9 minute read
Ký ức Tết nhà quê
KÝ ỨC
nhà quê
Advertisement
Trong ký ức mờ xa của tôi: Tết nhà quê có lẽ bắt đầu từ 23 tháng Chạp. Ấy là ngày ông Táo lên chầu Giời. Nhưng, chiều hôm trước đã thấy lác đác có người đi xa về quê ăn Tết ông Táo. Tiếng chào hỏi lao xao lẫn tiếng lợn kêu của nhà ai đó đi chợ chiều mua sớm để đụng thịt. Còn trước nữa vài hôm, đã có nhà tát ao. Ao rộng, không có máy bơm hút nước như bây giờ, tát ao bằng gầu sòng. Cũng phải bì bõm tát vài hôm mới cạn ao. Đêm đêm, nằm không ngủ, dỏng tai bên cửa sổ nghe tiếng gầu sòng đổ nước uồm... uồm... uồm lại càng náo nức mong trời chóng sáng để đi hôi cá.
Sáng 23 tháng Chạp, cả làng rộn rã như... hội làng. Nhà này nhổ trà, quây bèo gọn, đang đánh cá. Tiếng nơm úp chụp... chụp. Tiếng nước chảy tong tõng dưới chũm vó. Thỉnh thoảng ai đó quẳng lên bờ một con cá quả dài thưỡn giãy đành đạch. Nhà kia tát ao đã cạn đang bắt cá. Tiếng ồ ào, đôi khi lại ré lên, bởi một thằng cu nào đó vừa hôi được con cá to. Đám hôi cá lúc tụm lại tìm một con cá mất, lúc rãn ra ăn mảnh cầu may một cá sộp, con rô đang giấu mình trong bùn đất... Cuối năm, nông nhàn thành ra nhà nhà tát ao, đánh cá cũng nhiều mà người đi xem cũng chẳng ít. Đám người đứng trên bờ xem xong nhà này bắt cá, lại rủ nhau sang nhà khác. Có người mải xem hết đám nọ đến đám kia, nhìn đồng hồ mới giật mình bởi trưa đứng bóng từ lúc nào. Ba chân bốn cẳng chạy vội về nhà thì đã thấy cúng bái xong rồi, vàng mã bày ra đốt ở sân, và thằng cu con đem cá chép vừa cũng xong thả xuống ao cho ông Táo cưỡi lên giời.
Trưa 23 tháng Chạp năm nào cha tôi cũng ngồi xếp bằng kể chuyện ông Táo, kể chuyện củi lửa trong năm. Kể xong tích chuyện ba ông đồ rau, rồi cha tôi ngâm nga: “Thế gian một vợ một chồng/ Chẳng như vua bếp hai ông một bà”. Cha tôi bảo: “Chắc là cúng tiễn ông Thổ Công lo chuyện bếp núc không chu đáo, nên cái làng bé tẹo mà có đến ba bốn đám cháy nhà trong một năm. Khổ thế!”. Mẹ tôi thì nói: “Cháy nhà là do bất cẩn và nghèo túng chứ đâu phải lơ đễnh với ông Công ông Táo”. Thì nhà quê nghèo, tranh tre nứa lá, rơm rạ phơi khắp đường làng, rắc từ ngõ vào trong bếp. Sơ sểnh một chút là cháy bếp, lửa bén cháy cả nhà, có khi cháy cả một góc làng. Cha tôi lại thở dài than vãn, chẳng biết tết này họ ăn uống, bánh trái ra sao nữa. Câu chuyện trong bữa ăn Tết ông Táo chẳng ra đầu không ra cuối, cứ cũ mới xen nhau, vui buồn lẫn lộn, và cái kiếp người nông dân lam lũ đến tận tháng cuối năm cứ được xới đi xới lại với lũ lụt, hỏa hoạn. Bây giờ, làng tôi toàn xi măng cốt sắt, mái tôn, kèo sắt với mái bằng. Có mải xem đánh cá ao, chậm cúng tiễn ông Táo lên chầu Giời cũng chẳng sợ cháy nhà cháy bếp. Cũng chẳng còn thấy bóng dáng ba ông đồ rau để nấu cơm, nấu nồi bánh chưng tết ở bất cứ nhà nào.
Tết nhà quê xôn xao nhộn nhịp mua sắm nhất có lẽ là phiên chợ Bút sáng ba mươi. Chợ huyện năm ngày một phiên chính, bốn ngày họp phiên xép. Năm nào, mẹ cũng cho tôi đi chợ Tết cùng. Mẹ cắp cái mủng bên hông, tôi lũn cũn theo sau. Mua những thứ lặt vặt như mấy lóng dang để chẻ lạt gói bánh chưng, cân muối, chai mắm, ít mộc nhĩ, nấm hương, bó miến; chứ các đồ Tết đã sẵn từ ao vườn. Sẵn là bởi của nhà nuôi trồng được. Ngan vịt dưới ao, gà đầy sân, rau đầy vườn, mùa nào
Nhà văN Sương nguyệt minh
thức nấy. Đến lá dong gói bánh chưng cũng cắt ở góc vườn từ mấy hôm trước, rửa sạch buộc ép vào cột nhà cho lá dẻo mềm. Nông dân tự cung tự cấp, trao đổi đồ dùng, đồ ăn qua cái chợ khi trong nhà thiếu, hay thừa, hoặc không làm ra được. Kem mút thì nông dân thời ấy đúng là không sản xuất nổi, và hấp dẫn đám trẻ con vô cùng. Gọi là kem mút bởi mút mới được lâu, chứ ăn thì nhanh hết quá. Trong tuổi thơ của tôi, chưa một lần tôi chứng kiến đứa trẻ nào ăn kem, mà chỉ thấy mút kem và... mút kem. “Ke...em... mu...út” Âm thanh lạ kì, hấp dẫn phát ra từ đồ tự chế là quả bóng cao su gắn với cái loa kèn nhỏ. Ông hàng kem mút rong xe đạp Thống Nhất tróc sơn cũ mèm, đi len lỏi từ góc chợ này đến góc chợ khác, đi chán rồi ra bờ sông Bút chống chân chống xe nghỉ xả hơi. Trẻ con lốc nhốc đi theo, bu lại. Xem là chính chứ mấy đứa mua đâu. Của đáng tội, thỉnh thoảng có đứa bấm ruột bấm gan lấy đồng năm xu xâu ở dải rút quần thắt nút cho khỏi rơi ra để mua một cái kem. Lập tức bao nhiêu con mắt trẻ thơ thèm thuồng nhìn ao ước, nể phục, có đứa đột nhiên nuốt nước bọt. Cục yết hầu nhỏ xíu cũng biết nhô lên rồi lặn xuống. Bây giờ, con cháu tôi chọn kem ốc quế, kem que Tràng Tiền đủ các loại hương, chúng thờ ơ lạnh nhạt với thứ kem đá lạnh ngắt, ê răng trong câu chuyện tôi kể cùng thế giới tuổi thơ. Tuổi thơ đã đi vào ký ức không thể nào quên. Quên sao được, khi chán ông hàng kem mút, bụng đói meo thì bỗng tiếng mẹ tôi réo gọi. Mẹ tìm tôi khắp chợ. Mẹ đến chỗ hàng xén. Mẹ qua chỗ hàng bánh. Mẹ đến chỗ ông bán tranh Đông Hồ... Mẹ gặp tôi đang đần mặt đứng nhìn ông đồ viết câu đối dưới gốc cây bàng già lá đổ. Áo the. Khăn xếp. Bút lông dựng. Chữ đen hiện dần lên trên giấy đỏ. Chốc chốc, ông lại chấm bút lông vào nghiên đựng mực. Cái mủng đã lưng lưng đồ là mộc nhĩ, nấm hương, miến dong,... Mẹ dúi cho tôi một cái bánh rán nóng giòn. Mẹ con tôi rời chợ Tết. Ồn ào tiếng chợ, tiếng eng éc lợn kêu, tiếng vịt bầu cạc cạc lẫn tiếng kem mút vẳng sau lưng.
Tôi và mẹ về đến sân thì thấy anh cả đang ngắm nghía, tỉa tót cành đào phai vừa chặt ở vườn. Tết năm nào nhà tôi cũng chơi đào vườn nhà. Cành nhánh khẳng khiu, tư thế tự nhiên từ giời đất sinh ra, chứ không uốn éo theo ý muốn con người. Cánh hoa phớt hồng, lác đác lộc non và nụ đào để dành sang xuân mới chúm chím. Trong nhà, cha tôi đang lúi húi treo tranh Tết. Tranh Đông Hồ: Đám cưới chuột, Con lợn ăn dáy, Chú bé ôm con gà, Thầy đồ cóc... và cả bộ tranh Tam quốc diễn nghĩa với Lưu Bị, Quan Vân Trường, Mã Siêu, Triệu Tử Long nữa. Tuổi thơ tôi với Tết tràn ngập tranh dân gian màu sắc từ thâm trầm đến rực rỡ. Một năm, nhà tôi chỉ treo các bức tranh này một lần. Ra Giêng, cha tôi lại hạ tranh và cuộn tròn bỏ vào ống nứa cất kĩ chờ Tết năm sau mới cho tranh ngự trên tường. Cha tôi bảo, cho tranh nó mới, cho có không khí Tết, chứ treo quanh năm còn gì là mới.
Trưa Ba mươi Tết bao giờ cũng là bữa cỗ Tết sum vầy, đầm ấm của nhà tôi. Trai gái, dâu rể, các cháu đủ cả. Hương bài thoảng thơm. Mâm ngũ quả sum xuê. Bọn trẻ mặc áo mới. Cỗ bày ra. Trưa ba mươi Tết năm nào cha tôi cũng kể chuyện xưa cũ của gia đình. Cái đận lao đao Tết nhất năm cải cách ruộng đất, cái thời chiến tranh phá hoại đánh nhau gì thì đánh nhưng Tết cũng đình chiến, ba ngày Tết an lành không có tiếng máy bay... “Bằng giờ năm cải cách..”, “Bây giờ cỗ tết đầy mâm chứ bằng giờ năm đói Ất Dậu, nhà mình...” thường là các câu mào đầu của cha tôi. Câu chuyện đời, câu chuyện người buồn vui quanh mâm cỗ Tết, câu chuyện nào cũng rưng rưng, mà ai cũng muốn nghe, nghe đến hàng chục lần. Rồi mẹ tôi, anh cả tôi, chị dâu tôi cũng đế vào một vài lời cho câu chuyện thêm mặn. Tết nhà tôi chẳng giống Tết nhà nào. Nhưng, câu chuyện về cuối hỏi nhau, trong xóm những ai đi xa đã về ăn Tết thì nhà nào cũng giống nhau. Con nhà ấy về tối hôm qua, con nhà kia năm ngoái giao thừa mới lóp ngóp về đến cổng. Ai đã về, ai đi xa còn vắng... đều đem ra điểm tên hết. Cái làng tôi ăn tết cũng thật lạ!
Chiều ba mươi thì tết có vẻ đến dềnh dàng, trễ nải. Chị dâu tôi vo gạo nếp, anh cả ngả cái nong to ra gói bánh. Chị gái lau lá dong. Đậu xanh, hành tươi, hạt tiêu, thịt lợn mông sấn...Mẹ tôi mượn được ở đâu đó cái nồi quân dụng của bộ đội. Bánh gói khuôn đều chằn chặn. Củi gộc, củi gốc tre tích giữ từ mấy tháng trước. Nồi bánh chưng bắc lên ba ông đồ rau mới (lại ba ông đồ rau). Hết ngún là lửa cháy phần phật. Nước sôi thì rút lửa nhỏ. Thảng hoặc củi nổ lách tách. Cả nhà ngồi quây quanh nồi bánh chưng đợi giao thừa. Mấy đứa cháu gái má ửng hồng. Mùi lá bánh chưng, mùi lạt dang với gạo nếp đang chín dần quện mùi hương nôn nao đến khó tả. Luộc gì thì luộc cũng phải vớt ra cho nguội, ép để kịp cúng giao thừa.
Giao thừa. Bên ngoài, mưa bụi lất phất bay trên sân vườn. Lá cành loang loáng nước. Pháo nổ đình đoàng ở nhà ai đó trước, sau thì lan ra các nhà. Giao thừa đã điểm. Ngoài sân anh rể tôi cầm cút rượu đến xông nhà. Cha tôi lấy các đồng tiền mới nhất ra, mừng tuổi anh rể, rồi mừng tuổi cho cả nhà. Náo nức và cả da diết. Tôi nhìn ra ngoài sân vườn bụi mưa dầy thêm. Dường như nghe được cả tiếng động cựa của mầm non đang tách vỏ trong đất trồi lên. Tết và mùa xuân trong ký ức lúc nào cũng tươi rói trong lòng tôi.