8 minute read

Nhớ mùa Xuân năm ấy

Tháng Chạp năm 1972, chúng tôi đang chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên. Sau chiến dịch Kon Tum sư đoàn chúng tôi được lệnh di chuyển về phía Nam Tây Nguyên, bám sát hai tuyến đường 14 và 19, cài thế ngăn chặn địch lấn sâu ra vùng biên giới, chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo trong nhiệm vụ chuẩn bị thế trận cho một cuộc Tổng tiến công giải phóng Tây Nguyên khi thời cơ đến.

Vào đầu mùa khô năm 1972, khi chiến dịch chống địch càn quét lấn chiếm trên đường 19 đang diễn ra quyết liệt thì chúng tôi nhận được những thông tin tích cực về cuộc đấu tranh ngoại giao ở Paris - Một Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam sắp được ký kết. Tin vui đó như một làn gió mát thổi dào dạt khắp núi rừng Tây Nguyên, tạo nên một không khí lạc quan, tin tưởng và vui tươi khó mà tả xiết. Đêm đêm, mặc dù vẫn còn rền vang tiếng bom đạn, nhưng đâu đó, từ những bản làng xa xôi trong vùng giải phóng đã nghe âm vang những giai điệu nồng nàn say đắm của cồng chiêng, của những

Advertisement

Nhà văN Khuất Quang thụy

tiếng đàn T’rưng, đàn Klongput, đàn Goong… Không khí lạc quan ấy lan sang cả hàng ngũ binh sĩ Sài Gòn. Anh em trong đại đội trinh sát bám địch ven thị xã Pleiku kể với tôi rằng bên ấy “họ” cũng đỏ mắt mong ngóng có hoà bình để năm nay được về ăn Tết với gia đình, vợ con, bè bạn. Một ngày trung đoàn 64 đánh một trận phục kích trên đường 19 kéo dài, bắt được hơn hai mươi tù binh. Nghe tin họ vừa được giải về trại tù binh tạm thời của sư đoàn tôi lập tức tìm đến. Và thật khác với những lần gặp gỡ tù binh trước đây, những người lính bị bắt, trong đó có cả hai sĩ quan cấp uý, đều tỏ ra rất lạc quan. Họ đáp ứng mọi yêu cầu cung cấp thông tin phía bên ta, và đổi lại họ yêu cầu được giam giữ tạm thời tại chiến trường chứ chưa vội đưa họ về phía sau, với hy vọng nếu ít bữa nữa có “Hiệp định đình chiến” thì sẽ được trao trả tù binh ngay tại đây để trở về với gia đình cho nhanh.

Hồi đó tôi đang được giao phụ trách nội dung tờ tin “Chiến Thắng” của sư đoàn - một tờ tin nội bộ, in roneo, mỗi tháng ra một số, mục đích chủ yếu làm nhiệm vụ tuyên truyền, động viên khích lệ các chiến sỹ chiến đấu và công tác trên các mặt trận. Thi thoảng cũng có in vài bài thơ, một vài câu truyện ngắn, thậm chí, anh Nguyễn Đình Quí, hoạ sĩ của “toà soạn” còn vẽ cả tranh vui, tranh biếm hoạ nữa. Sống chiến đấu dài ngày xa hậu phương, không có sách báo gì để đọc, nên tờ tin “lá rừng” của chúng tôi lại tỏ ra hữu dụng, hầu như số nào cũng được các chiến sĩ truyền tay nhau đọc, có cậu còn cất giữ trong ba lô lưu được hàng chục số để những lúc nằm chốt có cái mà “chóng buồn ngủ”. Mấy ngày đó chúng tôi đang chuẩn bị in ấn những số “đặc biệt” để phát hành vào dịp cuối năm thì tôi nhận

được “lệnh điều động”. “Đồng chí phải tạm dừng việc làm tờ tin một thời gian để đi tăng viện cho đội tuyên truyền văn hoá của sư đoàn, chuẩn bị nội dung và nhân sự cho những tiết mục đặc biệt để đón Tết, mừng xuân và mừng Hiệp định hoà bình. Tuy vậy về phần tờ tin vẫn phải chuẩn bị đủ “thơ chiến sỹ”!

Mệnh lệnh là mệnh lệnh. Tôi thu xếp công việc rồi khẩn trương cùng anh Sơn, trợ lý tuyên huấn của sư đoàn đi chuẩn bị chương trình và nhân sự cho đội “tuyên văn”. Vừa gặp tôi, anh Sơn bảo “Đây là chương trình đặc biệt phục vụ “Tết hoà bình” cho cả bộ đội và đồng bào. Do đó, phải công phu hơn trước. Tớ đã đọc cái kịch ngắn của cậu... Dựng được! Nhưng trước mắt phải tìm cho ra mấy đứa đóng con gái !”. Đây quả là vấn đề gai góc, trong số các hạt nhân văn nghệ của sư đoàn mà tôi biết thì chỉ có một cậu chắc chắn vào được vai nữ, còn tìm đâu ra “hai cô nữa”, hả trời?

Tôi lặn lội mấy ngày qua các đơn vị, qua cả bệnh xá sư đoàn, tiểu đoàn vận tải, đại đội trinh sát vẫn tìm được “em” nào. Cuối cùng lại phải trở về tiểu đoàn 18 thông tin, cái mỏ quen thuộc chúng tôi thường tìm được các “hạt nhân” cho những lần tập trung đội văn nghệ sư đoàn. Ở tiểu đoàn này tôi có rất nhiều người quen và cả các cộng tác viên nữa. Đặc biệt, tôi có một cậu em đồng hương, người cùng làng vừa vào đây hồi đầu mùa khô. Tên cậu ta là Thuý. Tôi đến Trung đội đường dây của Thuý để thăm đồng hương là chính, không ngờ cũng đúng lúc trung đội đang sinh hoạt. Mở đầu buổi sinh hoạt có mấy tiết mục văn nghệ để “gây không khí”. Không ngờ tôi được nghe Thuý hát mấy câu chèo. Bất chợt nhận thấy anh chàng này cũng thanh thoát, trắng trẻo, nếu được huấn luyện diễn xuất một chút, trang điểm khéo một chút thì có thể biến thành một “cô gái” khá xinh đẹp. Nghĩ bụng thế, tôi chờ buổi sinh hoạt kết thúc tranh thủ gặp Thuý để thuyết phục. Tôi nghĩ cậu này nhút nhát thế, chắc không dễ chấp nhận. Ai ngờ, tôi vừa nói xong Thuý đã vui vẻ ngước nhìn tôi rồi cười “Đóng con gái à? Em thích lắm!”

Thế là xong. Tôi xin phép đơn vị cho Thuý về tập trung với đội văn nghệ rồi giao Thuý cho anh Xuân Thuỷ, một diễn viên chèo chuyên nghiệp hẳn hoi, hiện đang đóng vai trò đạo diễn cho các tiết mục của đội. Anh Thuỷ quả là tài ba, chỉ vài ba ngày huấn luyện Thuý và hai chiến sĩ nữa là Bảo và Hữu đã thành ba cô gái người Giarai khá xinh đẹp thuần thục, hợp với các vai diễn trong vở kịch ngắn của tôi. Để bảo đảm chắc ăn, chúng tôi cho ba “cô gái” trang điểm như thật rồi đưa đi vào mấy bản lân cận làm công tác dân vận vài lần. Rất thú vị là không chỉ đông đảo đồng bào mà kể cả các cô gái bản thứ thiệt cũng đôi khi nhầm lần, không nhận ra đó là “đồ giả”.

Các tiết mục của Đội văn nghệ sư đoàn đã hình thành, được tập luyện khá thành thục, sẵn sàng cho những buổi ra mắt đầu tiên. Nhưng đúng vào những ngày đó lại xảy ra một sự kiện long trời lở đất. Mấy bay chiến lược B52 Mỹ tấn công miền Bắc, ném bom trực tiếp xuống các đường phố ở Thủ đô Hà Nội. Cả nước sục sôi bước vào một chiến dịch lịch sử sau này được biết như một trận “Điện Biên phủ trên không”. Nhưng ngày đó ở mọi nơi trên chiến trường , các chiến sĩ và đồng bào miền Nam đều hướng ra miền Bắc, hướng về Thủ đô Hà Nội nín thở chờ tin chiến thắng. Và hàng ngày, hàng giờ qua Đài Tiếng nói Việt Nam tin chiến thắng liên tục vọng về, máy bay địch rụng như sung. Phi công Mỹ bị bắt hàng lũ, được giải đi khắp Hà Nội để nhân dân cả nước và thế giới biết mặt, biết tên những tên xâm lược đã dám ngang nhiên hỗn xược xâm phạm vào Thủ đô linh thiêng của đất nước ta. Và cuối cùng vào những ngày cuối tháng Chạp, tin chiến thắng cuối cùng đã đến. Đế quốc Mỹ đã bị đánh bại trên bầu trời Thủ đô và phải chấp nhận ngồi vào bàn kí Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam!

Tết cũng sắp đến. Đội Văn nghệ của chúng tôi bắt đầu lên đường “lưu diễn” khắp các làng bản và các đơn vị trong sư đoàn, các đơn vị phối thuộc. Và cuối cùng, ra bản Dịt Phàng, nơi sư đoàn xây dựng Nhà hoà hợp để trực tiếp tiếp xúc hàng ngày với phía bên kia theo tinh thần Hoà hợp dân tộc, buổi biểu diễn đó đặc biệt diễn ra vào ngày 5 Tết. Tôi không ngờ rằng, tiết mục tốp ca và các vai diễn trong hoạt kịch ngắn của ba cô gái sư đoàn mình lại mang đến hiệu ứng cảm xúc sôi động đến như vậy cho các binh lính của quân đội Sài Gòn đến dự buổi biểu diễn. Nhất là khi kết thúc tiết mục, các “cô gái” dắt tay nhau bước ra phía trước cúi chào rồi…bất ngờ lột bộ tóc giả xuống. Các binh lính của quân đội phía đối địch phút chốc như quên đi ranh giới chính trị, họ hò hét, tung hô rồi vài người ùa lên sân khấu để chạm bằng được vào tay vào người các “cô gái” Việt Cộng. Ở các buôn làng nơi đội tuyển văn của chúng tôi tới biểu diễn vào mùa xuân năm ấy, còn nhớ mãi hình ảnh các cô gái giả của Bộ đội Cụ Hồ: “Ui chao! Yêu quá đi. Nó là giả vẫn cứ lôi được đám trai làng thứ thiệt của chúng tôi vô rừng đó!”.

This article is from: