130
thuyền), hay sự lãng mạn, bay bổng (như mảnh trò tình tự bơi thuyền, mảnh trò giả trang của vua làm người lái buôn và gặp Phương Thảo), hay sự đau xót, tái tê (như mảnh trò cuộc đời người cung nữ) nơi tâm hồn người tiếp nhận. Trong thực tế Kịch nói Việt Nam đang thiếu vắng Bi kịch, sự xuất hiện của Nỗi u sầu đã mang đến cho Kịch nói Việt Nam một luồng gió mới. Cũng giống như nhiều Bi kịch khác của nhân loại, đối thoại trong Nỗi u sầu được viết bằng ngôn ngữ sang trọng, trong sáng. Tác giả đã tìm đến văn chương cổ, để những áng văn chương đó xuất hiện trong hoàn cảnh cụ thể, diễn tả được đầy đủ, sâu sắc tâm lý nhân vật. Nỗi u sầu không hấp dẫn khán giả kiểu như Quẫn của Trần Lực mà thu hút được sự chú ý của tầng lớp trung và cao niên bởi những chiêm nghiệm, những đau đáu, những triết lý nhân sinh về cuộc đời và số phận người phụ nữ cùng những áng văn trác tuyệt. Nỗi u sầu nói riêng, Bi kịch nói chung, sẽ góp phần làm sang trọng cho Kịch nói. Sự xuất hiện của Nỗi u sầu cũng đã góp phần để Kịch nói Việt Nam phát triển đăng đối hơn về thể tài. Việc vận dụng sáng tạo thi pháp thể loại cũng đã được một số nhà viết kịch hiện nay ứng dụng vào tác phẩm của mình và mang đến những cảm xúc mới lạ cho người tiếp nhận. Tiếp thu cách làm kịch của cha ông, nhà viết kịch Xuân Đức đã đưa vào chính kịch của mình nhiều yếu tố hài. Yếu tố hài được ông đưa vào chính kịch không làm trùng tiết tấu kịch, cũng không làm mất yếu tố tập trung của kịch, mà ngược lại, từ cái hài ấy, nhân vật được nhận diện toàn diện và sâu sắc hơn. Nhân vật Phiệt trong Những mặt người thấp thoáng của Xuân Đức với nhiều yếu tố hài xoay quanh nhân vật này cộng với chi tiết mặt người xuất hiện thấp thoáng qua những ô cửa kính là yếu tố hài mang giá trị triết lý. Cũng chính những yếu tố này đã góp phần làm cho tác phẩm hấp dẫn hơn, cuốn hút hơn, đời hơn và mang đến những bất ngờ cho các tình tiết kịch.