3 minute read

Những sắc màu đón Tết trên đất võ Bình Định

Phan thị Lộc

Năm 2021 khép lại với những lo toan về nhiều biến động, khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài. Song, cuộc sống vẫn tiếp diễn, sinh sôi, nảy nở và mùa xuân mới lại bắt đầu với bao mong chờ, tin tưởng và hy vọng an lạc, cuộc sống trở về trạng thái thật sự bình thường, ngày chiến thắng đại dịch Covid không còn xa.

Advertisement

Những ngày này, mọi người vừa hối hả hoàn tất công việc cuối năm vừa chống dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Bình Định cũng như các địa phương khác đang khẩn trương trang hoàng phố xá, chăm lo đời sống tinh thần nhân dân để hòa trong không khí chung của cả nước chống dịch tốt và đón Tết cổ truyền an toàn. Những lễ hội truyền thống không tụ tập đông người, luôn đảm bảo tuân thủ 5K được chọn lọc để tổ chức phục vụ nhân dân trong những ngày xuân Nhâm Dần như làm bánh chưng, bánh tét tặng người nghèo, xông đất đầu năm. Trong đó, hội thi “Dựng nêu đón Tết cổ truyền” được duy trì tổ chức, góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị thành phố với sắc màu truyền thống rực rỡ chào đón năm mới. Hội thi này diễn ra trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nên các đơn vị tham gia được phân chia khâu thực hiện, chuẩn bị trái buổi nhau, nhằm hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người, mỗi buổi có 3- 5 đơn vị dựng nêu ở Quảng trường Nguyễn Tất Thành đối diện tượng đài cha và con (cụ Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành). Các đơn vị đầu tư, tuyển chọn tre có dáng đẹp, cao thanh, cong vút và vững chãi …làm trụ chính, treo các đồ vật, hình ảnh trang trí theo đúng phong tục, có cả cách điệu, sáng tạo, bắt mắt, kèm theo là hệ thống đèn led, màu sắc rực sáng để thu hút ánh nhìn vào ban đêm, tạo nét riêng đặc biệt cho từng cây nêu.

Trong khi các đơn vị nội thành trang trí cờ phướn, hoa mai, đào, cúc, bánh chưng bánh tét quanh gốc cây nêu, đều đặt linh vật của năm với mô hình ngộ nghĩnh, vui mắt thì đơn vị ngoại thành như Hải Cảng sáng tạo linh vật mang dáng vẻ mạnh mẽ bước qua những con vi rút SARS-CoV-2 cách điệu xung quanh, thể hiện ý nghĩa hướng đến chiến thắng đại dịch. Ngoài ra, người dân còn tạo thêm điểm nhấn treo roi cá đuối trên một nhánh của thân cây tre, mang đậm đặc trưng của địa phương có nhiều người dân làm nghề biển. Theo quan niệm của các ngư dân, roi cá đuối được xem như “vật phong thủy” đặt trên tàu cá để xua đuổi tà, đem lại may mắn, hạnh phúc, phát tài, phát lộc; thuyền về bờ bình an và thuận lợi, luôn đầy ắp cá tôm sau những chuyến xa khơi.

Hình ảnh cây nêu sừng sững gắn cờ phướn bay phấp phới như tiễn đưa năm cũ, xua đuổi những điều xấu xa, cầu mong một năm mới an lành, ấm no, yên vui cho mọi người mọi nhà. Điều này càng mang ý nghĩa tinh thần trong tình hình đại dịch hiện nay cũng là dịp để thế hệ trẻ tìm hiểu về những ý nghĩa sâu xa, nhân văn của các phong tục truyền thống dần mai một. Những hội thi này sẽ nhắc nhở và truyền lại cho các thế hệ, nhằm gìn giữ và phát huy những tinh hoa mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng của dân tộc.

Hàng nêu dựng lên sẽ đón chào năm mới từ ngày khai hội cho đến chiều mùng 7 Tết hằng năm. Ban tổ chức tiến hành làm lễ trao giải sau khi có các đánh giá công tâm của ban giám khảo và các nghệ nhân, và thực hiện lễ hạ nêu trong không khí vui xuân tưng bừng mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng, tinh hoa đất Việt.

This article is from: