2 minute read
CHƯƠNG 4: KẾT LUẬN
from NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH THÔNG QUA TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG GIỜ SINH HOẠT
CHƯƠNG 4: KẾT LUẬN Lứa tuổi THPT là giai đoạn đầu của lứa tuổi trưởng thành, một số em đã dần khẳng định bản thân trước bạn bè, thầy cô và gia đình. Các em biết sống tích cực, có niềm tin cũng như mục tiêu để vươn tới nhưng bên cạnh đó phần nhiều các em khác lại rơi vào tình trạng thiếu tự tin, sống ích kỷ, vô tâm và thiếu trách nhiệm. Giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh trong trường THPT là một những nội dung giáo dục quan trọng, có được kỹ năng sống, xác định được giá trị sống đúng đắn sẽ giúp các em học sinh tự tin bước vào cuộc sống tương lai.
Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm là phải tiến hành giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh. Thay thế cho việc giảng dạy và giáo dục theo lối mòn, chỉ dừng lại ở mức độ lí thuyết xuông, giáo huấn học sinh mà chưa áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, chúng tôi đã đưa ra các giải pháp thay thế để tiến hành giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh vào giờ sinh hoạt lớp thông qua tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú cho học sinh. Chúng tôi đã thiết kế các phương pháp dạy học tích cực như phương pháp bàn tay nặn bột, hoạt động nhóm, các hoạt động trải nghiệm, trò chơi, đóng vai....để tổ chức thành các giờ sinh hoạt bổ ích, thú vị. Và vận dụng triển khai giáo dục kỹ năng sống cho học sinh lớp 10A6 trường THPT Nghĩa Dân, đã đạt được một số kết quả ban đầu như đã được công bố. Thông qua đó là hình thành cho các em học sinh những kỹ năng sống cơ bản, hiểu về các giá trị sống, hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp, những kĩ năng sống quý báu của các em học sinh. Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một năm bắt đầu từ mùa xuân, đời người bắt đầu từ tuổi trẻ”. Nhà nước ta xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nghề không cho phép tạo ra phế phẩm. Giáo dục trong nhà trường bắt đầu từ tuổi trẻ, từ thế hệ trẻ. Vì vậy, trong nhà trường, người GV đặc biệt là GVCN có vai trò, chức năng và nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc đào tạo thế hệ trẻ. Mục đích của giáo dục là đào tạo con người có cả tài lẫn đức để phục vụ cho sự tiến bộ xã hội.
Advertisement
Nhóm nghiên cứu chúng tôi hy vọng với đề tài nghiên cứu này, sẽ góp công sức nhỏ bé vào sự nghiệp “trồng người” của nhà trường, cũng như sự nghiệp giáo dục của đất nước thời hiện đại. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự cộng sự chân thành của tập thể GV nhà trường và rất mong những đóng góp quý báu của người đọc để đề tài nghiên cứu của nhóm được hoàn chỉnh, và có ý nghĩa sâu sắc.