi trẻ, tình yêu, khát vọng - tất cả trở nên “không màu”. Tsukuru cố quên đi nỗi buồn của mình bằng cách ngắm nhìn những đoàn tàu. Cậu tới ga đường sắt với cảm giác giống như người khác đi xem hoà nhạc, khi thừa thãi thời gian và không biết phải làm gì. Nhưng chính những chuyến tàu ấy lại khiến cậu nhận ra một điều đáng buồn là: Tazaki Tsukuru chẳng có nơi nào để hướng tới.

5

6

Trong tiểu thuyết Tsukuru Tazaki không màu và những năm tháng hành hương, Haruki Murakami kể lại câu chuyện về Tsukuru Tazaki, một anh chàng bình thường như bao người khác. Thời trung học, Tsukuru kết thân với bốn người bạn có tên gọi lần lượt là Đỏ, Xanh, Trắng, Đen. Năm người học chung một lớp tại ngôi trường cấp Ba công lập ở ngoại ô thành phố Nagoya. Một ngày nọ, chính xác là vào kì nghỉ Hè năm thứ hai đại học, Tsukuru bị đẩy ra khỏi nhóm bạn với lời nhắn gửi cuối cùng là “đừng liên lạc lại nữa”. Bốn gam màu từng làm nên tuổi thiếu niên rực rỡ của Tsukuru giờ chỉ còn là quá khứ. Tsukuru vùi mình trong cô đơn, trong những

Nhật Bản là quốc gia của những đoàn tàu. Có tàu cao tốc shinkansen. Có tàu điện thường. Có tàu chạy dưới lòng đất. Tàu tư nhân. Tàu nhà nước. Những chuyến tàu miệt mài ngày đêm nối những thành phố với nhau, nối đô thành sầm uất với chốn nông thôn yên bình. Chỉ cần bạn điền đích đến của mình, Hyperdia sẽ cung cấp cho bạn một loạt lịch trình chính xác tới từng phút để lựa chọn. Tôi nghĩ Tsukuru thích ngắm những đoàn tàu bởi cậu biết chỉ cần bước lên đó, tàu sẽ đưa cậu tới gặp lại những người bạn cũ, tới tìm câu trả lời rằng vì lí do gì mà bốn người bọn họ đường đột bước ra khỏi cuộc đời cậu như vậy. Và cuối cùng, cậu cũng lên


65

tàu - đúng như tôi dự đoán khi mới đọc truyện. Tazaki Tsukuru chẳng có nơi nào để hướng tới. Cậu đi tìm Đỏ, Xanh, Trắng, Đen. Cậu đi tìm câu trả lời để biết mình cần hướng tới đâu.

7 Tsukuru cũng giống Taki trong Your Name , bước lên tàu để tìm câu trả lời về một

người đã từng đi qua cuộc đời mình. Vào lúc tất cả mọi thứ tưởng như vô vọng, Taki rốt cuộc cũng tìm thấy Mitsuha khi mỗi người đang đứng trong những toa tàu di chuyển ngược chiều nhau. Tsukuru tìm tới quá khứ để trả lời cho hiện tại. Taki tìm tới quá khứ để giải đáp cho tương lai. Trong cái hành trình ấy, cả hai người bọn họ rốt cuộc rồi sẽ biết mình phải hướng về đâu. Người Ấn Độ tin rằng bất cứ ai chúng ta gặp trong cuộc

sống đều vì một lí do nhất định. Không quan trọng việc người đó sẽ ở lại hay ra đi. Cái quan trọng là họ đã từng đến, từng đem lại một điều gì đó thật đẹp cho chúng ta. Họ là những toa tàu kết nối chúng ta hướng tới tương lai. _______________________ Trang web cung cấp lịch trình tàu chạy của Nhật Bản. 2 Phim điện ảnh của Nhật Bản vừa ra rạp tại Việt Nam đầu năm 2017. 1


66

Một cuộc gặp gỡ bài: hiền trang


67

C

huyện từ tuần trước, bạn tôi nhắn tin bảo: “Chủ Nhật này Hầu Hiếu Hiền1 có buổi giao lưu với khán giả ở Dublin, muốn hỏi gì bác không?”. Nó còn nhắn thêm: “Hôm nay đi xem Nhiếp Ẩn Nương được ngồi gần bác thế này nè”, (đi kèm là một tấm ảnh của Hầu đạo diễn), như thể đoan chắc với tôi, đích thị là cái ông Hầu Hiếu Hiền mà tôi đang nghĩ tới chứ không phải ông nào khác. Tự nhiên bị bảo hãy hỏi một câu, cũng giống như đang ngồi trong lớp ngẩn ngơ ngắm cái trần nhà, bỗng bị gọi lên bảng trả bài, chẳng biết phải hỏi cái gì cả. Mà không hỏi thì… biết đến bao giờ mới được hỏi, nghĩ nghĩ một hồi tôi mới nhắn lại:

“Này, có thể hỏi hộ xem trong phim Three times ấy, ở phần A time for love, bác cứ mở đi mở lại giai điệu bài Rain and tears của Demis Roussos, bài hát đó có ý nghĩa riêng tư gì với bác không? Mặc dù câu này hơi ngớ ngẩn một tí.” Bạn tôi bảo: “Không sao, hỏi gì chả được.” Rồi bẵng đi mấy hôm, sáng thứ hai vừa rồi, mắt nhắm mắt mở tỉnh dậy nghĩ về việc lại phải bò đi làm, đang phẫn uất vì cảm thấy cuộc đời lúc nào cũng trực chờ lao ra bắt nạt mình như thế thì nhận được tin nhắn bạn tôi gửi: “Rain and tears là khúc hát tuổi trẻ của tôi, là bài hát tôi yêu thích nhất. Tôi ngày đó thường vừa nghe nhạc vừa đánh bida, và tôi sẽ yêu cầu mở bài hát này rồi thấy như có khói mờ trong mắt.”

(Nguyên văn: Rain and tears was a song from my youth, it was my favourite. I used to listen to music playing pool and I’d request this song and get smoke in my eyes.) Chỉ đọc mấy dòng vỏn vẻn thôi mà liền đó “get smoke in my eyes”, thấy mắt nhòa nhòa ngay được, lục vội điện thoại lại Rain and tears, đeo vội tai nghe, mở vội âm thanh lên lớn nhất, cho âm nhạc tràn vào như một cơn lũ, cho cả cơ thể chỉ còn là một thành phố nổi lềnh phềnh sau mưa, và cơn mưa là âm nhạc: Rain and tears are the same, but in the sun you've got to play the game. When you cry in winter time, you can pretend it's nothing but the rain.2 Ký ức, nếu là một thằng


68

người, thì nó là một thằng tồi, một thằng bạn tồi, thật đấy. Cái lúc muốn nhớ đến nó, nó lại mất tăm mất tích ở tận đâu đâu, gọi mãi chẳng thấy ló mặt ra. Rồi thình lình, khi không hề chuẩn bị thì nó lại đạp cửa xông vào, rồi nó sẽ lưu lại đó cả tuần, bạn đuổi nó cũng không đi, cho đến lúc bạn quen hơi thì nó lại đi biền biệt. Rồi nó lại trở về. Rồi nó lại đi. Cái vòng luẩn quẩn mãi như thế. Tôi nhớ đã xem Three times từ lâu lắm, cứ ngỡ đã quên sạch sành sanh, vậy mà không, chỉ cần cái giai điệu dấu yêu cũ vang lên, hiển hiện trong mắt tôi lại là hình ảnh đôi tình nhân nắm tay nhau đứng dưới cơn mưa chờ chuyến tàu đến. Cái nắm tay ngượng nghịu mà vô cùng chắc chắn. Three times chia ra ba phần độc lập: A time for love, A time for freedom, A time for youth - Một thời để yêu, Một thời để tự do, Một thời để trẻ. Cái gì cũng chỉ có một thời. Trong Một thời để yêu, có hai người gặp nhau ở một quán bida, một nam một nữ. Anh (Trương Chấn) nhập ngũ, đến khi trở lại, cô (Thư Kỳ) đã không còn ở đây. Anh đi dò hỏi khắp nơi về chỗ cô chuyển đến, cuối cùng cũng tìm ra. Ngày gặp lại, anh nhìn ngắm cô đánh bida cùng khách, rồi họ ra ngoài, vào một quán ăn đêm, xì xà xì xụp một món không rõ tên, chắc là một tô mỳ khuya nghi ngút, rồi cùng nhau tới ga

tàu nơi anh sẽ lại lên đường về doanh trại. Cơn mưa tầm tã. Hai người cùng đứng dưới một chiếc ô đen. Tay anh ngập ngừng tìm lấy tay cô. Tiếng nhạc Rain and tears chảy suốt cả thước phim dài. Đoàn tàu chưa tới. Tôi mong sao cho nó đừng tới vội. Kỳ lạ làm sao, một cuộc tình, một cuộc đời cứ ngỡ rộng dài bao nhiêu, hóa ra khi rút gọn lại chỉ còn vỏn vẻn gói vừa trong một bản nhạc. Tôi nhớ Murakami đã viết thế này trong cuốn Tôi nói gì khi nói về chạy bộ: “Các kiểu ký ức đó, không phô trương, tầm thường. Chúng có thể tầm thường, nhưng sự tích lũy này đưa đến một kết quả: Tôi.” Ký ức là một chuỗi phản ứng liền tù tì bất tận, như một dãy đèn từng chiếc một sáng dần lên. Tôi nhớ Three times rồi lại nhớ Café Lumiere, một bộ phim khác của Hầu Hiếu Hiền để tưởng nhớ nghệ thuật điện ảnh của Yasujiro Ozu, một cô gái người Nhật tình cờ nghe được chiếc đĩa cũ của một nghệ sĩ dương cầm, để rồi lên đường kiếm tìm quán café năm xưa người nghệ sĩ ấy hay lui tới. Cô lại có một anh bạn với niềm đam mê ghi lại âm thanh từ những đoàn tàu và lưu trữ lại. Anh nói, một ngày nào đó, nếu có người muốn nghiên cứu về tiếng động trên tàu, đây nhất định sẽ là tài liệu tham

khảo vô cùng quý giá đối với anh ta. Tôi tự hỏi không biết trên đời này có người nào đó rỗi hơi đến thế hay không. Nhưng kể cả không có người như thế trên đời. Nhưng ai cần người chứ? Nếu có thể chọn giữa một con người và những âm thanh, có khi chọn âm thanh vẫn hơn. Dù gì, người có chân và khi có chân thì người sẽ đi, còn âm thanh không có chân, âm thanh có thể replay 100 lần, 1.000 lần vẫn là âm thanh y như cũ. Trạm tiếp theo của ký ức là bộ phim The hole kể về một Đài Loan đối mặt với bệnh dịch kỳ quái, người ta tản đi hết và trong khu căn hộ kia chỉ còn vài kẻ không ở đó thì chẳng biết đi đâu nên đành ở đó vậy. Cứ độ 15 phút một lần, giữa không khí ngưng trệ ảm đạm như ao nước tù ấy, Thái Minh Lượng lồng vào những cảnh múa hát diêm dúa, xập xình, tưng bừng, và bốc đồng đến quái đản. Chẳng hiểu sao. Chẳng ăn nhập gì. Rồi kết phim, dòng chữ hiện lên: Thật may chúng ta vẫn có âm nhạc của Grace Chang để thưởng thức. Grace Chang là tên một ca sĩ nổi danh những năm 1950 thì phải. Khu nhà có bị bỏ hoang, con người có bị tiêu biến, thành phố có suy sụp, chó có đói, người có mòn, những bài hát kia vẫn lì lợm hoang dại vang lên. Ai đó đã nói đời chán hơn phim vì đời không có nhạc


69


70

nền. Và vì đời chẳng có nhạc nền nên mới có những người như nhân vật trong bài hát Yesterday once more, vặn radio lên, đợi chờ ca khúc mình yêu thích, lẩm nhẩm hát theo rồi mỉm cười nhớ về những ngày hạnh phúc vẫn còn chưa trôi xa lắm. Thật ngọt ngào, nụ cười của em thật ngọt ngào Tựa như đóa hoa chớm nở trong gió xuân Chớm nở trong gió xuân Anh đã gặp em ở đâu, ở đâu nhỉ? Nụ cười của em trông quen thuộc thế này Anh nhất thời không nghĩ ra À! Là trong giấc mơ Đã gặp em trong giấc mơ 3 Trên chiếc xe đạp đi xuyên qua những con phố Hồng Kông, Lý Kiều (Trương Mạn Ngọc) và Tiểu Quân (Lê Minh) cùng nghêu ngao hát bài hát năm nào của Đặng Lệ Quân. Cái cảnh ấy trong Điềm mật mật làm sao mà quên được. Họ làm bạn, yêu, rồi chia tay, rồi gặp lại, từng bước từng bước trong đời, lúc nào cũng thấp thoáng những giai điệu của Đặng Lệ Quân bên cạnh. Khi làm bạn, họ mở một sạp bán đĩa Đặng Lệ Quân đêm Giao thừa, định bán giá 28 đôla một đĩa nhưng gào thét chào hàng khản giọng mà chẳng ai mua, giảm mãi giảm mãi mà vẫn ế chơ ế chỏng, cuối cùng Lý Kiều đem bán tống bán tháo cho một ông nào đó với giá 8 đôla một đĩa. Tiểu Quân bảo:

“Lần sau chúng mình nên đi bán nước.” Đến lúc yêu, Tiểu Quân ôm lấy Lý Kiều, hai ngón tay di chuyển trên người cô theo nhịp Điềm mật mật. Rồi lúc chia tay, lúc ấy Quân đã có gia đình riêng, Kiều thì làm nhân tình một người đàn ông khác, họ lái xe bon bon và gặp Đặng Lệ Quân đang đứng ở bên đường, Quân lao ra xin chữ ký vào sau lưng. Lúc anh bỏ đi, Kiều nhìn theo, chỉ còn ba chữ “Đặng Lệ Quân” mỏng tang dưới nắng vàng. Và khi gặp lại sau chục năm mất dấu, cũng là trước một chiếc tivi đời cũ đang chiếu lại nụ cười của Đặng Lệ Quân. Ngày hôm ấy, Đặng Lệ Quân từ trần. Cuộc tình của hai người họ có khi nào cũng giống như một chiếc đĩa hay không? Một chiếc đĩa xước xát, cứ đang chạy lại rè rè tắt tiếng, nhưng đến cuối cùng vẫn cứ quay đều. Và, cái bài viết này, tại sao tôi đặt tên nó là “Một cuộc gặp gỡ”, trong khi là bạn tôi đã gặp Hầu Hiếu Hiền chứ tôi nào có gặp được ông, nhưng nhìn xem, Hầu Hiếu Hiền đã lấp đầy tuổi thanh xuân của ông bằng cảm xúc của Demis Roussos - ca sĩ hát Rain and tears, rồi đến lượt những người như tôi lấp đầy tuổi thanh xuân của mình bằng cảm xúc nơi những thước phim Hầu Hiếu Hiền đã dựng. Những ký ức chẳng bao giờ là của riêng

ai, chúng ta luôn lấy ký ức của mình từ một nơi nào đó, một người nào đó. Năm này qua năm khác, và chúng ta gặp gỡ nhau như thế. Hầu Hiếu Hiền gặp gỡ Demis Roussos như thế. Tôi gặp gỡ Hầu Hiếu Hiền như thế. Tôi gặp gỡ Demis Roussos như thế. Bạn tôi kể rằng, trong buổi giao lưu ngày hôm ấy còn có biên kịch của bộ phim A city of sadness, bộ phim mà tôi thích cái tên tiếng Việt, Bi tình thành thị. Có người hỏi rằng tại sao giữa một bộ phim u buồn và ám ảnh như thế về sự kiện 228 và Khủng bố Trắng ở Đài Loan, kết thúc lại ở chỗ gia đình họ Lâm ngồi ăn một bữa cơm, trong khi cả 4 người con trai, kẻ thì chết, kẻ thì hóa điên, kẻ thì mất tích. Biên kịch bộ phim đáp: “Bởi cho dù cái gì xảy ra đi chăng nữa, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn vậy thôi.” Tuổi thanh xuân đẹp đẽ kia sẽ trôi qua, chết không nói, còn nếu phải sống thì vẫn cứ phải sống. Không thể giữ lại được gì đâu. Nhưng cũng đừng buồn quá, không giữ được thời gian, nhưng vẫn giữ được âm nhạc. Mà âm nhạc quan trọng hơn thời gian, cái này chắc chắn đấy. _______________________ Hầu Hiếu Hiền là đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh Đài Loan. 2 Lời bài hát Rain and Tears. 3 Lời bài hát Điềm mật mật. 1


71

Những cái kết lửng bài: khang khang


72


Chuyện tình cảm. Được viết tiếp bằng những dấu phẩy và dấu gạch nối. Đôi khi sẽ kết thúc bằng một dấu chấm thật gọn. Nhẫn tâm hơn thì một dấu chấm than cho thấy mối quan hệ như một sợi dây bị cắt đứt ngọt xớt. Nhưng, sẽ có những cái kết lửng. Đó là khi dấu ba chấm được dùng. Và sau những cái kết lửng, là hàng loạt những dấu chấm hỏi trong đầu của hai bên.

T

uần này mình ngồi an ủi một đứa bạn thất tình. Ngộ lắm!!! Khi nhìn người khác thất tình, đôi khi mình tự hỏi: Lúc mình thất tình mình có trông giống tụi nó không ta? Tức là tụi nó nhìn thảm hại te tua như thể mới đi ra từ một cơn bão và tâm trạng thì rất khó đoán. Lúc thì hiền lành, nói gì nghe nấy. Lúc thì sẵn sàng hét vào mặt mình khi mình trót nhỡ miệng nói: “Thôi thằng đó không có tốt lành gì, quên nó đi!!!”. Và sau đó, nó lâm vào một cơn bấn loạn tinh thần - thể hiện bằng việc khóc rú lên rồi nằm vật ra sàn, nhìn lên trần nhà (vốn chẳng có gì

hấp dẫn, hay đáng buồn, hay gợi lại kỉ niệm xưa ở trên đó). Vậy mà nước mắt nó vẫn ầng ậc… Nằm thẫn thờ nhìn trần nhà và nước mắt giàn giụa… Thất tình tệ đến như vậy sao? Trong lúc thử an ủi nó, mình bắt đầu để ý những biến chuyển trên gương mặt của nó. Lúc đầu, bạn mình nhìn cũng bình thường thôi. Nhưng sau một lúc, nó chuyển sang một trạng thái lâng lâng kì lạ, biểu hiện bằng việc đôi mắt bắt đầu nhìn xa xăm và miệng thì ca cái điệp khúc: “Ngày xưa...”. Tới một lúc nữa, nó bắt đầu lên án người yêu nó đủ thứ tội lỗi. Đồng thời, dùng một tổ hợp những từ ngữ cay độc mà có lẽ khi tỉnh táo nó sẽ không bao giờ nói ra. Sau

đó thêm một lúc nữa, thì thôi rồi. Bạn mình nó lại khóc, lại gào rú, lại nằm vạ nhìn trần nhà. Và sau một hồi mệt mỏi cả về thể xác (do khóc quá nhiều), lẫn tinh thần (tốn quá trời công sức để nghĩ ra bao lời thâm nho dành tặng người yêu cũ), nó lăn ra ngủ lúc nào chẳng hay. Tâm lý thất tình rất lạ. Ví dụ như bạn mình. Nó sẽ bắt đầu bằng một tràng như thể nó muốn nhai xương róc thịt thằng người yêu cũ. Nhưng rồi sau đó nó lại khóc lóc, rằng: “Trước giờ chưa ai yêu tao như vậy!!!”. Và nó sẽ đem trái tim thằng người yêu cũ nó vừa moi ra chưng cất cẩn thận trong một cái lọ thủy tinh. Ôm vào lòng và chăm sóc yêu quý nó đến hết đời. Trời

73


74

ơi, thất tình đã ảnh hưởng đến não bộ của bạn mình như thế đó! Nhưng mà cho dù thế nào, mình biết nó vẫn dư sức vượt qua được cú sốc thất tình này. Chỉ vì đơn giản là: Chúng ta đều sẽ phải vượt qua thôi. Ngồi một chỗ trong khi người yêu cũ đã đi được một đoạn khá xa rồi chẳng giúp ích gì cả. Ngoại trừ việc khiến chúng ta cảm thấy tự thương hại bản thân mình. Mà mình thì rất dị ứng với kiểu tự thương hại bản thân. Bạn mình nó thất tình lần này là lần thứ hai, tính ra cũng còn khá mới mẻ cho nó, nên khả năng

xử lý của nó còn kém. Sự thật hơi buồn, nhưng mà nếu vỡ tim thêm một vài lần nữa, bạn sẽ tự học được cách để ngăn mình tự đau thêm thôi. Khi yêu đừng tin vào những chuyện: “You are my everything!”. Vì trong ngôn ngữ, nó còn cụm từ “Not anymore!” nữa. Không phải vì hắn sẽ tìm ra một “everything” mới cho mình. Mà là vì, trong ngôn ngữ, người ta sáng tạo ra dấu ba chấm không chỉ để liệt kê, mà còn để đánh một cái kết lưng chừng... Chuyện tình cảm. Được viết tiếp bằng những dấu phẩy và dấu gạch nối. Đôi

khi sẽ kết thúc bằng một dấu chấm thật gọn. Nhẫn tâm hơn thì một dấu chấm than cho thấy mối quan hệ như một sợi dây bị cắt đứt ngọt xớt. Nhưng, sẽ có những cái kết lửng. Đó là khi dấu ba chấm được dùng. Và sau những cái kết lửng, là hàng loạt những dấu chấm hỏi trong đầu của hai bên. Nhưng, làm ơn, hãy hiểu rằng, chỉ vì câu chuyện kết thúc, không có nghĩa là những phần đã viết dang dở sẽ bị gạch bỏ. Chỉ là, chúng ta qua trang, và viết tiếp những câu chuyện khác với những mối quan hệ khác mà thôi.


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.