3 minute read

Hình tượng con hổ trong văn hóa Việt

Hình tượng con hổ

trong Văn hóa VIệt

Advertisement

tuệ Linh (tổng hợp)

Để nói về một loài vật tượng trưng cho sức mạnh, sự dũng mãnh, oai linh đồng thời là nỗi sợ hãi của mọi muông thú cũng như con người, người ta không thể không nhắc đến Hổ. Đặc biệt, trong đời sống, văn hóa của Việt Nam, hổ còn mang những biểu tượng đặc biệt.

với thân thể to lớn (xấp xỉ 300 kg), bộ lông vằn vện, hàm răng chắc khỏe, móng vuốt sắc và chạy rất nhanh, Hổ được mệnh danh là “chúa tể sơn lâm”, giống như sư tử ở các nước châu Phi. Hình ảnh con hổ đã ăn sâu trong tâm thức trong đời sống người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. Những đặc tính của hổ được so sánh với những gì được cho là tốt, mạnh mẽ trong đời sống hàng ngày như “ăn như hổ”, “hùng như hổ”, “hổ dữ không ăn thịt con”, “hổ phụ sinh hổ tử”... Hình ảnh con hổ gợi lên những liên tưởng về sức mạnh, sự thanh thế, oai linh, vẻ đẹp rực rỡ nhưng đầy bí hiểm, sự uyển chuyển với cơ thể vằn vện thấp thoáng lượn sóng cũng như tính hung hãn, thú tính của một động vật săn mồi hàng đầu.

Trong văn hóa châu Á, hổ là một linh vật trong 12 con giáp, tượng trưng cho sức mạnh và trở thành một biểu tượng trong nền văn hóa cổ phương Đông. Trong 12 con giáp, hổ hội đủ các đặc chất như dũng mãnh, can trường, hiên ngang, dám tấn công cả những con thú to khỏe hơn nó. Nhờ những đặc chất ấy mà hổ là một trong những loài trở thành biểu tượng của sự hùng cường và sức mạnh vô song. Vì thế, nó được con người thần thánh hóa bởi nhiều nước đưa hổ vào đời sống xã hội, văn hóa, và nghệ thuật.

Với đặc thù là miền nhiệt đới ẩm, có nhiều rừng rậm, đồi núi, Việt Nam là nơi có môi trường phù hợp cho sự phát triển của loài hổ. Hình ảnh con hổ đi vào nền văn hoá dân gian Việt Nam một cách phong phú, đa dạng và đặc sắc. Ít nơi nào con hổ mang nhiều tên gọi như ở Việt Nam, như hùm, cọp, kễnh, ông ba mươi, chúa sơn lâm, bà um..., nhưng tên gọi phổ biến nhất vẫn là hổ. Hình tượng con hổ đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa của cư dân Việt. Những chiếc trống đồng Đông Sơn có cách đây khoảng 2500 đến 3000 năm tuổi, nhưng trên mặt trống đã xuất hiện hình con hổ, điều này cho thấy con hổ đã gắn bó hàng nghìn đời nay với người dân Việt Nam. Hình ảnh con hổ cũng đi vào nền văn hoá dân gian Việt Nam với những biểu hiện, những hình thức phong phú và đặc sắc. Theo thống kê sơ bộ, người Việt Nam có hơn 1.200 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca liên quan tới hổ. Hổ còn là đề tài trung tâm của nhiều câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại, giai thoại… Trong dân gian có nhiều câu chuyện về một cuộc đấu trí giữa hổ và người, trong đó, con trâu, kẻ vốn đã bị con người thuần phục và con hổ, kẻ luôn tìm cách áp chế con người được đặt đối xứng nhau để so sánh.

Trong tín ngưỡng dân gian, hổ còn là loài vật được tôn thờ và sùng bái thông qua tập tục thờ hổ, hổ còn đóng vai trò là thần giám hộ của quốc gia, sự ngưỡng mộ loài hổ còn thể hiện thông qua danh xưng, đặt tên, làm linh vật, biểu tượng. Trong tiềm thức dân gian Việt Nam, hổ hay ông ba mươi là tên gọi đầy uy linh, quyền kính trong những gian thờ, đình, chùa, miếu mạo. Tục thờ hổ bắt nguồn từ cuộc sống nguyên thủy, khi con người còn sống trong điều kiện săn bắt, hái lượm hoặc giai đoạn đầu của cuộc sống nông nghiệp thì lúc này hổ chính là sức mạnh thiên nhiên vừa gần gũi và là tai họa đối với con người, chính vì vậy mà con người thờ hổ.

Trong đời sống văn hóa, hổ còn được quan tâm đặc biệt, được mổ xẻ kỹ lưỡng, từ chuyện xây nhà, lấy vợ, sinh con năm dần, đến tác dụng của cao hổ cốt…

This article is from: