16 minute read
CHUYÊN ĐỀ 1
© BAE PICTURES; CJ ENM
ĐỌC THẾ GIỚI BẰNG QUAN ĐIỂM CỦA PHỤ NỮ
Gần đây, tại Hàn Quốc, ngày càng xuất hiện nhiều bộ phim nhìn bày tỏ quan điểm về các vấn đề xã hội từ góc nhìn của phụ nữ. Những tác phẩm này có được sức mạnh nhờ sự đồng cảm và ủng hộ của khán giả, từ đó mở rộng nhiều góc nhìn đa dạng về cuộc sống.
Song Hyeong-guk Nhà phê bình điện ảnh Dịch Nguyễn Thị Phương Mai
Năm 2018 là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nữ quyền Hàn Quốc. Sau khi một nữ công tố viên vạch trần những tổn hại do bạo lực tình dục từ một quan chức cấp cao ngành luật gây ra cho cô vào đầu năm, phong trào “Me Too” (tạm dịch “Tôi cũng vậy”, là phong trào bắt nguồn từ hashtag #Metoo, kêu gọi mọi người lên tiếng tố cáo các hành vi quấy rối và tấn công tình dục, đặc biệt tại nơi làm việc - chú thích của người dịch) đã lan rộng mạnh mẽ ở Hàn Quốc như một vụ cháy rừng. Nỗi đau, sự phẫn nộ kìm nén trong thời gian dài đã bùng phát khắp nơi, và những kẻ gây hại ẩn náu tưởng như đã được bỏ qua nay phải lần lượt lộ diện. Đã ba năm trôi qua, tuy còn cả chặng đường dài để có thể giải quyết một cách triệt để vấn đề bạo lực tình dục và phân biệt giới tính mà phụ nữ phải chịu đựng, nhưng khó thể phủ nhận sự thật rằng bánh xe lịch sử từng bị hòn đá tảng chặn đường đã lăn từng bước vững chãi về phía trước.
Việc điện ảnh Hàn Quốc tập trung vào những câu chuyện về phụ nữ, đặc biệt là các tác phẩm nhìn nhận vấn đề xã hội qua lăng kính phụ nữ ra mắt hàng loạt vào thời điểm này mang lại nhiều điều đáng suy ngẫm. Nếu cho rằng phong trào Me Too đang diễn ra trên thực tế là động thái nhằm phơi bày mức độ bạo lực của cách thức vận hành thế giới lấy nam giới làm trung tâm, thì phim ảnh liên tục thử nghiệm các vấn đề của phụ nữ trong xã hội là minh chứng cho thấy trong thời gian qua, truyền thông đã quá lơ là với việc để công chúng cảm nhận và trải nghiệm mô hình xã hội mà ở đó, phụ nữ là trung tâm.
“Cô Baek” của đạo diễn Lee Ji-won, nhiều lần không đảm bảo được kinh phí sản xuất vì nhân vật chính là phụ nữ. Cuối cùng, bộ phim đã hòa vốn nhờ sự ủng hộ hết lòng từ những khán giả nữ.
Ý nghĩa của “Me Too”
Có thể kể đến một số bộ phim khởi chiếu năm 2018 đề cập đến vấn đề phụ nữ mang tính xã hội như: “Cuộc sống nhỏ bé” (Microhabitat) (đạo diễn Jeon Go-woon - Toàn Cao Vân) đặt ra vấn đề nhà ở và thu nhập của những phụ nữ sống một mình; “Ổ khóa tử thần” (Door Lock) (đạo diễn Lee Kwon - Lý Quyền) kể về nỗi sợ hãi mà phụ nữ sống một mình gặp phải trong cuộc sống hàng ngày; “Chuyện cô ấy” (Her Story) (đạo diễn Min Kyu-dong - Mẫn Khuê Đông) kể về cuộc đấu tranh tại tòa án của cụ bà từng là nô lệ tình dục của quân đội Nhật Bản trong Thế chiến thứ 2; “Cô Baek” (Miss Baek) (đạo diễn Lee Ji-won - Lý Trí Nguyên) là sự đoàn kết của những người phụ nữ đấu tranh chống lại bạo lực vô hình và hữu hình đè nặng trên vai chỉ bởi lý do rằng họ là phụ nữ; “Youngju” (đạo diễn Cha Sung-duk - Xa Thành Đức) đặt ra câu hỏi về khái niệm người trưởng thành trong xã hội từ góc độ của một cô bé tuổi vị thành niên. Từ đó, những câu chuyện về nữ giới đã trở thành một xu hướng rõ rệt trong điện ảnh Hàn Quốc.
Xét về thời điểm những tác phẩm này đã được lên kế hoạch vài năm trước khi công chiếu, có thể thấy rằng đây là kết quả bùng nổ hàng loạt vào cuối thập niên 2010 của sự thức tỉnh về hiện thực rằng hệ thống xã hội mang tính gia
trưởng và hệ lụy là môi trường bạo lực vẫn không hề đổi thay dù nhận thức xã hội đang đổi thay toàn diện.
Cụm từ tạo bởi chỉ hai từ “Me” (tôi) và “Too” (cũng vậy) mang ý nghĩa "Tôi cũng từng bị lạm dụng, sống khổ sở từng ngày mà không thể nói nên lời nhưng giờ đây, tôi sẽ chung tiếng nói với các nạn nhân khác vạch trần sự thật này để sống bằng sức mạnh đoàn kết”. Những tác phẩm với các vấn đề xã hội về nữ giới xuất hiện liên tục 2~3 năm gần đây cũng chung nhận thức này dù không đề cập đến vấn đề bạo lực tình dục.
Đoàn kết và đồng cảm
“Cô Baek” là trường hợp tiêu biểu việc cộng đồng người hâm mộ (fandom) hình thành từ ý thức đoàn kết thăng hoa của khán giả nữ đã tạo ra những phản ứng tích cực. Thời điểm tác phẩm đang công chiếu, người hâm mộ của “Cô Baek” tự gọi mình là “Sseubeakleo” (“Ms.Baek-ler” - những người yêu cô Baek), tìm nhiều cách cổ vũ kể cả việc gửi thư cho đạo diễn. Mục tiêu chung của họ là góp sức để bộ phim vượt điểm hòa vốn. Họ không chỉ đi xem nhiều lần mà còn không ít người mua vé các suất chiếu ít người xem, cùng tham gia phong trào “gửi gắm tấm lòng”.
Tác giả bài viết đã gặp một khán giả nữ ở độ tuổi 20 - người đã xem phim đến năm lần. Cô cho biết: “Tôi thấy không thể để tác phẩm này vụt tắt khi chưa kịp được nhiều khán giả biết đến”, đồng thời rưng rưng nước mắt chia sẻ thêm: “hình ảnh những nhân vật là nạn nhân của bạo hành trong phim đã không than thân trách phận, luôn hướng về phía trước thật sự tuyệt vời”. Nhờ cộng đồng người hâm mộ này mà “Cô Baek” đã vượt qua điểm hòa vốn 700.000 lượt người xem.
Dư luận ủng hộ nhiệt tình cho tác phẩm đề cập đến tổn hại do bạo lực gây ra được hình thành có lẽ cũng vì khán giả đồng lòng với ý nghĩa “Tôi cũng vậy” của phong trào “Me too” đã được nhắc ở trên. Nhân vật nữ chính của bộ phim này đã không ngoảnh mặt trước những đau đớn do bạo hành mà một bé gái phải chịu đựng và bảo vệ cô bé. Bộ phim nhắc nhở chúng ta về những điều người lớn phải làm mà xã hội này đang bỏ qua.
Trong một cuộc phỏng vấn, đạo diễn Lee Ji-won đã cho biết: "Khán giả đồng cảm sâu sắc với cốt truyện hai nhân vật đoàn kết, cứu nhau thoát ra khỏi thế giới giam cầm. Điều này khiến tôi nhận ra rằng họ đã chờ đợi một bộ phim có nữ chính mạnh mẽ trong suốt thời gian dài qua đến dường nào”. Có thể thấy, một điều gì đó tích tụ bấy lâu trong môi trường xã hội bạo lực đã tuôn trào, bất kể đó là nỗi uất hận nghẹn trong lồng ngực hay là nguồn năng lượng dẫn đến sự thay đổi.
Nữ chính trong “Cuộc sống nhỏ bé” (Microhabitat) là mẫu nhân vật kiên quyết duy trì đến cùng sở thích của mình dù đang gặp phải khó khăn về nhà ở và việc làm - nỗi lo chung
1
mà hầu hết thanh niên Hàn Quốc đều đang trải qua. Chuyện bắt đầu từ khi cô không thuê phòng trọ để ở nữa mà dành tiền đó cho việc thưởng thức rượu whisky và thuốc lá vốn là niềm an ủi trong cuộc sống hàng ngày của cô. Bộ phim tạo nên sự đồng cảm khi đưa ra một cách thức duy trì lòng tự trọng của cô gái trẻ ở độ tuổi 20 đang gặp khó khăn về sinh kế như một con người độc lập.
Các nhân vật trong phim này không thương xót chính mình. Trong lúc tự cứu lấy bản thân, họ vẫn không để mất tình bạn, tình người đối với những người xung quanh dù cuộc đời buộc tất cả phải mạnh ai nấy sống. Mạch truyện trong “Cuộc sống bé nhỏ” và “Cô Baek” khá khác nhau, nhưng hai phim có cùng điểm chung là thái độ của nhân vật đối với cuộc sống. Số liệu thống kê cho thấy số người tự tử và điều trị trầm cảm của phụ nữ ở độ tuổi 20 gần đây ở Hàn Quốc tăng đột biến so với nam giới hay các nhóm tuổi khác. Xét điểm này, có thể nhận thấy tiếng nói của bộ phim này có trọng lượng đáng kể trong xã hội.
Đặt vấn đề
Khi nói đến các tác phẩm tiêu biểu cho đề tài xã hội về phụ nữ năm 2019, có thể kể ngay đến “Kim Ji-young sinh năm 1982” (đạo diễn Kim Do-young - Kim Độ Anh). Tiểu thuyết nguyên tác cùng tên xuất bản năm 2016 đã gây không ít tranh cãi và làm dậy sóng dư luận trong xã hội Hàn Quốc. Đứng trước tác phẩm đề cập đến sự phân biệt đối xử thường ngày mà nhân vật chính là một phụ nữ ở độ tuổi 30 phải chịu đựng và nỗi căm ghét phụ nữ ăn sâu trong xã hội này, một bộ phận nam giới phản ứng cho rằng bộ phim đã “phóng đại quá mức” và ngược lại, đa số phụ nữ lại lên tiếng “so với hiện thực thì không hề phóng đại mà đã giảm nhẹ.”
Bên cho rằng bộ phim đã “phóng đại” có khuynh hướng xem các vấn đề tác phẩm nêu lên là chuyện cá nhân và cho rằng chúng là lỗi do thiểu số gây ra mà thôi. Ngược lại, những người nghĩ là bộ phim đã “giảm nhẹ” thì xem đây là vấn đề mang tính cấu trúc bao trùm lên toàn xã hội. Thành công của tiểu thuyết nguyên tác và bộ phim này là đã đặt ra được câu hỏi “Rút cục bên nào là bên giúp ích cho việc giải quyết vấn đề và giúp xã hội tiến bộ thêm bước nữa?”. So với nguyên tác, bộ phim đã nhận được đánh giá tốt của phần lớn khán giả nam bởi cách đặt vấn đề khéo léo và thể hiện tốt vai trò mở rộng cơ sở nhận thức vấn đề.
Năm 2020, phim “Vết loét” (A Bedsore) (đạo diễn Shim Hye-jung) – kể về câu chuyện một lao động nhập cư bất hợp pháp có tên Soo-ok chăm sóc cụ bà nằm liệt giường vì bị xuất huyết não - đã tiếp nối thể loại phim đề cập đến vấn đề xã hội của nữ đạo diễn. Thật trùng hợp khi lúc này là thời điểm lao động thiết yếu của xã hội bao gồm lao động chăm sóc người
Trong phim “Kim Jiyoung sinh năm 1982”, nội dung là một yếu tố quan trọng quyết định chất lượng tác phẩm, nhưng giá trị của tác phẩm còn được phát hiện ở chỗ đã làm nổi bật sự khác biệt về nhận thức giữa nữ giới và nam giới trong xã hội Hàn Quốc.
2
1. Nhân vật chính luôn trong tình trạng thiếu thốn tiền bạc trong "Cuộc sống bé nhỏ", của đạo Jeon Go-woon, đã từ bỏ căn hộ của mình vì không thể từ bỏ sở thích hút thuốc và uống rượu whisky. Bộ phim làm sáng tỏ những giá trị của phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30. 2. “Kim Ji-young: sinh năm 1982” của đạo diễn Kim Do-young, đã khuấy động cuộc tranh luận về phân biệt giới tính bằng cách miêu tả một người phụ nữ bị gia đình và xã hội ép buộc phải nghỉ việc và trở thành một bà mẹ nội trợ.
“Vết loét” do Shim Hye-jung đạo diễn, khám phá chế độ phụ hệ thông qua nhân vật phụ nữ nhập cư làm công việc chăm sóc người bệnh. Phim khiến khán giả suy nghĩ về việc tại sao người ta lại nghĩ việc phụ nữ phải làm công việc ít ai muốn làm là điều hiển nhiên.
bệnh do COVID-19 đang được đặc biệt quan tâm. Điểm mấu chốt trong câu chuyện này là Soo-ok chỉ được nhận mức lương tối thiểu nhưng phải làm toàn bộ việc nhà từ cơm nước cho cụ ông cho đến dọn vệ sinh cả nhà.
Tại sao một số đàn ông thậm chí không thể tự lo cho bữa ăn cho chính mình? Tại sao công việc chăm sóc người bệnh lại là trách nhiệm của phụ nữ? Họ có được trả công thỏa đáng cho công sức đã bỏ ra hay không? Trên thực tế tại Hàn Quốc, không ít đàn ông lớn tuổi không biết cách lo liệu bữa ăn cho bản thân. Khối lượng việc nhà và chăm sóc con cái tăng vọt khi đại dịch COVID 19 hoành hành phần lớn lại về tay phụ nữ. Những ý kiến về công việc chăm sóc người bệnh của lao động nữ và lao động cơ bản của tầng lớp yếu thế trong xã hội bị đẩy lại phía sau cũng là lẽ thường tình bởi chính phủ còn đang dồn sức thiết lập các biện pháp phòng dịch. Thêm vào đó, khi thảm họa ập đến xã hội, những người yếu thế luôn luôn phải chịu thiệt hại đầu tiên, và những người lao động nhập cư trong số đó cũng không ngoại lệ khi phải chịu đựng sự phân biệt đối xử không thể giãi bày trong đại dịch.
Được sản xuất vào năm 2019 trước khi COVID-19 bùng phát, “Vết loét” trở thành phim độc lập được công chiếu đúng thời điểm nhất trong năm qua. Bộ phim đã đặt câu hỏi thật đúng lúc về các vấn đề xảy ra trong xã hội Hàn Quốc, bởi trong thời điểm ấy, các vấn nạn này nhiều đến mức người dân trở nên hờ hững với chúng. Điều này thực hiện được là nhờ đã có nhận thức về các vấn đề xã hội từ quan điểm của phụ nữ thường ngày.
CÂU CHUYỆN VỀ NỮ GIỚI CỦA CÁC NAM ĐẠO DIỄN
Khi câu chuyện về nữ giới tạo nên một làn sóng lớn thì giới tính của đạo diễn giờ đây không còn quan trọng nữa. Các kịch bản với cốt truyện về phụ nữ đang được đầu tư, bất kể đạo diễn là nam hay nữ, và đã tạo ra một bầu không khí mới.
CÔ BÉ BÓNG CHÀY CÔ BÉ BÓNG CHÀY
Bộ phim “Cô bé bóng chày” (Baseball Girl) của đạo diễn Choi Yun-tae (Thôi Doãn Thái) phát hành năm ngoái với vai chính là nữ cầu thủ bóng chày đang nuôi ý định tham gia giải nhà nghề là tác phẩm đặt vấn đề về nhận thức giới tại vị trí “ranh giới”. Là nữ duy nhất trong đội bóng chày của trường trung học phổ thông, nhân vật chính mơ ước được tiếp tục chơi bóng chày trong đội chuyên nghiệp nhưng không có cơ hội bởi cô là nữ. Gia đình và những người xung quanh đều khuyên nhủ từ bỏ bóng chày, nhưng cô bé đáp lại sắc sảo “Làm thế nào để mọi người biết được tương lai của tôi trong khi chính tôi còn chưa biết...?”
BA CHỊ EM BA CHỊ EM
Bộ phim “Ba chị em” (Three Sisters) (đạo diễn Lee Seung Won - Lý Thừa Nguyên) công chiếu đầu năm là một tác phẩm xuất sắc, có thể xem như một phát hiện mới của điện ảnh Hàn Quốc trong năm nay. Ba nhân vật đều trải qua những chấn thương tâm lý và đều đang kiên trì vượt qua nghịch cảnh của mình, và tình chị em thắm thiết của họ đã lay động trái tim của khán giả. Hơn hết, diễn xuất xuất chúng của ba diễn viên (Kim Sunyoung - Kim Thiện Ánh, Moon So-ri - Văn Tố Lợi, Jang Yoon-ju - Trương Doãn Châu) đã khiến khán giả kinh ngạc. Việc các nhà làm phim nữ phát huy năng lực của mình và được công nhận là điều thật đáng mừng vì nhờ họ mà chúng ta có thể thưởng thức các câu chuyện phong phú về nữ giới.
TRĂNG SÁNG MÙA ĐÔNG TRĂNG SÁNG MÙA ĐÔNG
“Trăng sáng mùa đông”, do Lim Dae-hyung đạo diễn, công chiếu lần đầu với tư cách là tác phẩm bế mạc Liên hoan phim quốc tế Busan 2019. Phim đề cập đến chủ đề chưa từng thấy trong điện ảnh Hàn Quốc: chuyện tình lãng mạn giữa những người phụ nữ trung niên. Phim đã nhận được một số giải thưởng dành cho đạo diễn và kịch bản, đồng thời cũng được mời tham dự các liên hoan phim quốc tế, bao gồm cả hạng mục Lăng kính châu Á của Liên hoan phim Đài Bắc 2020.
CHUYỆN CÔ ẤY CHUYỆN CÔ ẤY
“Chuyện cô ấy” (2018) dựa trên cuộc chiến tại tòa án ngoài đời thực giữa “những bà lão bị ép làm nô lệ tình dục” cho quân đội Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai và chính phủ Nhật Bản. Tòa án lần đầu tiên ra phán quyết yêu cầu chính quyền Tokyo phải bồi thường cho các nạn nhân. Tựa đề phim phản ánh sự suy tư của đạo diễn Min Kyudong đối với sự tự tôn và nỗ lực của chính các nạn nhân. Những người hâm mộ của bộ phim, tự xưng mình là “Herstorians”, đã nỗ lực ủng hộ để phim được trình chiếu trên các rạp.
Ổ KHÓA TỬ THẦN Ổ KHÓA TỬ THẦN
“Ổ khóa tử thần” của đạo diễn Lee Kwon, miêu tả sự tổn thương của những người phụ nữ sống một mình. Trong phim, một phụ nữ trẻ đi làm về phát hiện ra rằng nắp khóa cửa tự động căn hộ của cô đã bị ai đó nhấc lên. Phim đã giành được Giải thưởng cho thể loại Kinh dị tại Liên hoan phim Quốc tế Brussels 2019.