5 minute read
Trò chơi dân gian Tết cổ truyền Hàn Quốc
Trò chơi DâN giaN
Tết cổ truyền Hàn Quốc
Advertisement
hoàng Liên
Tại Hàn Quốc, bên cạnh ẩm thực hay nghi lễ truyền thống, những trò chơi dân gian là một phần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về. Có rất nhiều trò chơi dân gian của “xứ sở Kim chi” không chỉ là một phần của nét văn hóa truyền thống mà còn trở thành “những đại sứ thương hiệu” quảng bá làn sóng Hallyu đến toàn cầu, đem đến trải nghiệm thú vị cho người hâm mộ, du khách quốc tế.
YuTnori
Yutnori dịch ra tiếng Việt có nghĩa là chơi Yut, có thể xem là trò chơi truyền thống nổi tiếng nhất của Hàn Quốc. Là một trò chơi chủ yếu dựa vào sự may rủi, trong ngày Tết cổ truyền, hầu như tất cả người dân Hàn Quốc đều chơi Yutnori để cầu năm mới may mắn, bình an. Bộ dụng cụ chơi Yutnori gồm bàn chơi, quân cờ và gậy Yut thường được làm bằng vải hoặc gỗ. Gậy Yut là thứ quan trọng nhất trong bộ dụng cụ, gồm 4 cây theo hình trăng khuyết, mặt trên có khắc chữ.
Yutnori yêu cầu tối thiểu 2 người chơi hoặc có thể chia thành 2 đội. Một đội lần lượt tung gậy Yut để quyết định bước đi của quân cờ trên bàn chơi. Quân của đội nào đến đích trước sẽ là đội chiến thắng. Người chơi có thể sáng tạo thêm các mốc thưởng phạt khác nhau trên đường đi của quân cờ để tăng thêm sự thú vị cho trò chơi. Đường đi của các quân cờ trên bàn chơi tượng trưng cho sự vận động của mặt trời, là một vòng luân chuyển thông suốt, mang ý nghĩa cầu mong một năm mới mọi việc suôn sẻ, thuận lợi. Hình thức của Yutnori khá giống với trò chơi cá ngựa quen thuộc của Việt Nam.
Nhắc đến Yutnori, người ta thường nghĩ đến ngay hình ảnh nhiều người đứng quanh cổ vũ và reo hò theo mỗi lần tung gậy. Đây là trò chơi phổ biến trong dịp Tết cổ truyền hay các sự kiện văn hóa dân gian và được đông đảo không chỉ người Hàn mà cả du khách quốc tế yêu thích.
Tuho
Tuho là trò chơi ném mũi tên vào bình. Người chơi sẽ đứng ở một khoảng cách nhất định để ném mũi tên vào một bình lớn. Người chiến thắng sẽ là người ném được nhiều mũi tên vào bình nhất. Tuho có nguồn gốc từ thời Chiến Quốc (Trung Quốc) và được các cung thủ, binh lính coi như một trò tiêu khiển những khi nhàn rỗi. Tuho bắt đầu được chơi trên Bán đảo Triều Tiên trong triều đại Goguryeo (37 trước Công nguyên – 668
Công nguyên) và dần trở nên phổ biến khi Vua Yejong của Goryeo nhận được một bộ Tuho từ hoàng đế nhà Tống vào năm 1116 những không biết chơi thế nào. Trong triều đại Joseon, Tuho được đề cao và ban đầu chỉ dành cho các gia đình thuộc hoàng tộc và tầng lớp thượng lưu. Sau dần, Tuho trở nên phổ biến và trở thành trò chơi thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp, cả nữ giới và nam giới.
Bên cạnh lợi ích về mặt giải trí, Tuho còn được biết đến là trò chơi giúp phát triển sức khỏe thể chất và sự tập trung tinh thần.
DDakji
Đôi khi còn được biết đến với tên gọi Ttakji, là trò chơi đập giấy của Hàn Quốc. Các tín đồ của những chương trình truyền hình thực tế Hàn Quốc như Running Man chắc hẳn đã quá quen thuộc với Ddakji. Trò chơi này thêm một lần nữa được phổ biến đến đông đảo người hâm mộ thế giới qua bộ phim “Squid Game” (Trò chơi con mực) làm mưa làm gió trong thời gian gần đây.
Từ dụng cụ đến luật chơi của Ddakji đều vô cùng đơn giản. Dụng cụ chơi (được gọi là Ddakji) được gấp từ 2 tờ giấy bìa hình vuông. Người chơi sẽ cố gắng ném quân cờ của mình lên quân của đối phương (được đặt dưới đất) sao cho quân cờ của đối phương nảy lên và lật ngược lại. Dù luật chơi vô cùng đơn giản nhưng ném Ddakji cho “chuẩn” lại không hề đơn giản, cần một góc độ và lực vừa phải. Độ khó của trò chơi cũng phụ thuộc nhiều vào loại giấy và kích thước của Ddakji.
Bởi sự đơn giản nhưng tạo nên hiệu ứng thú vị và vô cùng cuốn hút, Ddakji luôn là trò chơi được yêu thích bởi không chỉ trẻ nhỏ mà của người dân Hàn Quốc ở mọi lứa tuổi.
jegichagi
Jegichagi là ghép của hai từ “제 기” (quả cầu) và “차기” (đá bằng chân). Về bản chất, Jegichagi cũng giống như trò chơi đá cầu của Việt Nam, chỉ khác đôi chút về hình thức của quả cầu và cách chơi.
Khác với Việt Nam – quả cầu thường được làm bằng lông gà, kết hợp với phần đế bằng cao su hoặc nhựa, với trò Jegichagi của Hàn Quốc, quả cầu được làm từ đồng xu bọc xung quanh bởi giấy gió (tiếng Hàn gọi là Hanji), vải hoặc nilon.
Có hai phiên bản chơi Jegichagi, một là Ddangganghji cho phép chân người chơi được chạm đất sau mỗi lần đá, hai là Hullangyi, người chơi phải đá cầu liên tục và chân đá không chạm đất. Người đá được nhiều lần nhất trước khi quả cầu rơi xuống đất sẽ là người thắng cuộc.
Quả cầu Jegichagi.
Ddakji
neolTTuigi
Neolttwigi là trò chơi bập bênh truyền thống của phụ nữ và trẻ em gái Hàn Quốc. Người chơi đứng trên hai đầu bập bênh bằng gỗ được kê bởi một cây, cục gỗ khác và bật nhảy tạo đà cho người đối diện bay lên cao. Người ta tin rằng trò chơi bắt nguồn từ các tiểu thư, phụ nữ quý tộc Hàn Quốc xưa. Họ thường ăn diện, trang điểm rất đẹp khi chơi, để khi bật lên cao và gây sự chú ý với những chàng trai, vị hôn phu tiềm năng. Ngoài ra, do những luật lệ dưới thời phong kiến, những người phụ nữ xưa ít khi được ra khỏi phủ, thăm thú thế giới bên ngoài, họ lợi dụng trò chơi để ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài bức tường rào.
Ngày nay, với sự phát triển của trò chơi này, nhiều người chơi “chuyên nghiệp” thậm chí còn có thể thực hiện các cú nhào lộn trên không.