12 minute read
BẢO TỒN DI SẢN
© Seo Heun-kang
Xe chỉ tâm hồn, thêu nên trời xanh
Nghệ nhân thêu tay Choi Yoo-hyeon đã sống và làm việc không ngừng với những đường kim mũi chỉ trong hơn 70 năm qua. Bà được công nhận là người đã nâng tầm nghệ thuật thêu của Hàn Quốc với kỹ thuật độc đáo và những tuyệt tác trên nền tranh Phật giáo.
Choi Hye-jung Ký giả tự do Ảnh Ahn Hong-beom Dịch Nguyễn Trung Hiệp
Khi chiêm ngưỡng tác phẩm thêu đẹp và tinh xảo, không ai giấu nổi sự thán phục. Tuy nhiên, ngồi trước khung thêu và tạo ra bức tranh với từng đường kim, mũi chỉ là công việc kỳ công và khá tẻ nhạt, không phải ai cũng làm được. Đặc biệt, so với tranh thêu hiện đại, tranh thêu truyền thống có các công đoạn chế tác phức tạp, kĩ thuật đa dạng và phải thổi được cái hồn vào từng tác phẩm nên không hề dễ dàng.
“Giả như thêu thùa chỉ là công việc vất vả và tẻ nhạt, thì làm sao tôi có thể theo đuổi cả đời? Đối với tôi thêu thùa rất vui và thú vị. Tôi cũng mong muốn khôi phục lại nghề thêu truyền thống đang dần mai một bằng chính đôi tay mình.”
Nghệ nhân thêu tay Choi Yoo-hyeon đã trả lời như vậy trước câu hỏi liệu nghề thêu có khó nhọc với bà hay không.
“Phật Thích Ca Mâu Ni”, một phần của tranh thêu “Tam thế Phật đồ”. 257 × 128 cm. Tơ trên lụa.
Nghệ nhân thêu Choi Yoo-hyeon bắt đầu thử sức với tranh thêu Phật giáo từ giữa những năm 1970. “Tam thế Phật đồ” – gồm ba vị Phật quá khứ (Phật A Di Đà), Phật hiện tại (Phật Thích Ca Mâu Ni) và Phật tương lai (Phật Di Lặc) – mất hơn 10 năm để hoàn thành - là một trong những kiệt tác của bà.
Nghiên cứu sâu bản sắc nghề thêu
“Bây giờ tôi đã hơn 80 tuổi. Khi còn bé, may vá là việc thường nhật. Mỗi gia đình tự may quần áo, tự thêu tay chuẩn bị đồ cưới hỏi. Tôi là con út trong gia đình có bảy anh chị em, mẹ tôi luôn thêu thùa nên tôi bắt chước mẹ một cách tự nhiên. Cơ duyên khiến tôi hứng thú với thêu thùa là khi được khen tác phẩm thêu làm bài tập ở trường lúc 10 tuổi. Có thời điểm tôi thêu hơn 20 tiếng một ngày mà không rời khỏi khung. Tôi tiết kiệm thời gian ăn uống và thậm chí cả thời gian rửa mặt để tập thêu.”
Năm 17 tuổi, bà được gặp bậc thầy nghề thêu thời bấy giờ là nghệ nhân Kwon Su-san, nhờ đó được học kĩ thuật thêu một cách bài bản. Thời điểm bà chính thức bắt đầu vào nghề, nghệ thuật thêu truyền thống Hàn Quốc bước vào giai đoạn thoái trào. Hầu hết các cá nhân tiên phong trong việc phổ biến nghề thêu thời bấy giờ là phụ nữ từng du học Nhật Bản giai đoạn đế quốc Nhật đô hộ. Sau khi về nước, họ dạy thêu kiểu Nhật và tập trung thêu các đồ dùng thường ngày tại Khoa Gia đình của các trường Đại học nữ hay các trường dạy may. Xu hướng này được tiếp tục trong một thời gian dài.
Đầu những năm 1960, nghệ nhân Choi mở trường dạy thêu, bắt đầu nghiên cứu sâu bản sắc nghề thêu truyền thống và nỗ lực khôi phục lại nghề này. Ban đầu bà chỉ dừng ở kĩ thuật thêu hoa văn truyền thống trên các vật dụng hàng ngày như áo gối, đệm ngồi, nhưng dần dà mở rộng sang tranh truyền thống. Đó cũng là khoảng thời gian bà bắt đầu xây dựng thế giới sáng tác của riêng mình bằng cách diễn giải lại những tác phẩm nghệ thuật cổ có giá trị nổi bật.
“Trong nghề thêu, kỹ năng xử lý đường kim và khả năng cảm nhận màu sắc thiên phú là quan trọng, nhưng thiết kế quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác. Bạn không thể tạo ra phong cách của riêng mình chỉ bằng cách bắt chước tác phẩm của người khác. Đó là lý do tại sao tôi lấy gốm truyền thống, tranh sơn thủy, tranh dân gian Hàn Quốc làm cảm hứng cho các mẫu thêu của mình.”
© Seo Heun-kang
Thử thách và thành tựu
Trong bối cảnh văn hóa đặc trưng Hàn Quốc bị xem nhẹ, những nỗ lực của nghệ nhân Choi đã thổi một luồng gió mới, ngày càng nhiều người say mê nghề thêu truyền thống. Những tác phẩm của bà được du khách nước ngoài đặc biệt yêu thích. Tuy nhiên, đặt sự phát triển của nghề thêu lên trên lợi ích kinh tế trước mắt, từ giữa những năm 1970, bà tập trung vào các hoạt động nghiên cứu và triển lãm tác phẩm hơn là bán chúng, đồng thời bắt đầu thử sức với tranh thêu Phật giáo mà bà cho đó chính là sự tổng hòa của các nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc. Trong số đó, “Bát tướng đồ” – thể hiện súc tích tám cảnh trong cuộc đời của Thích Ca Mâu Ni – và “Tam thế Phật đồ” – gồm ba vị Phật quá khứ (Phật A Di Đà), Phật hiện tại (Phật Thích Ca Mâu Ni) và Phật tương lai (Phật Di Lặc) – xứng đáng được gọi là những kiệt tác tiêu biểu cho sự nghiệp thêu thùa hơn bảy thập kỷ của bà. Hai tác phẩm này có sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật truyền thống và sáng tạo, đồng thời sử dụng các chất liệu đa dạng như tơ lụa, bông, len, tơ nhân tạo,... mỗi bức mất hơn 10 năm để hoàn thành.
“Tôi thêu từng mũi với tâm thế thiền định, giống như các nhà sư tận tụy với việc tu hành và tinh tấn. Đặc biệt, khi nhìn thấy bức tranh “Bát tướng đồ” tại chùa Tongdo, tôi đã cầu nguyện suốt 10 năm: “Xin giúp con tái hiện tác phẩm này thành tranh thêu của riêng mình”. Khó khăn lắm mới được nhà chùa đồng ý và bắt đầu thực hiện, nhưng vì thêu tám cảnh, mỗi cảnh cao hơn hai mét nên tôi mất 12 năm để hoàn thành. May mà tôi làm cùng với học trò, nếu một mình chắc sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn nữa.”
Niềm đam mê khác thường và sự kiên trì của bà đã được đền đáp bằng một giải thưởng danh giá. Đó là Giải thưởng Tổng thống tại Triển lãm nghệ thuật thủ công mỹ nghệ truyền thống Hàn Quốc lần thứ 13 năm 1988 với tác phẩm thêu tay tranh mạn-đà-la (một vòng tròn với nhiều hình vẽ phức tạp thể hiện vũ trụ dưới cái nhìn giác ngộ) có tên “Liên hoa tàng thế giới đồ” của chùa Yongmun ở Yecheon. Năm 1996, bà được vinh danh là Nghệ nhân nắm giữ kỹ thuật thêu tay trong hạng mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia số 80. Đây là sự công nhận chính thức rằng bà đã đạt đến trình độ chuyên môn cao nhất.
“Liên hoa tàng thế giới đồ”. 270 x 300 cm. Tơ trên lụa.
Tác phẩm thêu tay tranh mạn-đà-la có tên “Liên hoa tàng thế giới đồ” của chùa Yongmun ở Yecheon, tỉnh Gyeongsangbuk, mang lại Giải thưởng Tổng thống tại Triển lãm nghệ thuật thủ công mỹ nghệ truyền thống Hàn Quốc lần thứ 13 năm 1988 cho nghệ nhân Choi.
"Song lâm niết bàn tướng” tái hiện một trong tám cảnh cuộc đời Đức Phật trong tranh “Bát tướng đồ”. 236 x 152 cm. Tơ trên lụa.
Đây là tác phẩm dựa trên bức “Bát tướng đồ” của chùa Tongdo ở Yangsan, tỉnh Gyeongsangnam, đường thêu rất tinh tế và chân thực. “Bát tướng đồ” thể hiện tám sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật, mỗi cảnh thể hiện một số câu chuyện với sự xuất hiện của nhiều nhân vật.
© Seo He un-ka n g
Bảo tồn và kế thừa
Lịch sử nghề thêu truyền thống Hàn Quốc bắt nguồn từ trước thời Tam Quốc. Đông Di truyện thuộc quyển “Ngụy thư” thứ 30 trong bộ sách “Tam Quốc chí” của Trung Quốc - ghi chép lâu đời nhất về văn hóa Hàn còn tồn tại - chép rằng người Buyeo (Phù Dư) và Goguryeo (Cao Câu Ly) cổ đại mặc quần áo thêu sặc sỡ. Trong triều đại Joseon, tú phòng (buồng thêu) được lập nên trong cung điện để thêu y phục và đồ trang trí của hoàng thất. Trong dân gian, mỗi gia môn đều có phong cách thêu riêng, lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Triết lý nghệ thuật của nghệ nhân Choi có thể được tóm gọn trong bốn chữ: “tâm tuyến thần châm”. Cụm từ này cũng là tên một cuộc triển lãm được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Seoul vào năm 2016, có nghĩa là “thêu nên bầu trời bằng sợi chỉ tâm hồn”.
“Mỗi tác phẩm đều được tạo ra vô cùng tỉ mỉ, từng điểm, từng điểm một. Quá trình lựa chọn một tác phẩm có đủ giá trị lịch sử và nghệ thuật, đồng thời có thể vẽ lại thành tranh, sau đó tạo mẫu thêu không hề đơn giản. Tôi phải vừa tiến hành công việc, vừa hình dung toàn bộ bức tranh trong đầu nên dùng vải và chỉ có chất liệu và màu sắc nào, phối màu như thế nào, sử dụng kỹ thuật thêu nào,... Vì phải điều chỉnh độ dày sợi chỉ theo bố cục và vị trí nên tôi phải trực tiếp xe chỉ, sau đó vô số lần lặp lại quá trình thêu rồi tháo chỉ ra cho đến khi làm được kỹ thuật và màu sắc ưng ý.”
Dẫu vất vả là thế, bà không bao giờ làm qua loa một việc gì. Bà nhấn mạnh những điều căn bản và luôn làm theo cách truyền thống truyền lại cho thế hệ mai sau. Đây cũng là lý do vì sao bà nhận lời giảng dạy với tư cách giáo sư thỉnh giảng tại Viện Văn hóa trang phục Hàn Quốc thuộc Đại học Quốc gia Pusan và dành hết tâm huyết bồi dưỡng lớp sinh viên hậu bối.
“Nhiều người cảm nhận được vẻ đẹp và sự ưu việt của nghệ thuật thêu truyền thống. Nhưng rất ít người sẵn sàng thử theo nghề này. Vô số người bỏ cuộc giữa chừng. Ngay cả khi được đào tạo bài bản, bạn chỉ có thể trở thành một nghệ nhân sau khi trải qua quá trình rèn luyện lâu dài với sự kiên nhẫn bền bỉ. Đó là một con đường đầy chông gai mà hầu hết mọi người không muốn đương đầu.”
Nghệ nhân Choi sắp xuất bản tự truyện “Lịch sử nghề thêu của Choi Yoo-hyeon”, kể lại cuộc đời làm nghề thêu của mình. Sách ghi lại từng giai đoạn của hành trình thay đổi chất liệu sáng tác của bà từ các đồ dùng gia dụng sang tranh dân gian, sau đó là tranh Phật giáo. Bà cũng đang biên soạn tài liệu giảng dạy. Vốn đã phát hành một số tuyển tập có chú giải về hơn 100 tác phẩm, hiện bà có kế hoạch xuất bản một quyển sách trong đó đặt tên và giải thích chi tiết các kỹ thuật
© Seo Heun-kang
“Liêm tử đồ”, một phần của bình phong tám tấm “Hiếu đễ trung tín đồ”. 128 x 51 cm. Tơ trên lụa.
Vào những năm 1960, nghệ nhân Choi bị cuốn hút bởi bản sắc của nghệ thuật thêu truyền thống Hàn Quốc nên bắt đầu tập trung diễn giải lại các bức tranh dân gian, bao gồm cả các bức văn tự đồ.
1
1. Nghệ nhân Choi sử dụng chỉ có màu sắc và chất liệu đa dạng như tơ lụa, bông, len, tơ nhân tạo,... mang lại cảm giác sống động; đồng thời vận dụng các kỹ thuật truyền thống và sáng tạo khi thêu nhằm tạo ra những tác phẩm có độ hoàn hảo cao trên phương diện nghệ thuật. 2. Trong ba năm qua, bà đang thực hiện tác phẩm “Quan Âm Bồ Tát đồ”, dựa trên hình mẫu bức bích họa trong điện Daegwang tại chùa Sinheung ở thành phố Yangsan, tỉnh Gyeongsangnam. Tác phẩm này được thêu trên lụa tím với chỉ vàng, tạo một vẻ đẹp lộng lẫy mà thanh lịch. do bản thân sáng tạo ra. Mặt khác, tác phẩm được mong đợi là kiệt tác cuối cùng trong các kiệt tác - “Quan Âm Bồ Tát đồ” - dựa trên hình mẫu bức bích họa trong điện Daegwang tại chùa Sinheung ở thành phố Yangsan, dự kiến sắp hoàn thành. Tác phẩm này được thêu trên lụa tím với chỉ vàng, nhận được đánh giá đã đạt đến đỉnh cao của sự lộng lẫy, tinh tế. Đây là kiệt tác bà đã dày công tạo ra trong suốt 3 năm qua.
“Có lẽ sẽ rất khó cho tôi thực hiện thêm tác phẩm quy mô lớn thế này nữa trong tương lai. Mắt tôi thâm quầng, thể lực khác xưa nên làm việc 2-3 tiếng là đã thấy quá sức. Bây giờ, tôi cần tập trung vào việc đào tạo học viên hơn là tạo ra các tác phẩm. Nhiệm vụ còn lại của tôi là dành hết tâm sức vào việc giảng dạy và truyền đạt cho học trò nhiều nhất có thể.”
Các tác phẩm của nghệ nhân Choi trong gần nửa thế kỷ qua, cùng hàng trăm tác phẩm thêu truyền thống và hiện đại được bà sưu tầm từ khắp nơi trên đất nước đang được lưu trữ trong kho lưu trữ của Trung tâm Di sản phi vật thể quốc gia ở thành phố Jeonju dưới sự hỗ trợ của Cục Di sản văn hóa Hàn Quốc. Mong ước của bà là một bảo tàng chuyên về tranh thêu sẽ được thành lập vào một ngày không xa, mở đường cho việc bảo quản và trưng bày lâu dài các tác phẩm này.