7 minute read

ĐIỂM NHÌN VIỆT NAM

Vị thế của nữ diễn viên trong nền điện ảnh Hàn Quốc

Chungmuro fanpage

Trong những năm gần đây, những tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc có nhân vật chính là nữ ngày càng được đánh giá cao về mặt chất lượng, đạt nhiều giải thưởng danh giá cũng như tham gia tranh tài tại nhiều Liên hoan phim lớn nhỏ và tạo nên luồng gió mới cho điện ảnh Hàn Quốc.

# Tỏa sáng giữa những khó khăn về kinh phí sản xuất phim

Ở Hàn Quốc, những nữ diễn viên thường chỉ tìm được cơ hội đóng phim “nữ chủ” (phim lấy nhân vật nữ làm trung tâm) ở dòng phim kinh phí thấp - trung bình hoặc dòng phim nghệ thuật có kinh phí sản xuất không cao. Vượt lên mọi khó khăn từ kinh phí sản xuất phim eo hẹp, rất nhiều nữ diễn viên đã tỏa sáng từ những tác phẩm như vậy. Sân khấu của Giải thưởng điện ảnh Rồng Xanh chính là vũ đài chứng kiến những chiến thắng khiến khán giả nghẹn ngào xúc động. Năm 2014, điện ảnh Hàn Quốc có một “Han Gong Ju” của Chun Woo Hee, nội dung phim xoay quanh số phận bi thương và cuộc đời bế tắc của một cô nữ sinh trung học bị 41 nam sinh cưỡng hiếp tập thể (phim dựa trên một vụ án có thật). Năm 2015, điện ảnh Hàn Quốc có một “Alice in Earnestland” của Lee Jung Hyun, tác phẩm nói về một người phụ nữ khác thường có những hành động cực đoan khi cố gắng thoát khỏi cuộc sống nợ nần chồng chất. Năm 2018, điện ảnh Hàn Quốc có một “Miss Baek” của Han Ji Min, tác phẩm nói về một người phụ nữ mang quá khứ bị bạo hành gia đình, trỗi dậy bản năng làm mẹ khi gặp gỡ một đứa trẻ có hoàn cảnh giống mình năm xưa. Họ đã làm bừng sáng những nhân vật nữ chính đầy góc cạnh trong tác phẩm của mình và mang về giải thưởng diễn xuất danh giá nhất. Những chiến thắng ấy không chỉ mang ý nghĩa công nhận về mặt diễn xuất, mà nó còn góp phần vào sự khẳng định vị thế của dòng phim “không mang tính thương mại” trong vòng xoáy “kim tiền” của nền điện ảnh Hàn Quốc.

#Có những điều kì diệu đã từng xảy ra ở phòng vé Hàn Quốc

Năm 2006, phim điện ảnh “200 Pounds Beauty” của nữ diễn viên Kim Ah Joong xuất sắc mang về thành tích 6,6 triệu vé nhờ câu chuyện cảm động và hài hước về cô gái lột xác nhờ phẫu thuật thẩm mỹ. Năm 2011, tác phẩm điện ảnh “Sunny” gây sốt màn ảnh bởi câu chuyện về một nhóm những cô gái thân thiết với nhau từ thời trung học, trải bao năm tháng, họ tìm gặp và đoàn tụ bên nhau đã mang về thành công thương mại với 7,3 triệu vé. Hay như “Miss Granny” năm 2013 - câu chuyện về một bà lão 70 tuổi bỗng trở về thời son trẻ đôi mươi sau khi bước vào tiệm chụp ảnh Thanh xuân đã xuất sắc cán mốc 8,6 triệu vé và lấy đi nước mắt của biết bao khán giả về hình tượng người phụ nữ vì gia đình mà hy sinh ước mơ và niềm vui của bản thân. Những tác phẩm ấy đã phá vỡ định kiến về việc những tác phẩm lấy phụ nữ làm nhân vật trung tâm khó có thể thành công vang dội về mặt thương mại.

#Nữ giới vẫn có thể trở thành “bảo chứng phòng vé”

Điện ảnh Hàn Quốc thực sự là cuộc chơi của những đấng mày râu khi mà dẫn đầu thứ hạng phòng vé đều là những tên tuổi nam diễn viên. Tuy nhiên, hai nữ diễn viên Kim Hye Soo và Son Ye Jin vẫn mạnh mẽ cạnh tranh lấy những thứ hạng cao trong bảng xếp hạng về “sức mạnh phòng vé” của diễn viên. Phim của họ luôn có một lượng khán giả ổn định xuyên suốt nhiều năm. Doanh thu phòng vé đến từ các tác phẩm có sự góp mặt của Kim Hye Soo đã vượt mốc 50 triệu vé (trung bình 1,45 triệu vé trên một đầu phim), còn Son Ye Jin là 44 triệu vé (trung bình 2,1 triệu vé trên một đầu phim). Kim Hye Soo còn là một trong hai diễn viên hiếm hoi của điện ảnh Hàn Quốc từng ba lần chiến thắng giải thưởng diễn xuất cao quý nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Rồng Xanh.

Những năm gần đây, phim “nữ chủ” cũng dần có được vị thế thương mại tại phòng vé, có thể điểm qua một số cái tên như “The Handmaiden” (phim đề cập tới vấn đề tình yêu

1 2

3

4 5

1. Poster phim "Miss Baek" của Han Ji Min (nguồn ảnh: CJ EMN) 2. Poster phim "Miss Miss Granny" của Shim Eun Kyung (nguồn ảnh: CJ EMN) 3. Diễn viên Son Ye Jin (nguồn ảnh: Lotte Entertainment) 4. Diễn viên Kim Hye Soo (nguồn ảnh: Showbox) 5. Poster phim "Secret Sunshine" của Jeon Do Yeon (nguồn ảnh: CJ EMN) đồng tính nữ và khát khao tự do, hạnh phúc của nữ giới), “Kim Ji Young Born 1982” (phim về đề tài nữ quyền), “The Last Princess” (phim lịch sử về vị công chúa cuối cùng của triều đại Joseon), “The Witch” (phim “siêu anh hùng” về cô gái có sức mạnh dị biệt), “Honest Candidate” (phim hài châm biếm về nữ chính trị gia chuyên nói dối)… Những nữ diễn viên Hàn Quốc tự tin đóng vai trò trung tâm trong các tác phẩm điện ảnh ở mọi thể loại: chính kịch, lịch sử, kinh dị, hài, tình cảm, tâm lý xã hội, giả tưởng,… thậm chí cả thể loại khó nhằn tưởng chừng chỉ dành cho những đấng mày râu như phim hành động (đả nữ Kim Ok Bin với vai diễn ác nữ báo thù trong “The Villainess” hay hình ảnh bà trùm phố Tàu Kim Hye Soo trong “Coin Locker Girl”).

#Diễn viên nữ khẳng định vị trí của điện ảnh Hàn Quốc trên trường quốc tế

Không chỉ ở trong nước, nhiều tên tuổi nữ diễn viên đã góp phần đưa điện ảnh Hàn Quốc vươn tầm quốc tế. Tiêu biểu là Kang Soo Yeon với giải thưởng diễn xuất đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc với vai diễn bi thương về số phận người phụ nữ mang thai hộ thời xã hội phong kiến trong tác phẩm “The Surrogate Woman” tại Liên hoan phim Venice năm 1987. 20 năm sau, Jeon Do Yeon viết tiếp kì tích tại Liên hoan phim Cannes với tác phẩm “Secret Sunshine” (2007) khi trở thành diễn viên châu Á thứ hai sau Trương Mạn Ngọc được vinh danh ở hạng mục diễn xuất danh giá nhất tại Cannes. Tiếp theo là Kim Min Hee tại Liên hoan phim Berlin năm 2017 với vai diễn trong “On the Beach at Night Alone” - một người phụ nữ trăn trở giữa lằn ranh của mối tình ngang trái. Gần đây nhất là giải “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” của Youn Yuhjung, giải thưởng Oscar đầu tiên về diễn xuất mà một diễn viên Hàn Quốc đạt được với vai người bà trong phim “Minari” năm 2021. Ngoài ra, các nữ diễn viên khác như Moon So Ri (Oasis, A Good Lawyer's Wife), Jo Min Soo (Pietà), Han Ye Ri (Minari), Bae Doo Na (A Girl at My Door), Kim Ok Bin (The Villainess)… cũng đã nhận được sự công nhận từ giới phê bình và truyền thông quốc tế; nữ diễn viên trẻ Jeon Jong Seo sẽ “Hollywood tiến” với phim điện ảnh “Mona Lisa and the Blood Moon” của đạo diễn Ana Lily Amirpour (phim vừa lọt vào hạng mục tranh giải chính thức tại Liên hoan phim Venice năm 2021) sau khi nhận giải thưởng “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” chỉ với phim dài thứ hai trong sự nghiệp “The Call” tại Giải thưởng Nghệ thuật Baeksang năm 2021. Khi mà điện ảnh thế giới còn đang mắc kẹt trong câu hỏi làm thế nào để thực hiện “bình đẳng giới” một cách thực sự thay vì bình đẳng theo hạn ngạch thì tại Hàn Quốc, những người phụ nữ dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến, dám hy sinh đang dùng tài hoa và bộ óc sáng tạo của mình để tự khẳng định và định vị vị trí của nữ giới trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc.

This article is from: