87
góp phần không nhỏ vào kết thúc tan nát của Vũ Như Tô. Sự bạo động của đám đông khiến ta nhớ đến những Bi kịch lớn trong lịch sử Bi kịch nhân loại như Juyliut Xeda của Sêchxpia, hay Bôris Gôđunôp của Puskin. Hình thái xung đột thứ hai là xung đột giữa những tính cách với nhau. Nếu nhìn từ điểm nhìn của quần chúng nhân dân thì Vũ Như Tô và Lê Tương Dực là cùng hội cùng thuyền, cùng là những kẻ sa đọa, bóc lột nhân dân đến tận xương tủy. Nhưng nếu nhìn sâu hơn vào bản chất, thì Vũ Như Tô và Lê Tương Dực là những tính cách đối nghịch nhau. Lê Tương Dực là một tên bạo chúa, ăn chơi trác táng, chỉ chăm chăm ăn chơi, hưởng lạc, không chăm lo đến đời sống người dân, chỉ biết áp sưu cao, thuế nặng, bắt dân cống nạp cả sức người lẫn sức của. Vũ Như Tô không như vậy. Ông yêu thương đồng loại của mình. Bằng chứng là, ông đã từng xin cho những phu thợ đã già, đã cống hiến phần lớn tài năng và sức lực của mình cho triều đình được về quê hương bản quán. Chỉ có điều, sau này, vì quá mải mê với khát vọng sáng tạo, với mộng Cửu Trùng đài, mà Vũ Như Tô không chú ý đến hoàn cảnh. Lỗi lầm của Vũ Như Tô là ở đó. Ông vì mải chăm chăm thực hiện dục vọng của mình mà không để ý đến hoàn cảnh bên ngoài. Không biết được dân chúng cơ cực đến thế nào khi nai lưng ra thực hiện ước vọng của ông. Tuy Vũ Như Tô không cố tình đưa nhân dân vào cảnh lầm than, nhưng việc làm của ông đã tiếp tay cho Lê Tương Dực làm điều đó. Cuối cùng, ông đã phải trả giá cho cái lỗi lầm đó của mình. Nếu đứng trên bình diện chính trị, ngay từ đầu, Trịnh Duy Sản không phải là người xấu. Vì không muốn đất nước kiệt quệ, nhân dân lầm than, khổ cực, Trịnh Duy Sản đã nhiều lần can ngăn vua không nên xây Cửu Trùng đài, thậm chí còn muốn giết Vũ Như Tô để trừ hậu họa cho muôn dân. Trịnh Duy Sản tuy không hiểu Vũ Như Tô, không hiểu khát vọng sáng tạo và cống hiến của ông, Trịnh Duy Sản chỉ biết một điều, Vũ Như Tô làm thế là tiếp tay cho thói ăn chơi của vua và lũ cung nữ, Vũ Như