8 minute read
Nét văn hóa Tết của đồng bào Tây Bắc
văn hóa NéT TếtVăN hóa của đồng bào Tây Bắc
Nhà văN Lê ngọc minh
Advertisement
Tây Bắc là miền đất bao la kỳ vĩ của Tổ quốc ta với ngọn núi cột trụ xương sống đầy trường lực là dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp dài đến hơn 180 km và rộng 30 km, nơi có đỉnh Phansipan cao 3143 mét, được gọi là nóc nhà Đông Dương.
Tây Bắc có sáu đơn vị hành chính cấp tỉnh với hơn hai mươi dân tộc anh em Thái, Mường, H’Mông, Dao, Tày, Kinh, Nùng, Sán Dìu, Khơ Mú … từ bao đời sinh sống thuận hòa, đoàn kết đùm bọc yêu thương, nhân nghĩa, chung sức đắp xây giang sơn Đại Việt suốt chiều dài hơn bốn ngàn năm lịch sử và Tổ quốc Việt Nam hôm nay. Mỗi dân tộc đồng bào Tây Bắc đều có bản sắc văn hóa rực rỡ, đầy tính khẳng định và phát lộ, trong đó có văn hóa Tết.
Do đặc trưng ngọn nguồn thiên di định cư, canh tác nên mỗi dân tộc thiểu số Tây Bắc thường có ngày Tết riêng của mình ở các thời điểm khác nhau trong năm. Thường thì các hình thái Tết tộc người đó rải khắp trong năm nhưng mật độ và sắc độ tập trung nhiều hơn vào khoảng từ tháng mười năm này đến tháng ba, tháng tư năm sau.
Đồng bào các dân tộc Tây Bắc vừa rất coi trọng ngày Tết sắc tộc của mình, vừa tôn thờ ngày Tết Nguyên đán của nhân dân cả nước, nhất là trong thời kỳ đổi mới hội nhập, thời kỳ mà văn hóa là nền tảng cho mọi ngành nghề dân sinh và hình thái kinh tế xã hội phát triển. Vì vậy có thể nói rằng, tâm thái văn hóa tự tôn truyền thống đó của đồng bào các dân tộc anh em Tây Bắc luôn hàm chứa và định vị chắc chắn trên mẫu số chung của Văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, một cấu trúc văn hóa thống nhất trong đa dạng.
Nói đến văn hóa Tết của đồng bào Tây Bắc, không thể không nhắc đến cách diễn ngôn trong các nghi lễ tâm linh, tôn vinh trời đất,…, trong việc kể lại cho cháu con, họ mạc về lịch sử cội nguồn dân tộc, về công huân đánh dẹp nội thù, ngoại xâm để bảo vệ cương thổ, giống nòi trong các trường ca sử thi nổi tiếng như Đẻ đất đẻ nước, dài hơn mười ngàn câu thơ của đồng bào Mường đúng vào dịp gia tộc, làng bản mở hội đón chào năm mới. Cũng không thể không nhắc tới bản trường ca Xống chụ xon xao (Đi tìm người yêu) với hàng ngàn câu thơ trữ tình mang đậm sắc thái truyện dân gian và cũng được truyền khẩu suốt trong hàng ngàn năm lịch sử của đân tộc Thái... Những áng thơ thấm đẫm chiêm nghiệm, khuyến giáo đạo lý gắn bó yêu thương, quý trọng thiên nhiên, con người; cổ vũ cho sức mạnh đoàn kết, đạo nghĩa bao dung và tình yêu lứa đôi bất tử trước mọi hắc ám, ngáng trở. Có lẽ nhờ vậy mà những lời truyền dặn, những nghi lễ văn hóa rất đỗi thiêng liêng trong thời khắc năm mới Tết đến Xuân về đó đã khiến ngàn vạn câu thơ thẩm thấu sâu thẳm vào đời sống văn hóa của từng người, và trải qua bao thế hệ vẫn trường tồn chắc bền, vẫn luôn có tác động lay thức, nuôi dưỡng hồn người, tình quê ngày một thêm giàu có an lành.
Cùng với các lễ hội văn hóa tâm linh, đồng bào các dân tộc Tây Bắc còn có khá nhiều trò chơi Tết thú vị. Để thực hiện các trò chơi đó,từng tộc người, từng mường bản đều có các bước chuẩn bị kỳ công và chu toàn mà trò chơi Tu lu của người
H’Mông là một ví dụ. Tu lu là trò chơi thi đánh con quay như nhiều địa phương khác trong nước nhưng với người H’Mông đó là một hoạt động thể thao văn hóa mang tính cổ súy, quyết liệt hơn thua như một cuộc giao đấu trí lực và danh dự. Trước Tết cả tháng trời, những Quay thủ sành sõi cuộc chơi đã lặn lội khắp chốn trong rừng sâu, núi cao tìm cho được loại mộc thiết, cứng như sắt nhưng lại không giòn, không bị nứt, nẻ. Con quay cho các cuộc đua Tu lu cũng khá đa dạng, to nhỏ, cao thấp, hình dạng khác nhau… tùy theo quy mô và đẳng cấp của cuộc thi, sở trường, sở đoản của quay thủ. Nhưng dù cuộc đua ở cấp độ nào thì vật liệu chế tác ra các loại con quay đó nhất thiết phải là gỗ chọn trong rừng thiêng và được ngâm tẩm kỳ công trước khi đẽo gọt theo ý muốn.
Từ sáng Mồng một Tết, trai bản H’ Mông tập trung tại các bãi đất bằng phẳng rộng rãi có nền chắc chắn để vào cuộc chơi. Mỗi sân chơi Tu lu thường có đông đảo người tham gia cổ súy mà phần đông là các thiếu nữ và trẻ em. Nhà văn Nguyễn Văn Cự, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai kể lại rằng, khi ông làm Bí thư Huyện ủy Bắc Hà, đã tham gia một hội Tu lu mà quay thủ giành giải quán quân đã tạo cho con quay của mình xoay lâu đến mười lăm phút/hiệp.
Không ít quay thủ đoạt giải cuộc thi đã được các thiếu nữ chọn làm chồng sau khi vượt được Vũ môn Tu lu. Bởi để đạt được vị trí quán quân, quay thủ không những phải có sức khỏe mà còn nhanh ý, biết trù liệu thời cơ, biết sành điệu mỗi khi ra, bổ con quay trên bãi thi đấu…
Có tận mắt chứng kiến lễ hội xuống đồng (Lồng tồng) vào ngày 8 tháng Giêng của nhiều sắc tộc đồng bào Tây Bắc như Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Khơ Mú… thì mới thấy hết được cái hay, sự tinh tế, nét rộn ràng trong câu thơ: “Áo em thêu chỉ biếc hồng/ Ngày xuân mở hội Lồng tồng thêm vui” (Tố Hữu). Hội Lồng tồng là tín ngưỡng cầu xin trời đất cho gió hòa, mưa thuận , cây cối tốt tươi, mùa vụ bội phần sung túc, gia cảnh đề huề, con cháu đông đúc, khỏe mạnh an lành… Điều đáng ghi nhận là nét văn hóa nông nghiệp này khá tương đồng với văn hóa tịch điền của người dưới xuôi, đó là trâu, ruộng (nương, rẫy) được chọn cho lễ Lồng tồng phải là trâu khỏe thuần thục việc cày bừa; đồng áng được chọn cho lễ hội phải là ruộng tốt, màu mỡ. Người được mời khai trương hội Lồng tồng bao giờ cũng là các vị già làng, trưởng bản uy tín, các nông phu thạo việc nông tang nhất trong vùng.
Nói đến văn hóa Tết của đồng bào Tây Bắc không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực. Ngày Tết, ngoài các món thắng cố, cơm lam, mèn mén… quen thuộc đồng bào Tây Bắc nhất thiết phải chuẩn bị cho được chín đặc sản. Đó là Bánh chưng đen; Xôi ngũ sắc; Bánh sừng trâu; Cơm lam; Thịt trâu gác bếp; Cá, thịt trâu nấu trong ống nứa; Cá suối nướng pa pỉnh tộp (cá tẩm gia vị là quả mắc khén); Gà nướng lá mắc mật; Rượu ngô, rượu cần.
Ngày nay nét văn hóa ẩm thực đó không những thể hiện bản sắc văn hóa Tết của đồng bào Tây Bắc mà còn là niềm thích thú của đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Còn nhớ vào dịp cận Tết năm 2017, được sự tài trợ của BIDV, một đoàn đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, nghệ sỹ, nhà báo… của Hà Nội và một số ngành Trung ương được tham gia cuộc đi thực tế sáng tác tại Lào Cai. Chương trình của chuyến đi có lịch được lên nóc nhà Đông Dương Phansipan. Lúc trở xuống thời tiết lạnh như cắt da được dạt vào một trạm bên đường sì sụp với bát thắng cố nóng hổi, nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo vừa hít hà thưởng thức vừa nức nở khen: “Mình không biết món gan rồng tủy phượng ngon cỡ nào nhưng chắc cũng chỉ chất lượng ngang bằng với món thắng cố này thôi!”.
Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công nghệ 4.0, con em đồng bào các dân tộc Tây Bắc được học hành thành đạt không những trở về xây dựng quê hương mà còn tỏa đi sinh kế ở các đô thị, các trung tâm kinh tế xã hội khác. Ngay tại các vùng miền Tây Bắc đồng bào dân tộc cũng được hưởng thành quả phúc lợi an sinh từ các chính sách lớn xây dựng phát triển toàn diện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Những công trình như đường ô tô về tận bản; trường học, bệnh viện khang trang; điện thoại, internet về tận bản xa, mường khuất ngày càng khiến cho gương mặt miền núi đổi thay phồn thịnh... Mọi hướng phát triển đầy tính nhân văn đó khiến cho sinh hoạt văn hóa Tết của đồng bào Tây Bắc thêm nhiều cơ hội khẳng định quảng bá bản sắc của mình vào cộng đồng chung của dân tộc. Ngày Tết Nguyên đán cổ truyền không những là ngày giờ thiêng liêng đầu năm mới của đồng bào Tây Bắc mà còn có cơ hội quảng bá du lịch, giới thiệu các đặc sản của quê hương. Tết vừa là dịp vui mừng đón bạn nghênh xuân vừa thêm cơ hội tạo ra việc làm, tạo nguồn thu nhập. Các sản phẩm truyền đời của từng vùng miền riêng lẻ đã trở thành hàng hóa tầm vóc quốc gia, góp phần làm cho thế giới hiểu biết thêm về bề dày truyền thống, về tiềm lực văn hóa vô cùng phong phú, đa sắc diện của Tây Bắc và của đất nước chúng ta.