Theo Nguyễn Trọng Sửu (2007) [8]: “DHHT là một hình thức xã hội của dạy học. Trong đó học sinh một lớp được chia thành các nhóm nhỏ, trong khoảng thời gian giới hạn, mỗi nhóm tự lực hoàn thành nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công và hợp tác làm việc. Kết quả làm việc của nhóm được trình bày và đánh giá trước lớp”. Theo Hoàng Công Kiên (2013) [9]: “DHHT là một phương pháp dạy học trong đó mỗi học sinh được học tập trong một hoặc nhiều nhóm có sự hợp tác giữa các thành viên, giữa các nhóm và với sự hướng dẫn của giáo viên để đạt được mục đích chung” Xuất phát từ những quan niệm trên, ta có thể thấy cho dù các tác giả tiếp cận theo góc độ nào thì khi đưa ra quan niệm về DHHT đều có sự thống nhất với nhau ở một số đặc điểm sau: - Trong DHHT, GV là người tổ chức, thiết kế các hoạt động học tập để học sinh tham gia, các hoạt động học tập này có sự “ràng buộc” với nhau. - Các hoạt động học tập của học sinh được tiến hành trong môi trường học tập gồm các nhóm nhỏ. Mỗi thành viên trong nhóm đều phải tích cực suy nghĩ, tham gia vào quá trình học tập của nhóm, cùng bàn bạc, trao đổi, giúp đồng đội hiểu và hoàn thành các nhiệm vụ học tập của nhóm. - Kết quả đạt được của mỗi cá nhân thể hiện qua kết quả đạt được của cả nhóm. Trong luận văn này, chúng tôi quan niệm DHHT: “DHHT là một phương pháp dạy học dưới sự thiết kế, tổ chức và điều khiển của GV gây nên việc học của học sinh thông qua học tập hợp tác, mỗi học sinh sẽ được học tập theo nhóm, có sự hợp tác giữa các thành viên trong nhóm, giữa các nhóm với nhau để đạt được mục đích chung. Kết quả đạt được của mỗi thành viên thể hiện qua kết quả đạt được của cả nhóm”. DHHT là một chiến lược dạy học tích cực, trong đó các thành viên tham gia hoạt động và học tập cùng nhau trong các nhóm nhỏ (mỗi nhóm bao gồm các thành viên có trình độ và khả năng khác nhau) nhằm mục đích phát triển sự hiểu biết và chiếm lĩnh một nội dung học tập nào đó. 1.2.2. Các yếu tố cơ bản của dạy học hợp tác Hợp tác vừa là phương tiện, vừa là mục tiêu dạy học, hoạt động trong giờ dạy học hợp tác bao gồm: Hợp tác giữa các HS trong một nhóm, hợp tác giữa các nhóm và hợp tác giữa HS với GV. 10